1.12.2010
Đây là lần đầu tiên anh Trương Vũ cộng tác với VCV.
Tốt nghiệp MS về vật lý hạt nhân, toán, kỹ sư điện và Doctor of Science về điện ứng dụng trong kỹ thuật không gian, Trương Vũ là một chuyên gia về kỹ thuật xác định quỹ đạo phi thuyền từng làm việc tại trung tâm NASA. Bên cạnh, ông đã làm chủ bút tạp chí Ðối Thoại, đồng chủ biên Tập san Việt học The Vietnam Review và đồng chủ biên tuyển tập The Other Side of Heaven, nxb Curbstone Press, 1995. “Hướng đến tương lai của tuổi trẻ Việt Nam” là quan tâm chính thường được Trương Vũ trình bày trong nhiều tiểu luận bàn đến các vấn đề chính trị, văn hoá, cộng đồng và lịch sử đất nước.
-----------------------------------
Khi một xã hội cần đổi thay và nếu xã hội đó chỉ thiếu một trong hai thứ, phát triển kinh tế và xây dựng dân chủ, thì vấn đề cái gì cần phải có cho xã hội đó không còn là vấn đề lớn, ít nhất trên mặt luận lý. Câu hỏi trở nên gay go khi xã hội đó thiếu cả hai. Câu hỏi sẽ gay go hơn nữa nếu xã hội đó chịu áp lực cấp bách từ bên trong hay bên ngoài, buộc nó phải đổi thay, mà bộ máy quyền lực lại không đủ sức mạnh duy trì quán tính. Ðó là trường hợp của Việt Nam ngày hôm nay, mà thoạt nhìn có vẻ như giống với Liên Sô và Ðông Âu quanh thời điểm 1987, với Trung Quốc khoảng 1980, và với bốn Con Rồng Á Châu (Ðại Hàn, Hồng Kông, Ðài Loan, Tân Gia Ba) vào ba thập niên trước.
Ði sâu vào bản chất, áp lực cũng như điều kiện sẵn có để đổi thay trong trường hợp Việt Nam có rất nhiều khác biệt. Trong khi đó, Việt Nam lại đã có một chọn lựa khá rõ ràng: Phát triển kinh tế theo mô thức thị trường tự do, đồng thời ngăn chặn hay đàn áp những đòi hỏi dân chủ. Sự chọn lựa này tiềm ẩn bốn ý chính: 1. Dân chúng Việt Nam cần thịnh vượng và chưa cần dân chủ; 2. Kinh tế thị trường là mô thức tốt nhất để đạt được thịnh vượng; 3. Xây dựng dân chủ trong lúc này sẽ tạo bất ổn định chính trị và xã hội; 4. Phát triển kinh tế không nhất thiết phải đi đôi với xây dựng dân chủ. Sự chọn lựa này khác với Liên Sô và Ðông Âu, và trên mặt nổi, khá giống với sự chọn lựa của Trung Quốc và các Con Rồng Á Châu trước đây. Một vấn đề được đặt ra, có phải đây là chọn lựa tốt nhất cho đất nước Việt Nam hay không? Nếu không, Việt Nam sẽ chịu những hậu quả nào?
Trước khi đi sâu vào chuyện đúng sai của một chọn lựa cùng những hệ quả của nó, vấn đề then chốt cần được bàn đến trong trường hợp Việt Nam vẫn là việc xác định cho rõ liên hệ giữa phát triển kinh tế và xây dựng dân chủ, một vấn đề đã và sẽ còn được đặt ra với các quốc gia nói trên. Vấn đề tiếp theo là dựa vào những yếu tố đặc thù của Việt Nam để định giá sự lựa chọn này, đồng thời, để đi tìm một hướng đi thích hợp nhất.
Cách nhìn chung
Trong một bài viết mới đây, Irwin Stelzer mở đầu bằng một nhận định: “mặc dầu ít ai nghi ngờ rằng kinh tế và cấu trúc chính trị của xã hội có liên hệ hỗ tương với nhau, xác định bản chất của những liên hệ này lại không phải là điều dễ làm.” Ðặc biệt là, khi trong thực tế, cả thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ kinh tế của một Trung Quốc đang trong tình trạng chuyên chính, đồng thời với sự phá sản kinh tế của một nước Nga trên đà phát triển dân chủ.[1] Bài viết của Stelzer cũng tóm tắt những nhận định khá phổ biến hiện nay về liên hệ giữa dân chủ, tư bản, thị trường tự do, và phát triển kinh tế.
Trước hết, hãy nói về một quan điểm có tính qui ước và bảo thủ. Theo quan điểm này, thị trường tự do là động cơ lớn nhất để phát triển kinh tế, và nhờ tạo dựng một thành phần trung gian sản xuất năng động, khó chấp nhận sự trì trệ và gò bó của chính quyền, cùng với một giai cấp trung lưu thích hưởng thụ hàng hóa lẫn các phương tiện giáo dục và quyền tự do lựa chọn, nó làm cân bằng quyền lực của chính phủ, và do đó buộc chính phủ chấp nhận những định chế dân chủ. Liên hệ này được nhìn thấy khá rõ trong trường hợp của Mỹ và các quốc gia Tây Phương nói chung. Ðặc biệt, mới đây nhất, sự phát triển tư bản bằng kinh tế thị trường ở Chí Lợi, Ðại Hàn, và Ðài Loan cũng đã, trước hết, tạo nên thịnh vượng cho xứ sở, và sau đó, phát triển dân chủ.
Ở Nga và nhiều nước Ðông Âu, tiến trình được thực hiện theo chiều ngược lại. Dân chủ hóa (Glasnost) đi trước, tái cấu trúc kinh tế (Perestroika) theo sau. Nhiều người tin rằng cuối cùng rồi, các quốc gia này cũng sẽ có được tất cả: tư bản, dân chủ, và thịnh vượng.
Thứ tự có thể khác nhau, hai cách nhìn này – một đàng dựa trên hoàn cảnh như của Mỹ và một đàng dựa trên hoàn cảnh như của Nga để kết luận về liên hệ giữa phát triển kinh tế và xây dựng dân chủ – giống nhau và tương đối đơn giản.
Theo nhiều người, vấn đề không đơn giản như vậy.
Cách đây một trăm năm, lợi tức bình quân của Hoa Kỳ thấp hơn lợi tức bình quân của Algeria, Jordan, và Mexico. Thế nhưng, dù vào lúc đó Hoa Kỳ nghèo hơn rất nhiều quốc gia chuyên chính ngày hôm nay, thì rõ ràng là sau khi theo đuổi con đường dân chủ cho đất nước họ, Hoa Kỳ phát triển vượt bực. Ngược lại, Cuba trước đây có mức sống cao hơn nhiều quốc gia khác thuộc Mỹ Châu La Tinh lại chọn con đường xã hội chủ nghĩa chuyên chính của Fidel Castro. Như thế, sự thịnh vượng vật chất có thể là điều mong muốn của rất nhiều người, nhưng vẫn không có gì bảo đảm đó là điều kiện tiên quyết để có được tự do dân chủ. Thêm vào đó, nhìn vào nhiều quốc gia khác ở ngày hôm nay, ta khó tìm ra được một trói buộc rõ ràng giữa phát triển kinh tế và xây dựng dân chủ. Trong rất nhiều trường hợp, có vẻ như có dân chủ chưa chắc đã mang lại thịnh vượng, mà thiếu dân chủ cũng chưa chắc đã mang lại nghèo đói. Dĩ nhiên, bên cạnh đó, rõ ràng là có nhiều quốc gia độc tài rất nghèo và rất nhiều quốc gia dân chủ rất phồn thịnh.
Một điều gần như không ai có thể chối cãi được là điều này: ở những trường hợp đối cực, kinh tế tự do hữu hiệu hơn kinh tế tập trung. Chẳng hạn, kinh tế của Hoa Kỳ hơn hẳn của Nga, Chí Lợi hơn Cuba, Nam Hàn hơn Bắc Hàn, và một Trung Quốc theo kinh tế thị trường phồn thịnh hơn một Trung Quốc áp dụng kinh tế tập trung. Thế nhưng, khi đi vào các trường hợp trung dung, ở đó có trộn lẫn tự do với kiểm soát, dầu chỉ trong lãnh vực kinh tế hay cả trong lãnh vực chính trị, vấn đề mới trở nên phức tạp. Ðã có một thời, cả thế giới ngưỡng mộ chính sách của Nhật Bản trộn lẫn tư doanh với đầu tư của chính phủ, thường được gọi là nền kinh tế thị trường theo chỉ đạo của nhà nước. Thế nhưng, hậu quả thấy rõ hiện nay của một chính sách như vậy là sự cứng nhắc và tham nhũng. Nước Ðức cũng vậy, Ðức từng được xem là mẫu mực của phối hợp công-tư, đặc biệt trong lãnh vực đối xử với lao động. Ngày nay, lao động Ðức cao giá đến độ trong tương lai có thể những chiếc Mercedes nổi tiếng của Ðức buộc phải sản xuất tại Mỹ. Những điều vừa trình bày chứng tỏ là những chính sách trộn lẫn có thể thật hữu hiệu vào một thời điểm nhưng lại vô hiệu hoặc tồi tệ vào một thời điểm khác, cho dù áp dụng trên cùng một quốc gia. Vì vậy mà có nhiều người cho rằng, ở những trường hợp trung dung, gần như chẳng có một trói buộc nào cả giữa phát triển kinh tế với xây dựng dân chủ. Trường hợp phát triển kinh tế của Trung Quốc đã biện minh cho những nhận định này.
Trên đây là tóm lược những cách nhìn phổ quát hiện nay về liên hệ giữa phát triển kinh tế và xây dựng dân chủ như đã được trình bày trong bài viết của Stelzer. Vấn đề cần được đào sâu hơn và cách nhìn liên quan đến những trường hợp trung dung có lẽ nên được điều chỉnh, đặc biệt khi nhìn về trường hợp các nước chưa hay đang phát triển. Ở những trường hợp này, sự phát triển của xã hội chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, và những yếu tố này thay đổi theo thời gian. Một chính sách hay một chọn lựa không thôi không nói lên được gì cả. Thời gian, vị trí địa dư và lịch sử của đất nước đó, cùng với những cái đang có khác như nhân lực và tài lực, là những yếu tố chi phối sự thành công hay thất bại của một chính sách hay một chọn lựa. Trong những tường hợp trung dung, có những yếu tố ngoại tại quan trọng hơn chính sự chọn lựa đó, như trường hợp các nước bị chia đôi trong Chiến Tranh Lạnh. Chính những yếu tố ngoại tại đã tạo nên những sức ép chính trị và nhiều khi còn tạo ra những lợi lộc hay nợ nần tinh thần lẫn vật chất, khiến cho những phát triển không theo tiến trình bình thường dưới cách nhìn quy ước. Thế nhưng, đi sâu vào từng trường hợp của những quốc gia đã nêu, dù là trường hợp thành công hay thất bại, và nếu loại trừ những yếu tố đặc thù của quốc gia đó, người ta vẫn ghi nhận được những trói buộc giữa phát triển kinh tế và xây dựng dân chủ. Nói khác đi, không thể phát triển kinh tế lâu dài mà thiếu dân chủ, cũng như rất khó xây dựng dân chủ khi không có một chính sách phát triển kinh tế hữu hiệu. Những liên hệ này chặt chẽ hay lỏng lẻo tùy theo từng quốc gia, và đặc biệt, tùy thuộc khá nhiều vào những yếu tố ngoại tại. Nói một cách đơn giản, vẫn có một tiến trình vòng tròn: kinh tế tự do mang đến phồn thịnh, phồn thịnh tạo sức ép để có dân chủ hoặc có thêm dân chủ, dân chủ tạo môi trường thuận lợi hơn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những vòng tròn đó chồng chập lên nhau. Trong trường hợp các quốc gia đang phát triển, thật khó để bảo rằng vào một thời điểm nào đó, quốc gia này cần phải bắt đầu một giai đoạn này của tiến trình chớ không phải giai đoạn khác. Cũng như, thật khó để đo được khoảng cách thời gian giữa hai giai đoạn kế tiếp của tiến trình. Nói khác đi, không thể đơn giản hóa vấn đề đến độ có những khẳng định chẳng hạn như: “Hãy làm theo những Con Rồng Á Châu: phát triển kinh tế trước đã, chuyện dân chủ tính sau,” hoặc, “Hãy theo gương Ðông Âu: xây dựng dân chủ trước đã, chuyện kinh tế tính sau.”
Sự thực, có phải những đổi thay trên những đất nước này đã xảy ra một cách đơn giản như vậy hay không? Vì giới hạn của bài viết, ở đây chúng ta sẽ chỉ xét đến trường hợp của vài quốc gia, như Trung Quốc và các Con Rồng Á Châu, tức là những trường hợp mà Việt Nam đã ít nhiều dựa vào đó để chọn lựa một giải pháp cho chính mình.
Trung Quốc và các con rồng Á Châu
Trên mặt nổi, có vẻ như các quốc gia này chỉ chú trọng về phát triển kinh tế. Nhìn sâu hơn, khi nghiên cứu về sự thành công của họ, không ai có thể bỏ quên nhưng yếu tố sau đây:
1) Nhân quyền và sinh hoạt dân chủ của Ðại Hàn, Hồng Kông, Ðài Loan, và Tân Gia Ba, tuy không thể so sánh được với các quốc gia Tây Phương và cũng không phản ảnh trung thực với những điều ghi trong hiến pháp, nhưng rõ ràng là vào lúc họ bắt đầu đổi mới, những điều kiện này đã được phát triển hoặc cải thiện hơn cả điều kiện kinh tế. Trong trường hợp của Ðại Hàn chẳng hạn, hãy nhìn từ lúc Lý Thừa Vãn bắt đầu cầm quyền cho đến khi Phác Chính Hy phát động kế hoạch phát triển kinh tế, nhân quyền và sinh hoạt dân chủ của họ đã tiến một bước dài (Lý Thừa Vãn là người đã khai sinh chế độ Ðại Hàn Dân Quốc của Nam Triều Tiên, buộc phải từ chức Tổng Thống vào tháng Tư 1960 sau nhiều cuộc biểu tình lớn của sinh viên phản đối bầu cử gian lận, cả gia đình Phó Tổng Thống Lý Kỳ Phong tự sát để tạ tội với dân chúng). Tiếp đó, nhân quyền và sinh hoạt dân chủ vẫn tiếp tục được cải thiện. Có một bước tiến dài thấy rõ trên lãnh vực này giữa thời điểm Phác Chính Hy cầm quyền và thời điểm Rho Tai Woo nhường quyền lãnh đạo cho người đối lập chính trị của ông Kim Young Sam. Ngày nay, so với những Con Rồng Á Châu khác, điều kiện dân chủ của Ðại Hàn cao nhất, và kinh tế cùng khả năng kỹ thuật của họ cũng cao nhất.
Trường hợp của Trung Quốc khá đặc biệt. Quốc gia này quá lớn, quá đông dân, phong kiến lại nặng nhất. Rất khó để thay đổi nọa tính của quốc gia này. Thế nhưng, nếu nhìn vào thời điểm Mao Trạch Ðông còn cầm quyền mà nổi bật nhất là thời kỳ Hồng Vệ Binh (bất kỳ ai cũng có thể bị trói dẫn đi hạch tội ngoài đường phố) với thời điểm Ðặng Tiểu Bình bắt đầu phát động Bốn Hiện Ðại Hóa, vẫn thấy được những bước tiến xa về nhân quyền và dân chủ. Những gì xảy ra tiếp theo đó cũng chứng minh được rằng một khi đã phát triển kinh tế, không thể không phát triển dân chủ. Những đòi hỏi về dân chủ luôn luôn đi kèm theo đó, nếu không đáp ứng thích nghi, thế nào cũng hỗn loạn. Không ai có thể quên được biến cố Thiên An Môn. Sở dĩ nó thất bại vì nó mang quá nhiều tính bộc phát, không chuẩn bị, và xảy ra trước khi có sự thay đổi lớn ở Ðông Âu. Yếu tố ngoại lai vào lúc đó không thuận lợi cho nó. Thêm vào đó, kinh nghiệm của Trung Quốc về vụ Hồng Vệ Binh đã cho phép những người cầm quyền đoàn kết với nhau để thẳng tay đàn áp. Về phương diện chính trị, trên một nghĩa nào đó, tương quan già trẻ ở Trung Quốc đôi khi trở thành một tương quan một sống – một chết. Dầu sao thì Trung Quốc cũng đã trả một giá khá cao và đã mất biết bao nhiêu năm để hồi phục. Hiện thời đang có ổn định, nhưng rõ ràng cũng đang có sự thay đổi chiến thuật từ mỗi phía. Khó ai tiên đoán được những gì sẽ xảy ra. Có thể sẽ có một ngày nào đó, sau một hỗn loạn lớn – hay cả trong trường hợp không có hỗn loạn – người dân Trung Quốc chợt nhận ra rằng nếu chính quyền biết xây dựng dân chủ đúng lúc và thích nghi, thì có lẽ không đến nỗi làm tiêu hao bao công trình phát triển kinh tế, mà ngược lại có lẽ đã làm cho kinh tế phát triển mạnh hơn nữa.
2) Phát triển trong hoàn cảnh của Chiến Tranh Lạnh là một lợi thế lớn. Sự đổi mới ở các nước bị chia đôi, các nước đang phát triển, hay các nước thuộc phe Xã Hội Chủ Nghĩa, rất dễ nhận được yểm trợ kinh tế, tài chính, hay kỹ thuật từ phía Tây Phương. Vào thời điểm đó, Tây Phương chưa thắng cuộc chiến nên họ không ràng buộc điều kiện nhân quyền hay dân chủ vào những yểm trợ của họ một cách khắt khe như ngày nay. Ngày nay, về lãnh vực này, Trung Quốc hơn hẳn mười năm trước đây, vậy mà để tiếp tục được hưởng điều kiện Tối Huệ Quốc của Hoa Kỳ, Trung Quốc vất vả hơn nhiều. Thêm vào đó, áp lực dân chủ về phía người dân trong thời kỳ có đe dọa về chiến tranh thường nhẹ hơn là sau khi những đe dọa này không còn nữa. Trong những trường hợp đó, người dân thường tự chế hơn và chấp nhận hy sinh nhiều hơn.
3) Kế hoạch phát triển được nghiên cứu kỹ lưỡng, bao gồm những chuẩn bị cần thiết cho phát triển như huấn luyện kỹ thuật, quản trị, những chương trình an sinh xã hội, những chiến thuật mời gọi đầu tư, luật lệ đầu tư, những tiên đoán nặng tính khoa học v.v… Ðặc biệt, chính sách đầu tư khôn ngoan và uyển chuyển để vừa hấp dẫn đầu tư, vừa tránh được sự chi phối của tư bản ngoại quốc. Quan trọng nhất là kế hoạch phát triển kỹ thuật và thương mãi để đưa sản phẩm của họ cạnh tranh với các nước lớn trên thị trường quốc tế với lợi thế của nước đang mở mang.
4) Có hệ thống giáo dục vững và một đội ngũ chuyên viên trình độ cao. Về phương diện này, Tân Gia Ba hay Hồng Kông được hưởng nhiều từ những xây dựng giáo dục của truyền thống Anh Quốc. Ðài Loan và Ðại Hàn thì do từ chính truyền thống của họ, cộng thêm ảnh hưởng hay đóng góp từ phía Nhật Bản và Hoa Kỳ (trước Ðệ Nhị Thế Chiến, người Nhật đã xây dựng ở Ðài Loan một Viện Ðại Học rất lớn với tiêu chuẩn giảng dạy cao). Ðại Hàn có rất nhiều đại học tư theo mô thức Hoa Kỳ, và khi bắt đầu phát triển kinh tế, số chuyên viên của họ thừa thãi. Trước đó, vào 1960, quân đội Ðại Hàn phải thành lập riêng một sư đoàn để nuôi ăn những chuyên viên thất nghiệp, thường được gọi tên “Sư Ðoàn Mười Lăm Ngàn Nhà Trí Thức.” Trên một nghĩa nào đó, trước khi dồn nỗ lực phát triển kinh tế, người dân ở đây, dù trong hoàn cảnh của một nước bị chia đôi, đã được hưởng rất nhiều thứ như dân chủ và giáo dục ở một mức độ không cân bằng với nền kinh tế còn èo uột của họ.
5) Có sự đồng thuận giữa chính quyền và dân chúng trong kế hoạch phát triển. Ðiều này được nhìn thấy rõ ràng nhất trong trường hợp của Tân Gia Ba. Ðất nước nhỏ bé này gồm đa số là một cộng đồng người Hoa sống giữa vùng đất Mã Lai hoàn toàn khác lạ về văn hóa và không tương nhượng. Tân Gia Ba đã bị đuổi ra khỏi Liên Bang Mã Lai Á vào 1965. Từ đó, nhu cầu tồn tại của họ rất lớn, kể cả nhu cầu bảo vệ văn hóa, tập quán, cùng những giá trị gia đình không tách rời những ý niệm về hạnh phúc của họ. Kế hoạch phát triển kinh tế, kỹ thuật, giáo dục, xã hội, hoàn toàn đáp ứng với ước vọng của dân chúng. Sự tham dự của người dân vào nỗ lực chung là do sự đồng thuận này. Nó tạo nên sự hứng khởi cùng với tinh thần kỷ luật. Thật ra, đấy là một hình thức của dân chủ, và sinh hoạt dân chủ của Tân Gia Ba hiện thời có thể khác với Tây Phương, nhưng không thể bảo là không có, cũng không thể bảo là không phát triển trong thời gian bùng nổ kinh tế của họ.
6) Không có tham nhũng, hay có quá ít tham nhũng để trở thành một quốc nạn. Hay, tham nhũng đã không xảy ra vào thời kỳ đầu và giữa của sự phát triển.
7) Lãnh đạo có quyền lực, có lý tưởng, có viễn kiến, có hiểu biết sâu rộng về thế giới, có đam mê đổi mới, có khả năng quản trị đất nước, và đặc biệt, có can đảm nói và làm khác với quá khứ, nhất là một quá khứ đã đem lại nhiều sai lầm. Về điểm này, mỗi người có thể thích hay không thích, nhưng khó ai có thể phủ nhận những khả năng cùng những đức tính như vậy nơi các ông Lý Quang Diệu, Phác Chính Hy, Ðặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, mỗi lãnh tụ vẫn chỉ có một thời, và sự hiểu biết của ông ta về thế giới, về dân chúng, về quản trị đất nước không phải lúc nào cũng đúng. Do đó, lúc nào cũng cần có đổi mới, đặc biệt là về nhân sự. Cái may mắn của Ðại Hàn là họ có một Phác Chính Hy rất khắc kỷ, thích hợp cho giai đoạn đầu của họ trong một khung cảnh rất đặc biệt của họ, nhưng đồng thời lại cũng có được một Rho Tai Woo hài hòa, uyển chuyển, thích hợp cho giai đoạn sau. Một thảm kịch nhưng lại cũng là điều may lớn khác cho dân tộc Triều Tiên là người phụ tá tâm phúc của Phác Chính Hy đã phải bắn chết ông ta sau khi hoàn toàn không thuyết phục nổi vị lãnh tụ này thay đổi cách nhìn cứng nhắc và độc đoán của ông trong một đất nước đã hoàn toàn đổi thay. Người phụ tá, cũng là một tướng lãnh, đã nhận hết trách nhiệm về mình và chấp nhận bị xử tử. Ngày nay, mọi người còn tiếp tục nhìn thấy được sự phát triển của Ðại Hàn, trong lãnh vực kinh tế, lẫn sinh hoạt dân chủ, và kể cả tương lai chính trị của họ trong phần nửa đất nước ở phía Bắc. Tương lai của Trung Quốc sau khi Ðặng Tiểu Bình – năm nay 90 tuổi – sẽ qua đời, là một điều đang còn được bàn cãi rất nhiều. Trường hợp của Tân Gia Ba có thể sẽ tương tự như vậy nếu Lý Quang Diệu không rút lui đúng lúc. Ðọc bài trả lời phỏng vấn của ông do Fareed Zakaria thực hiện, thấy nhiều điều nhận xét của ông về thế giới ngày nay hay trong tương lai, cũng như một số quan điểm của ông về nhân sinh cho chính dân tộc ông, rất khó thuyết phục.[2] Có những cái nhìn rất lỗi thời. Giả thử với những quan niệm và phương thức như vậy mà ông mới bắt đầu chương trình phát triển cho đất nước ông vào hôm nay, rất khó có ai tin rằng ông sẽ thành công như ông đã thành công. Thế nhưng, tính lý tưởng, lòng đam mê làm đẹp đời sống của dân tộc ông theo một phương cách phù hợp với hoàn cảnh riêng của dân tộc ông, không vay mượn mù quáng từ một ông Marx hay ông Tây nào đó thì vẫn luôn tràn đầy. Không thể nào không dành cho ông một sự ngưỡng mộ đặc biệt.
Trường hợp VIỆT NAM
Không giống như Trung Quốc, Ðại Hàn, Tân Gia Ba, Hồng Kông, Ðài Loan, lãnh đạo ở Việt Nam không tự mình nhận thấy có nhu cầu đổi mới để quyết định đổi mới cho đất nước mình, mà hoàn toàn chịu ảnh hưởng từ chính sách đổi mới của Liên Sô, được xem như một chính sách chung cho các nước trong khối Xã Hội Chủ Nghĩa vào lúc đó. Thế nhưng, Việt Nam lại không dám đổi mới thật sự, mặc dầu có điều kiện để mạnh dạn hơn Ðông Âu. Thái độ thiếu mạnh dạn đó phát xuất từ một nguyên nhân sâu xa và thật nguy hiểm. Tập thể lãnh đạo ở Việt Nam đã đầu tư tâm trí và tình cảm quá nhiều vào chủ nghĩa Marx-Lenin (thông qua Stalin) và vào khả năng lãnh đạo thế giới của Liên Sô, có vẻ như hơn cả chính Liên Sô. Thế nên, sau khi Liên Sô đã chấp nhận sai lầm rồi tự hủy, Việt Nam chấp nhận thực tế đó một cách chua chát rồi tỏ ra cương quyết duy trì bản hiến pháp cũ với cùng một cung cách cai trị độc tôn của đảng Cộng Sản Việt Nam. Về phương diện chính trị, nọa tính của Việt Nam lớn hơn cả Trung Quốc.
Trong một đất nước “công an trị,” người dân không thấy có tương lai chính trị lẫn kinh tế, cho nên khi các sinh hoạt kinh tế được nới lỏng, người dân tìm được sự hứng khởi. Lâu nay, chính sách ruộng đất của chế độ áp đặt lên nông dân khiến họ không muốn làm việc nên mức sản xuất lúa gạo kém, ngày nay chính sách đó được nới lỏng, nông dân được tự do làm việc theo cách của họ, cách cũ của họ, và Việt Nam liền đứng vào hàng thứ nhì trên thế giới về sản xuất lúa gạo. Cái khả năng của nông dân Việt Nam tự quyết định phải làm cái gì đúng cho họ và cho đất nước mà không cần có sự hướng dẫn của nhà nước – nhất là một hướng dẫn sai lầm – lại vẫn chưa được thừa nhận như họ đã trưởng thành để hưởng một không khí dân chủ căn bản. Chỉ có sự hứng khởi của họ được thừa nhận và thừa nhận như để chứng minh là lãnh đạo đã làm đúng chính sách. Một chính sách rất đơn giản: phát triển kinh tế trước đã. Có vẻ như là phát triển kinh tế theo mô thức thị trường, nhưng sự thực như thế nào lại vẫn là điều cần bàn đến. Thực tế là ngoài sản xuất lúa gạo và dầu hỏa (chưa thể được xem là nguồn lợi chính của quốc gia), Việt Nam đang bán tài sản, đất đai, hoặc tung những đồng Mỹ kim và vàng bạc để dành lâu nay ra tiêu xài. Cũng nhờ đó và nhờ số Mỹ kim rất lớn mà người Việt ở hải ngoại gởi hoặc mang về trong nước mà lạm phát không tăng. Thế nhưng, cái quan trọng nhất để cạnh tranh nơi thị trường tự do là sản phẩm của đầu óc, như sản phẩm về kỹ thuật cấp cao, thì Việt Nam chưa có, và cũng chẳng có gì bảo đảm là Việt Nam sẽ có trong một tương lai gần để tranh với Ðại Hàn, Tân Gia Ba, Hồng Kồng, Ðài Loan. Có một vấn đề nan giải ở đây: làm sao người ta có thể tự do phát triển khả năng của trí tuệ trong khi chỉ được phép tìm thấy những khuyết điểm của một máy vi tính vừa mới phát minh nhưng đồng thời lại không được phép nhìn thấy những sai lầm trầm trọng của một guồng máy chính trị khổng lồ và lỗi thời?
Trở lại vấn đề phát triển kinh tế hiện nay tại Việt Nam. Người ta đang nói nhiều đến mô thức phát triển của Á Châu, mà ngầm hiểu rằng những vấn đề như nhân quyền hay dân chủ ở Á Châu không nhất thiết phải giống như của Tây Phương. Ðiều đó có thể đúng mặc dầu trên thực tế có nhiều trường hợp rất khó chứng minh. Chẳng hạn, quốc gia ở Á Châu phát triển mạnh nhất là Nhật Bản, mà ở Nhật Bản, hơn một trăm năm trước, khi Minh Trị Thiên Hoàng quyết định đổi mới, ông hủy bỏ hoàn toàn mô thức chính quyền phong kiến cũ và xây dựng một triều đại rất giống với mô thức của các triều đại Âu Châu vào thời kỳ đó, kể cả cách ăn mặc. Sau thế chiến thứ hai, bản Hiến Pháp của Nhật do người Mỹ viết và sinh hoạt dân chủ ở Nhật không khác gì các sinh hoạt dân chủ của Tây Phương. Nhật Bản đã hồi phục từ một đám tro tàn và vươn mình lên như một phép lạ. Mấy ai có thể tách rời những thành công này của họ ra khỏi cấu trúc chính trị của đất nước họ, một cấu trúc hoàn loàn theo mô thức dân chủ Tây Phương. Có lẽ cần phải đặt lại vấn đề này: truyền thống và tâm thức của một dân tộc không nên được lẫn lộn với mô thức chính trị của đất nước họ. Ở Nhật, cấu trúc chính trị không hề là của họ, không mang bất cứ một dấu vết nào của những sinh hoạt Samourai rất đặc thù của họ, thế nhưng, truyền thống và tâm thức vẫn là truyền thống và tâm thức của người Nhật. Ngày nay, dù có thay đổi đi nhiều, người Nhật vẫn giữ truyền thống của mình hơn bất cứ một dân tộc nào khác ở Á Châu. Họ sống với truyền thống và không lạm dụng truyền thống, và nhờ dựa vào những sinh hoạt dân chủ không là truyền thống của họ mà họ đã ngăn chận được những lạm quyền mà thế giới đã chứng kiến trên đất nước họ những ngày gần đây.
Ngày nay, người ta cũng ghi nhận thêm sự phát triển đầy thán phục của một số nước Á Châu khác và gọi đó là những Con Rồng. Việt Nam cũng chấp nhận sự thành công này và Việt Nam cũng nói đến những điểm khác biệt với Tây Phương trong những quan niệm về nhân quyền và dân chủ. Ðiều cần nói lên ở đây là trong trường hợp các Con Rồng Á Châu, “khác biệt” không có nghĩa là “không có,” và càng không có nghĩa là người dân không muốn hưởng những quyền lợi đó. Ðiều đáng nói hơn nữa là, khi xét đến những yếu tố thành công của những quốc gia này, kể cả Trung Quốc, thì Việt Nam hiện nay hầu như không có được yếu tố nào cả trong số những yếu tố đã tạo nên sự thành công của họ khi họ bắt đầu phát triển kinh tế. Chẳng hạn, không có những sinh hoạt dân chủ căn bản như ở Ðại Hàn cách đây gần bốn mươi năm. Không có kế hoạch phát triển được nghiên cứu kỹ lưỡng. Không ai biết hai năm nữa Việt Nam sẽ làm gì, ba năm nữa sẽ làm gì. Không có kế hoạch ngăn chặn sự chi phối của tư bản ngoại quốc. Ngược lại, những kế hoạch có tính giải quyết vội vã như cho thuê đất dài hạn đang tạo nên những hậu quả khó lường. Không có một hệ thống giáo dục vững cùng với một đội ngũ chuyên viên có trình độ cao, ngược lại, tình trạng của giáo dục mỗi ngày mỗi xuống cấp. Không có sự đồng thuận giữa chính quyền và dân chúng trong kế hoạch phát triển. Kinh tế phát triển mạnh ở các tỉnh phía Nam ngoài ý muốn của chính quyền trung ương. Tình trạng sứ quân và tham nhũng đang là một quốc nạn, mà đến nay hình như chẳng ai muốn giải quyết cũng như có khả năng để giải quyết. Trong một hoàn cảnh khó khăn như vậy, Việt Nam lại không có một lãnh tụ có quyền lực nhưng đồng thời có lý tưởng, có viễn kiến, có đam mê thay đổi, có can đảm nói thật, v.v… như các ông Lý Quang Diệu, Phác Chính Hy, Ðặng Tiểu Bình.
Mặt khác, Việt Nam có được một số lợi thế hơn các quốc gia nói trên để có thể xây dựng dân chủ song song với phát triển kinh tế trong một môi trường thuận lợi hơn, mà vẫn dễ dàng giữ được ổn định chính trị. Lợi thế lớn nhất là các thành phần phản kháng chính trị quan trọng đều đã ra khỏi nước. Trong số này, những thành phần cực đoan nhất thì lại rất giống các đối thủ cực đoan của họ ở trong nước về phương diện suy nghĩ lỗi thời, về ham thích khẩu hiệu, và nhất là sự thiếu can đảm nói thật và chấp nhận lỗi lầm, do đó không thể nào có khả năng thuyết phục được đồng bào của họ tạo nên một sức ép chính trị đối với Việt Nam. Thực tế, chính họ không thuyết phục được lẫn nhau. Lợi thế thứ hai là lòng thương yêu gia đình, bè bạn rất đặc thù của Việt Nam từ phía những người Việt ở nước ngoài, cùng với tính dễ quên của họ về chính trị. Theo con số chính thức, tiền của họ mang về cho Việt Nam ước tính là một tỷ Mỹ kim cho năm 1994. Trên thực tế số tiền này lớn hơn nhiều vì ít có người Việt nào khi về đến sân bay chịu khai thật với hải quan về số tiền họ mang theo trong người. Lợi thế thứ ba là lực lượng hùng hậu về chuyên viên kỹ thuật Việt Nam được đào tạo và có kinh nghiệm làm việc ở các nước tiên tiến. Mặc dầu sử dụng được số chuyên viên này không phải là điều đơn giản, tiềm năng đóng góp của họ vào việc phát triển cho Việt Nam vẫn vô cùng lớn. Có một điều chắc chắn là khi đã quen làm việc trong một không khí tự do với những đối xử nặng tính chuyên môn hơn chính trị, sẽ rất khó để họ chịu hy sinh và gian khổ để phục vụ ở Việt Nam trong một môi trường thiếu dân chủ, trong khi sự ràng buộc tình cảm của họ với Việt Nam không chặt chẽ như cha anh họ.
Tóm lại, với những lợi thế vừa kể, Việt Nam vẫn có thể trở thành một Con Rồng Á Châu khác, một cách nhanh hơn. Nhưng, chỉ với điều kiện, Việt Nam phải tạo cho mình những “yếu tố bắt đầu” tương đương với những yếu tố mà trước đây những quốc gia như Ðại Hàn đã có được, như đã phân tích trên đây. Quan trọng nhất vẫn là yếu tố DÂN CHỦ. Ðó chưa phải là điều kiện đủ, nhưng đó là điều kiện ắt phải có.
Với những cái đang có của Việt Nam ở ngày nay, thật khó hình dung được hình ảnh của Việt Nam như một Con Rồng. Vì thiếu những điều kiện căn bản về dân chủ, liên hệ giữa người dân và người cầm quyền không là một liên hệ tin tưởng và đồng thuận. Người dân sẽ không có một chút mặc cảm nào nếu phải mánh mung hay lấy của công để làm giàu cho cá nhân mình. Nạn sứ quân và tham nhũng xuất hiện tức thì và tràn lan, chớ không cần phải đợi cho đến khi nền kinh tế lên đến mức độ cao như thường thấy ở nhiều quốc gia khác. Ngay ở giai đoạn đầu, tham nhũng đã trở thành một điều không cần phải che đậy và cũng chẳng biết làm sao để giải quyết. Rất may là có nhiều người ý thức được cái bất ổn của tương lai nên có khuynh hướng quay về bảo vệ những giá trị truyền thống. Thế nhưng, những giá trị cần bảo vệ thường không vượt qua khỏi ngưỡng cửa gia đình. Có một thái độ lạ lùng nhưng gần như được công khai chấp nhận: cứ làm ăn, nếu cần cứ mánh mung, cứ tham nhũng, nhưng đừng làm chính trị, vô cùng nguy hiểm. Chỉ có một nguyên do để cắt nghĩa thái độ lạ lùng trên: người dân tin chắc mình không có chỗ trong đời sống chính trị của đất nước, do đó không việc gì phải quan tâm đến sự thăng trầm của nó và càng không việc gì phải trung thành với guồng máy chính trị trên đất nước mình. Với một tâm thức chung như vậy, thật khó để tiên đoán những gì sẽ xảy ra cho Việt Nam, nhưng chắc chắn, nếu cứ tiếp tục như thế này, phải là kẻ bất bình thường lắm mới tin rằng Việt Nam sẽ trở thành một Con Rồng Á Châu khác.
Trên mặt nổi của xã hội, Việt Nam đang có một không khí hứng khởi. Rất nhiều hàng hóa và tiền bạc của tư bản ngoại quốc đang đổ vào Việt Nam. Người dân có nhiều tiền hơn để tiêu và nhiều hàng hóa hơn để hưởng thụ. Thế nhưng, Việt Nam chưa dùng được tiền bạc của ngoại quốc cùng với tiền bạc riêng của mình để đuổi kịp thế giới, để tranh ngược lại với thế giới. Sự hứng khởi không đồng nghĩa với phát triển. Và, không biết sự hứng khởi này sẽ kéo dài được bao lâu sau khi những tư bản từ Hồng Kông, Ðài Loan, Ðại Hàn, v.v… bắt đầu tính sổ nợ và bắt đầu thâu về cả vốn lẫn rất nhiều lời?
Thảm kịch của Việt Nam vẫn chỉ do một nguyên nhân lớn nhất: không ai thích chia quyền với người khác. Thực tế của Việt Nam, ngược lại, đòi hỏi sự chia quyền một cách công bình, có nghĩa là, phải có Dân Chủ. Thiếu nó, sẽ mất tất cả, đừng nói chi đến chuyện phát triển kinh tế. Không ai đòi hỏi phải có Dân Chủ ngay ngày mai, nhưng ít nhất chính quyền Việt Nam phải làm được điều mà trước đây nhà độc tài Pinochet của Chí Lợi đã làm. Có nghĩa là, có một lịch trình thực hiện dân chủ, tôn trọng lịch trình đó cùng những kết quả của nó. Như mọi người đều biết, Pinochet đã ra tranh cử, đã thất cử, và chấp nhận sự thất cử. Thái độ đó đã mang lại cho ông sự kính trọng cùng với sự an toàn, cho tập thể của ông và cả đất nước ông. Ở nhiều nơi khác trên thế giới, những chuyện tương tự đã xảy ra và nhiều người Cộng Sản cũ đã thắng cũng như đã thua trong các cuộc bầu cử tự do.
Kết luận
Liên hệ giữa phát triển kinh tế và xây dựng (cùng phát triển) dân chủ trên một quốc gia không phải là một liên hệ bất biến, càng không phải là một liên hệ luôn luôn được nhận diện dễ dàng. Thế nhưng, khi nhìn kỹ các trường hợp phát triển kinh tế nhanh nhất ở Á Châu, liên hệ này thấy rõ. Việt Nam không thể là một ngoại lệ. Ngược lại, liên hệ đó càng phải chặt chẽ hơn vì sự phát triển của Việt Nam chỉ bắt đầu sau kết thúc của Chiến Tranh Lạnh, trong thời đại của bùng nổ truyền thông, và Việt Nam có một nửa đất nước đã từng hưởng ít nhiều các sinh hoạt dân chủ. Trong khi đó, lãnh đạo Việt Nam lại nhìn về các khủng hoảng hiện nay ở Nga và Ðông Âu như một cảnh giác cho dầu rằng đây là hậu quả của sự phá sản kinh tế do kéo dài tình trạng chuyên chính quá lâu chớ không phải do xây dựng dân chủ quá sớm. Dầu gì đi nữa, Việt Nam vẫn cố gắng đi tìm một mô thức khác để phát triển, hay đúng ra, để giải quyết khủng hoảng mà không phải xây dựng dân chủ.
Lý Quang Diệu được mời sang góp ý. Không biết kinh nghiệm riêng của ông đối với Tân Gia Ba của ba mươi năm trước sẽ giúp được gì cho Việt Nam? Riêng về thực trạng của Việt Nam, ông đã đưa ra một nhận xét chua xót khi trả lời phỏng vấn của Fareed Zakaria: “Hãy đến thăm Cambodia và Việt Nam, thế giới đã qua mặt họ.” Khi nói câu đó, chắc ông không chỉ ngụ ý về sự nghèo đói vì, trên thực tế, hiện thời Việt Nam không thiếu gạo để ăn. Ông phải liên tưởng đến những gì khác, sâu đậm hơn, như tâm thức, như quán tính, như cấu trúc chính trị. Ðặc biệt là cấu trúc chính trị. Nó liên hệ đến một lựa chọn sống chết của ông và của dân tộc ông ba mươi năm trước đây. Lúc đó, Tân Gia Ba phải dồn mọi nỗ lực để phát triển và đặc biệt, để tồn tại sau khi bị loại khỏi Mã Lai Á. Là cựu thuộc địa của Anh, Tân Gia Ba lại không chọn một cấu trúc chính trị hoàn toàn mô phỏng theo Tây Phương. Thế nhưng, với một dân số chỉ một triệu vào lúc đó, họ chống trả mãnh liệt và triệt hạ hoàn toàn mọi áp lực chính trị từ Trung Quốc, muốn biến Tân Gia Ba thành một quốc gia có cùng cấu trúc chính trị với nước mẹ. Như mọi người đều biết, ba mươi năm qua Tân Gia Ba phát triển vượt bực. Cấu trúc chính trị mà Tân Gia Ba quyết liệt từ chối lại chính là cấu trúc chính trị mà Việt Nam đã chọn và đang tìm mọi cách để không phải thay đổi. Không mấy ai biết là bên trong, Lý Quang Diệu đã góp ý với Việt Nam như thế nào. Thế nhưng, một cách công khai, Lý Quang Diệu khuyên các dân tộc Á Châu nên nhìn về Nhật Bản để biết mình đang ở đâu. Mà ở Nhật Bản, như đã trình bày trên đây, cấu trúc chính trị của họ là một cấu trúc hoàn toàn Tây Phương. Ở đó, chỉ năm năm sau, từ những bãi tha ma của Hiroshima và Nagasaki, dân tộc Nhật vươn mình dậy với cả sức mạnh kinh tế lẫn dân chủ.
Ở Việt Nam, hai mươi năm sau cuộc chiến, nghe Lý Quang Diệu từ Tân Gia Ba mời gọi: “Hãy đến thăm Cambodia và Việt Nam, thế giới đã qua mặt họ.” Ai không thấy xót xa với một câu nói như vậy?./.
Virginia, tháng 9-1994
[1] Irvin Slelzer, “A Question of Linkage: Capitalism, Prosperity, Democracy…,” The National lnterest, Spring 1994.
[2] Fareed Zakaria, “Văn Hóa Là Vận Mệnh: Một Cuộc Ðàm Ðạo Với Lý Quang Diệu,” Ðối Thoại, Tháng 8/1994 (Số 3). Nguyễn Lộc lược dịch từ tập san Foreign Affairs, Mar/April 1994.
.
.
.
No comments:
Post a Comment