Friday, December 17, 2010

LÀM NHÀ BÁO HAY "THƯƠNG VAY KHÓC MƯỚN" (Tạp Chí PHÍA TRƯỚC)


Ngọc Cầm & Thái Sơn
phiatruoc số 40
Tháng Mười Hai 17, 2010

iỞ Việt Nam, không biết từ bao giờ đã hình thành một cái nghề hi hữu có tên…“thương vay khóc mướn”. Điều hi hữu hơn nữa là cũng không biết từ bao giờ, vô hình chung nghề này lan tỏa tới cả giới truyền thông – báo chí. Bên cạnh một số ít chương trình, những bài viết có chất lượng, đa số trên mặt báo vẫn nhan nhản những bài viết có tính chất “ôn nghèo kể khổ”, “thương thân trách phận” hộ cho nạn nhân một cách thái quá, khiến người đọc phản cảm vì tính chất khai thác bi kịch của người khác để kiếm sống bằng con chữ.

Nghề báo “thương vay khóc mướn” này cũng muôn hình nhiều vẻ – và cũng không hiểu tại sao họ làm như vậy – nhưng liệu có thể đổ cho “biện pháp nghề nghiệp để thu hút độc giả” chăng?

Chuyện nhỏ hóa to, chuyện to hóa thành… bi kịch
Giữa thời đại thông tin ngày nay, các tờ báo và kênh truyền hình mọc như cỏ dại, nhưng những sự kiện để có thể khai thác thì lại không nhiều! Chắc hẳn nhiều bạn đọc sẽ thắc mắc rằng tại sao giữa một xã hội bất ổn định như vậy lại có thể rơi vào tình trạng đói khát thông tin. Điều này rất dễ hiểu, mặc dù rất nhiều sự kiện lớn đáng để bình luận như vụ Hoàng Sa – Trường Sa hay dự án bauxite Tây Nguyên, hoặc việc ông này tham nhũng, bà kia buôn bán trái phép…v…v… – thì cơ may lên trang bài hoặc được đưa tin rất khó. Cơn khát sự kiện này sẽ khiến độc giả quay lung với tin trong nước nếu không biết “nâng cấp” các sự kiện thu lượm được thành các “hot topic”.
Một ví dụ cụ thể là gần đây, ai cũng xôn xao chuyện lũ lụt ở miền Trung. Đành rằng  đó là một trận lũ lớn gây nhiều thiệt hại đến người và của suốt một dải đất vốn dĩ khí hậu khắc nghiệt, dân thì nghèo nhất cả nước. Nhưng khi các báo đưa tin rằng thiệt hại về của cải lên tới hơn 2.000 tỉ đồng thì thật không khỏi khiến người ta kinh ngạc. Bởi nếu như lũ lụt diễn ra ở các thành phố hoặc thị trấn lớn thì còn dễ hiểu, đằng này lại chủ yếu gây hại đến vùng nông thôn và rừng núi. Mà có ai xa lạ gì cảnh vùng sâu vùng xa ở các tỉnh nghèo, nhà cửa có khá giả lắm thì cũng chỉ là mấy cái nhà mái bằng, còn không thì mái ngói, có khi còn nhà tranh vách nứa; ruộng đồng miền Trung khô cằn chẳng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các công trình cầu cống, đường xá ở đây cũng không nhiều và “vĩ đại”.
Anh T.H, doanh nhân người Nghệ An sinh sống ở Hà Nội cho biết: “Nghe tin quê mình có lũ, vội vàng đích thân đánh xe đi cứu trợ ngay. Cứ nghĩ đường xá nghẽn hết, từ thành thị đến nông thôn ngập trong nước trắng, ai ngờ… Tôi dừng chân nghỉ ở Tân Kỳ là xứ bán sơn địa, lũ đi qua chỉ để lại dấu vết mờ nhạt. Sáng dậy, lên xe chạy tiếp qua Đô Lương, Thanh Chương, rồi vào Đức Thọ… rồi dừng ở phố Châu ăn sáng với món đặc sản cháo dê một cách bình thản, chẳng có vẻ gì là đường xá bị “tàn phá nặng nề” cả. Thậm chí, cái quán tôi ngồi lại khá đông, ông chủ quán còn cho biết nhờ ơn bão lũ mà quán tự dung đông khách.”
Đương nhiên, cũng không tránh khỏi những cảnh đau thương khi xảy ra thiên tai địch họa, các cụ ta thường có câu “nhất thủy nhì hỏa”, nhưng tới mức như báo chí mô tả thì liệu có hơi thái quá?
Một ví dụ khác rõ ràng hơn cho thủ thuật làm báo “phóng đại” với báo chí “lề phải” phải kể đến vụ scandal Yến Vy. Đầu năm 2005, một đoạn phim khoảng 30 phút quay cảnh ân ái của Yến Vy và bạn trai là Phan Thanh Tòng bị phát tán trên Internet. Đây là lần đầu tiên một phim “phòng the” của nghệ sĩ bị phát tán rộng rãi ở Việt Nam. Từ một diễn viên ít có danh tiếng, Yến Vy xuất hiện trên khắp các mặt báo và các phương tiện truyền thông đại chúng. Thực ra việc phim sex của các ngôi sao bị tung lên mạng hay mặt báo chẳng phải là chuyện gì lạ lẫm ở trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam đó lại là “vĩ đại”!. Các báo chí hùa vào phóng đại sự việc, thậm chí mặc nhiên cho rằng Yến Vy tự tung phim sex lên mạng để lăng xê cho tên tuổi của mình. Họ hùa nhau lên án hoạt động hết sức cá nhân của một đôi yêu nhau này là “trái với thuần phong mỹ tục”. Để đáp lại phản ứng của giới truyền thông, nhà quản lý văn hóa cấm cô đóng phim và xuất hiện trên truyền hình hay các buổi diễn. Sau đó vài năm, một nữ ca sĩ-diễn viên tuổi teen khác là Hoàng Thùy Linh cũng bị rơi vào tình trạng tương tự…nhưng cho đến nay thì vẫn chưa thấy nhà quản lý nào cẩm cô lưu diễn cả!
Thổi phồng hiện thực hoặc nâng cao tầm nghiêm trọng của sự kiện hơn rất nhiều so với bản chất thật sự là một tình trạng phổ biến ở khắp nước ta. Không hiểu căn bệnh này bắt nguồn từ đâu, có thể là do mong muốn bán chạy báo trong cuộc cạnh tranh khốc llệt hiện nay. Hay có khi nào do bản tính thích phóng đại đã ăn sâu vào máu người Việt mà những nhà báo cũng không ngoại lệ.

Chiến dịch “tổng tấn công”…
Chiến dịch này luôn được thực hiện khi có một sự kiện xã hội nào đó nổi bật hoặc muốn “thanh toán” một ai đó. Hình thức thường là người này rủ người kia cùng nhau lên tiêng gây ồn ào trong dự luận, đôi khi sự việc chẳng đến nỗi như nhiều người tưởng .
Việc chỉ trích gây rất nhiều vết thương cho nạn nhân, có khi là bắt đầu từ sự thù hằn cá nhân, nhưng cũng có khi bắt đầu từ định kiến xã hội. Thường những vụ chỉ trích này sẽ nhằm vào các nhân vật có tiếng tăm. H.T.N – một tiểu thuyết gia dã sử trẻ tuổi nhất Việt Nam, một biên kịch trẻ hiếm hoi dám dấn thân vào việc viết kịch bản phim dòng chính luận cũng đã từng là nạn nhân của sự chiến dịch cay nghiệt này.
Cô cho biết: “Năm 2008, bộ phim Vòng Nguyệt Quế của tôi phát sóng vào khung giờ vàng trên VTV1, về đề tài đời sống văn chương, báo chí đương đại. Ngay lập tức, một cuộc “tổng tấn công” tôi được thực hiện trên báo chí song song với sự gia tăng của lượng khan giả yêu mến và theo dõi bộ phim. Có nhiều người chẳng quen biết gì tôi, song có lẽ do định kiến với những tư tưởng mới mẻ và cách xây dựng nhân vật đa chiều của tôi mà phản đối gay gắt. Thậm chí có người còn gửi thư lên đài truyền hình yêu cầu ngừng phát sóng! Luận điệu tôi phải gánh chịu là: ”Sỉ nhục giới trí thức Việt Nam”.
Bên cạnh đó, có nhiều người do thù hằn cá nhân với tôi cũng lợi dụng cơ hội này để “đâm bị thóc, chọc bị gạo”, xúi người này người nọ viết bài, rồi lại xui một số khác comment trên các blog, forum với nội dung chửi bới tôi. Đáng buồn là những lời chỉ trích cá nhân ấy lại là những người viết lách, có người tôi tưởng là bạn thân, có người còn là vợ của bạn thân tôi…”
Đây cũng là một hình thức kiếm chác bằng cách gây tổn thương cho người khác.

“Kền kền chờ đợi”
Dạng sự kiện có thể thực hiện chiến dịch này là những sự kiện bi thương như có người chết, người bị thương…  Nói một cách khác, các phóng viên sẽ đi săn các vụ tai nạn kinh hoàng, những cái chết bất đắc kỳ tử, những vụ án giết người man rợ hay sự ra đi của một nhân vật có sức ảh hưởng tới xã hội. Nếu như không có các tin tức tương tự thì phóng viên sẽ…chết đói.
Những bài báo nêu trên chúng ta thấy hà rầm trên các mạng điện tử từ VNExpress đến Dân Trí, v.v… Có thể liệt kê vài vụ gần đây như vụ giết người chặt đầu giấu xác của Nguyễn Hiếu Nghĩa, vụ một cháu bé lười ăn bị cô giáo nhốt trong thang máy chở đồ ăn gây thương tích nặng nề, rồi cả vụ bố đẻ Nguyễn Hiếu Nghĩa bị tai nạn giao thông qua đời trước cả khi con trai bị tử hình… Thực trạng trên thật quá tàn nhẫn, khi mà người viết kiếm chác trên nỗi đau, trên máu và nước mắt của những số phận đau khổ. Còn gì là lương tâm nghề nghiệp?
Tôi còn nhớ đến câu chuyện về bức ảnh “Kền kền chờ đợi” của Kevin Carter. Bức ảnh “Kền kền chờ đợi” được đăng đầu tiên trên tờ The New York Times vào ngày 26/3/1993. Ngay lập tức, hàng trăm người gọi điện tới tòa soạn hỏi thăm về số phận đứa trẻ. Phản ứng của độc giả dữ dội đến mức tờ báo này phải làm một điều ngoại lệ là đăng thông báo về số phận của bé gái đó. Theo chú thích, đứa bé đã đến được trạm cứu dưỡng và Carter đã đuổi con diều hâu đi. Tuy nhiên, số phận sau cùng của bé gái thì đến nay vẫn không ai biết rõ. Sau đó, trong một cuộc phỏng vấn, Carter nói rằng anh đã ngồi chờ 20 phút hy vọng rằng con kền kền sẽ bay đi. Nhưng nó vẫn ngồi nguyên tại chỗ. Carter quyết định chụp lại bức hình đầy ám ảnh đó và rồi đuổi con diều hâu đi.
Tuy nhiên, anh vẫn phải chịu chỉ trích nặng nề về việc chỉ chụp hình mà không giúp bé gái. Vào ngày 2/4/1994, Carter đã giành giải thưởng cao quý nhất trong giới nhiếp ảnh – giải Pulitzer cho bức “Kền kền chờ đợi”. Giải thưởng phần nào chứng tỏ tác phẩm của anh cũng có giá trị, nhưng nó vẫn không đủ xoa dịu nỗi ám ảnh thống khổ trong con người Carter và khiến anh phải tự chấm dứt cuộc đời ở độ tuổi vẫn còn sung mãn.
Không phải chỉ ở Việt Nam, kể cả trên thế giới, không còn nhiều nhà báo có lương tâm nghề nghiệp như Kevin Carter. Có lẽ anh tự tử vì phần nào nhận ra rằng có hai con kền kền đang ngồi nhìn đứa bé trong 20 phút ấy. Một con là con kền kền đang chờ ăn thịt người, một con chính là Carter đang mong muốn chụp được bức ảnh và kiếm về cho mình giải Pulitzer. Anh đã thành công trong khi con kền kền thật lại thất bại. Thật là mỉa mai! Nhưng lương tâm nghề nghiệp, hay nói đúng hơn là lương tâm của một con người chân chính không cho phép anh trở thành một con kền kền. Hành động tự tử của anh là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai đã trở thành và đang dự định trở thành một con chim ăn xác thối.
N.C. & T.S.
© 2010 Tạp chí Thanh niên PHÍA TRƯỚC

Download TCPT40 – Bản in (8.6MB)
Download TCPT40 – Bản thường (4MB)
Download TCPT40 – Bản mini (2.5MB)
.
.
.

No comments: