Friday, December 10, 2010

KHỦNG HOẢNG VĂN HÓA HAY VĂN HÓA VÔ SẢN ĐANG CỰC THỊNH ?

Phan Châu Thành
Thứ Sáu, 10/12/2010

Kính thưa,
Tôi là Phan Châu Thành, quê ở Châu Thành, Tiền Giang, một độc giả bình thường của Dân luận với một tên mượn (do văn hóa vô sản cực thịnh làm tôi lây bệnh sợ hãi và cam chịu đang thống trị dân ta).

Những chia sẻ của tác giả Lữ Phương trong bài “Vì đâu nên nỗi?và của bác Tống Văn Công trong bài “Chúng ta đang khủng hoảng văn hóa” đã thôi thúc tôi viết mấy dòng này. Nhưng trước tiên tôi xin kính phục và cảm ơn hai bậc tiền bối về những cái nhìn và lập luận sâu sắc!

Tuy nhiên, dù vô cùng trân trọng tấm lòng, quan điểm và thái độ của tác giả, cũng như dù rất đồng tình với hầu hết luận điểm của Bác Lữ Phương và Bác Tống Văn Công, tôi vẫn xin hỏi câu sau: Thưa các bác, Việt Nam ta lâu nay đâu có Văn Hóa gì bị khủng hoảng hay xuống cấp?

Vâng, thưa các bác, theo tôi hiểu, cái người Việt trong đất nước cộng sản này đang có từ hơn nửa thế kỷ nay để cho nhau và cho cả thế giới nữa, là văn hóa vô sản, tức là văn hóa vô văn hóa, được giai cấp vô sản lãnh đạo xây dựng từ 1945 (theo đề cương văn hóa vô sản của đảng cộng sản), thì làm sao nó bị khủng hoảng được? Nó vẫn là văn hóa vô sản của “giai cấp vô sản” đó thôi – dù giai cấp đó chỉ không vô sản nữa, đang ở giai đoạn phát triển cực thịnh mà thôi, nên văn hóa vô sản cũng đang cực thịnh chứ nhỉ?

Này nhé, từ năm 1945 đảng cộng sản bắt đầu “xây dựng” (bằng chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp) nền văn hóa vô sản cho toàn xã hội. Khi đó, giai cấp vô sản gồm những người vô sản (không có tài sản gì thật), vốn là giai cấp thiếu văn hóa nhất xã hội gọi là vô văn hóa, có tổ chức toàn trị là đảng cộng sản (do nhóm trí thức cộng sản lập ra cho), và có quyền cai trị quốc gia vừa cướp được bằng bạo lực cách mạng 1945 (do nhóm trí thức tổ chức và lãnh đạo). Văn hóa của giai cấp này được trộn với quan niệm về văn hóa của đảng cộng sản (do nhóm trí thức này học của các ông Lê-Sít-Mao về) được dùng làm chuẩn mực hạt giống “văn hóa vô sản” cho toàn xã hội.

Nay, sau 65 năm phát triển, giai cấp đó vẫn là giai cấp cầm mọi quyền để hành dân, không hề vô sản nữa (các đảng CS rất giàu vì chiếm cả tài sản quốc gia trong tay “toàn dân” tức là trong tay họ - những kẻ cầm quyền theo Hiến pháp), vẫn có đảng cộng sản độc tài lãnh đạo “cướp” sản hay “cạp” sản no nê, vẫn còn văn hóa vô sản từ những hạt giống đã thành đám cây um tùm nhưng cho nhiều hoa trái độc hại, “khó ngửi, khó chịu, khó coi”, thế thôi. Nhưng văn hóa vô sản thế hệ sau đó vẫn đang phát triển rất tốt sao gọi là khủng hoảng hay xuống cấp được? Chúng vốn là những cái cây được mọc lên từ những hạt giống văn hóa cộng sản vô sản đã gieo trồng đó thôi?

Như vậy, vấn đề không phải do đám cây hoang cho hoa trái độc hại ta đang thấy mục um tùm trong mảnh đất văn hóa dân tộc hôm nay. Vấn đề là ở những cái “hạt giống văn hóa vô sản” đã được đảng cộng sản chọn gieo trồng và bắt dân chăm bón từ suốt 65 năm nay.

Vậy đặc tính của hạt giống văn hóa vô sản đó là gì mà cho ra hoa quả độc hại?

Văn hóa vô sản của đảng công sản Việt nam mang các đặc tính của cha mẹ nuôi của nó là văn hóa của giai cấp vô sản công nông Việt nam đầu thế kỷ 20 (tiểu nông, ngu dốt, hẹp hòi, cơ hội, tham lam, đố kỵ, thù hận, thủ đoạn… hoàn toàn không thể đại diện cho văn hóa dân tộc Việt Nam) và đặc tính của chủ nghĩa cộng sản Mác-Lê-Sít-Mao như: đấu tranh giai cấp, bạo lực cách mạng, chính trị thống soái, độc tôn tư tưởng, độc tài chuyên chế và tập thể mạo danh (không có dân chủ), vô sản và cộng sản mù mờ, sở hữu chung chung (mờ ảo)... Sự kết hợp phối giống ủa các yếu tố hổ lốn trên trong bối cảnh suốt 65 năm qua của Việt Nam đã cho ra các sản phẩm phi vật chất là chính thể và nền văn hóa Viêt Nam hiện nay.

Nếu chúng ta muốn thay đổi hoa trái hôm nay thì phải thay đổi những hạt giống đã gieo trồng từ 65 năm trước, không thể chỉ thay đổi mô thức “đổi mới” đã chọn từ năm 86 (như bác Lữ Phương đề xuất) hay thay đổi đường lối xây dựng văn hóa xã hội không bị ý thức hệ bao trùm từ sau năm 75 (như bác Tông Văn Công đề xuất). Các phương cách vãn hồi văn hóa dân tộc của các bác như thế là nửa vời, sẽ không cho kết quả mong muốn.

Thay đổi vì không chấp nhận giá trị của văn hóa vô sản chính là và phải là không chấp nhận giá trị của giai cấp vô sản, tức là không chấp nhận và phải thay đổi cả (trước hết) đội ngũ ưu tú nhất của giai cấp vô sản là đảng cộng sản với ý thức hệ cộng sản của họ. Chính ý thức hệ cộng sản hay chủ nghĩa cộng sản này đã định hình và làm biến chất văn hóa giai cấp vô sản Việt nam, rồi đã làm chết dần văn hóa dân tộc Việt.

Ý thức hệ cộng sản và xây dựng đảng cộng sản đã được Nguyễn Aí Quốc (NAQ) lựa chọn có lẽ từ năm 1920-1923 khi ông tách ra khỏi nhóm Ngũ Rồng, kiên quyết đi theo các ông Mác - Lê chỉ để (lợi dụng cộng sản) giải phóng dân tộc. Thế nhưng sau khi giành được chính quyền, từ 1945 đên 1949, dường như NAQ và ban lãnh đạo đảng CS đã có cơ hội và mong muốn quay về với chủ nghĩa dân tộc chứ không phải chủ nghĩa cộng sản với việc đổi tên đảng là Đảng Lao động và tên nước là Dân chủ Công hòa? Nhưng sau khi nước CHND Trung hoa ra đời năm 1949, HCM và đảng CS đã lại lựa chọn chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội để mong có sự giúp đỡ trong chiến tranh với Pháp và Mỹ. Một lần nữa, chủ nghĩa cơ hội đã thắng trong lựa chọn của HCM, và sau đó cái giá phải trả là ông không còn bao giờ làm chủ được con thuyền đảng CS VN nữa – từ đó nó do TQ hoặc LX lãnh đạo, và đến nay thì nó thuộc hẳn về TQ vì ban lãnh đạo của nó hiện chỉ là một lũ cơ hội bám víu quyền lợi cá nhân.

Nói vậy để đừng ai mong rằng đảng CS có thể tự thay đổi lựa chọn ý thức hệ của mình hay con đường-mô thức phát triển đất nước sang hướng dân tộc dân chủ như nhiều người còn ảo tưởng.

Muốn có văn hóa khác tốt đẹp hơn, phải có thể chế chính trị dân chủ hơn, tốt đẹp hơn đứng ra xây dựng. Thế thôi.

Vài lời mạo muội xin tâm sự với các bác Tống Văn Công và Lữ Phương về vấn đề văn hóa dân tộc, theo tôi vốn không thể tách khỏi chính trị, vì văn hóa là từ chính trị sinh ra rồi lại làm ra chính trị mới và văn hóa mới theo các tiến trình dân chủ.
Kính thư,

Phan Châu Thành
(Nhờ Dân Luận gửi tới hai tác giả Lữ Phương và Tống Văn Công)

------------------------------------

Tin liên quan
.
.
.

No comments: