Sunday, December 5, 2010

KHÔNG MỘT NẤM MỒ (Huy Phương)

Huy Phương, tạp ghi
Saturday, December 04, 2010

Mới đây việc đồng bào thôn An Dương thuộc quận Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên đã giúp cải táng và xây lăng mộ cho 152 quân nhân VNCH bỏ mình trên bãi biển Thuận An vào những ngày cuối tháng 3, 1975, đã gây lên niềm đau xót mà tưởng chừng như 35 năm nay đã ngủ yên trong quên lãng, không còn ai nhớ đến.

Chiến tranh đã qua rồi, không chỉ một vài chục năm ngắn ngủi, mà đã một thời gian quá dài. Những đứa trẻ mới lớn lên không biết gì quá khứ, những ông già đã qua đời ở ngoài quê hương, ngậm ngùi vì những giấc mộng tàn phai. Ngày nay những hố bom đã được san bằng, đồn lũy đã mất dấu dành cho những nương khoai, trận địa ngày trước máu xương đã đem màu mỡ cho ruộng đồng xanh ngát.
Nhưng có những cánh rừng chỉ còn trơ gốc, có những con sông đã ngừng chảy, biển xưa phải chăng nay là nương dâu. Ngày nay, có những đô thị mới mọc lên, những chốn ăn chơi, giải trí mới mở ra, những khách sạn cao tầng vươn cao trong không gian như thách đố với nỗi nghèo khó vẫn còn tồn tại ở sát mặt đất.
Những người ra đi đã trở về vui chơi, đi suốt chiều dài của đất nước, quên hết chiều dài khổ đau của trận chiến mà cha ông họ đã đóng góp máu xương.
Quá khứ phải chăng đã bị chôn vùi, chiến tranh phải chăng đã không còn ai nhớ đến. Không, những nghĩa trang liệt sĩ bây giờ đã có mặt khắp nơi, bia mộ khang trang, gọi là để nhắc nhở những người đã hy sinh trong cuộc chiến tàn khốc trên quê hương kéo dài hơn ba mươi năm. Bây giờ, “khi đất nước tôi thanh bình, mẹ già lên núi tìm xương con mình” (TCS).
Nhưng không còn gì cho những người thất trận và đồng bào trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Bao nhiêu người đã bỏ mình trên quốc lộ 7B trên đường rút về duyên hải từ Pleiku, bao nhiêu người đã chết trên những bãi biển miền Trung trong cơn tuyệt vọng tìm con đường sống về Nam. Sau khi đất nước ngưng tiếng súng, người ta kêu gọi những người miền Nam đang chiến đấu buông súng, nhưng thực chất tại nhiều địa phương, nhiều cuộc trả thù đã xẩy ra, nhiều nhân viên đảng phái, ngành tình báo, cảnh sát đã bị đưa đi thủ tiêu. Ngay cả với nhiều toán chiến sĩ Biệt Cách Dù 81 ra đầu hàng cũng bị bắn và chôn vùi trong những giếng cạn trại địa phận Long Thành. Bao nhiêu năm qua, tội ác được giấu nhẹm, trong nước không ai dám lên tiếng, không ai dám tiết lộ tin tức cho thân nhân.
Tất cả đều bị vùi dập với đất cát, cỏ cây, qua thời gian, nắng gió, xương tàn cốt mục tan nát theo bùn đất. Ai còn nhớ đến họ, phải chăng người mẹ trước khi qua đời, vẫn còn mang nỗi đau về tin tức một đứa con ba mươi lăm năm nay biệt mù, phải chăng chỉ còn là di ảnh đã ố vàng của một người chồng trên bàn thờ, để nói với đàn con đó là người cha thuở trước.

Không bia mộ, không dấu vết, lặng lẽ, phai tàn và quên lãng.
Những người dân làng trên bãi biển Thuận An đã âm thầm chôn cất những người lính, người dân miền Nam nằm lại trên bãi biển, hay từ cơn sóng biển đưa vào, trong cơn vội vã, thương xót mà không hề bộc lộ. Rồi cơn sóng biển dập vùi, bão lụt tràn bờ, kéo xương cốt những người này trả lại cho trùng dương. Tưởng chừng những linh hồn uổng tử, oan khuất theo cơn gió giật, réo gọi, rên xiết trên những hàng dương oằn mình, run rẩy.
Trên quê hương chúng ta có bao nhiêu nấm mồ tập thể như thế và vì tình người, có bao giờ những người thắng trận nghĩ đến việc khuyến khích dân chúng tại những nơi trận địa, cải táng những thi hài này để tìm ra những tin tức cho những gia đình đã mất con, mất chồng trong cuộc chiến. Câu chuyện này, nếu làm trong thời gian vài ba năm sau khi cuộc chiến mới chấm dứt, khi thịt chưa nát, xương chưa tan, khi còn những dấu tích, chúng ta có thể tìm ra căn cước của những người chết, để giao về cho những gia đình ly tán mất mát, thì đâu có lâm vào cảnh muộn màng như thế. Nhưng điều đó đã không xẩy ra. Những danh từ “bỏ qua quá khứ,” “hòa giải dân tộc,” “xóa bỏ hận thù” chỉ là những câu khẩu hiệu chỉ để nói mua vui. Ngay như chuyện Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, đã có bao nhiêu lời hứa hẹn, đã có bao nhiêu tổ chức ở hải ngoại về nước hy vọng sẽ góp công, góp của để giữ gìn lại những hài cốt của các chiến sĩ miền Nam ngày trước, nhưng cuối cùng chỉ nhận lấy sự hụt hẫng vì những lời hứa suông, giả dối. Ngày nay nghĩa trang này rơi vào cảnh điêu tàn, hoang phế, đất nghĩa trang được “dân sự hóa,” không còn được một tên gọi, không được tôn trọng như là một di tích của lịch sử, mặc cho gió dập mưa vùi.

Rồi thời gian sẽ xóa hết dấu vết.
Chúng ta không có hy vọng gì về một đất nước văn minh, nhân ái để có một nghĩa trang chôn cất người lính của cả hai miền, dù là bên thắng bên thua, nhưng ít ra đối với người thắng trận phải có chút lòng nhân, không chỉ có thái độ trả thù đối với những người bại trận còn sống mà còn đối với những người đã chết. Chính quyền Cộng Sản ngày nay đã quay lưng đi với nỗi đau khổ của đại đa số dân chúng, nên chúng ta cũng hiểu rằng rất khó để kêu gọi tấm lòng nhân đối với những người đã chết. Khi chế độ mới có quyền lực trong tay, họ muốn làm những điều ác để bảo vệ chế độ hơn là lấy điều nhân nghĩa để lo cho dân.
Qua các đợt cứu trợ cùng với các tổ chức đang hướng về quê hương, vì hải ngoại đã thương xót mủi lòng khi nghĩ đến cảnh khổ của đồng bào ruột thịt ở trong nước, mà ngày nay những người bỏ nước ra đi, còn có tấm lòng nghĩ đến những người đã nằm lại, qua các công cuộc đi tìm hài cốt hay tu sửa bia mộ cho những người chiến sĩ VNCH. Qua tin tức, phim ảnh chúng ta đã có dịp thấy cảnh đào xới truy tìm hài cốt của những người lính Mỹ chết tại Việt Nam, với sự yểm trợ tối đa của chính quyền, huy động nhân công đông đảo, phương tiện cơ giới để đào sâu, sàng sảy để tìm những mẫu xương cốt. Lại thấy cảnh bốc mộ của đồng bào đối với hài cốt của những người lính miền Nam được tiến hành với những phương tiện thô sơ, góp nhặt những đốt xương, những chiếc răng còn lại mà cảm thấy đau lòng, xót xa.
Ba mươi lăm năm, một thời gian quá dài. Những bậc sinh thành đã không còn sống để đợi chờ tin con. Những góa phụ đã mòn mỏi héo hon. Ký ức của những đứa con đã không còn chút dấu vết của người cha thời trận mạc. Tất cả đều đã mịt mờ trong quá khứ. Những người lính chiến không bao giờ trở về, thân xác theo cát bụi về với hư vô.
Chiến tranh đã tàn khốc ác độc, mà giữa con người với con người cũng chẳng có lòng thương xót, ba mươi lăm năm rồi vẫn còn đối với nhau như kẻ thù không đội trời chung.
Nếu không như thế, chính phủ CSVN đã bảo trì, giữ gìn, tu bổ Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, theo ý nghĩa “không có người thắng, kẻ thua.” Nếu không như thế, chính phủ CSVN đã có chính sách truy tìm, khuyến khích dân chúng phát giác, khai quật những mồ chôn tập thể, sau ngày tàn cuộc chiến để trả hài cốt về cho những người mẹ mất con, những người vợ góa chồng, những đứa con không cha.
Báo chí trong nước không được phép loan tin những chuyện liên hệ đến chế độ cũ hay hình ảnh người lính VNCH, do đó việc thông tin bị hạn chế, gia đình không thể nào tìm ra những người mất tích trong cuộc chiến. Ðó là chính sách bất nhân của những con tim vô cảm.
-----------------------------

Saturday, November 27, 2010

.
.
.

No comments: