Wednesday, December 22, 2010

JULIAN ASSANGE, WIKILEADS và KỶ NGUYÊN RÒ RỈ (Tiến Hồng/Thông Luận)

Tiến Hồng
Đăng ngày 22/12/2010 lúc 07:49:36 EST

Julian Assange, sáng lập viên và chủ biên của trang mạng Wikileaks vừa được tạp chí kinh tế Mỹ nổi tiếng Forbes xếp hạng trong danh sách 68 nhân vật quyền uy nhất thế giới trong năm 2010. Tất nhiên là sau nhân vật số 1 Hồ Cẩm Đào (!) và số 2 Barak Obama…
Ông cũng là ứng viên được bình bầu (nhưng không được chọn) Nhân vật trong năm 2010 của tuần báo Time (1).

Ông vẫn có thể có quyền uy mặc dù bị tạm giam ở Anh ngày 07/12/2010. Sự việc có liên hệ đến quyết định của toà án Thuỵ Điển yêu cầu dẫn độ để trả lời về cáo buộc cưỡng bức và xâm phạm tình dục hai phụ nữ Thuỵ Điển, là điều mà ông hoàn toàn bác bỏ (2). Tin giờ chót, ngày 16/12/2010, mặc dù có khiếu nại, toà án quyết định trả tự do tạm và quản chế sau khi ông đã đóng thế chân 240.000 bảng Anh. Vụ kiện sẽ kéo dài nhiều tháng với mối lo ngại yêu cầu dẫn độ của Mỹ .

Vẫn còn quyền uy vì phát ngôn viên lâm thời của Wikileaks, ông Kristinn Hrafnsson tuyên bố là sự giam giữ trên không ảnh hưởng đến việc tiếp tục truyền đạt trên 250.000 điện tín ngoại giao. Lý do là ông Assange đã dự trù trước sự việc và năm tờ báo nổi tiếng thế giới được Wikileaks chọn đăng tải (New York Times của Mỹ, The Guardian của Anh, Le Monde của Pháp, Der Spiegel của Đức, El Pais của Tây Ban Nha) đã lưu giữ toàn bộ tài liệu từ vài tuần trước khi bắt đầu khởi đăng ngày 29/11/2010. Sau 10 ngày, mới chỉ hơn 1.200 điện thư được loan tải. Phải rất nhiều tháng mới hoàn tất. Ngoài ra, việc ông công bố sẽ tiết lộ vào đầu năm 2011 về những hoạt động của một ngân hàng quan trọng của Mỹ (Bank of America theo dự đoán) chắc sẽ được thực hiện. Tân phát ngôn viên WikiLeaks tuyên bố: "WikiLeaks vẫn luôn luôn trên mạng và sẽ không bị khoá miệng dù bằng một hành vi pháp lý hay sự kiểm duyệt của các tổ chức, xí nghiệp".

Nhưng ngay từ những ngày đâu, những tin tức loan tải đã gây xôn xao dư luận và tranh cãi về quyền tự do thông tin. Các tờ báo được chọn đăng tải đã xác định là đã lọc lựa và che giấu tên tuổi của những người bị đe doạ về an ninh. Mặc dù vậy, hệ quả cụ thể đầu tiên là việc Washington chuẩn bị thuyên chuyển hàng loạt các viên chức ngoại giao Mỹ có các phát biểu động chạm nặng nề đến nhà cầm quyền sở tại. Bà Ngoại trưởng Mỹ đã có kế hoạch thông báo trước với một số nước liên hệ và cho biết các phát biểu của các viên chức ngoại giao không hẳn là đường lối của Mỹ theo đuổi. Tuy nhiên, nội dung của các điện tín ngoại giao rất đa dạng, liên quan đến nhiều lãnh vực, có những hệ quả khó lường như chúng ta sẽ đề cập sau. Nó làm giảm uy tín của Mỹ trên chính trường quốc tế.

Ngoại trưởng Ý đã cho rằng việc tiết lộ hơn 250.000 điện tín nói trên có thể coi như một vụ chấn động "11 tháng 9 về ngoại giao"! Có phần quá đáng nếu so sánh với đánh giá của bộ trưởng Robert Gates: "gây bối rối nhưng không đáng kể". Phải thêm rằng các điện tín chỉ ở dưới dạng Mật và Kín chứ không có Tối mật.

Julian Assange và Wikileaks mở đầu kỷ nguyên tiết lộ tin rò rỉ

Julian Assang mới 39 tuổi, sinh trưởng ở Townsville (Úc), có cuộc sống lãng du từ 8 tuổi khi theo mẹ trong một đoàn kịch rong và trốn chạy người cha ghẻ theo một hệ phái nguy hại. Trải qua 37 trường, 6 đại học, đặc biệt giỏi về tin học và toán. Lấy vợ sớm và có một con nhưng sau đó ly dị và có tranh chấp pháp lý kéo dài về việc giữ con. Tất cả đã để lại nơi ông một mái tóc bạc nhưng đi đôi với một khuôn mặt có nhiều nét lãng mạn, trẻ trung. Xem những cuộn video phỏng vấn, ông Julian Assange ăn nói hấp dẫn, dễ gây cảm tình. Đa số những người gần gũi cho rằng ông sống giản dị, đã từng nhịn ăn trong vài ngày, với một túi sắc trên vai. Mặc dù ông gặp rắc rối pháp lý vào năm 1989 khi bị nghi là tin tặc tấn công hệ thống máy tính của NASA và sau đó bị coi là tham gia một nhóm tin tặc "khuynh đảo quốc tế", nhưng cuối cùng không có chứng cớ cụ thể nên được thả. Ông tự coi mình là ký giả của một tạp chí cho đến khi đóng cửa. Người ta không rõ ông sinh sống ra sao cho đến ngày thành lập trang mạng WikiLeaks.org vào cuối năm 2006. Vào lúc đầu, Wikileaks có một ban cố vấn bao gồm một số nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc, Iran cùng một số nhà báo.

WikiLeaksqua phương thức thành lập, tôn chỉ và hoạt động là một điều hoàn toàn mới lạ trong sinh hoạt trao đổi thông tin trên mạng. WikiLeaks đã được Tổ chức Ân xá Quốc tế trao giải thưởng Media Award năm 2009 và tờ The Economist của Anh trao giải New Media Award.

Hoàn toàn mới lạ vì WikiLeaks là một tổ chức xây dựng trên nguyên tắc bất vụ lợi, bảo mật và chuyên cung cấp tin rò rỉ (leaks) trên mạng. Các cộng sự viên không hưởng lương, hoạt động theo tôn chỉ "Nếu thấy bất công mà không hành động là tham gia vào bất công đó". Phương thức hoạt động là thu thập các tài liệu nội bộ trong các tổ chức chính quyền, cơ quan và xí nghiệp được rò rỉ qua một hệ thống mã hoá tinh vi để bảo đảm an toàn cho người đưa tin (không được trả thù lao) và tính chất xác thực của nguồn tin. Những tin đồn không được kể là nguồn tin thu thập. WikiLeaks chủ trương "thông tin không kiểm duyệt", mặc dù trong các cuộc phỏng vấn, ông Assange thừa nhận có những "bí mật chính đáng" (như bí mật về hồ sơ bệnh lý). Việc kiểm duyệt chỉ liên quan đến "tự kiểm duyệt" để che dấu tên tuổi những người có thể bị đe doạ an ninh. WikiLeaks đã phải hoãn ít ngày việc công bố 400.000 tài liệu về Irak vào tháng 10/2010 để làm công việc này. Cũng cần nên biết là 5 tờ báo được chia sẻ nguồn tin đều có trách nhiệm riêng trong việc sắp xếp, lọc lựa và không phải trả thù lao nào cho WikiLeaks.

Với số cộng sự viên thường trực khoảng 5 người, danh tính không tiết lộ, thường xuyên di chuyển, với khoảng 60 cộng sự viên tình nguyện bán thới gian và khoảng 800 ủng hộ viên, WikiLeaks muốn trở thành một "cơ quan tình báo nhân dân mạnh nhất thế giới"! Thế nhưng, khác với các cơ quan tình báo khác, WikiLeaks phải tự lo bảo vệ an ninh nhân viên mà không được giúp đỡ. Và nhất là phải tự lo tài trợ cho hoạt động của mình qua sự kêu gọi đóng góp của các nhà tài trợ được giữ kín danh tính (trừ tên quỹ Wau Holland trụ sở tại Berlin quản lý nguồn quỹ). Và đây là một vấn đề không đơn giản. Năm 2009, Wikileaks đã phải ngưng hoạt động nhiều tháng vì thiếu nguồn tài trợ. Theo ước tính, với số lượng dữ kiện khổng lồ thu thập và xử lý, phải mất khoảng 200.000 USD - 600.000 EUR (nếu phải trả thù lao cho các cộng sự viên). Rất may cho Wikileaks: cuốn video nổi tiếng The Collateral Murder xảy ra vào 2007 đưa lên mạng vào tháng 04/2010 trong đó khoảng 10 thường dân và 2 ký giả Reuters bị máy bay trực thăng Mỹ Apache bắn lầm tại Badgdad. Với cuộn băng, WikiLeaks đã có ngay 600.000 EUR mong muốn. Trong tổ chức, cũng có bất đồng quan điểm về phương thức hoạt động và cá tính giữa ông Julian Assange và một vài cộng sự viên. Theo AFP ngày 10/12/2010, cựu phát ngôn viên người Đức của WikiLeaks - Daniel Domscheit-Berg và một cộng sự viên người Islande - Herbert Snorrason cho biết đã rút ra lập trang mạng mới FreLeaks (khai trương vào đầu năm 2011) với mục đích "cung ứng dịch vụ cho các phương tiện truyền thông khác muốn nhận được các tài liệu ẩn danh". Đây chính là một tổ chức cạnh tranh với Wikileaks mặc dù có sự phủ nhận của Julian Assange. Ngoài ra, có thêm một số trang mạng ở các quốc gia như IndoLeaks, BrusselsLeaks… và cả ChinaLeaks mà Bắc Kinh đã lên tiếng báo động! Đó là điều mà ông Julian Assange rất thích thú, thể hiện qua cuộc phỏng vấn dài của tạp chí Forbes vào đầu tháng 12/2010 (3). Đa số các tờ báo coi như Julian Assange và WikiLeaks đã thổi một luồng gió mới trong phương thức làm báo điều tra (journalisme d’investigation). Chỉ một số ít ký giả nghi ngờ về tính bí mật của tổ chức và mục tiêu che giấu của Julian Assange và WikiLeaks.

Trên thực tế, vì hoạt động đặc thù của WikiLeaks không phù hợp với pháp chế của một số quốc gia nên cơ quan này phải đối phó - nhưng thành công - với hàng trăm vụ kiện. Trong các quốc gia, Thụy Điển, Islande và Pháp được coi là có pháp chế bảo vệ tuyệt đối nguồn tin cung cấp cho ký giả. Vào tháng 10/2010, Wikikeaks đã được quản lý bởi Sunshine Press, một cơ quan pháp lý Islande. Mặt khác, vì cung cấp ba nguồn rò rỉ lớn liên quan đến cuộc chiến Afghanistan, Irak và điện tín ngoại giao Mỹ, WikiLeaks bị Ngũ Giác Đài và công tố viên Eric Hilder tố cáo mạnh mẽ là nguy hại cho an ninh Mỹ. Một số ngân hàng như Visa, PostFinance, PayPal, Mastercard đã chịu áp lực phải đóng tài khoản của WikiLeaks, gây ra khó khăn tài chính cho cơ quan này. Chưa kể hệ thống máy chủ Amazon của Mỹ ngừng hỗ trợ khiến WikiLeaks chỉ còn trông vào hệ thống máy chủ ở Thụy Điển và Pháp. Đi kèm với những tấn công liên tục vào trang mạng bằng phương thức "từ chối dịch vụ" (DDos) khiến từ trong nơi tạm giam, ông Julian Assange phải ra thông báo kêu gọi cố gắng bảo toàn trang mạng. Phe ủng hộ ông qua nhóm độc lập "Ẩn danh" (Anonymous) đã tấn công trả đũa vào các cơ quan tín dụng đã đóng tài khoản của WikiLeaks. Chưa kể hàng nghìn trang mạng "gương" (sites mirrors) ra đời để bảo toàn trang mạng gốc. Cuộc chiến tranh mạng đã bắt đầu. WikiLeaks chắc sẽ qua cơn sóng gió dù chịu một số tổn thất.

Bradley Manning và hệ thống bảo mật yếu kém của Mỹ


Tất cả mọi người đều chú tâm đến Julian Assange và WikiLeaks khi tiết lộ hồ sơ 250.000 điện tín ngoại giao mà quên đi người được coi là nguồn đưa tin: Bradley Manning. Bradley Manning là một binh sĩ trẻ, 23 tuổi, phụ trách tình báo tại Bagdad, bị bắt vào 26/05/2010 sau khi cuốn video The Collateral Murder bị WikiLeaks đưa lên mạng vào tháng 04/2010. Việc bắt giữ Manning do sự tố cáo của Adrian Lamo, một bạn trao đổi chat của Bradley Manning có tiền án tin tặc. Adrian Lamo vì lo sợ bị tố cáo, đã trao cho FBI các trao đổi chat với Manning từ 21 đến 25/5/2010. Qua nội dung trao đổi mà tạp chí Wired đã công bố và được các báo khác như NewYork Times, The Guardian, Le Monde, Le Figaro... phổ biến (4), người ta biết là cuộn băng phát tán và 250.000 điện tín ngoại giao là do Bradley Manning chuyển cho Julian Assange và Wikileaks.

Bradley Manning được mô tả là một ngưòi từ nhỏ sống khép kín và có khó khăn hội nhập do bản chất đồng tính luyến ái, là điều mà quân đội không chấp nhận tiết lộ (Don’t ask, don’t tell). Qua trao đổi chat, Bradley Manning đã cho thấy việc chuyển tải hồ sơ đồ sộ dễ như một trò chơi mà không ai nghi ngờ. Bradley Manning giả vờ nghe một CD nhạc của Lady Gaga, xoá phần nhạc rồi bấm lách chuột để chuyển các hồ sơ mật vào một chìa khoá đĩa cứng USB trọng tải 1,6 Giga-octet. Làm như vậy 14 giờ một ngày, 7 ngày trong tuần trong vòng 8 tháng. Theo lời tâm sự, Bradley Manning hành động vì động cơ lý tưởng: "Tôi đã thấy những dàn xếp chính trị đầy tội ác, kinh khủng, cần phải được mọi người biết đến chứ không phải chỉ được chất đống ở Washington". Bradley Manning chia xẻ với "những người hoạt động cho thông tin tự do" như WikiLeaks. Bradley Manning cũng phê phán hệ thống bảo mật yếu kém của tình báo Mỹ: "Các máy chủ yếu, mật khẩu yếu, an toàn yếu, phản gián yếu, phân tích lấy lệ".

Bradley Manning cũng bị Ngũ Giác Đài nghi ngờ đã chuyển tải cho WikiLeaks hồ sơ Afghanistan. Với những cáo buộc, Bradley Manning có thể lãnh án 52 năm tù. Tuy nhiên, những người ủng hộ Bradley Manning không ít, họ lập hẳn một trang mạng riêng và coi Bradley Manning là anh hùng chứ không phải là kẻ phản bội.

Giờ đây, chúng ta đã biết rõ những sơ hở khó chấp nhận của hệ thống bảo mật của Mỹ. Trước hết là số lượng người được phép truy cập quá lớn, từ 800.000 đến 2 triệu. Thứ hai là hệ thống các tài liệu bí mật quốc phòng được kết hợp với các bí mật ngoại giao mà một người như Bradley Manning cũng được phép truy cập. Thứ ba là không có biện pháp chặt chẽ để ngăn ngừa việc chuyển tải hồ sơ. Ông James Lewis, chuyên gia về không gian mạng tại trung tâm CSIS thú nhận: "Hệ thống tốt hơn có thể thông báo ngay việc tại sao có ai đó lại tải xuống hàng ngàn tài liệu".

Chắc chắn Ngũ giác đài đang gấp rút chấn chỉnh những yếu kém nêu trên như đã thừa nhận. Tuy nhiện, dù hệ thống bảo mật tinh vi đến đâu cũng khó tránh tiết lộ. Đó là thách thức trong thời đại điện toán. Chúng ta đã biết vụ tiết lộ hồ sơ mật khổng lồ của Ngũ Giác Đài về chiến tranh Việt Nam (The Pentagone Papers) vào năm 1971. Người chuyển tay hồ sơ mật Daniel Ellsberg được tha bổng và đã tích cực ủng hộ Julian Assange. Tuy nhiên 7.000 trang tài liệu tiết lộ vào thời gian đó là bằng giấy và không thấm tháp gì so với khối lượng khổng lồ được truyền tải chỉ trong một chìa khoá USB 1,6 Giga-octet.

Điểm qua một số các tiết lộ đáng chú ý của Wikileaks
Trước khi đưa ra các hồ sơ khổng lồ về chiến tranh Afghanistan (tháng 07/2010), Irak (tháng 10/2010) - được coi là những tiết lộ lớn nhất trong quân sử Mỹ - và điện tín ngoại giao (tháng 11/2010), Wikileaks đã có một số tiết lộ đáng chú ý (5):

- Báo cáo về tham nhũng tại Kenya (tháng 08/2007) do Wikileaks tiết lộ đã đưa đến sự thất cử của ứng viên được cựu Tổng thống Daniel Arap Moi hỗ trợ. WikiLeaks được giải thưởng năm 2009 của Tổ chức Ân xá Quốc tế nhờ tài liệu này;

- Cẩm nang hoạt động tại trại tù Delta ở Guantanamo do quân đội Mỹ điều hành cho thấy những điều kiện ngặt nghèo của tù nhân;

- Tiết lộ về hoạt động của phái Khoa Giáo Luận (Scientologists);

- Công bố hàng ngàn điện thư trao đổi giữa các nhà nghiên cứu về khí hậu của đại học Anh East Anglia nhằm làm giảm uy tín của thuyết hâm nóng toàn cầu (Climategate). Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Khí tương phải từ chức;

- Công bố hàng trăm ngàn tin nhắn trong ngày 11/9/2010;

- Toàn bộ hồ sơ Dutroux ở Bỉ và toàn bộ điện thư trao đổi của ứng viên Phó Tổng thống Cộng Hoà Sarah Palin gây lúng túng cho bà.

Về hơn 90.000 tài liệu của cuộc chiến Afghanistan trong 6 năm (2004-2009), được ba tờ báo New York Times, The Guardian, Der Spiegel cùng đăng tải, thực trạng không sáng sủa được phơi bày: thiệt hại cao hơn nhiều so với báo cáo, phiến quân Taliban được trợ giúp vũ khi tối tân từ Iran, tình trạng đi hàng hai của Pakistan (tuy nhận hàng tỷ USD mỗi năm từ Mỹ nhưng vẫn để cho một bộ phận tình báo cộng tác với Taliban, tình trạng thiếu khả năng và tham nhũng cao của quân đội và chính quyền... ). Có nhận định cho rằng sự tiết lộ hồ sơ Afghanistan là nhắm chuẩn bị cho sự rút quân sắp tới của Mỹ. Chúng ta không có lý do gì để tin đây là hành vi cố ý. Tuy vậy, mặc dù đã tăng viện 30.000 nhưng cuối cùng OTAN đã có kế hoạch rút gần hết quân từ mùa hè 2011-2014 đồng thời vẫn đảm bảo sự tồn tại của chính quyền dân cử. Cuộc chiến dài nhất và tốn hao nhất trong lịch sử Mỹ phải chấm dứt. Nhưng sẽ không giống trường hợp Liên Xô bỏ chạy sau 10 năm tham chiến (1979-1988).

Về 400.000 tài liệu liên quan đến 6 năm cuộc chiến Irak (2004-2009) được bốn báo, đài cùng đăng tải (New York Times, Guardian, Der Spiegel, Al-Jazeera), đây cũng được coi là thất thoát tài liệu lớn nhất trong quân sự Mỹ. Số lượng thiệt mạng lên tới 150.000, 80% là dân sự. Rất nhiều trường hợp bị giết và tra tấn bừa bãi, đặc biệt là bởi lực lượng cảnh sát Irak mà Mỹ làm ngơ. Ngay cả trong lực lượng đồng minh mà cuốn video The Collateral Murder là một thí dụ. Lực lượng vệ binh Iran và lực lượng Hezbollah của Liban đã trợ giúp vệ binh Chiite của Afghanistan rất nhiều. Đó là lý do khiến Irak vẫn chưa có hoà bình thực sự. 50.000 quân Mỹ vẫn còn hiện diện cho đến cuối năm 2011 và sẽ phải bảo đảm cho sự sống còn của chính quyền dân sự trước mọi đe doạ này. Ở đây cũng sẽ không có một trường hợp Việt Nam thứ hai!

Về 250.000 điện tín ngoại giao liên quan đến 250 sứ quán Mỹ tại 90 quốc gia, 90% được ghi nhận từ 2004-2010. Nói chung, các quốc gia liên hệ tuy lên án các tiết lộ nhưng hy vọng không ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao song phương với Mỹ. Các điện tín ngoại giao cho thấy có sự khác biệt giữa những lời tuyên bố chính thức và hậu trường. Nó cũng cho biết một số bí mật tình báo được trao đổi, trong đó có những tin tức liên quan đến quốc phòng. Nó cho chúng ta nhìn rõ hơn các quan hệ quốc tế hiện nay. Chúng ta hãy thử nêu lên một số trường hợp:

- Những nhận xét của giới ngoại giao Mỹ về các nhà lãnh đạo quốc gia khác không mấy đẹp đẽ: Tổng thống Pháp thì "nhạy cảm, độc đoán"; bà Thủ tướng Đức "không thích hiểm tai và thiếu óc tưởng tượng"; Thủ tướng Ý "yếu về thể xác và chính trị" nhưng lại có quan hệ nồng thắm với Putin vì tương đồng về lề lối lãnh đạo; Thủ tướng Nga Putin được coi như người dơi Batman trong khi Tổng thống Medvedev giống như Robin bị Batman giật dây. Ông Putin được coi là rất tham nhũng trong một "nước của băng đảng Mafia". Việc chọn Medvedev làm Tổng thống là để "bảo đảm tài sản và an ninh của ông ta" trước các khởi tố có thể xảy ra. Putin rất tức giận trước các nhận định... đúng này;

- Tình trạng ngoại giao bất ổn ở Trung Đông: Iran nhận được từ Bắc Hàn các hỏa tiễn được biến cải tầm xa đến Tây Âu. Vua Arabie Saoudite (phái Sunnite) trong buổi nói chuyện với Tướng Petraeus vào tháng 04/2008 khuyên Mỹ nên "chặt đầu rắn", ám chỉ nước Iran (Chiite) có chương trình vũ khí nguyên tử. Israel qua các điện tín cũng mong Mỹ hành động tương tự. Điều trớ trêu là những nhà tài trợ chính cho các nhóm khủng bố Al-Qaida theo Sunnite được trích dẫn lại chính là người Arabie Saoudite. Về trường hợp Israel, Thủ tướng Netanyahu trong một điện tín tháng 02/2009 cho thấy sẵn sàng nhượng bộ về lãnh thổ trong khuôn khổ một thoả hiệp hoà bình Israel-Palestine. Israel cho rằng giới chức Palestine lệ thuộc vào quyết định của Mỹ;

- Về Pakistan: Hoa Kỳ tỏ ra quan ngại về mức an toàn của kho vũ khí hạt nhân của nước này;

- Quan hệ đầy ngờ vực giữa Nga Mỹ: Quan hệ quân sự giữa hai nước "thiếu trong sáng và hỗ tương". Bộ quốc phòng Nga "không thay đổi phương thức trao đổi thông tin kể từ khi chấm dứt chiến tranh lạnh". Trong khi đó, Nga tố cáo Mỹ ngoài mặt coi Nga là bạn nhưng OTAN lại có kế hoạch phòng ngừa Nga tấn công các nước Baltique (Ba Lan…);

- Mỹ đưa ra danh sách một số cứ điểm cần bảo vệ về chiến lược trong trường hợp có tấn công khủng bố;

- Trung Quốc và tin tặc: Bộ Chính Trị Trung quốc (có đưa tên hai người) đã mở một chiến dịch tin tặc bao gồm một số viên chức, các công ty tư nhân và các tin tặc được tuyển chọn. Ngay từ năm 2002, Bắc Kinh đã xâm nhập vào các máy tính của chính phủ Mỹ, đức Dalai Lama và một số quốc giaTây Âu. Tháng 01/2010, họ lại tấn công vào Google (6). Cả hai bên Mỹ-Hoa không đưa ra lời bình luận nhưng từ 30/11/2010, Trung Quốc đã ngăn không cho người dùng từ nước này vào trang mạng WikiLeaks;

- Trung Quốc và tương lai bán đảo Triều Tiên (7): Các điện tín trích dẫn lời một Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc coi giới lãnh đạo Triều Tiên như “đứa trẻ con được nuông chiều đâm hư đốn”. Ông cho biết giới lãnh đạo trẻ của Trung Quốc không coi Bắc Hàn là đồng minh thân cận nữa. Trung Quốc sẽ “chấp nhận một nước Triều Tiên thống nhất dưới sự lãnh đạo của Seoul và hoà dịu với Hoa Kỳ khi Triều Tiên không thù địch với Trung Quốc”;

- Lãnh đạo Trung Quốc “hoang tưởng”. Cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd thông thạo tiếng Quan Thoại và nổi tiếng nói thẳng cho rằng: những người lãnh đạo Trung Quốc mang bệnh “hoang tưởng” và khuyên Hoa Kỳ nên thận trọng chuẩn bị can thiệp quân sự nếu tình hình Trung Quốc gặp khó khăn.

Wikileaks và Việt Nam


WikiLeaks cho biết họ có khoảng 3.100 điện tín chuyển đi từ toà Đại sứ ở Hà Nội (2.300 điện tín) và Lãnh sự quán ở thành phố Hồ Chí Minh (800 điện tín).
Số lượng điện tín này được coi là trung bình cao (hạng 35) trong khi Thái Lan hạng 32 và Trung Quốc hạng 5. Đến nay, WikiLeaks chưa đưa ra điện tín nào về Việt Nam.

Trong khi đó, ngày 01/12/2010, một số báo hải ngoại đưa lên mạng một bài viết gây xôn xao dư luận nhan đề: “WikiLeaks - Kế hoạch cho Việt Nam được hưởng quy chế Khu Tự Trị trực thuộc Chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh”. Tác giả không nêu tên.
Nội dung liên quan đến biên bản phiên họp kín trong hai ngày 03 và 04/09/1990 giữa phía cộng sản Việt Nam (Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười) và Trung Quốc (Giang Trạch Dân, Lý Bằng). Trong phần đầu , bài viết cho rằng WikiLeaks có bức điện với nội dung cho thấy: vì lợi ích hai đảng cộng sản và truyền thống hữu nghị, Việt Nam đề nghị với Trung Quốc được hưởng quy chế Khu Tự Trị như Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây... Trung Quốc đồng ý và đề ra thời hạn 30 năm để thực hiện các bước cần thiết.
Tuy nhiên, trong phần sau, tác giả cho biết biên bản họp kín nói trên "cũng chỉ là một tin mang tính giả thiết của tác giả mà nó có nhiều khả năng khi bị bạch hóa mới có thể xảy ra mà thôi, chứ đó không phải tin chính thức của Wikileaks".

Chúng ta biết là phiên họp Thành Đô xảy ra năm 1990, vào lúc Mỹ và cộng sản Việt Nam chưa đặt quan hệ ngoại giao chính thức (1995). Mặt khác 90% các điện tín rò rỉ chỉ thực hiện trong thời gian 2004-2010. Hầu như không có hy vọng gì nội dung biên bản phiên họp kín nói trên sẽ được WikiLeaks rò rỉ trong thời gian sắp tới.
Chúng ta đành chờ đợi những “tin tình báo” và tin “Trung Quốc” có giá trị mật gần đây trong nội dung các điện tín về Việt Nam mà WikiLeaks sẽ công bố.

Đến đây, chúng ta có thể đặt câu hỏi: Đến bao giờ cơ chế tin rò rỉ sẽ trực tiếp lấy thẳng nguồn tin từ Trung Quốc (qua ChinaLeeks...) để chúng ta biết rõ hơn bộ mặt thực về thách thức chính của Mỹ, định hình cho thế kỷ 21...

Tiến Hồng
Rennes, 21/12/2010

--------------------------

Ghi chú:
(1) Julian Assange được số phiếu bầu cao nhất (gần 400.000 phiếu, vượt xa những ứng cử viên khác) nhưng ban biên tập lại chọn Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook. Một chọn lựa có ý nghĩa: cả hai đều muốn thay đổi thế giới nhưng theo hai phương thức khác nhau. Time không dám chọn phương thức bạo dạn của Julian Assange...

(2) Sự việc truy tố xảy ra vào tháng 08/2010 sau vụ tiết lộ hồ sơ 90.000 tài liệu liên quan đến cuộc chiến Afghanistan vào tháng 07/2010. Toà án Thụy Điển sau đó đã bãi tố vì thiếu yếu tố buộc tội. Hai phụ nữ Thuỵ Điển thừa nhận có sự đồng thuận về quan hệ tình dục nhưng cáo buộc ông đã không sử dụng bao cao su theo yêu cầu. Đây là một đặc thù của pháp lý Thụy Điển về định nghĩa cưỡng bức.

(3) Trong cuộc phỏng vấn của
tạp chí Forbes, ông đã nói nhiều về những hoạt động và khó khăn trong nghề. Ông cho biết ngoài việc dự trù công bố hoạt động của một ngân hàng lớn Mỹ, ông còn có tài liệu về hãng dầu Anh BP, các xí nghiệp về dược phẩm, các xí nghiệp và chính khách Nga. Ông quan niệm "chủ nghĩa tư bản tự do hơn và có đạo lý hơn". Phải chăng đây là lý do khiến có người cho ông là ngây thơ!

(4)
Bradley Manning, la «taupe» présumé de Wikileaks. Le Figaro, 09/11/2011. Và trên trang mạng tờ The Guardian: How 250 .000 US embassy cables were leaked.

(5) WikiLeaks-Wikipidia.

(6) “Bộ chính trị Trung Quốc chỉ đạo ‘đánh’ Google?” BBC. 30/11/2010.

(7) “Trung Quốc muốn Triều Tiên thống nhất” BBC. 30/11/2010.

© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments: