Trầm Hương
Thứ Ba, 14 tháng 12 2010
Anh Cao Xuân Huy và chị Đỗ Thị Minh, lần thăm cuối cùng ngày 31 tháng
Buổi gặp gỡ đầu, anh Huy đã hỏi tôi:
- Khi viết Miền Đất Trầm Hương[i], em có nhớ lại những cảm giác ngày xưa.
Tôi đã trả lời trong xúc động:
- Có anh. Em viết đến đâu thì cảm giác cũ trở về đến đó.
Và nếu anh hỏi tôi:
- Còn hôm nay khi viết về anh?
Tôi sẽ trả lời:
- Hôm nay cũng vậy.
Hôm nay, tôi trở về tháng 9 năm 2009, ngày nhà thơ Đặng Hiền đãi khách tại tư gia, để tìm lại hình bóng đầu tiên của anh. Chuyện xảy ra như chỉ vừa hôm qua, trong khu vườn rộng ngập nắng mà không khí vẫn dịu mát. Tôi còn nghe được âm vang những bước chân nhộn nhịp ra vào nhà bếp, mùi bún bò Huế cay cay thơm nồng, những tiếng chào hỏi chúc tụng hân hoan, những chiếc ly cụng nhau kêu lách cách. Như chỉ vừa hôm qua, anh đứng dậy từ chiếc bàn tiệc lớn giữa sân đi về phía chiếc bàn tròn nhỏ của chúng tôi trong góc sân. Người đàn ông với gương mặt hiền lành, bộ râu "nghệ sĩ" treo ở cằm, một tay cắp chai rượu một tay cầm ly, đến bàn chúng tôi và kéo ghế chen vào ngồi cạnh chị Minh. Một người lính thực sự đương
nhiên thà ngồi tán dóc với các cô, ý nghĩ buồn cười này đã đến sau đó trong lúc tôi đọc Tháng Ba Gãy úng. Như chỉ vừa hôm qua, tôi còn nhìn anh xa lạ. Rồi anh đã nhanh chóng thu hút tôi vào những mẩu chuyện mà tôi không còn nhớ là gì; nhưng qua đó, tôi nhận ra anh từng là một sĩ quan có tính cách anh hùng, có yêu thương đồng đội, có ngang tàng của một người chỉ tin vào lẽ phải. Thỉnh thoảng chúng tôi cụng ly, nhấp chút rượu để không khí thêm phần hăng say. Chị Minh nghe chuyện một cách chăm chú, dù theo tôi đoán chị đã nghe đi nghe lại rất nhiều lần, và lâu lâu gật gù mỉm cười khích lệ anh. Rượu vơi dần trong chai và ánh nắng vơi dần trên sân, trong lúc sự cảm mến của tôi đối với anh Huy và chị Minh tăng dần.
Một tuần lễ sau đó, tôi hân hạnh được anh Huy và chị Minh mời đến dự buổi tiệc văn hữu tổ chức tại tư gia của chị Vũ Thùy Hạnh. Căn nhà của chị Hạnh giống nằm giữa một cảnh thiên nhiên đẹp, do cách chị thiết kế khu vườn. Mọi người ngồi chung quanh chiếc lò nướng vừa hít hà mùi khói thơm vừa nhấm rượu trong khi chờ đợi thịt chín. Tôi khám phá chị Minh có tài nấu nướng. Món cánh gà chị làm ngon tuyệt, tôi không biết đã tiêu thụ hết bao nhiêu cái và còn xin công thức để tập làm. Tôi đã thấy gần gũi với chị, có lẽ vì nét hiền hòa và độ lượng của chị. Tôi đã thích ngắm chị ngồi trầm lặng như ngắm một bức tranh tĩnh và thanh nhã. Chiều hôm ấy, không khí thân mật và vui nhộn. Anh Huy tặng tôi bản cuối cùng của Tháng Ba Gãy Súng. Anh nói mong tôi không ngại vì bìa bị hư một chút. Đương nhiên tôi không ngại; may mà còn được bản cuối cùng. Anh hỏi tôi muốn anh ký thế nào. Tôi trả lời Anh ký sao cũng được. Vậy là anh viết: Bản tặng Hương Trầm vẫn còn đây. Và ký tên: Cao Xuân Huy. http://media.voanews.com/images/300*224/cao-xuan-huy-1.JPG
Nét chữ của anh Huy bay bổng trên mặt giấy cũng như trong lòng tôi. Tôi vui vì lời tặng ngộ nghĩnh trích ra từ một bản nhạc mà tôi yêu thích. Tôi cảm động vì sự chu đáo của anh. Nhưng lúc cầm quyển sách trong tay, tôi còn chưa biết giá trị thật sự của nó.
Một giá trị thật sự của Tháng Ba Gãy Súng đối với riêng tôi nằm ở chỗ "thật". Bao nhiêu năm nay tôi vẫn muốn nghe kể về kinh nghiệm của một người lính trong những ngày dẫn đến sự sụp đổ của miền Nam. Chuyện tôi mong được nghe không phải là tin tức hoặc ghi chép lịch sử hoặc phân tích mà là trải nghiệm của một người trong cuộc. Tháng Ba Gãy Súng đã cho tôi hơn tôi mong muốn, vì là trải nghiệm của một người bạn mà tôi tôn trọng. Câu chuyện thành một sự thật cho chính tôi vì tôi đã theo từng bước chân anh suốt quãng đường rút lui, đã lo lắng cho tất cả và mong họ thoát hiểm. Câu chuyện vẫn đeo đuổi sau khi tôi đọc xong. Chiến tranh Việt Nam rất tàn nhẫn đối với đa số những người cầm súng; hoặc giết họ, hoặc hủy hoại cuộc đời còn lại nếu họ sống sót. Họ dành tuổi xuân cho miền Nam, sau chiến tranh thì bị bỏ rơi. Tôi đã có dịp nghe một sĩ quan người Mỹ kể chuyện. Mạng sống của những người lính Mỹ được bảo vệ tối đa và sau khi về hưu họ được rất nhiều ân huệ giúp cuộc sống còn lại được dễ dàng. Anh Huy là một điển hình của sự bị bỏ rơi hoàn toàn. Anh ra khỏi tù thì tự tìm đường vượt biên. Sang đến Mỹ thì tự mò mẫm tìm sống. Anh và không ít những đồng đội của anh. Tôi đã không quên hỏi anh trong một lần gặp mặt sau đó: Anh Bưởi ra sao, anh? Một giá trị khác của Tháng Ba Gãy Súng là bản chất anh hùng hiện hữu trong anh Huy, cho tôi một cái nhìn đẹp về sự thảm bại của tháng Ba.
Năm 2010, một ngày sau Tết, khí trời còn lạnh. Anh Nam Dao từ Canada sang chơi và chúng tôi lại có dịp gặp nhau. Nghe anh Đặng Hiền nói anh Huy dạo này không khỏe, tôi hỏi thăm: Anh bị gì vậy anh? Anh Huy trả lời: anh bị ung thư mắt, đã lành được mấy năm mới bắt đầu trở lại. Giọng nói của anh thản nhiên như khi được hỏi trưa nay mình đã ăn gì, chỉ là một bữa ăn, không gì trầm kha. Và tôi đã tin rằng anh sẽ không sao, vài lần chemo, có đau đớn gì anh chưa trải qua. Khi ra về, anh dặn: anh chị sẽ tổ chức một buổi gặp mặt, chi tiết sẽ thông báo sau, Trầm Hương nhớ đến. Và anh dặn thêm: Trầm Hương nhớ phải đến. Nhưng tôi đã không đến được. Con người là vậy, mỗi ngày thức dậy lập tức đâm sầm vào đời sống và bỏ sót nhiều việc.
Tháng 10, ngày 29. Tin bệnh anh Huy trở nặng được loan ra. Tôi lục điện thoại tìm số của anh, số điện thoại được dùng một lần duy nhất. Tôi hỏi Anh có nói chuyện được không? Anh trả lời Anh rất mệt, chỉ có thể nói chút ít.
Tháng 10, ngày 31. Tôi đến thăm anh cùng vợ chồng chị Thụy Khuê và vợ chồng anh Đặng Hiền. Ánh mắt chị Minh đầy lo âu nhưng miệng vẫn tươi cười tiếp khách. Chị đưa chúng tôi vào một căn phòng nơi anh Huy đang nghỉ và giải thích: anh Huy thích ở phòng này để gần máy computer. Anh Huy ngồi dậy khi chúng tôi bước vào, vẫn nụ cười tươi như những lần gặp trước nhưng trông anh xanh xao lắm. Tôi thấy chị Thụy Khuê rất xót xa. Không hiểu tại sao lúc ấy tôi vẫn tin anh sẽ không sao. Người anh hùng của Tháng Ba Gãy Súng ngang tàng, can đảm, nhiều nghị lực sẽ không sao. Anh đã không chết trong trận chiến, sống sót thoát khỏi tù đày, vượt qua biển khơi, qua bao trắc trở của đời sống, qua nhiều lần trị liệu. Anh còn trẻ, còn yêu đời, còn mối tình muôn thuở với chị Minh, còn gia đình hạnh phúc, còn quá nhiều để bỏ rơi. Chị Minh đãi chúng tôi uống một loại trà hoa thơm đặc biệt do chị trồng lấy. Rồi chị quay sang âu yếm hỏi anh Huy: Baby có uống sữa thì em đi lấy. Mỗi ngày chỉ được một ly sữa và không gì khác. Chị Minh han: Vậy mà anh Huy cũng không chịu uống, hôm nay vui lắm mới uống. Nói chuyện một lúc, anh Huy mệt thấy rõ, chị Minh đưa chúng tôi ra vườn xem những cây chính tay chị trồng trọt. Khu vườn nhỏ thơ mộng tao nhã; từng đọt trà hoa, quả khế con, bụi lá gai... trông tươi tắn như rất hài lòng với sự chăm sóc của cô chủ. Đôi bàn tay chị Minh kỳ diệu, chăm sóc tỉ mỉ gia đình của mình, từ con người cho đến cây cỏ.
Anh Huy nghỉ một lúc thì lại khỏe ra. Tôi thâu một ít video làm kỷ niệm, rồi hỏi: Hình như anh vừa ra sách mới, anh có để dành cho em không? Tôi chưa bao giờ hỏi xin sách, các anh chị có lòng tốt cho thì nhận, nhưng với anh Huy tôi lại rất tự nhiên. Có chứ, anh Huy trả lời. Anh tặng chúng tôi mỗi người một quyển,
nhưng anh không đủ sức ký. Tôi cầm quyển sách trong tay, trong lòng có chút bất an. Anh không đủ sức ký tên, chắc anh mệt lắm. Nhưng tôi thấy nụ cười anh vẫn tươi, dù xanh xao. Quyển sách lạ lẫm trong tay, như không phải của anh, như không phải tặng tôi. Anh nói không đủ sức ký, nhưng tôi không cam lòng. Quyển sách trong tay cứ xa lạ, như mình đi vào tiệm sách, cầm đại lên một quyển. Cuối
cùng, không nhịn được, tôi nói với anh: Anh Huy, không có chữ ký thì không phải là sách tặng. Anh trả lời: Anh thật không ký nổi. Tôi đòi hỏi: Vậy anh cho em dấu tay. Tôi ngồi xuống bên cạnh anh: Ngón tay nào, anh. Tôi rút cây son môi từ trong ví, bôi lên đầu ngón tay anh. Trên trang đầu của Vài Mẩu Chuyện, dưới tên Cao Xuân Huy, anh in tặng tôi một dấu tay màu hồng. http://media.voanews.com/images/300*224/cao-xuan-huy-2.JPG
Tôi hài lòng lắm, quyển sách lập tức trở thành một kỷ niệm quý giá đối với tôi. Khi ra về, tôi ôm vai chào
anh. Bàn tay tôi chạm vào bộ xương, vai anh rất gầy. Nghĩ lại, tôi đã rất lơ là. Tôi đã không nhìn ra anh đang bệnh nặng. Tôi chỉ trông thấy nụ cười tươi mà không nhìn ra cơn đau của anh. Tôi đã tin sẽ còn gặp lại anh, như những lần từ giã trước.
Tháng 11, ngày 12. Nghe tin anh đi, tôi lặng người. Anh bệnh nặng vậy mà tôi nhìn không ra. Đoạn phim còn chiếu rõ, nụ cười của anh tươi chỉ trong một phút là trở nên gắng gượng, rồi anh lại cố giữ cho tươi, rồi gắng gượng, rồi tươi, và cuối cùng, anh không gắng nổi, phải vờ cúi xuống nhấm ly sữa. Vậy mà tôi đã
không nhìn ra. Tôi thật giận tính lơ là của mình. Buồn quá đi thôi!
Tháng 11, ngày 15. Tôi tham dự tiễn đưa anh Huy trên Web Da Màu với bài dịch Mang Hắn Trở Về. Tôi ước có thể đem anh trở về. Tại sao Thượng Đế đem đi người tốt khi thế gian rất cần họ? Tôi muốn dịch lại bài Đừng Đi [ii] nhưng tôi tin không phải anh muốn đi. Tôi tin anh vẫn còn yêu và luyến đời sống, vì tôi cho
rằng anh có quá nhiều để muốn buông tay.
Tháng 11, ngày 17. Tối nay, tôi không ngủ được. Những xúc động đến từ đâu tràn ngập trong lòng. Hình như tôi bắt đầu tin anh đang dần biết mất. Hôm nay là ngày viếng, nhưng tôi không đi được. Tôi vẫn vậy, mỗi ngày thức dậy lập tức đâm sầm vào đời sống và bỏ sót nhiều việc. Tôi chỉ xin nghỉ được một ngày. Ngày mai, tôi sẽ đến tiễn anh Huy lần cuối, đưa anh về lại tro bụi. Lần này, tôi sẽ hiểu không còn giống những lần từ giã trước. Tôi sẽ phải nói Vĩnh biệt anh.
- Còn hôm nay khi viết về anh?
- Anh Huy à, hôm nay cũng vậy.
Hôm nay, em trở về những lần anh em mình gặp nhau, cảm nhận lại sự quý mến đã dành cho anh và trân trọng cảm mến anh đã dành cho em. Có những thứ tình cảm dù nhẹ như khói vẫn cứ vương hoài. Có những gặp gỡ đơn sơ mà mình không bao giờ quên được. Cám ơn anh đã ghé ngang và để lại những kỷ niệm đẹp.
Trầm Hương
22 tháng 11-2010
[i] Miền Đất Trầm Hương
[ii] Hãy đem cho tôi chân trời — Đừng đi
Tiểu sử Trầm Hương:
Trầm Hương, ảnh chụp 2009
Sinh trưởng trong một gia đình Bắc di cư vào Nam sau 1954, Trầm Hương tên thật là Vũ Thị Thanh Mai theo học chương trình Pháp tại trung học Saint Exupéry đến sau 75 chuyển sang Chu Văn An rồi Lê Thị Hồng Gấm, Sài Gòn. Vượt biên tháng 4-1979 đến Mã Lai và nội trú trong cô nhi viện tại Pháp trước khi định cư tại Hoa Kỳ, tốt nghiệp kỹ sư điện toán, hiện làm việc cho Microsoft. Khởi viết từ 2009 với tùy bút đầu tay "Miền Đất Trầm Hương" được Hồng Vân đọc trên VOA rồi các truyện ngắn "Vân Cát", "Mưa Qua Sân Thượng". "Hương Trầm Vẫn Còn Đây. Cao Xuân Huy" là tùy bút sau cùng.
"Viết là một hành động thao thức. Viết thành truyện là mang trả cho đời sống những gì đời sống đem đến: sự khắc khoải của chính mình." [Trầm Hương]
---------------------------------
* Blog của Trầm Hương là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
.
.
No comments:
Post a Comment