Tuesday, December 28, 2010

HỘI THẢO GÓP Ý CHO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI 11 (8)

Tài liệu tham khảo:
.
(05h 52′ 38″)
Trần Phương:
Ông nói gì nữa không? Ừ.
(Ông ?): Có một vấn đề mà tôi cho là rất quan trọng ..(không nghe rõ). Công tác cán bộ trong cả  ba cái văn kiện này tôi đếm có 11 dòng và lại hết sức chung chung và vô vị và thực chất nó lại là vấn đề quyết định cho sự phát triển của chúng ta trong thời gian tới. Và hiện tình các vị thấy là công tác cán bộ hết sức lộn xộn và có thể nói là nguy hiểm. Bởi vì sao? Vì tình trạng mua quan bán chức thì tức là diễn ra quá phổ biến. Một chức trưởng phòng một triệu đô, có người nói rằng chủ tịch là cả chục triệu đô v.v… Người ta kể ra là bây giờ thưa các đồng chí là hiệu trưởng trường đại học cũng là tiền tỷ. Và như vậy là quá nguy hiểm! Tức là người ta dùng tiền để mua cái chức tước đó và cái đó là con đường để tiến lên cấp cao, thì quá nguy hiểm rồi. Đó là điều thứ nhất mà tôi nghĩ là phải được cảnh báo.
Điều thứ hai là cơ chế sử dụng và cơ chế tuyển chọn cán bộ lãnh đạo cấp cao. Thì bây giờ cũng không biết tuyển chọn bằng cách nào? Có lẽ chúng tôi cảm thấy dường như có mấy vị cấp trên cao nhất là quyết định cái nhân sự của các cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, không có công khai, không có minh bạch, không có cạnh tranh, không có… Nghĩa là có bầu cử, có nói chuyện nhưng là hình thức, là hình thức cả. Thế thậm chí có một Đảng bộ Đại hội của thành phố rất là lớn thì sau khi bầu thì ông Bí thư nói là “đúng như dự kiến”, “thành công rất lớn” (nhiều tiếng cười). Thế thì tức là tất cả, chúng ta có tất cả mọi chuyện bầu cử, tất cả giới thiệu, thăm dò ý kiến đủ tất. Nhưng xét cho cùng cái người chúng ta đưa lên vừa kém về tài và đức cũng kém nốt. Vậy vấn đề cơ chế của chúng ta là hỏng rồi. Và nói như anh Trung là nó giả dối cho nên nó dẫn đến một cái tình trạng như vậy. Bầu cử, mọi chuyện có nhưng hoá ra cuối cùng kết quả chả ra gì chứng tỏ rằng cái cơ chế tuyển chọn nhân sự …(không nghe rõ).
Một điều nữa, là cái người lãnh đạo ở tất cả các cương vị đều không có trách nhiệm với những quyết định của mình. Bây giờ một ông Bộ trưởng bộ giao thông để tai nạn xảy ra khắp nơi, vẫn là bình thường. Một ông Bộ trưởng Bộ xây dựng cũng để nhà đổ v.v.. vẫn làm bộ trưởng. Thế thì tôi nghĩ một đất nước này có lẽ là các quyết định không ai chịu trách nhiệm cả (có tiếng xen vào: Phó thủ tướng giải thích rồi). Cho nên, nếu chúng ta kéo dài tình trạng những người lãnh đạo được giao trách nhiệm, quyền lực rất là lớn nhưng vô trách nhiệm với tất cả các quyết định của mình, thì tôi thấy tình hình đất nước sẽ là khôn lường. Bởi vì là “tôi” quyết định ra nhiều chuyện, “tôi” quyết định làm con đường này, tôi quyết định xây dựng cầu kia, tôi quyết định rất nhiều thứ, lập tập đoàn này. Nhưng khi mà nó hư hỏng thì ai chịu trách nhiệm, tôi vẫn ngồi chiếc ghế đó, thậm chí là lên cao hơn còn nhà nước tổn thất, nhân dân tổn thất. Hoàn toàn vô trách nhiệm! (có tiếng xen vào). Vâng và tiếp tục như vậy đấy ạ. Thì tôi nghĩ rằng cái chế độ như vậy thì chắc chắn đất nước chúng ta còn phải chịu nhiều tổn thất lớn. Vì vậy mà tôi cho rằng trong tất cả các thứ mà chúng ta bàn từ sáng đến nay nhưng nếu như công tác cán bộ vẫn giữ như hiện nay, vẫn giữ một thị trường quan chức quá phổ biến (và cái thị trường này nó sẽ bóp chết tất cả các thị trường khác), vẫn giữ một chế độ đề bạt, tuyển chọn và vô trách nhiệm đối với tất cả các quyết định thì tôi xin nói với các đồng chí là tất cả những điều ghi trong các văn bản này, vô nghĩa hết. (hội thảo vỗ tay).
(ông ?) Tôi xin nói thêm một câu nữa, tôi xin bổ sung một câu nữa thôi … để các đồng chí biết thông tin: trong dự thảo chiến lược lúc đầu viết là “đổi mới đồng bộ chính trị và kinh tế”. Thế thì các đồng chí bảo “không được!”. Đưa ra rồi! Bảo “không! phải thêm cái chữ ‘hệ thống’ vào”. “Đổi mới hệ thống chính trị” cơ chứ không phải “đổi mới chính trị”, mà ý của anh em viết chiến lược là đổi mới chính trị là bắt đầu từ thể chế, đúng không ạ? Bây giờ anh bỏ ra chỉ “đổi mới hệ thống chính trị” thôi tức là nhẹ đi rất nhiều. Mà chỉ nói đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thôi chứ không nói đổi mới Đảng. Thế cho nên nó có những vấn đề zích zắc như thế, nó khó lắm.
Hai là lại nói thế này: “chúng ta chậm đổi mới tư duy phát triển”. Thế các đồng chí bảo tư duy phát triển là gì? Thế mới gay chứ anh ạ. Cuối cùng là phải nắn nó lại, “đổi mới tư duy phát triển kinh tế xã hội”.  Thêm vào đó được bốn chữ “kinh tế xã hội” thì được chấp nhận. Còn nếu mà chỉ nói “đổi mới tư duy phát triển” không thôi thì không được chấp nhận. Mà các anh các chị biết, đổi mới đâu chỉ có kinh tế xã hội không, cả chính trị nữa chứ, đúng không? Mà khi nói “đổi mới tư duy phát triển” có nghĩa là đổi mới tư duy toàn diện chứ không phải chỉ riêng kinh tế xã hội. Đấy nhé tôi nói thêm mấy thông tin đó để các anh các chị biết là cái sự đổi mới của chúng ta nó gian khổ và nó còn nhiều cái ngập ngừng lắm chứ không phải là dễ.
(Ông ?): Thưa anh Trần Phương và thưa tất cả các anh các chị!
Tôi nhất trí với lại ý kiến từ sáng đến giờ. Và tôi nói thật với các đồng chí là chưa bao giờ là chúng ta đứng trước nhiều thách thức như bây giờ. Mà về phía dân tôi thấy bây giờ người ta cũng ít tin tưởng, phải nói như thế. Cái niềm tin của dân với Đảng và Nhà nước, với chế độ thì phải nói là xuống cấp ghê gớm. Và dân bây giờ người ta hầu như … nếu người ta … đương nhiên cuộc sống người ta phải tự sống, phải tìm mọi cách để lăn lộn để sống. Cho nên người ta cũng chẳng muốn bàn đến chuyện gì nữa vì bàn cũng chẳng để giải quyết cái gì. Mà các nhà trí thức cũng thế thôi, bây giờ cũng là … vì nói cũng chẳng giải quyết được cái gì.
Cho nên theo cái chung từ lâu rồi trong miền Nam nó có một cái gọi là “chủ nghĩa Mac-Kê-No” ấy mà, tức là “chủ nghĩa mặc kệ nó”. Đảng cứ làm, lãnh đạo cứ làm, nhà nước cứ làm và dân cứ làm. Mỗi người, người nào làm việc ấy, đấy tôi thấy bây giờ có một thực trạng như thế.
Thứ hai là hiệu quả kinh tế thì cũng là hầu như là không được quan tâm và rất là lãng phí và thất thoát. Bây giờ, từ sáng đến giờ các đồng chí phát biểu nhiều nhưng tôi thấy có một cái ý này. Tôi muốn lưu ý á, hội nghị không quan tâm và ta cũng nên mạnh dạn đề xuất ở trong này. Trong chiến lược có nói thế này: “Nhà nước tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc Nam”. Đó, đây là một ý lách rất là hay, rất khéo. Nhưng “đường sắt cao tốc Bắc Nam” là vấn đề còn đang rất là nan giải mà tôi thấy là nếu xây dựng cái này trong giai đoạn này dứt khoát là không nên rồi. Mà năm sáu chục tỷ đô la, không phải là ít. Mà bây giờ chúng ta nếu mà đưa cái này vào chỉ cần thông qua được cái là thôi thì nó sẽ là áp lực và sẽ là cái cớ để người ta thực hiện bằng mọi cách. Mà như chị Thu Hương nói bây giờ vẫn là dự án. Mà có dự án là tiền. Mà năm sáu chục tỷ đô la, tôi nghĩ rằng là khi xây dựng thành công cái này không phải là năm sáu chục tỷ, hàng trăm tỷ. Mà như thế thì chắc người liên quan đến cái này chia nhau không phải là trăm nghìn đô mà hàng triệu, nhiều triệu đô. Đấy cho nên tôi nghĩ là phải đưa cái  ý  này (có tiếng xen vào là: “Cái chuyện đường sắt Bắc Nam…tháng 4…”). Đấy, Quốc hội là, cũng là .. Thì tôi đề nghị chị Thu Hương chỗ Quốc hội cũng phải đặt vấn đề này ra là có nên đưa vào không. Và tôi cho đây là vấn đề đang bàn cãi, chưa rõ, cho nên chưa nên đưa vào cái nhiệm kỳ này. Còn tất cả các cái ý khác tôi cũng đã viết góp một số ý cho nó cụ thể khoảng 6 trang. Bây giờ hết thời gian tôi xin dừng ở đây. Xin cám ơn!
.
Trần Phương:
Tôi thì xin có một ý kiến nhỏ thôi. Lúc nãy các anh nói là cái tư tưởng ở trong Đảng ta đấy nó không có rõ ràng. Tôi thực tình mà nói rằng nó có nguyên nhân để nó không rõ ràng đấy ạ.
Ta nên nhớ rằng cái Đảng ta đó, bước vào thời kỳ xây dựng đó là trong điều kiện mà quốc tế cộng sản đã có những nghị quyết về đường lối CNXH rất rõ ràng rồi. Tôi nhắc các đồng chí nhớ là năm 1957 tất cả các Đảng cộng sản họp lại với nhau ra một nghị quyết là qui luật tiến lên CNXH là gì? Là chuyên chính vô sản này, là chế độ công hữu chiếm địa vị chi phối này, là hợp tác hoá nông nghiệp này, là phát triển kinh tế một cách có kế hoạch này. Tất cả những điều đó rút ra kết luận từ kinh nghiệm của Liên Xô, từ mô hình Xô Viết mà người ta gọi là mô hình Stalinit đấy, đấy là năm 57. Tất cả các Đảng cộng sản và công nhân đã ra một nghị quyết đó. Đến năm 1960, cũng một nghị quyết y hệt như thế khẳng định lại tất cả những điều đó là qui luật và dựa vào những kết luận đó, người ta đã khai trừ Nam Tư  ra khỏi cái hệ thống XHCN. Nên nhớ đây là một hệ thống tư tưởng của một thời đại.
Cho nên có khi, cái hôm mà có đồng chí hỏi tôi là về đồng chí Lê Duẩn, người ta nói là tại sao anh ca tụng anh Lê Duẩn mà là một người biết nghe như thế mà anh ấy không đổi mới được? Tôi trả lời thế này này: anh Lê Duẩn tuy cũng là một người rất là tỉnh táo đấy, nhưng ông ý nằm trong một hệ thống tư tưởng mà ông không thoát ra được. Ông không thoát ra được. Bởi vì thế này này, chính ông Lê Duẩn đi họp cái hội nghị 57, hội nghị 60. Ông ý là  những người thiết kế ra cái hệ tư tưởng của cả cái hệ thống XHCN thế giới này. Nó đấy. Cho nên tôi nói thật với các anh đó, khi năm 86 chúng ta đổi mới đó thì ông mới chịu cái sức ép của thực tế là ông không thể nào không theo cơ chế thị trường được. Ông phải chịu, nhưng ông chưa kiểm điểm cái tư tưởng của ông đâu. Á! … cả một hệ thống tư tưởng bao trùm tất cả những người cộng sản ở cái nước này vẫn như cũ. Vẫn như cũ! Cho nên anh cứ tưởng là đổi mới, anh đã đổi mới được đâu.
Cho nên các anh có nói là cái Cương lĩnh năm 91, tôi xin lỗi anh, Cương lĩnh năm 91 y hệt cái hệ thống tư tưởng mà … của cái hệ thống Xô viết. Có gan thì anh phải xem lại 6 cái điểm mà cái Cương lĩnh 91 ghi, cũng chuyên chính vô sản, cũng công hữu, cũng phát triển có kế hoạch v.v… Cho nên vì cái người Việt Nam đó, ông không tự kiểm điểm cho nên cho đến bây giờ cái tư tưởng của ông đó ông vẫn giữ những cái cũ. Tôi xin lỗi anh!. Khi tôi đọc cái bản mà anh Đỗ Mười viết cách đây mấy tháng đó. Rồi anh Lê Khả Phiêu cũng viết luôn nữa. Tôi bảo là mấy cái ông này đầu óc cũ quá đi, chết mất thôi. Bởi vì ông có kiểm điểm gì đâu. Ông có tiếp nhận cái tư tưởng như thế nào. Cách đây mấy chục năm thì bây giờ ông vẫn y như thế. Cho nên rằng tôi nghi ngờ là tôi nói ví dụ như là gọi là ban lý luận, Hội đồng lý luận Trung ương. Tôi bảo là mấy chú đó có kiểm điểm mẹ gì đâu, mấy chú là giữ nguyên như cũ, rồi, vì ba cái thằng già này rút lui hết rồi thì người ta cử mấy chú vào ngồi đấy trong đó có Lê (Tô) Huy Hứa, Lê gì gì đấy. Thì tôi xin lỗi, những chú đó đọc bao nhiêu sách của Mác và Lênin. Có lúc nào mà ngồi nghĩ rằng cái tư tưởng nào của Mác là đúng, tư tưởng nào của Mác dự báo, là sai? Chưa bao giờ người ta ngồi nghĩ. Hôm nay anh Đào Công Tiến bảo là tư tưởng của Mác có cái sai, có cái đúng. Quá đúng rồi. Tất cả những dự báo của Mác về CNXH và về chủ nghĩa cộng sản, tôi xin lỗi, tôi nói thẳng là sai. Mà đấy là ông ý dự báo thôi, tức là ông ý dự báo dựa trên cái như Lênin nói, tức là ông nghiên cứu cái qui luật của một sinh vật. Rồi từ cái quá khứ của sinh vật đó mà ông ý nghĩ rằng cái sinh vật đó sẽ phải tiến triển theo cái hướng như thế này, đấy là dự đoán thôi.
Cái sai của những người cộng sản là ông dựng cái đó thành nguyên lý, Ông dựng cái đó thành giáo điều, mà ông giữ chết những cái giáo điều đó thôi. Nhưng tôi xin lỗi! Gần như tất cả các nhà lý luận của chúng ta kể cả những người mà hiện nay cầm quyền họ chưa bao giờ có dịp mà ngồi lại kiểm điểm xem là cái gì là đúng, cái gì là sai. Cho nên tôi nghĩ là lúc nào cũng tụng là “nền tảng của chúng ta là chủ nghĩa Mác – Lênin”. Tôi xin lỗi, Lênin có nhiều điều sai. Tôi nói thế này, Lênin nói về hai sách lược là sai. Ông nói là cách mạng dân chủ xong phải tiến lên luôn cách mạng XHCN. Không đúng! Chúng ta làm cách mạng dân tộc dân chủ rồi, tôi xin lỗi, phải 100 năm nữa chúng ta mới nghĩ đến được CNXH, trên 100 năm nữa mà ông nói là ông làm luôn cách mạng XHCN à. Chính vì chúng ta theo tư tưởng của Lênin là sau cách mạng dân tộc dân chủ thì ta làm luôn cách mạng XHCN. Cho nên chúng ta mới ngã bổ chửng ra. Chúng ta phá hết cả kinh tế tiểu nông, vừa mới chia ruộng cho người ta rồi thì lại bảo là các chú góp ruộng lại, đưa cái hợp tác xã cấp cao tức là cấp và (…) v.v…
Cho nên những tư tưởng lý luận, kể cả của Lênin và một số cái của Mác nữa là sai. Mà người Việt Nam chưa lúc nào ngồi tự kiểm điểm cả. Có đúng không? Thực ra mà nói đó, hôm nay chúng ta mới có dịp nói với nhau, công khai tôi cũng chẳng nói bởi vì tôi nói rằng nói cho họ nghe để làm gì, tranh luận mất thì giờ, để thì giờ ta đi dạy trẻ con. Nhưng mà hôm nay đó, nói ra để nói rõ rằng, chúng ta có rất nhiều cái mơ hồ, và chính vì cái mơ hồ trong tư tưởng đó cho nên Cương lĩnh đầy rẫy những cái sai. Ông nói CNXH mà ông không hiểu nó là cái gì cả. Ông nói định hướng XHCN mà ông không biết cái định hướng nó là cái gì. Ông nói là nền dân chủ XHCN mà ông cóc hiểu dân chủ XHCN khác cái dân chủ tư sản là cái gì. Trong khi đó ông mời hết các cái thằng luật gia của CNTB nó đến nó dạy ông. Nhiều chuyện!
Tôi nói thật là chúng ta tự lừa dối chúng ta, thực ra là phải nói như thế. Và chúng ta tự lừa dối chúng ta và đồng thời chúng ta lừa dối người khác. Tôi nghĩ là cái tệ hại đó phải chấm dứt, phải sửa. Nhưng mà ai sửa? Những người cầm quyền bây giờ họ chẳng có thì giờ mà họ nghĩ đến chuyện đó đâu. Họ cứ miễn là một nhiệm kỳ này họ cứ ngồi đấy, còn nhiệm kỳ sau thì họ về hưu rồi. Tuỳ, thằng nào tiếp tục thì tiếp tục. Cho nên tôi nghĩ rằng đấy là lời bình luận của mình thôi.
Bây giờ, không biết là, bốn rưỡi rồi không biết là có được xin phép mấy câu kết luận không. Nhở.
Tôi thì xin thưa với các đồng chí như lúc đầu tôi nói đó, là người ta cả một cái Đảng, cả một cái nước, năm năm người ta mới có một lần thảo luận về đường hướng của đất nước, người ta mở rộng dân chủ thì không biết hình thức hay là thực chất thì không cần, nhưng miễn là người ta mở rộng dân chủ. Thế thì không lẽ các nhà Kinh tế học, những nhà lý luận có thể nói là rất (…) của lớp trí thức chứ không phải lớp trí thức bình thường đâu, thế các ông không thảo luận à, ông không phát huy ý kiến à.
Cho nên chúng tôi mới bàn với nhau là thế nào chúng ta cũng nên có một cuộc thảo luận. Thế nhưng mà có nhằm để sửa như anh Hồ nói không, tôi thực tình là không nghĩ như thế. Tôi chỉ nghĩ là những ý kiến của chúng ta đúng và sai thì tuỳ, bởi vì không ai phán xét chúng ta. Ông có quyền nói cái ý của ông. Hai ý nghĩa, thứ nhất là chúng ta chuyển cho cái Ban văn kiện, Ban văn kiện thôi chứ mấy cái ông đứng đầu Ban văn kiện tức là Bộ Chính trị đó, ông ý làm gì có thì giờ ông ý đọc, có phải không? Anh biết thừa đi là họ chẳng có thì giờ đọc. Thế thì cuối cùng là một cái lớp bồi bút, như tôi đã từng làm một bồi bút, rồi đến lượt ông Hồ làm bồi bút thì ông có đọc thì đọc thôi. Và nếu có chen được vào một vài ý mà như ông Hồ đề nghị thì cứ việc. Còn nếu không chen được thì (…) Đó là ý thứ nhất, mục đích thứ nhất. Nhưng mục đích thứ hai là gì, ít ra cũng ghi vào văn bản và lưu ở cái hội Khoa học kinh tế này, hoặc ở đâu đó là: cái năm 2010 này đó, đã có một số nhà trí thức góp những ý kiến đó. Vậy thôi. Có thể mười năm sau người ta bảo ừ rất tiếc cái đám trí thức đó có nhiều cái ý đúng mà người ta không tiếp nhận. Vậy thôi.
Đó là chuyện của lịch sử nhưng ít ra để nói rằng, cái giới trí thức của nước này cũng không ngu đến mức nó tự lừa dối nó đâu. Có phải không ạ? Chứ còn hy vọng rằng người ta nghe như giới trí thức này và nhiều trí thức khác. Nếu ông hy vọng như thế thì ông hơi ảo tưởng đấy. Tôi nghĩ rằng nếu ta làm được cái điều mà như chúng ta vừa nói cũng đã tốt rồi. Ít ra chúng ta chứng tỏ với xã hội rằng chúng ta có trách nhiệm đối với xã hội. Khi người ta yêu cầu mình góp ý kiến mình sẵn sàng nói, nói thẳng cái ý kiến của mình dù có thể đó là sai. Đó là được. Tôi nghĩ là nếu chúng ta đạt cái điều này thì cũng tự an ủi mình là mình không phí thì giờ. Có phải như vậy không? (vỗ tay).
Thế còn chúng tôi dự định hai ngày nhưng mà chắc là các đồng chí nói rồi và nhiều đồng chí nói với tôi là tôi không cần nói nữa, các anh nói tôi nghe rồi. Tôi đồng ý, thì có được không? Và như thế hôm nay chúng ta có thể kết thúc được.
Thế thôi thay mặt hội Khoa học kinh tế, cám ơn các đồng chí (vỗ tay). À, vâng, cái này thì thuộc Ban thư ký hội khoa học kinh tế. Ông muốn ghi thế nào thì ghi.

Hết

Những người phát biểu:
- GS Trần Phương: cựu Phó CT Hội đồng Bộ trưởng (PTT), cựu Ủy viên BCHTW Đảng, Chủ tịch Hội KHKTVN
- Đào Công Tiến: cựu Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cựu thành viên Ban nghiên cứu chiến lược Chính phủ
- Việt Phương, cựu Thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cựu thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, Viện Nghiên cứu phát triển IDS
- Nguyễn Trung, cựu Đại sứ VN tại Thái Lan, cựu thành viên Ban nghiên cứu củaThủ tướng, Viện Nghiên cứu Phát triển IDS.
- PGS Võ Đại Lược, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị Thế giới, cựu Thành viên ban Nghiên cứu của Thủ tướng.
- GS-TSKH Nguyễn Mại, cựu Phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
- Vũ Khoan, cựu Phó Thủ tướng, cựu Ủy viên TƯ Đảng
- Vũ Quốc Tuấn, cựu thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng
- PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN
- TS Lê Đăng Doanh, cựu thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, Viện Nghiên cứu phát triển IDS
- GS Nguyễn Đình Hương, cựu Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội.
- GS Lê Du Phong, cựu Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân
- GS Đào Xuân Sâm, cựu trưởng khoa quản lý kinh tế Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, từng là thành viên nhóm tư vấn của cố tổng bí thư Trường Chinh trước Đại hội Đảng lần thứ VI, cựu thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng
- GS Phan Văn Tiệm, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính
- Phạm Chi Lan, cựu thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, Viện Nghiên cứu phát triển IDS
- Dương Thu Hương, cựu Phó Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước
- TS Lưu Bích Hồ, cựu Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- GS Vũ Huy Từ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế VN

------------------------------------

Tài liệu tham khảo:
.
.
.

No comments: