Tạ Phong Tần
06/12/2010
“Nói toạc ra, tượng sư tử là biểu tượng của văn hóa Tàu, việc đặt tượng sư tử tràn lan ở Việt Nam chẳng khác nào sự xâm lăng văn hóa, sự xâm lăng không cần vũ khí, không cần bạo lực, mà chỉ cần dựa vào sự ngu xuẩn (vô tình hoặc cố ý), sự làm lơ tiếp tay cho “họa sư tử” lan tràn.
TS vật lý Phạm Long nhận xét: “Việc sử dụng tượng sư tử đặt trước các công trình kiến trúc một cách ngây thơ, tùy tiện, tràn lan thoạt nhìn có vẻ chẳng ảnh hưởng đến ai (nhà tôi tôi cứ xây, tượng tôi tôi cứ dựng… trong phạm vi đất đai của tôi…) nhưng có nguy cơ dẫn tới tình trạng “tự quy hàng” về văn hóa, tự biến mình làm nô lệ cho văn hóa ngoại lai. Nó thể hiện những lỗ hổng kiến thức lịch sử, nghệ thuật của những người “hồn nhiên” sử dụng chúng”.
Ở một xứ sở mà văn hóa loài vật ngoại lai được “hồn nhiên” lên ngôi chễm chệ ở khắp nơi, những bức tượng lố bịch mọc ra nhan nhãn không thấy pháp luật “sờ mó”, còn biểu tượng của tâm linh, tín ngưỡng của con người là tượng Đức Mẹ thì bị phá dỡ, hạ bệ. Thật không biết nên vui hay nên buồn khi vật thì được nâng lên, còn phần tâm hồn con người thì hạ xuống”
------------------
Năm ngoái, trang tin dcctvn.net cho hay, chiều ngày 23/06/2009 công an huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) “mời” ông Nguyễn Văn Long (giáo dân ở Dốc Mơ, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) là người dựng đài Đức Mẹ La Vang trong tư gia của ông Long ra “làm việc”. Chủ tịch xã Gia Kiệm Nguyễn Quang cùng với công an Huyện Thống Nhất đã bắt người nhà ông Long phải đập phá và dỡ bỏ tượng đài này vì “dựng tượng trái phép”, nếu không chấp hành sẽ bỏ tù ông Long, và người nhà ông Long đã ép bụng phá dỡ tượng Đức Mẹ theo ý các vị “công bộc của dân” huyện Thống Nhất.
Hàng xóm của ông Long là cụ Giuse Phạm Văn Toàn, đã hơn 80 tuổi. Cụ Toàn cũng đang có “vấn đề” với chính quyền xã vì hai cụ đã kêu con cháu xây cho mình cái đài Đức Mẹ nho nhỏ trước cửa nhà. “Đài Đức Mẹ vừa hoàn thành thì chính quyền xã đến hạch sách hai cụ. Những ngày này, ngoài những lần bị gọi lên xã làm việc như anh Long, gia đình cụ còn bị chính quyền đến “thăm” liên tục. Họ thúc giục gia đình cụ phải đập phá tượng đài, bằng không họ sẽ có “biện pháp cứng rắn”.
Không thể nói rằng các vị đại diện chính quyền ở Việt Nam không hề biết Đức Mẹ là ai, Đức Mẹ biểu tượng cho điều gì, có quan hệ đến tâm linh, tín ngưỡng như thế nào đối với giáo dân. Tuy nhiên, có vẻ như ở Việt Nam người dân dựng một bức tượng Đức Mẹ (bất kỳ nhỏ hay lớn), dù là trong phạm vi đất của mình, nhà của mình, vườn của mình cũng rất khó khăn, đừng nói gì đến việc dựng tượng ở nơi công cộng. Nên không có gì lạ khi thánh giá ở giáo xứ Đồng Chiêm (Hà Nội), hay tượng Đức Mẹ ở giáo họ Bàu Sen (Quảng Bình), giáo họ Đồng Đinh (Phát Diệm)… đã bị “hạ bệ” một cách “nhiệt tình” bởi uy lực của chính quyền sở tại với đầy đủ phương tiện tối tân, hiện đại hỗ trợ.
Giấy mời ông Nguyễn Văn Long
Nếu căn cứ vào hai sự việc cụ thể gần nhất vừa nêu trên, người ta có cảm giác pháp luật Việt Nam rất nghiêm minh, chặt chẽ đến từng chi tiết, dân chúng đừng hòng tự tiện cho “mọc lên” bất kỳ cái gì “lù lù một đống” trên mặt đất, bất kể đất của chính anh hay đất của nhà nước.
Thế nhưng thực tế không phải vậy, dựng tượng để bày trò “nhí nha nhí nhố” thì cứ vô tư đi. Cách đây không lâu, báo chí trong nước đùng đùng đưa tin một chủ quán cà phê ở Bình Dương dựng tượng Giáo sư Ngô Bảo Châu trong khuôn viên của quán (tất nhiên là ngoài sân), tại “vị trí trang trọng nhất”, bức tượng rất hoành tráng với chiều cao gần 3m. Dĩ nhiên, không có “người nhà nước” nào mời ông chủ quán cà phê “làm việc” cả, cũng không có lệnh bắt đập phá, dỡ bỏ bức tượng Giáo sư Châu. Người ta phô trương, ăn theo rầm rộ tới mức chính Giáo sư Châu cũng cảm thấy xấu hổ dùm, và ông đã than thở: “Không cái khổ nào giống cái khổ nào” trên blog của mình khi hay tin người ta dựng tượng ông.
Mới đây, báo Tuổi Trẻ (30/11/2010) cho hay “Họa sư tử” trải dài từ Bắc vào Nam, trong công sở, ở khách sạn, lan tới nhà dân. “Họa sư tử” đó là “tượng sư tử xuất hiện ở nhiều nơi, từ nhà dân đến cơ quan công quyền, kiểu Tây lẫn kiểu Tàu… không mang đến vẻ đẹp như mong muốn. Trái lại, nó thể hiện sự phản văn hóa nặng nề”.
Sư tử ở chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Keo (Bắc Ninh), chùa Tự Khoát (Thanh Trì, Hà Nội), chùa Một Cột (Hà Nội), Ðại Nam quốc tự (Bình Dương) Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, trước cửa Tập đoàn Dầu khí (Hà Nội)… “Không khó để thấy ngay cặp sư tử trước cửa Tập đoàn Dầu khí “hoàn toàn Tàu”, từ cách quặp móng, khuỵu chân đến cả cái bệ”- TS Trần Lâm Biền nhận xét.
Ở Sài Gòn, đi đâu cũng thấy tượng sư tử kiểu Tàu đặt trước ngôi nhà hoành tráng, kể cả cơ quan thuộc nhà nước quản lý. Chi nhánh ngân hàng Vietcombank tọa lạc tại đường Phạm Ngọc Thạch, đường Kỳ Đồng (quận 3) đều chễm chệ cặp sư tử Tàu to đùng như vậy.
Sư tử chưa bao giờ là biểu tượng hay linh vật trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Tại các đình, chùa, miễu cổ ở thôn quê Việt Nam, con vật quen thuộc người ta thường thấy trưng bày để trang trí cổng, cửa, tam cấp, lư hương, bàn thờ, nằm phủ phục dưới chân Phật, thần thánh… là con kỳ lân, một trong số “tứ linh”. Con kỳ lân là một linh vật tưởng tượng có ngoại hình gần giống như con sư tử đực, nhưng được nghệ nhân dân gian Việt tạo hình đầu, mình, bờm, chân, đuôi trơn tru, mềm mại và gương mặt, ánh mắt hiền lành, cái miệng cười vui tươi như một chú chó con. Nó khác hẳn với các bức tượng sư tử người ta đua nhau dựng mới đây con nào con nấy cơ bắp cuồn cuộn cứng chắc, mắt quắc lên hung dữ, nhe nanh múa vuốt bén nhọn như sắp cắn xé, dẫm bẹp kẻ nào bạo gan dám béng mãng đến gần nó.
PGS.TS Tống Trung Tín – viện trưởng Viện Khảo cổ học nói: “Xưa nay trong kho tàng thế giới biểu tượng Ðông Tây và nghệ thuật Ðông Tây chưa bao giờ có sách vở nào nói rằng con sư tử đá trước các tòa nhà là thể hiện sự thành đạt, vị thế của chủ nhân nó. Với riêng những tài liệu tôi từng đọc và nghiên cứu, con sư tử đá chủ yếu, tôi xin nhấn mạnh chủ yếu là biểu tượng cho thế giới của những người đã chết. Nó chủ yếu để đặt ở các lăng mộ của Trung Hoa. Ai đó không tin điều tôi vừa nói xin mời vào thăm các lăng mộ Trung Quốc và đọc tác phẩm của Osval Sirène, bậc thầy lừng danh về nghệ thuật cổ đại Trung Quốc đã hệ thống về sư tử đá Trung Quốc. Bộ sách có tên Lịch sử nghệ thuật cổ đại Trung Quốc – Histoire des arts anciens de la Chine, bốn tập, công bố ở Paris (Pháp) và Brussels (Bỉ) năm 1929-1930. Hiện bộ sách đang có mặt tại thư viện Viện Thông tin khoa học xã hội VN”.
“Còn người Việt có sử dụng các tượng đá sư tử để trấn yểm nơi lăng mộ? Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế cho biết: “Các con vật được tạc trong các khu lăng mộ người Việt ngoài kỳ lân, hổ, ngựa, voi còn có thêm tê giác. Nếu cần có một con vật hung dữ, người Việt nghĩ ngay đến hổ và hầu như trong suốt lịch sử phát triển của lăng miếu chúng ta, hổ là con vật oai phong nhất, không gì thay thế được”.
Nói toạc ra, tượng sư tử là biểu tượng của văn hóa Tàu, việc đặt tượng sư tử tràn lan ở Việt Nam chẳng khác nào sự xâm lăng văn hóa, sự xâm lăng không cần vũ khí, không cần bạo lực, mà chỉ cần dựa vào sự ngu xuẩn (vô tình hoặc cố ý), sự làm lơ tiếp tay cho “họa sư tử” lan tràn.
TS vật lý Phạm Long nhận xét: “Việc sử dụng tượng sư tử đặt trước các công trình kiến trúc một cách ngây thơ, tùy tiện, tràn lan thoạt nhìn có vẻ chẳng ảnh hưởng đến ai (nhà tôi tôi cứ xây, tượng tôi tôi cứ dựng… trong phạm vi đất đai của tôi…) nhưng có nguy cơ dẫn tới tình trạng “tự quy hàng” về văn hóa, tự biến mình làm nô lệ cho văn hóa ngoại lai. Nó thể hiện những lỗ hổng kiến thức lịch sử, nghệ thuật của những người “hồn nhiên” sử dụng chúng”.
Ở một xứ sở mà văn hóa loài vật ngoại lai được “hồn nhiên” lên ngôi chễm chệ ở khắp nơi, những bức tượng lố bịch mọc ra nhan nhãn không thấy pháp luật “sờ mó”, còn biểu tượng của tâm linh, tín ngưỡng của con người là tượng Đức Mẹ thì bị phá dỡ, hạ bệ. Thật không biết nên vui hay nên buồn khi vật thì được nâng lên, còn phần tâm hồn con người thì hạ xuống?
Tạ Phong Tần
.
.
.
No comments:
Post a Comment