Friday, December 17, 2010

HẠNH PHÚC KHI ĐỌC NHỮNG BÀI VIẾT VỀ "MẸ" (Vũ Ánh)


(12/13/2010)

(1)
Khi Vũ Đình Trọng bảo tôi: “Nhờ anh viết một vài giới thiệu những bài trong cuộc thi viết về Mẹ trước khi em cho đăng tải các bài dự thi trên báo mình”, tôi nhận lời ngay vì tôi hiểu mình sẽ có được những giây phút hạnh phúc hiếm hoi: còn được khóc ở tuổi đã 70. “Tuổi già giọt lệ như sương”, nhưng tôi đã khóc vì tôi đã thương mẹ tôi và những bà mẹ Việt Nam khác lưu lạc trên xứ người hay trên chính quê hương cũ của tôi, nơi mà tình người đang bị tàn phá, đang tan nát vì những đổi thay không phương hàn gắn.
Tôi đã từng đọc nhiều tác phẩm viết về mẹ, đã từng được nghe nhiều nhạc phẩm ngợi ca lòng bao la như biển cả của mẹ. Nhưng với tôi, những lời lẽ mượt mà nhiều khi thấm đậm chất triết học và ước lệ không làm cho tôi nhớ lâu được. Tuy nhiên, những bà mẹ như mẹ của Captovan thì không cần tác giả phải là những nhà văn lớn ông cũng đã làm cho bao nhiêu con tim phải thổn thức. Cái cách kể lể của Captovan về người mẹ của mình chính là hình bóng tuyệt vời về một tác phẩm vừa mới đẽo từ một rễ cây cổ thụ và rồi cứ để nguyên như thế mà trưng bày, không cần gọt, dũa, không cần sửa chữa và cũng chẳng cần đánh bóng. Nó như thế nào thì để nó như vậy. Nhưng nhìn vào những nét trạm đơn sơ, vẫn nhìn ra được cái bóng dáng lớn lao của một người mẹ, một người mẹ sừng sững giương đôi cánh can đảm sẵn sàng đối phó với những hiểm nguy bất trắc để bảo vệ đàn con.
Tôi là một đồng hương với tác giả Captovan vì cũng là người thuộc Kiến An-Hải Phòng nhưng khác làng. Làng tôi, Thủy Nguyên cũng thuộc Kiến An nhưng ở bên này sông Bính. Người Thủy Nguyên cũng gọi bố mẹ là “thầy”, “bu” như làng Cựu Viên. Bởi thế khi Captovan nhắc lại cách xưng hô này, tôi nghĩ ông đã làm sống lại biết bao nhiêu kỷ niệm về thời thơ ấu của những người xuất thân từ những làng quê chung quanh tỉnh Hải Phòng, tỉnh mà vẫn bị người Hà Nội chê là “đồng chua nước mặn”, có người còn gọi chúng tôi là dân "chém to, kho mặn".
Tôi tin rằng hình ảnh “bu tôi” mà Captovan phác họa trong “Bà Mẹ Quê” là hình ảnh của bất cứ bà mẹ quê nào ở Miền Bắc chứ không phải chỉ ở làng Cựu Viên hay Thủy Nguyên. Tác giả Captovan viết trong nỗi nhớ đến thảng thốt mẹ của mình:
“Nhưng với bu tôi, một bà mẹ quê, thì tôi nhớ nhiều, nhưng chưa một lần nhắc lại kỷ niệm này với anh chị em và con cháu. Khi thầy tôi mất thì bu tôi mới 43 tuổi với một nách bẩy đứa con, tất cả cùng sống trong căn nhà tranh vách đất, ba gian hai trái, một mảnh vườn với dăm ba sào ruộng thuộc làng Cựu Viên, tỉnh Kiến An, thành phố Hải Phòng và chỉ cách hai nơi này chừng 3 cây số.
“Một hình ảnh tuy đã hơn 60 năm rồi mà tôi vẫn còn như đang thấy trước mắt. Đó là cảnh vào lúc hoàng hôn, bu tôi đứng ở góc vườn hướng ra nghĩa trang mà kêu tên thầy tôi trong tiếng nấc khi đã chôn cất thầy tôi xong.
“Bu tôi cả ngày chân lấm tay bùn với ruộng lúa vườn rau, mỗi buổi chiều về sau khi thổi (nấu-va) cơm cho con, nấu cám cho lợn (trong Nam gọi là heo-va) xong thì mặt trời đã lặn, giữa lúc tranh tối tranh sáng, bà lẳng lặng ra góc vườn, lúc thì ngồi ngắt đọt khoai lang, khi thì hái chè (trà-va) mà thút thít khóc trong khi các con không hay biết”.
Bà mẹ quê của Captovan vào thời điểm ấy góa chồng ở tuổi 43, một nách phải nuôi bẩy người con như lời ông kể, lại còn phải chăm sóc ruộng vườn thì quả thật cái gánh ấy hết sức nặng nề. Nhưng gánh nặng gia đình chưa hẳn là một nỗi đau, mà nỗi đau cắt ruột chính là nỗi cô đơn riêng của mình, nỗi cô đơn của người phụ nữ vừa mất đi một chỗ dựa quan trọng nhất trong đời.
Có nhà văn nói rằng “cái may mắn nhất của người đàn bà là còn có tình thương bao la với con cái, và chính tình thương ấy đã giúp họ vượt lên trên những giông bão, sóng gió”. Hình ảnh thấm đẫm nước mắt về bà mẹ của Captovan dường như vẫn còn lay động dưới ánh lửa bập bùng của căn bếp quê hương cách đây hơn 60 năm. Tôi hiểu rằng tác giả đã viết những dòng này trong cơn thổn thức dù cho tới nay ông cũng xấp xỉ thất thập cổ lai hi:
“Mùa đông tháng giá, tiết trời khá lạnh ở vùng quê với căn nhà có nhiều kẽ hở để gió lùa vào, anh em tôi nằm ổ rơm đắp chiếu, kín dầu thì hở đuôi và ngược lại khi kín chân thì thò đầu, cái lạnh đêm khuya lại thêm dạ dầy trống, đúng với câu châm ngôn ‘bụng đói, cật rét’ nên giấc ngủ chập chờn. Nửa đêm về sáng khi gà vừa gáy, tôi thức giấc, thấy ánh lửa từ bếp hắt lên, tôi bò dậy mon men đến để sưởi cho ấm thì thấy bu tôi đang ngồi nấu cám heo một tay cầm que (để khươi củi hay rơm, rạ-va), tay kia nắm mớ rơm đẩy vào tiếp cho lửa cháy, bóng mẹ tôi in lên vách bếp, ngả nghiêng theo ánh lửa bập bùng.
“Đêm khuya thấy con thức giấc bò xuống bếp thì bà mẹ biết con đang thiếu cái gì. Vừa trông thấy tôi bà vội kéo vạt áo lau nước mặt rồi nói:
- Đói hả, ngồi xuống đây sưởi cho ấm rồi bu nướng cho con củ khoai.
“Bếp nhà quê đun bằng rạ nên có tiếng nổ lép bép làm bắn ra những tia lửa tựa pháo bông và kéo theo bụi tro phủ lên người ngồi nấu. Bu tôi đứng dậy khẽ phủi tro lên tấm khăn tang trắng, rồi lấy củ khoai lang ở thúng treo sau lưng, vùi vào đám tro giữa ‘ba ông đầu rau’. Có thể nhiều người không biết khoai nướng vùi bếp tro là gì, mùi vị nó ra sao, ngay cả con cháu nội ngoại của bu tôi hiện nay đang sống trên đất Mỹ cũng không biết. Nhưng với tôi, củ khoai lang mà bu tôi ban cho tôi không có gì so sánh được. Người ta thường dùng chữ 'ban" để  nói về những 'hồng ân' mà Thượng đế, Chúa, Phật ban cho con chiên, phật tử, nhưng bu tôi đã 'ban' cho tôi củ khoai nướng vùi bếp tro giữa đêm Đông giá lạnh mà xung quanh bếp chỉ có rơm, rạ, tro bụi, bóng tối và tình mẹ con.
"Bà khều củ khoai trong đám tro ra, vò nắm rơm chà lên vỏ ngoài cho sạch chỗ cháy đen rồi đưa cho con:
- Khoai còn nóng lắm, con ăn từ từ.
"Đúng rồi, khoai nước thơm và ngon với trẻ em miền quê, nếu em đói mà vội ăn đến nỗi quên cả bóc vỏ thì sẽ bị nóng phải hả miệng ra thổi phù phù..."
Thời gian đó, tác giả chẳng hiểu chữ hiếu là gì, nhưng hành động bẻ củ khoai làm đôi, một nửa đưa cho mẹ trong ánh lửa rơm chập chờn giữa đêm khuya phải chăng là hành động thể hiện chữ hiếu, một thứ ý thức tuy mơ hồ nhưng mạnh mẽ tiềm tàng trong lòng những đứa trẻ vừa mất một hình bóng người cha không gì có thể thay thế được, ngoại trừ người mẹ. Captovan giải thích:
"Tôi đưa nửa củ khoai cho bu tôi vì tôi biết bu tôi cũng đói, nhưng nhường miến ăn cho con như tất cả các bà mẹ khác.  Cầm miếng khoai trong tay, bu tôi nhìn tôi không nói gì nhưng lại choàng tay qua kéo tôi vào lòng. Tôi biết bu tôi đang thổn thức và rồi bà khẽ nói:
- Con lên nhà đánh thức các anh chị dậy ăn cơm để còn kịp 'ra đồng'
"Hai chữ 'ra đồng' là chỉ công việc ngoài đồng như cuốc đất, nhổ mạ, cấy lúa, làm cỏ, trồng rau, trồng khoai, trồng bắp (ngô)...những công việc làm của nhà nông để làm ra thực phẩm mà người thành phố, nhất là các bạn trẻ người Mỹ gốc Việt không bao giờ có thể hình dung ra được nó vất vả như thế nào".
(Còn tiếp)
.
.
.
(12/14/2010)

(2)
Bà mẹ của Captovan không chỉ phải đối phó với ngần ấy những gian nan của bà mẹ góa với những đứa con côi cút. Bà còn phải đối phó với chiến tranh, hết tản cư rồi hồi cư về làng cũ, hết hồi cư lại tản cư, hết Pháp càn vào làng thì lại đến Việt Minh nổi lên. Trái núi của sự đau khổ ấy cứ đè nặng mãi đôi vai gầy guộc của người góa phụ. Thế rồi khi gồng gánh rời bỏ Miền Bắc để lánh nạn Cộng sản trong Nam, bà như lạc vào một thế giới khác, thế giới của thành phố, "bỏ lại sau lưng xa tít mù khơi mái tranh, lũy tre, ruộng vườn, và nhất là mồ chồng mà bà sẽ không bao giờ được nhìn lại". Bà mẹ của Captovan như tầu lá úa và chỉ hồi sinh sau khi đã có tiếng bập bẹ "bà bà" của các cháu nội ngoại. Nhưng cái hạnh phúc này không kéo dài được vì cuộc chiến ngăn làn sóng đỏ lại bùng nổ. Các con trai và con rể của bà đều phải lên đường tòng quân "thằng Cao Nguyên, đứa Đông Hà, con trai út ở núi Sơn Chà, thì con trai áp út mãi tận Cà Mâu". Những năm tháng còn lại của bà được dàn trải bằng những lo âu của người mẹ về đàn con miệt mài trận mạc. Năm tháng của chiến tranh bao giờ cũng là năm tháng dài nhất trong đời của những người mẹ già: lo âu, trông ngóng cả tin vui lẫn thảm kịch, cả hy vọng lẫn tuyệt vọng. Captovan viết về mẹ mình thời chiến tranh ngăn làn sóng đỏ như sau:
"Bu tôi đã chết giấc nhiều lần như thế khi thấy mấy đứa con, đứa cháu trong họ hàng và cùng ở TQLC lần hồi tử trận như Tô Chiêu, Tô Sơn, Vũ Tuấn, Nguyễn Thanh... và cuối cùng thì vào ngày 19 tháng 6 năm 1969, trên con kinh Cán Gáo thuộc tỉnh Chương Thiện, những tiếng nổ đã loại tôi ra khỏi vòng chiến...Tôi còn nặng nợ chưa đi được nên khi tỉnh dậy thấy nằm trên giường bệnh viện, toàn thân những giây cùng nhợ ...Tôi bị trọng thương , bị loại khỏi vòng chiến thì cũng là lúc mẹ tôi cũng bớt được một phần nào lo âu. Thấy tôi lết về với đôi nạng gỗ kẹp nách thì mẹ tôi lại mỉm cười:
-Con cứ như thế này thì mẹ đỡ lo !"
Nhưng định mệnh của Miền Nam Việt Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975 không cho người  mẹ của tác giả "Bà Mẹ Quê" cũng như hàng, hàng vạn bà mẹ khác của những người lính "đỡ lo". Không, các cụ vẫn vẫn còn lo, còn sầu khổ, còn vất vả nuôi con trong chốn lao tù, và trong nhiều trường hợp các bà mẹ Việt Nam ấy không kịp nhìn thấy các con mình trở về. Cái kết thúc của "Bà Mẹ Quê" là một sự chấm dứt không vui cho anh em họ Tô. Nhưng ngược lại nó trở thành niềm hãnh diện cho chính họ và cho những ai được nghe Captovan kể lại câu chuyện này. Mỗi người đều có một bà mẹ và mỗi người nhìn mẹ mình theo một lăng kính riêng của con tim. Nhưng cách nhìn của Captovan về mẹ mình mộc mạc, chân thật và nhiều xúc cảm.
Cá nhân, tôi biết rằng mình là người hạnh phúc khi được đọc những câu chuyện viết về mẹ, những câu chuyện được kể lể một cách giản dị, mộc mạc, không gọt dũa của chính những người con. Các phiên bản ấy về những người mẹ ấy đôi lúc cũng đã làm tôi thổn thức. Trước đây khi cùng Ngụy Vũ thực hiện "Chuyện kể Hành Trình Biển Đông", tôi cũng đã có cái may mắn được chính những thuyền nhân kể lại đầu đuôi về thiên bi hùng ca của cuộc đời họ, của gia đình họ và những người quen biết, nhưng cái nhịp kể ấy lúc nào cũng đầy ắp những căng thẳng và hãi hùng của thảm kịch. Nó giống như khi người ta đọc "Quần Đảo Ngục Tù" của Soltzenitsin, người đọc có thể choáng váng về cái địa ngục của nước Nga thời Stalin và khi đọc "Bác sĩ Zivago" của Boris Pasternak, những cảm xúc lại đến từ từ, len lén, thấm dần vào trong tim rồi bùng lên với nước mắt dàn dụa thương cho người thầy thuốc chỉ vì yêu nước Nga mà cam nhận một cuộc sống bị hất hủi, lưu đầy trên chính quê hương của mình.
Bà mẹ Việt Nam cũng vậy. Chỉ vì lòng thương con bao la nên chấp nhận mọi bất hạnh cho riêng mình và cũng vì tình thương bao la ấy, những bà mẹ như mẹ của tác giả Captovan không phải chỉ tạo nên hình hài của những đứa con mà còn làm nên con người của những đứa con ấy.
Trong bài "Nỗi Buồn", tôi không hiểu người mẹ của tác giả Cẩm Đào có phải trải qua những năm tháng đổi thay trong cuộc đời bà như  mẹ của Captovan hay không, nhưng rõ ràng người mẹ này cũng có những cũng có một trái tim mênh mông. Thảm kịch 30 tháng 4 năm 1975 đã mặc nhiên biến những người mẹ, người vợ thành những người kiếm cơm chính cho gia đình. Xã hội miền nam Việt Nam vào thời ấy bị tước đoạt nhiều thứ lắm, nhưng có một thứ người thắng trận không tước đoạt được: đó là tình thương bao la của những bà mẹ đối với con cái. Người mẹ của Cẩm Đào phải tần tảo lo cho đàn con bẩy đứa. Mẹ không ngại bất cứ công việc nặng nhọc nào để kiếm tiền cho các con ăn học. Tác giả Cẩm Đào nhấn mạnh:
"Bấy giờ cuộc sống thiếu ăn, thiếu mặc bao trùm cả Miền Nam. Bữa ăn hàng ngày, nhà nhà phải độn khoai lang, khoai mì, chuối nấu chung với gạo. Thế nhưng các đứa con của mẹ vẫn được ăn cơm trắng, còn mẹ thì cứ cơm độn. Ngày nào mẹ cũng dặn các con phải ăn nhiều vào cho nó có sức khỏe, học hành cho giỏi sau này đỡ cực thân. Mẹ cực thế nào cũng không ngại..."
Có nhiều bà mẹ nói rằng khi thấy các con trưởng thành, có mừng và hãnh diện thật, nhưng ngấm ngầm trong lòng, họ vẫn thấy một điều gì đó mất mát, không rõ nét lắm, nhưng cảm xúc vẫn lớn dần. Thời còn trẻ, mới bước vào đời, tôi không hiểu được tại sao mẹ mình “lẩm cẩm” đến nỗi lén để trong chiếc ba lô tôi sắp sẵn những thứ cần thiết để lúc nào cũng sẵn sàng lên đường như một chai nước tương nhỏ, chút mắm ruốc kho với thịt bầm hay thịt chà bông. Hồi đó C-Ration của Mỹ chỉ cần vài hộp là đủ cho một hành trình. Nhưng bà vẫn muốn gởi gấm tình thương của bà trong những thứ bà tự làm để rong ruổi những ngày phải làm việc ở mặt trận. “Con cứ đem đi, có nhiều lúc cần đấy, ở mặt trận hòn tên mũi đạn, ai người ta có thời giờ mà lo cho mình”. Bà luôn nói như thế và nhiều lần trong cuộc đời phóng viên mặt trận tôi thấy mẹ tôi hữu lý. Nhưng vào lúc ngựa non còn háu đá, có thể tôi chỉ hiểu được cái vị ngon, dở của những món ăn. Cho đến khi vào trại cải tạo, thiếu thực phẩm, thiếu thuốc men, đói triền miên từ năm này qua năm nọ, lúc dấy mới thấm tình mẹ. Không có lòng thương con, mẹ không thể hy sinh nhường nhịn mọi thứ cho con trong hoàn cảnh nghiệt ngã cả ở trong lẫn ngoài nhà tù Cộng Sản.
Bởi thế, khi còn hạnh phúc khi còn đọc những tình cảm chân thật trong “Nỗi Buồn” của Cẩm Đào, tôi hiểu lý do tại sao tác giả lại có cảm xúc còn vương tiếc nuối và ân hận đến thế:
“…Còn tôi thì sống rất vô tư, chỉ biết lo học với suy nghĩ đơn giản: mình học giỏi thì mẹ vui là đủ rồi. Tôi chẳng quan tâm xem hôm nay mẹ có khỏe không, ăn uống như thế nào. Ngược lại mẹ thì lo cho tôi từng  li, từng tí, thấy tôi thức khuya học bài cứ giục tôi đi ngủ, canh cho tôi từng giấc ngủ sao ch đủ 8 tiếng một ngày. Có bất cứ miếng bánh, gói xôi  hay trái xoài, trái ổi ngon mẹ đều dành riêng cho con gái út. Mỗi khi tôi sốt, mẹ thức cả đêm để chăm sóc. Đối với mẹ, các con là hạnh phúc, là niềm sống…”
Bà mẹ của Cẩm Đào trải qua hai biến cố trong đời sống. Bà thoát hiểm trong biến cố thứ nhất, nhưng với biến cố thứ hai là chứng ung thư thì bà đành thúc thủ. Nhưng chính trong giai đoạn đương đầu một cách can đảm với căn bệnh, các con của bà mới hiểu được lòng mẹ bao la như thế nào. Chỉ có điều cay đắng là đến khi hiểu ra được cái ý nghĩa sâu sắc của tình mẹ đối với các con thì mẹ đã không còn nữa. Tác giả Cẩm Đào viết trong đau đớn tột cùng:
“…Ngày ngay, cố nén những cơn đau quằn quại, trước mặt (mọi người), mẹ tôi vẫn vui vẻ lo cơm nước cho con, mong sao tôi an tâm vượt qua các kỳ thi quan trọng. Khi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt loại giỏi, tôi mừng rõ báo tin cho mẹ. Mẹ tôi tỏ ra vui mừng, nhưng tôi vẫn bắt gặp ánh mắt đượm buồn của bà. Lúc đó, tôi ngấm ngầm trách mẹ sao lại thế? Nhưng cho tới giờ tôi hiểu vì sao mẹ buồn. (Chẳng qua là lúc)bấy giờ,  mẹ đã biết sức khỏe của mình không còn chống chọi được nữa để lo cho đứa con gái cuối cùng vào đại học.
“Ngày thi vào đại học đã đến. Mẹ bảo tôi lên nhà dì ở trước vài ngày chuẩn bị bài vở đi thi cho tốt. Thật ra, mẹ không muốn tôi chứng kiến những cơn đau vật vã đang lấy từ từ sức sống của người. Mẹ muốn tôi lạc quan đi thi. Tôi lại rất dửng dưng chuẩn bị hành trang. Đưa tôi ra đầu lộ để đón xe, lúc tôi sắp bước lên xe đò, mẹ đã bật khóc thành tiếng. Tôi bảo: con đi thi vài ngày thì về, có gì đâu mẹ lại khóc? Nói xong tôi thản nhiên lên xe chẳng hề quay đầu lại nhìn mẹ lần cuối”.
Cái lần cuối mà tác giả Cẩm Đào không biết đó là lần cuối thật, lần cuối của một định mệnh đối với một người mẹ, và ngay cả với cô con gái út ! Bốn ngày sau, vào ngày đầu của cuộc thi tuyển đại học cũng là ngày con bệnh tàn ác đã cướp đi sinh mạng bà mẹ của tác giả. Trong đời người, ai cũng có lúc phải rời bỏ cái cõi tạm này, nhưng cái đáng nói nhất vẫn là những việc cuối cùng của mình, những việc còn có ích cho con người, cho những thế hệ nối tiếp.
Tác giả của truyện “Nỗi Buồn” thi cử xong xuôi và khi được người anh ruột lên đón về với một lời loan báo chết lặng “Mẹ chết rồi!” thì lúc đó Cẩm Đào mới biết rằng trước lúc ra đi, mẹ còn căn dặn anh chị em mình: “Đừng cho con út biết để nó an tâm mà thi”.
Nếu tôi là tác giả Cẩm Đào, tôi sẽ kết thúc câu chuyện tại đây. Là người đọc tác phẩm “Nỗi Buồn” của Cẩm Đào mà tôi còn không muốn biến nó thành bất cứ một ẩn dụ nào. “Đừng cho con út biết để nó an tâm mà đi thi”, còn câu nói nào, còn sự hy sinh nào, còn tình thương nào mênh mông hơn thế nữa không?
Bà mẹ của Cẩm Đào tạ thế đã lâu, mà dòng đời thì nghiệt ngã với chuyện áo cơm, với bi kịch, với hạnh phúc và bất hạnh. Nhưng tôi tin rằng hình ảnh của bà sống mãi trong lòng không chỉ có đứa con út của bà mà còn đối với những thế hệ mai sau, bởi vì thế hệ nào, người mẹ Việt vẫn có những cống hiến mà người đời tưởng là tầm thường nhưng trong tâm tưởng nó lớn lao vô cùng. (V.A)
.
.
.

No comments: