Kami
23.12.2010
Nhớ mấy năm trước không lâu, bữa cơm chiều hôm ấy cả nhà ngồi chờ Kim Anh – cô em gái tôi tới chương trình Bông hoa nhỏ mà vẫn chưa thấy về. Bình thường cô ấy là người rất đúng giờ giấc, có đi đâu không về kịp thì cũng gọi điện báo cho ở nhà ăn cơm trước, thấy vậy cả nhà đều lo không hiểu có chuyện gì? Đến chương trình Thời sự mới thấy Kim Anh mở cổng dắt xe vào, mắt đỏ hoe. Thấy vậy mẹ tôi gióng giả vội hỏi vì sao mà khóc, chả là nhà mỗi cô con gái còn toàn là trai, hơn nữa lái là con gái út nên bà cụ quý Kim Anh như cục vàng mười.
Hỏi chuyện thì mới biết, hôm ấy Kim Anh bị phòng An ninh bảo vệ nội bộ Công an thành phố (PA 17) gọi lên hỏi một số vấn đề liên quan đến chuyện ở cơ quan công tác, mà theo Kim Anh thì cơ quan công an hỏi rằng “Ai là người xúi dục chị có một số ý kiến phê bình Giám đốc Công ty mang động cơ xấu, lợi dụng việc góp ý để hoạt động chống đối, phá hoại?”. Nghe vậy cả nhà tá hỏa, bởi không hiểu cô em tôi tham gia hoạt động gì mà ra nông nỗi đó, hơn nữa nó vốn là người ngay thẳng, là đảng viên còn có chân cơ cấu trong cấp ủy đảng của Công ty?
Gặng hỏi thì mới biết trước dịp Đại hội đảng bộ Công ty nơi em tôi công tác năm đó, đảng ủy Công ty có kêu gọi mọi người kể cả đảng viên hay quần chúng tham gia góp ý xây dựng Dự thảo báo cáo. Nghĩ là chuyện góp ý xây dựng, hơn nữa là một đảng viên, trí thức trẻ nên em tôi cũng có một số kiến nghị bằng văn bản để góp ý phê bình trong khuôn khổ bản báo cáo và trong đó cô ấy có đề cập tới một số cán bộ lãnh đạo chưa gương mầu trong công việc là đặc biệt là có một số biểu hiện sa đọa trong sinh hoạt. Biết chuyện bà cụ nhà tôi nửa khóc nửa mếu, rên rỉ vẻ đau xót lắm, bà cụ bảo ai đời kêu gọi mọi người góp ý phê bình, đến khi người ta góp ý đụng chạm đến mình thì vu cho người ta có động cơ xấu, chống đối phá hoại. Không chỉ thế cụ còn bảo “Thời nay loạn hết rồi, nói một đường làm một nẻo, nay còn mang công an ra hù ra dọa con nhà người ta. Giời ạ“.
Nghe bà cụ kêu ca, tôi bỏ lên tầng trên không ăn cơm và bụng thì nghĩ rằng đó là chuyện linh tinh không bao giờ có, làm gì có cái chuyện dở hơi ấy như Kim Anh nói. Hơn nữa là chuyện liên quan đến đảng cộng sản Việt nam ngày ấy vốn là cuộc sống của gia đình tôi (giống lời bài hát “Đảng là cuộc sống của tôi” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn). Mãi sau này nghe nói lại chuyện ấy cũng không có gì lôi thôi cho Kim Anh, vì là đảng viên trẻ, hơn nữa có trình độ sau một thời gian bị lãnh đạo cơ quan “đì” cho các kiểu, do chán Kim Anh xin chuyển sang cơ quan khác là xong chuyện.
Đó là chuyện ngày trước, chuyện ở cấp dưới ở một Công ty Thương mại lớn ở Hà nội, đọc đến đây chắc có bạn đọc cho rằng tôi vẽ ra chuyện hay kể chuyện bốc phét. Không ai có thể tin chuyện một cấp đảng và chính quyền ở một Công ty ở Việt nam lại đi làm cái chuyện nhảm nhí như vậy, chuyện đổ cho người góp ý cho đảng cho chính quyền cái tội gọi là ý kiến góp ý phê bình mang động cơ xấu, lợi dụng việc góp ý để hoạt động chống đối, phá hoại?
Xin thưa rằng chuyện ấy là có thật 100%, nó không chỉ ở cấp Công ty mà bây giờ nó đã trở thành quốc nạn cấp nhà nước, đã lan tới cấp cao nhất của đảng và chính quyền Việt nam hiện nay mà người phát biểu ra điều đó là đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Theo các báo trong nước hôm nay, ngày 23/12/2010 đều đăng tin nổi bật trên trang nhất bài “Phát biểu bế mạc Hội nghị 14 của Tổng Bí thư” có đoạn viết (trích) “… Riêng đối với một số ý kiến mang động cơ xấu, lợi dụng việc góp ý để hoạt động chống đối, phá hoại, Ban Chấp hành Trung ương bày tỏ thái độ kiên quyết phê phán và dứt khoát bác bỏ.“
Chưa hết, trên báo Nhân dân cũng có bài “Hoàn tất công việc chuẩn bị để đại hội lần thứ XI của Ðảng thành công tốt đẹp” có đoạn viết rằng “Ðối với một số vấn đề khó, phức tạp, đã trao đổi thảo luận nhiều lần, nhưng vẫn còn ý kiến khác nhau, Trung ương ghi nhận và để nghiên cứu sau Ðại hội. Ðồng thời, BCH T.Ư bày tỏ thái độ kiên quyết phê phán, dứt khoát bác bỏ những ý kiến xuất phát từ động cơ xấu, lợi dụng việc góp ý để chống đối, phá hoại sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN của nhân dân ta“.
Được biết rằng, mấy tháng trước đây Bộ Chính trị đã có chỉ thị công bố và lấy ý kiến góp ý của các tổ chức cán bộ đảng viên và nhân dân vào dự thảo văn kiện của Ban chấp hành trung ương khóa X trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Theo văn bản Chỉ thị này thì việc công bố và lấy ý kiến của nhân dân vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của Đất nước, góp phần làm cho các văn kiện trở thành sản phẩm kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Hơn nữa các ý kiến góp ý như theo các báo chí trong và ngoài nước đăng tải có nổi lên “một số ý kiến đáng chú ý góp ý ĐH 11″ của các đồng chí cựu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các nhân sĩ có tên tuổi như Nguyễn Văn An nguyên Chủ tịch Quốc hội, Hữu Thọ Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, giáo sư Trần Phương, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên ủy viên Trung ương đảng, Chủ tịch hội khoa học kinh tế Việt Nam, ông Việt Phương, cựu Thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cựu thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, Viện Nghiên cứu phát triển IDS v.v… được nhân dân hết sức quan tâm, ủng hộ và hưởng ứng.
Vậy tại sao và dựa vào đâu để Ban Chấp hành Trung ương kết luận rằng các vị đó đã có một số ý kiến mang động cơ xấu, lợi dụng việc góp ý để hoạt động chống đối, phá hoại? Để rồi Ban Chấp hành Trung ương bày tỏ thái độ kiên quyết phê phán và dứt khoát bác bỏ các ý kiến đó?
Chuyện Bộ chính trị ra Chỉ thị công bố và lấy ý kiến góp ý của các tổ chức cán bộ đảng viên và nhân dân vào dự thảo văn kiện của ban chấp hành trung ương khóa X trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng là với tư cách mình mời họ. Phải hiểu những ý kiến đóng góp thì có ý kiến tốt, có ý kiến bình thường, có ý kiến phù hợp, không phù hợp chứ không có nhân dân hay đảng viên nào họ có động cơ xấu, lợi dụng góp ý để chống đối cả. Cái nào đảng thấy hay thấy đúng thì tiếp thu, không thì bỏ. Vạy sao phải quay ra thay lơi cảm ơn bằng câu hăm dọa với người góp ý như vậy? Không có lẽ Ban Chấp hành Trung ương quên rằng trước đây Ban Tuyên giáo Trung ương đã có chỉ thị yêu cầu các cơ quan truyền thông không đăng các ý kiến góp ý mang tính nhạy cảm hay sao? Như vậy cho thấy miệng thì đảng mời góp ý, nhưng lại răn đe các cơ quan truyền thông không cho đăng tải các ý kiến góp ý có nội dung nhạy cảm. Nay tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14 thì Ban Chấp hành Trung ương lại chụp mũ những người có ý kiến trái chiều, vu cho họ là có động cơ xấu, lợi dụng việc góp ý để hoạt động chống đối, phá hoại là sao? Thế có phải là Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị ăn cháo đá bát không?
Con người ta có nhiều suy nghĩ và tư tưởng khác nhau, cái đó là ta gọi là đa nguyên tư tưởng. Cùng một sự vật, mỗi người nhìn nhận ở các góc độ khác nhau, cộng với sự hiểu biết và trình độ khác nhau thì suy nghĩ khác nhau là đương nhiên. Ví dụ vấn đề CNXH, khi mà trong Báo cáo dự thảo khẳng định ta sẽ kiên định với CNXH, với Chủ nghĩa Marx-Lenin, nhưng ví dụ có ý kiến thì cho rằng “có một giải pháp đột phá mà chúng ta mới nói mé có chút thôi, tức là hoàn thiện cái cơ chế thị trường còn cái đuôi XHCN thì ai đồng ý XHCN thì ghi … không đồng ý thì bỏ.” thì cũng là một ý kiến góp ý. Vậy sao lại chụp mũ họ là có động cơ xấu, lợi dụng góp ý để chống đối phá hoại? Phải chăng đó là tín hiệu báo trước cho sự thanh trừng tiếp theo đối với những người đó?
Thật ra với suy nghĩ rằng (bắt buộc) 86 triệu con tin khối óc của cả dân tộc Việt nam suy nghĩ và tin tưởng vào những điều như bản báo cáo dự thảo trình Đại hội XI là một sự ngu xuẩn, một sự coi thường, sỉ nhục, không tôn trọng nhân cách người Việt nam quá… quá mức. Cách đây vài năm, khi mà các suy nghĩ bậy bạ kiểu ấy mới ở mức cấp Công ty, mức thành phố như chuyện của cô Kim Anh em gái tôi, thì đến nay, những suy nghĩ lạc hậu, độc đoán ấy đã chui sâu và leo cao đến cấp trung ương, đến Bộ Chính trị và nó chễm chệ ngự trị ngay trong lời phát biểu của đồng chí Nông Đức Mạnh Tổng bí thư trong phiên bế mạc Hội nghị trung ương 14.
Trong trường hợp này, câu nói nổi tiếng của ông Nguyễn văn Thiệu “Đừng tin những gì Cộng sản nói” lại một lần nữa đúng, đây cũng là lời nhắc nhở cho mỗi người, nhất là các bạn trẻ hãy cẩn trọng. Họ mời ta đấy góp ý phê bình, rồi chụp mũ cho ta đấy khi mà ý ta khác ý của họ và còn những cái rủi ro gì theo tiếp đằng sau sẽ đến với ta còn chưa biết?
Tốt nhất là đừng bao giờ dại gì mà dây với hủi, chả có góp ý phê bình cái Dự thảo báo cáo, báo cò con khỉ gì cho rách việc. Vớ vẩn lại bị điều 88 thì thiệt cái thân.
Ngày 23/12/2010
.
.
.
No comments:
Post a Comment