Sunday, December 12, 2010

CÙ HUY HÀ VŨ - NGƯỜI VÀ TÔI (Đào Đức Thuấn)

Đào Đức Thuấn

Gần đây, có những vụ việc “nóng hổi” về đời sống xã hội xảy ra trong nước. Và có lẽ một trong những sự kiện gây ra sự tranh luận, sự thu hút mạnh mẽ hơn cả ở trên mạng, lẫn trên báo chí truyền thống, cũng như từ các phương tiện “lề phải”, “lề trái” thậm chí cả “lề giữa” là sự kiện bắt giam Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ vào ngày 4 tháng 11. Có rất nhiều bài viết của các tác giả có tâm huyết đã mổ xẻ vụ bắt giữ người trên từ nhiều góc độ khác nhau, với nhiều quan điểm trái chiều tạo ra làn sóng âm hưởng dữ dội.

Cảm nhận của bản thân tôi sau khi đọc những thông tin đầu tiên về bắt giữ trên là sự “bàng hoàng”.
Nói ông Vũ là người trí thức, có học vấn cao cũng đúng, vì ít nhất ở đây mọi người vẫn hay gọi ông là “Tiến sĩ luật”. Ông đi học ở trời Tây, tiếp thụ được những kiến thức tinh hoa nơi xứ người, điều này rất cần thiết cho sự đi lên của dân tộc.

Nói ông là người có tầm ảnh hưởng lớn cũng đúng, vì ông đã làm nhiều việc gây “chấn động” trong nước, gây “khó chịu” đối với nhà cầm quyền: từ việc kiện Thủ tướng, cho tới việc bảo vệ dân oan hay là các câu phát biểu bày tỏ chính kiến “gây sốc” của cá nhân trên các phương tiện báo chí không trực thuộc Cục Báo chí – Bộ thông tin và Truyền thông.

Nói ông là một người đặc biệt cũng đúng, vì ông có một thân thế xuất thân rất đáng tự hào, ít ra những tác phẩm của bố và bố nuôi của ông vẫn là những “áng thơ chính thống” trong chương trình giáo dục phổ cập tại Việt Nam.

Tuy nhiên nói ông là một con người “thất học” cũng không sai, bởi vì ông không chịu cung phụng chế độ đã truyền thụ cho ông những kiến thức tân tiến,những tư tưởng thời đại và các chủ nghĩa “tiến bộ” trên thế giới, ví dụ như Chủ nghĩa Mác- Lê Nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, hay tác phong của "Vị cha già dân tộc - Hồ Chí Minh". Và ông cũng không chịu đóng góp vào con đường đi lên CNXH mà đã được Đảng và Nhà Nước đề ra làm kim chỉ nam cho toàn thể dân tộc Việt Nam.

Nói ông là một người không có tầm ảnh hưởng gì cũng chả sai, bởi vì, theo những thông tin chính thống, ông chẳng phải là thành viên của tổ chức nào cả, ông chỉ mở một văn phòng luật sư tại Hà Nội để hành nghề kiếm sống. Ông cũng không có liên hệ “cụ thể” nào với các tổ chức chính trị trị tại nước ngoài. Qua vụ này, cũng như bao vụ bắt giam khác liên quan tới điều 88 – Bộ luật Hình Sự thì ban đầu, theo kinh nghiệm bản thân, là một phong trào lên tiếng ầm ĩ, và kết thúc là một sự im lặng kéo dài vì tính “thời sự” nguội lạnh của nó, điều này có thể được thấy qua các vụ gần đây: Luật sư Lê Công Định, Lê Thị Công Nhân….. Có nhiều tổ chức nhân quyền lên tiếng về vụ bắt bớ này, tuy nhiên kết quả vẫn không cứu ông được khỏi cái án tù đã được định đoạt trước khi lệnh bắt được tiến hành. Và điều cuối cùng để minh chứng cho tầm ảnh hưởng “bình thường” của ông chính là cái nhận xét bất lực về việc giành phần thắng của vị luật sư đứng ra bào chữa cho ông- Luật sư Trần Đình Triển.

Nói ông là một con người “tầm thường” cũng chả sai trái ở chỗ nào. Thế hệ đi trước, người mà ông có thể dựa hơi đều đã không còn. Ông chả còn người quen nào đang tại chức đủ uy quyền để “chống lưng” cho ông vào lúc mà ông đang ở trạng thái “ngã ngựa” như hiện nay. Và có lẽ ông cũng chả muốn làm điều đó, nếu được, vì theo quan điểm của một nhà báo trong nước, ông quá “ngông cuồng” . Xuất thân đặc biệt không làm ông thu hút sự chú ý của quần chúng, ít nhất điều có thể kiểm chứng qua Mục “đọc nhiều nhất” của các tờ báo Việt Nam. Cơn bão scandal trong việc bắt bớ ông cũng không thể nào cạnh tranh lại về độ “hot” so với các câu chuyện về “hiếp dâm”, “lừa tình” … vẫn nhan nhản trên các tờ báo điện tử nước nhà.
Và có lẽ, dù ông là ai đi chăng nữa, dù ông làm gì khiến nhà cầm quyền Việt Nam phải chú ý, thì ít ra tôi vẫn thấy một mối liên hệ vô hình trong việc bắt giam ông và việc bắt giam tôi năm 1989. Hơn 20 năm, với những tình tiết giống nhau đến mức “kì lạ”, với những cách thức có thể biến đổi nhưng thủ đoạn thì vẫn như hôm nào. Và điều này khiến “sự bàng quang” của tôi càng trổi dậy mạnh mẽ, nó áp đi cả “sự thông cảm” của những người cùng cảnh ngộ. Bởi lẽ, với những trải nghiệm tại Việt Nam, tôi đã biết kết cục của câu chuyện này sẽ như thế nào. Và đó sẽ là sự tiếc rẻ cho tấm bằng Tiến sĩ, nó đã giúp ích nhiều cho công việc của bản thân ông, nhưng nghịch lý thay, nó lại không thể bảo vệ được khi ông phải đối diện với song sắt trại giam.

Và giờ tất cả những gì tôi có thể làm được là cố gắng tìm ra những đặc điểm giống nhau giữa tôi và ông Vũ, ít nhất là sự biểu thị theo ngôn ngữ “Tố tụng hình sự”.

Ngược dòng quá khứ, cách đây hơn 20 năm, tôi nguyên là một cán bộ viện quy hoạch và thiết kế Bộ Nông Nghiệp. Cố gắng để bảo vệ nhân dân Dầm Dơi, Cà Mau trong việc tự chủ đối với hoạt động nuôi tôm. Để rồi hậu quả mà tôi phải nhận lấy là sự bắt bớ vô cớ của công an vào ngày 30.06.1989. Sau hơn 10 ngày tạm giam họ mới đưa ra lý do của việc bắt giam khẩn cấp. Và rồi sau ngần ấy thời gian, tôi mới có quyền ký vào “Lệnh gia hạn tạm giữ”, “Lệnh tạm giam” cùng một lúc, để rồi bất chợt nhận ra mình bị bắt với tội danh quy định tại điều 132 – Ăn cắp tài sản Xã Hội Chủ Nghĩa – Bộ Luật Hình sự 1985. Sau đó, tôi bị tạm giam quá thời hạn so với luật pháp Việt Nam thời đó đã quy định

Trở về hiện tại với trường hợp của ông Vũ. Ông cũng bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, hơn thế nữa ông còn được người ta “khuyến mãi” thêm cho hai chữ “quả tang” để kèm theo hồ sơ vào ngày 04.11.2010. Và ông đã “may mắn” hơn tôi năm xưa, vì ít nhất ông cũng biết được lý do bị bắt.

Theo điều 87 Bộ Luật tố tụng hình sự, ông có thể bị tạm giữ trong 3 ngày, và không quá 2 lần gia hạn. Chín ngày sau, ông đã bị khởi tố với tội danh được quy định trong Điều 88 – Bộ Luật Hình sự. Theo pháp luật Việt Nam mà tôi được biết, thì trong giai đoạn từ ngày 06 đến ngày 15, họ đã làm đúng các bước trong luật Tố tụng Hình Sự: từ bắt giam khẩn cấp, đến tạm giữ 9 ngày, rồi khởi tố và tạm giam 4 tháng. Vậy câu hỏi được đặt ra là từ ngày 04 đến 06, ông đã ở đâu và làm gì? Khoảng thời gian trên có tính vào thời gian tạm giữ không? Tôi nghĩ ắt phải như thế, vì không có ai cần đến 2 ngày để làm việc với cảnh sát. Thế hóa ra cảnh sát Việt Nam đã tạm giữ ông quá thời hạn? Thế hóa ra sau hơn 20 năm, ông Vũ và tôi vẫn tìm được điểm tương đồng trong việc bị tạm giam quá thời hạn?

Trong lúc lập biên bản, tôi vẫn không biết Công an đã lấy lý do gì để tạm giữ ông trong 2 ngày trên. Vì nếu ông đúng vi phạm cái gọi là “quan hệ bất chính” thì chỉ phạt hành chính là cùng. Hoặc giả tỉ nguyên nhân chính dẫn đến sự tạm giam là tính chất “hành hung” của ông đối người thi hành công vụ, thì thiết nghĩ Công An Việt Nam sẽ “hăng hái ” đăng những tấm ảnh hung hăng ấy lên thay vì “vội vã” dùng những tấm hình mô tả việc “ông cởi trần, bà Quỳnh mặc áo” như là một bàn đạp để gây ra sự phẫn nộ về đạo đức của nhân dân đối với ông, dù rằng luật pháp không cho phép tiết lộ tình tiết trong quá trình điều tra.
Trở về giai đoạn từ ngày 06.11 đến ngày 15.11, theo Điều 87 – Bộ Luật Tố tụng Hình sự thì thời hạn tạm giữ không được quá 3 ngày, và được gia hạn lần thứ 2 trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, vẫn không có một cơ quan truyền thông nào đưa tin về việc công an gia hạn tạm giữ ông Vũ. Tại sao công an có thể họp báo để thông cáo về khởi tố bị can, còn việc gia hạn tạm giữ thì không ai nhắc đến? Mà ở đây, với tình tiết rất quan trọng của vụ án, thì ông Vũ phải ký 3 bản tạm giữ (bao gồm 1 bản tạm giữ và 2 bản gia hạn tạm giữ).

Một lần nữa, quay ngược thời gian để về với trường hợp của tôi năm xưa. Trong quá trình tôi bị tạm giam và truy tố từ tháng 7.1989 đến 09.1989 vì tội “Ăn cắp tài sản XHCN”, tôi vẫn không hình dung ra nổi tài sản ở đây cụ thể là gì: hữu hình hay vô hình và trị giá bao nhiêu. Và các cơ quan điều tra cũng chưa lần nào cung cấp rõ các chi tiết này cho tôi cả. Họ cũng không bao giờ đình án điều tra, cũng như không bao giờ truy tố tôi trước vành móng ngựa. Và đó là những gì cách đây 20 năm.

Một lần nữa quay về thực tại với việc khởi tố ông Vũ theo Điều 88 “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Theo tôi được hiểu, từ “tuyên truyền chống nhà nước” trên nghe “hao hao” giống như “bất bạo động”, hay đại loại là “diễn biến hòa bình” (theo cách lý giải thông thường của nhà cầm quyền). Công An còn cung cấp thông tin là họ đã thấy những thông tin, tài liệu “nhạy cảm” thông qua việc kiểm tra máy vi tính của ông Vũ. Tuy nhiên các thông tin này lại được phổ biến công khai trên mạng trước khi công an nhận quyết định phê chuẩn từ Viện Kiểm sát để điều tra vụ việc.

Đối với cá nhân tôi, họ buộc tội “ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa”. Nghĩa là gì? Nghĩa là nếu anh ăn con gà mà chính quyền không biết, thì anh đã “ăn cắp tài sản XHCN” vì thời đó, không có cái gọi là “con gà cá nhân” mà gà đó là “gà XHCN” dù anh có tự nuôi hay không. Và nếu anh ăn “con gà XHCN” đó, anh phải thông báo cho chính quyền để ăn cùng, nếu không anh sẽ bị truy tố, dù trị giá con gà chẳng là bao nhiêu.
Và rồi 20 năm sau, lệnh đó đã được bãi bỏ, thay vào là Điều 88. Nghĩa là gì? Nghĩa là nếu anh có “nảy ra một ý tưởng” nào mà chính quyền không thích, thì anh đã “Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, vì bây giờ, không có cái gọi là “ý kiến cá nhân” mà chỉ có tư tưởng của Đảng và Nhà nước soi sáng con đường phía trước. Nếu anh muốn phổ biến “các ý tưởng đó” mà không thông qua các Ban, các Ngành để kiểm duyệt, thì hẳn anh đã vi phạm Điều 88, mặc dù các ý tưởng của anh như: đa nguyên, đa đảng, hay tự do báo chí…. không có gì quá đặc biệt với thời đại vì nó đã trở thành bài giảng cơ bản trong các trường dạy trẻ con ở các nước tiến bộ.

Hai thập niên qua, hình thức bắt giam của công an có tinh vi hơn, tuy nhiên vẫn không che giấu được bản chất của nhà cầm quyền: Vu khống và lạm dụng quyền lực. Điều đó đã làm cho tôi “bàng hoàng” khi nghe về những thông tin như của Luật sư Cù Huy Hà Vũ. Vì nếu có đến mười ông Vũ hay trăm ông Vũ đi chăng nữa, thì kết cục cũng dễ tiên đoán. Các ông Vũ kia sẽ bị đối mặt với song sắt vì có tư tưởng chống đối. Chỉ khác là nếu không phải trăm ông Vũ mà là triệu ông Vũ. Có lẽ lúc đó cục diện sẽ thay đổi, người sẽ đối diện với song sắt sẽ chính là người đã bắt giam ông Vũ.

Tất cả những gì chúng ta đang chờ đợi bây giờ là: Trong 4 tháng tạm giam này, công an Việt Nam sẽ làm cái gì? Vì những thông tin cần điều tra rất dễ kiếm, họ có thể cộng tác với bloggers trên mạng để thuận lợi hơn cho việc điều tra những tài liệu mà ai cũng biết ấy. Liệu sau bốn tháng tạm giam, ông Vũ có được xét xử một cách công khai không? Nếu có và nếu không? Hay ông vẫn phải chịu gia hạn tạm giữa lần thứ hai kéo dài them 4 tháng nữa. Và câu hỏi quan trọng nhất bây giờ là, ông sẽ bị kết án tù mấy năm?

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Đào Đức Thuấn - thành viên Đảng Vì Dân tại Đan Mạch
.
.
.

No comments: