Saturday, December 4, 2010

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI và TOÀN CẦU HÓA Ở VIỆT NAM (Nguyễn Hưng Quốc)


Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Sáu, 03 tháng 12 2010

Mỗi lần nghĩ đến toàn cầu hóa ở Việt Nam, tôi lại nghĩ đến ba tôi.
Ba tôi sinh năm 1920, năm nay, tính theo tuổi Tây, đúng 90; tính theo tuổi ta, gần 92. Hơn nửa đời người, ông chỉ quanh quẩn ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau năm 1975, vào Đồng Nai, rồi sau đó, Sài Gòn. Có lẽ đó là các tỉnh và thành phố duy nhất ông biết, không kể các tỉnh nằm dọc theo đường quốc lộ số 1 từ Quảng Nam vào Sài Gòn. Về hướng Bắc, ông chưa từng đặt chân tới đèo Hải Vân, đừng nói gì đến Huế hay Hà Nội. Về hướng Nam, tôi e là ông chưa hề đến Phú Lâm hay Củ Chi, đừng nói gì đến Mỹ Tho hay Tây Ninh.
Không những không đến, có vẻ như ông cũng không quan tâm đến những chuyện xảy ra ở các tỉnh hay thành phố khác ở Việt Nam. Ông nghe đài, xem tivi và đọc báo, nhưng dường như với mọi sự kiện ở ngoài địa phương ông đang ở, ông không chú ý mấy. Chuyện tranh giành ghế trong đại hội đảng sắp tới, với ông, cũng xa vời như các câu chuyện cổ tích ông nghe thời thơ ấu với những ông Thiện, ông Ác, những tên cường hào ác bá và những trò vớ vẩn của những đứa ngu xuẩn. Vậy thôi.

Thế nhưng, mỗi lần nói chuyện với ông qua điện thoại, tôi lại hết sức ngạc nhiên về những hiểu biết của ông đối với tình hình chính trị, kinh tế và xã hội ở Mỹ, đặc biệt tiểu bang California và ở Úc, đặc biệt thành phố Melbourne. Ở California, tỉ lệ lạm phát ra sao, mức độ thất nghiệp và phá sản ra sao, ông đều biết. Biết một cách chi tiết và cập nhật. Ở Úc, bầu cử ra sao, kinh tế ra sao, nạn cháy rừng vào mùa nắng ra sao, ông đều biết. Biết tường tận.
Tại sao?

Nguyên nhân đầu tiên phải nói là nhờ truyền thông.
Nhớ, lúc còn ở Pháp những năm cuối thập niên 1980, thỉnh thoảng tôi viết thư về thăm ba mẹ. Thời ấy, thư đi từ Pháp đến Việt Nam mất cả tháng trời. Rồi cả tháng hay vài tháng sau, tôi mới nhận được hồi âm. Có lần, ba mẹ tôi viết: “Nhận được thư con, ba mẹ mừng đến phát khóc. Nhưng đọc thì không hiểu gì cả.” Không hiểu vì tôi viết tay; mà chữ lại tháu quá. Nguệch ngoạc, chữ này nối với chữ kia. Nhưng rồi ba mẹ tôi an ủi: “Không đọc được, nhưng ba mẹ mừng và vui lắm. Lúc nào cũng mong được nhìn nét chữ của con!”

Đầu thập niên 1990, qua Úc, lúc đường dây điện thoại viễn liên từ Úc về Việt Nam vừa được thiết lập, tôi mừng quá, gọi về Việt Nam để nói chuyện với ba mẹ. Lúc ấy, gia đình tôi cũng như tuyệt đại đa số các gia đình khác đều không có điện thoại ở nhà. Ba mẹ tôi phải đến bưu điện địa phương gọi sang cho tôi; rồi tôi gọi lại theo số ở bưu điện. Giá điện thoại cực đắt. Mỗi phút cả mấy đô. Nên lâu lâu mới dám gọi. Và lần nào cũng chỉ dám nói chuyện khoảng 20-30 phút. Nhưng chính vì lâu lâu mới gọi và lại nói ít nên ba mẹ tôi hiếm khi nén được xúc động. Phần lớn thì giờ, ông bà dành để khóc và nấc. Tôi hỏi: “Ba mẹ khỏe không?” Rồi tôi nghe, bên kia đầu dây, tiếng khóc. Lâu, lâu lắm, mới nghe tiếng thều thào: “Khoẻ”. Rồi lại tiếng nấc. Cứ thế. Nói vài tiếng, rồi khóc, rồi nấc. Cả cuộc nói chuyện kéo dài nửa tiếng có khi chỉ nói và nghe trọn vẹn được vài câu.

Bây giờ, mẹ tôi đã qua đời, điều kiện sống chung quanh ba tôi khác hẳn. Ở nhà có máy điện thoại, giá lại rẻ, cứ hễ muốn nói chuyện là nhấc máy và bấm số. Sau tiếng! Alô!” là tha hồ tâm tình. Ngoài ra, tin tức thế giới trên các cơ quan truyền thông chính thống trong nước cũng phong phú và cập nhật hơn trước nhiều. Nghe tin tức trên các đài phát thanh quốc tế không còn lén lén lút lút như trước. Đó là chưa kể internet. Ba tôi không biết xài internet; nhưng các em tôi thì biết. Chúng thường kể lại cho ông nghe những gì chúng đọc được.

Nhưng còn có nguyên nhân thứ hai này nữa, theo tôi, cũng quan trọng không kém. Ba tôi theo dõi tình hình ở Úc hay ở Mỹ không phải vì ở ông có sự hiếu kỳ về chính trị, xã hội hay văn hóa. Cũng không phải vì ông cho đó là những nước lớn hay văn minh gì cả. Lý do của sự quan tâm, với ông, cực kỳ đơn giản: Ở California, có em tôi đang sống; ở Melbourne, có tôi và anh tôi đang ở.
Ông cảm thấy gần gũi với Úc và Mỹ vì ở những nơi đó có con cái của ông. Vậy thôi. Thuần túy và đơn giản vì chuyện tình cảm.

Tôi nghĩ đó cũng là hiện tượng chung của cả hàng chục triệu người Việt Nam khác.
Hiện nay, cộng đồng người Việt trên khắp thế giới có thể lên đến khoảng 4 triệu người, bao gồm từ những người vượt biên đến những người ra đi theo “diện” đoàn tụ gia đình, xuất khẩu lao động và du học sinh. Con số ấy rất cao, chiếm gần một phần 20 dân số cả nước. Có lẽ ở Việt Nam, hiếm có gia đình nào không có thân nhân, hoặc gần hoặc xa, đang sống hoặc làm việc hoặc học hành ở nước ngoài.

Tôi nghĩ chính những liên hệ mang tính gia đình ấy đã mang thế giới lại gần với người Việt Nam hơn, giúp người Việt Nam dễ cảm nhận và đồng tình với xu hướng toàn cầu hóa hơn.

Chợt nhớ năm 2003, Pew Research Center có làm một cuộc điều tra về cách dân chúng các nước cảm nghiệm về toàn cầu hóa. Kết quả rất đáng ngạc nhiên: “Trên hầu hết các khía cạnh, người Việt Nam đón nhận toàn cầu hóa một cách nồng nhiệt hơn bất cứ dân tộc nào khác trong cuộc điều tra này.”

Thái độ tích cực của người Việt đối với toàn cầu hóa xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất là đời sống kinh tế: họ kiếm tiền dễ hơn và tiêu tiền cũng thoải mái hơn. Nhưng chắc chắn có một phần xuất phát từ những liên hệ gia đình với cộng đồng người Việt đang sống ở hải ngoại.

Có thể nói cộng đồng người Việt ở hải ngoại là chiếc cầu nối liền người Việt trong nước ra với thế giới.
Tuy nhiên, xin nói thêm: những cảm giác gần gũi đối với thế giới như vừa trình bày ở trên chưa phải là nội dung chính của toàn cầu hóa. Đó chỉ là một khía cạnh, thậm chí, là khía cạnh nhỏ. Như một yếu tố bổ sung hay một chất xúc tác. Toàn cầu hóa, với tư cách một hiện tượng hay một thuật ngữ, có nội dung phức tạp hơn nhiều.
Nhưng thôi, để bàn sau.
----------------------------
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


Tin liên hệ
.
.
.

No comments: