Nguyễn Dư
Ngày bé, mình xem Chùa Một Cột, thấy cái cột bằng gỗ, chứ không xây như bây giờ. Cột mà xây thì còn gì là hay nữa.
(Nguyễn Công Hoan (1903-1977), Nhớ và ghi về Hà Nội, nxb Trẻ, 2004, tr. 117).
(Nguyễn Công Hoan (1903-1977), Nhớ và ghi về Hà Nội, nxb Trẻ, 2004, tr. 117).
Hay hay không hay ? Cột xây hay cột gỗ ? Muốn biết thì... dựa cột mà nghe!
Đại Việt sử kí toàn thư chép : năm 1049, vua Lý Thái Tông cho xây chùa Diên Hựu. Trước đấy, vua chiêm bao thấy phật Quan Âm ngồi trên toà sen, dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy, vua đem việc ấy nói với bầy tôi. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua dựng cột đá ở giữa ao, làm toà sen của Phật Quan Âm ở trên cột, giống như đã thấy trong mộng.
Một tấm bia, khắc năm 1665, kể rằng :
" Năm đầu niên hiệu Hàm Thông đời Đường [...], dựng một cột đá ở giữa hồ. Trên cột xây một toà lầu ngọc, trong đó đặt tượng Phật Quan Âm để thờ cúng " (...).
(Tuyển tập văn bia Hà Nội, quyển 1, Khoa Học Xã Hội, 1978, tr. 59).
(Tuyển tập văn bia Hà Nội, quyển 1, Khoa Học Xã Hội, 1978, tr. 59).
Chùa được sửa chữa nhiều lần. Năm 1847 :
" May nhờ các quan Đốc bộ đường trước nay và các viên văn vũ bản tỉnh, xúc cảm trước cảnh chùa, phát lòng bồ đề, gia công tu bổ, khiến cho cửa Thiền lộng lẫy, tượng Phật huy hoàng, sánh với hoàng đô muôn đời bất diệt, so cùng cột đá, lâu mãi vững bền. Công này, đức này, tiếng để ngàn năm " (...). (sđd, tr. 61).
Chùa Một Cột năm 1884 (ảnh Hocquard)
Cái cột đá của chùa Một Cột đã có từ thời nhà Lý, hay trễ nhất cũng là từ thế kỉ 17.
Tháng 5 năm 1884, bác sĩ Hocquard dạo chơi quanh Hà Nội, có ghé thăm chùa Diên Hựu.
" Hai cụ từ giữ chùa ở trong một ngôi nhà rất ngộ nghĩnh. Nhà được xây cất trên cộtđá dựng giữa một cái ao đầy bèo và sen. Trông như một cái tổ chim. Ngôi nhà được mấy thanh gỗ ngang gắn vào cột đá chống đỡ. Giống mấy cái nan ô được gắn vào cán ô ". (Docteur Hocquard, Une campagne au Tonkin, Arléa, 1999, tr. 266).
Ngày xưa, đã có lúc chùa Một Cột được dùng làm chỗ ở của người trông coi chùa Diên Hựu.
Mấy tấm ảnh của Hocquard (bản khắc tr. 211, sđd), của Dieulefils (Indochine pittoresque & monumentale ( Annam - Tonkin ), của trường Viễn Đông Bác Cổ, của bưu ảnh, chụp trong khoảng từ cuối thế kỉ 19, sang đầu thế kỉ 20, cho đến năm 1950, đều cho thấy cái cột đá. Chưa thấy tài liệu nào đả động đến cái cột gỗ của Nguyễn Công Hoan.
Năm 1954, thực dân Pháp sửa soạn rút khỏi Hà Nội. Ngày 11 tháng 9, chùa Một Cột bị đặt chất nổ ! Tan tành. Cái cột bị huỷ hoại.(Philippe Papin, Histoire de Hanoi, Fayard, 2001, tr. 84). Rất may, thông tin của Papin không hoàn toàn chính xác. Có người chụp ảnh chùa bị phá. Cột đá chỉ hơi bị nghiêng. Hai tảng đá vẫn còn nguyên vẹn. (Carnet du Viêt Nam, tháng 8/2004, tr. 33).
Chùa Một Cột năm 1954
Năm 1955, chùa Một Cột được xây cất lại. Chuyên viên Sở Bảo Tồn Cổ Tích Nguyễn Bá Lăng được uỷ nhiệm nghiên cứu họa đồ và điều khiển công trường. (Nguyễn Nam Kinh, Chùa Một Cột, Hương Sen số 60, Hội Phật Tử Việt Nam tại Pháp, 1996, tr. 27). Chính Nguyễn Bá Lăng đã công nhận : " thành phần (của chùa Một Cột) mà ta có thể tin được là nguyên vẹn từ triều (Lý) này thì chỉ có cây cột đá gồm hai khúc tròn chồng khớp lên nhau đường kính 1m20 đội toà chùa bên trên như thể một cái cuống đưa đoá hoa sen nổi trên mặt một hồ nước vuông nhỏ mỗi bề rộng khoảng 16m ". (Nguyễn Bá Lăng, Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, tập 1, Viện Đại Học Vạn Hạnh, 1972, tr. 85).
Ai phá hoại chùa Một Cột ? Nhiều người nghi là quân đội Pháp. (France Mangin,Hanoï, Edition Recherches, Ipraus, 2001, tr. 149) . Nghi vấn này bị Duyên Anh bác bỏ :
- (...) Cuối năm 1954, đảng Đại Việt (không phải nước Đại Việt) gài mìn cho nổ sập Chùa Một Cột. Nói rằng, Chùa Một Cột phải tan nát, " quân ta " mới có ngày về " giải phóng " ! Báo chí quốc gia chửi đảng Đại Việt thậm tệ, gọi Đại Việt là bọn phá hoại ngu dốt. Phật giáo phẫn nộ. Chúa đảng Đại Việt, Nguyễn Hữu Trí, bị bắn chết ở Tân Sơn Nhất, hôm di cư vào Nam (...). (Duyên Anh, Ca dao quyện lấy miếng ngon dân tộc, Vũ Trung Hiền xuất bản, 1995, tr. 186).
Chùa Một Cột bị phá nhưng cái cột đá vẫn hiên ngang đứng giữa đất trời. Ngạo nghễ giữa bùn, sen, mưa, nắng !
Nguyễn Công Hoan nhớ sai. Cột đá mới vững, mới bền, mới... hay!
Nguyễn Dư
(Lyon , 3/2010)
(
.
.
.
No comments:
Post a Comment