Bùi Quang Vơm
Sat, 12/25/2010 - 13:11
Tham nhũng là vấn đề quan tâm của lãnh đạoĐảng. Tham nhũng được tranh cãi rất nhiều ở Quốc hội. Tham nhũng đã lấy đi không ít giấy bút, tâm lực của nhiều nhà nghiên cứu. Tham nhũng là trăn trở trắng đêm của nhiều nhân sĩ. Tham nhũng là câu chuyện hàng ngày, trong từng bữa cơm của mọi gia đình.
Người nói Tham nhũng như một khối u ác tính, nhức nhối ngày đêm, lan tràn, chen lấn mọi thói quen thường ngày, len lách trong từng suy nghĩ của từng con người. Nó tạo nỗi vui tột bậc, bất ngờ cho người này. Nó là ác mộng từng đêm của người kia. Lại có người, cả tổng bí thư đảng, gọi Tham nhũng là giặc nội xâm . Nó xâm chiếm, cướp đoạt tất cả. Nó tiêu hủy và tước đoạt tài sản quốc gia. Nó tiêu diệt văn hóa dân tộc. Nó hủy hoại danh dự và học thức. Nó băng hoại nền tảng căn bản của luân lý đạo đức.
Về mặt công khai, không một ai đồng tình với tham nhũng. Nếu đặt câu hỏi cho cả 86 triệu người Việt Nam , sẽ có cả 86 triệu người đòi tiêu diệt tham nhũng.
Những bài phát biểu của Lãnh đạo hừng hực quyết tâm và tinh thần trách nhiệm. Những tham luận dầy đặc chữ nghĩa của những nhà nghiên cứu, các học giả. Những tranh cãi có lúc gay gắt trên diễn đàn Quốc hội. Những tranh luận cuốn hút trên các diễn đàn đại chúng, của công dân mạng. Những cuộc tranh cãi nảy lửa trong các quán bia, quán cà phê. Những tiếng chửi tục tĩu, hằn học, uất ức đầy các vỉa hè, đầy chợ búa.
Nhưng tới 4 kỳ Đại hội rồi, nghĩa là đã « quyết tâm tiêu diệt » từ hai mươi năm nay rồi. Luật chống tham nhũng đã có hiệu lực từ 1/06/2006. Có cả một hệ thống các Ban phòng chống tham nhũng từ Trung ương xuống địa phương. Tất cả đều bất lực. Tham nhũng vẫn còn đấy, vẫn sống dai dẳng, và những nhận xét của các chuyên gia cả trong và ngoài nước đều khẳng định rằng tham nhũng ngày càng chui sâu hơn, leo lên cao hơn, kín hơn, tinh vi hơn, có bài bản và có quy mô lớn hơn, vì thế mà thiệt hại cho nền kinh tế trầm trọng hơn. Tiền của của dân mất nhiều hơn. Đội ngũ những đảng viên trở thành tỷ phú ngày càng đông hơn.
Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng ngày 31/11/2010 đánh giá: « Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, tiếp tục diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp; nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác PCTN chậm được khắc phục; tham nhũng chưa được ngăn chặn và từng bước được đẩy lùi… như mục tiêu Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đã đề ra; Tệ tham nhũng vẫn là vấn đề bức xúc và mối quan tâm lớn của toàn xã hội ».
Cả báo chí « lề phải » cũng nói: « ra ngõ gặp cường hào,quay vào gặp tham nhũng ».
Đó là lỗi của hệ thống. Đó là sự bất lực có nguồn gốc từ cơ chế vận hành của chế độ, từ sự bất lực của pháp luật.
Nhưng không một ai chỉ ra nguyên nhân thực của nó. Không phải do người ta không biết. Người ta không được nói ra, hoặc không nói ra được.
Những đảng viên không có quyền có chức, nhưng có học thức và có trách nhiệm xã hội là những người biết rất rõ bản chất của tham nhũng, nguyên nhân thực của tham nhũng, là những người có ảnh hưởng trong đảng, nhưng vừa bị trói buộc bởi điều lệ đảng, cấm phát biểu trái nghị quyết, vừa luẩn quẩn với luân lý « trung quân » và áp lực của « bát cơm, manh áo », tất nhiên có cả sự hèn đớn và xuống cấp của nhân cách.
Những người khác, những trí thức ngoài đảng, những « nhân sĩ phi chính phủ » cũng biết, nhưng không có phương tiện. Không ai cho nói, không một phương tiện đại chúng chính thống nào dám nói. Vì vậy không nói ra được.
Còn lại, những tiếng nói « lề trái » là « phản động ». Chống tham nhũng luôn bị gắn cho tội lợi dụng để « chống đảng » và « lật đổ chính phủ ». Dù có ôn hòa, « xây dựng », dù có thật lòng yêu nước, thì cũng như nước đổ lá khoai, chẳng ai nghe. Có ai đó lỡ nghe liền bị chụp cái mũ « biến chất », bị « diễn biến » và nếu ồn ào quá thì đã có điều 88 luật Hình sự « thu và dọn ».
Những người có chức, có quyền, những người cầm nắm tài sản nhà nước, những người đứng đầu các cơ quan tổ chức chống tham nhũng, là những người biết rõ và có khả năng chống, ngăn chặn, thậm chí tiêu diệt nó, nhưng họ, hoặc phần lớn trong số họ, lại chính là những người hoặc trực tiếp tổ chức tham nhũng, thủ phạm chính của tham nhũng, hoặc, cũng ít nhất là người gián tiếp hưởng lợi từ kết quả của tham nhũng, dưới dạng « quà biếu », « khen thưởng» mà thực là «ăn chia », nên không thể nói ra, không muốn ai nói ra, cấm không được ai nói ra. Tất cả những người có quyền và có chức này đều là đảng viên cộng sản. Nguyên nhân sự bất lực của luật phòng chống tham nhũng chính nằm ở đây.
Tham nhũng có nguy cơ tự thân
Tham nhũng có tính chất xã hội, bởi vì xã hội là tổng các tương tác của các hành vi cá thể, mà mọi cá thể đều có những bán tính tự nhiên bẩm sinh. Đó là những bản tính:
- Thích sở hữu. Loài người nói chung và từng cá thể nói riêng luôn tìm cách để « có », thích « có ». Câu nói « tôi có.. » luôn hàm ý niềm tự hào, hãnh diện, thậm chí là vinh quang, là động lực của sự sống. Từ có ăn, có mặc, đến có nhà, có ruộng. Bây giờ, người ta thèm « có » nhà lầu, xe hơi. Nhiều người đang thèm có máy bay riêng, có nhà nghỉ ở bãi biển, có biệt thự ở nước ngoài. Đã có một nhà, thì muốn có hai nhà, ba nhà. Đã có một xe, thì muốn có hai xe, ba xe... Cái muốn « có », tức là cái thèm sở hữu của con người là một thuộc tính tự nhiên và không có giới hạn cuối cùng. Cho nên bất cứ lúc nào, nơi nào, nếu có thể « có » được, thì, từ dân đen đến tổng bí thư đảng, không một ai chịu bỏ lỡ và tất nhiên chẳng có gì là xấu.
- Thích chiếm đoat. Con người tự nhiên thích có được cái mà mình chưa có hoặc không có. Đó là nỗi thèm khát chiếm đoạt. Lịch sử phát triển của loài người là lịch sử chiến tranh chiếm đoạt. Chiếm đoạt đất đai, chiếm đoạt của cải, chiếm đoạt đàn bà ...Trong thế giới hiện đại, chiến tranh không hề giảm gay gắt. Đó là những cuộc chiến nhằm chiếm đoạt lợi nhuận, chiếm đoạt lợi ích lẫn nhau. Chiếm được của người khác luôn là một biểu hiện của sự hơn hẳn về sức mạnh, của trí khôn. Vì vậy chiếm đoạt luôn có sức hấp dẫn như một loại ma túy.
- Thích ăn không. Bất cứ cái gì, ở đâu, lúc nào, có thể được ăn, được có, mà không mất tiền( túi), thì đều có sức cuốn hút đặc biệt. Người ta có thể bỏ tất cả, người ta có thể chen lấn, xô đẩy, dẫm đạp lên nhau để giành bằng được cái phần «của trời » hay « của chùa » kia. Bất kể cái gì không có chủ, hoặc vắng mặt chủ, hoặc không biết chủ là ai, đều là đối tượng xâu xé, giành giật để biến thành của riêng. Những món ăn trên mâm cỗ giữa đình, bánh kẹo bày ra trên bàn cưới, những món quà khuyến mại phát không v.v..
Bao giờ người ta cũng nhìn cái « của công » với con mắt « hau háu », chỉ chờ cơ hội để «biển thủ», để biến thành của riêng.
Đó là những bản tính tự nhiên. «Tự nhiên », vì nó tồn tại tự thân. Nó chỉ bị giảm, hay bị lấn át khi có những điều kiện tác động từ bên ngoài, như chất lượng của giáo dục, hay hiệu lực của pháp luật. Nói là « tự nhiên », vì chỉ cần tước bỏ những tác động bên ngoài kia, các bản tính đó sẽ trở lại nguyên hình, hay sẽ bộc lộ tối đa.
Vì vậy, tham nhũng là nguy cơ tự thân. Không thể chống tham nhũng chỉ bằng vận động đơn thuần.
Nguồn gốc của tham nhũng là Tài sản công cộng với sự Bất lực của pháp luật.
1) Có tài sản công là có tham nhũng.
Luật phòng chống tham nhũng 55/2005/QH ghi: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Đối tượng áp dụng của Luật chủ yếu là các cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước ». Như vậy, tham nhũng chỉ xảy ra ở nơi có tài sản nhà nước, và chỉ do những người có chức, có quyền thuộc bộ máy nhà nước thực hiện.
Có thể thấy ngay rằng, tất cả những thủ phạm của tham nhũng đều là đảng viên cộng sản. Vì không có người có quyền có chức mà không là đảng viên. Bởi vì phải là đảng viên thì mới được « có quyền và có chức ».
Trong một doanh nghiệp mà mọi loại tài sản đều là của chính chủ doanh nghiệp, thì mọi luật lệ được đặt ra, mọi biện pháp tổ chức, quản lý, sẽ nhằm chống lại tất cả những kẻ ăn cắp, chống lại mọi hành vi tham nhũng, nghĩa là mọi hành vi làm thất thoát hay mất mát tài sản của doanh nghiệp.
Ngược lại, trong doanh nghiệp nhà nước, trước một đống tài sản không phải là của mình, nhưng lại được giao toàn quyền quản lý, chủ doanh nghiệp sẽ tìm mọi kẽ hở của cơ chế, của pháp luật để thủ lợi.
Có ba loại hành vi chính trong các thủ thuật tham nhũng:
a) Chiếm đoạt - bao gồm các hành vi thụt két trực tiếp từ công quỹ:
- Lập chứng từ giả rút tiền của công ty
- Thông đồng với chủ hàng nâng giá hàng, nâng giá máy móc thiết bị trong những hợp đồng mua sắm công, nâng giá trị quyết toán của dự án công trình, ăn chia phần chênh lệch.
- Tạo dựng chứng từ khống
- Lập quỹ đen, sổ kế toán kép.
Một ví dụ thực tế: trong Dự toán một dự án 100 km đường xa lộ của một PMU, có khối lượng san lấp và gia cố nền như sau:
- Cát san lấp, hạt trung, dày 2.25m: 15.000.000 m3 x 100.000 đ/m3 = 1.500 tỷ đồng.
Khi thi công “phát hiện theo số liệu khảo sát thực tế”, chiều dầy bình quân của lớp đêm cát là 2.87m, tăng 0.62 m so với thiết kế, vì vậy, khối lượng cát lấp quyết toán cho bên B tăng lên: 3.700.000m3 x 100.000 đ/m3 = 37 tỷ đ.
Số tiền chênh lệch so với dự toán ( 37 tỷ đ ) này sẽ được thỏa thuận “cưa”, theo tỷ lệ 2:1, bên A:2, bên B:1. Cả hai cùng có phần, nhưng Nhà nước mất không 37 tỷ đồng.
Đây mới chỉ khối lượng san lấp, trong công trình còn rất nhiều khối lượng khác, như khối lượng đào đắp đất, khối lượng bê tông, gia công và lắp đặt thép…cùng được “ dựng” theo cách này, quyết toán thông thường tăng gấp hai, ba lần dự toán. Và không thể làm được gì, vì khi nghiệm thu hoàn công, tất cả đã chìm ở dưới đất hoặc nằm trong những phần khuất, chỉ còn những biên bản do cán bộ hai bên ký nhận.
b) Chiếm dụng: còn gọi là “tay không bắt giặc” hay kỹ thuật “bèo hoa dâu”, bao gồm các thủ đoạn sử dụng vốn nhà nước trong một thời gian cực ngắn, hoàn trả để xóa dấu vết ngay sau khi hoàn tất phi vụ. Trước mỗi cơ hội, chẳng hạn như hàng hóa giá, phân phối đất quy hoạch, cổ phiếu công ty mới niêm yết…Ban lãnh đạo công ty giải quyết cho cá nhân lãnh đạo mỗi người tạm vay “kín” một khoản tiền từ vài tỷ tới vài chục tỷ đồng. Mua xong, chớp cơ hội lên giá, ( nhiều khi, công ty hay tập đoàn, cùng hùn với các tập đoàn khác, cùng ngân hàng v.v.. “làm giá”), bán ngay, hoàn trả lại vốn vay cho công ty, và ăn chia, tấu tán lập tức khoản chênh lệch, như không hề có chuyện gì xảy ra.
Các công ty kinh doanh ngoài ngành sản xuất chính cũng vậy. Công ty kinh doanh bất động sản, công ty du lịch, công ty chứng khóan, nhà hàng, khách sạn…là những công ty hoạt động nhờ vốn sản xuất được cấp từ ngân sách chuyển sang dưới dạng cho vay nội bộ, kế toán sổ. Khi cần mua gấp một lô đất, một biệt thự, mua gấp một lượng cổ phiếu được dự đoán tiềm năng, các công ty này được Tổng hay Tập đoàn cấp vốn, sẽ hoàn trả khi hoàn thành “phi vụ”. Loại công ty trái ngành này khi lãi, họ hoàn trả vốn, không phát sinh chứng từ, còn chênh lệch, họ chia nhau chứ không chuyển về cấp trên. Chỉ khi lỗ, họ mới để nguyên trạng, coi như rủi ro trong kinh doanh. Vì vậy, các công ty con kinh doanh trái ngành, không bao giờ lãi.
Thí dụ: Một Tổng công ty ngành xây dựng có 12.000 công nhân viên chức, lập một dự án khu dân cư, cho khoảng 10.000 căn hộ. Lãnh đạo lập dự án, xin liên hiệp công đoàn xác nhận khó khăn về nhà ở của công nhân viên chức. Dự án được duyệt cấp 120 ha. Tổng công ty lập luận chứng dùng tài sản cố định để thế chấp vay ngân hàng đầu tư, nhưng không đủ. Lãnh đạo quyết định chuyển vốn sản xuất cho dự án vay. Đất được cấp với giá đất nông nghiệp chuyển công năng, bình quân 120.000 đ/m2, trong khi giá thị trường tại thời điểm đã là 1.200.000 đ/m2. Công ty phân lô và ưu tiên bán trước cho cán bộ công nhân viên, với giá “đảm bảo kinh doanh” là 145.000 đ/m2. Nhưng công nhân không có tiền. Công đoàn công ty hội ý với lãnh đạo dùng vốn sản xuất và huy động các quỹ khác cho công nhân vay ngắn hạn ba tháng. Tất nhiên, số công nhân có nhu cầu và có khả năng chỉ chiếm khoảng 30%. Số lô còn lại, lãnh đạo công ty chia nhau. Mỗi người năm mươi, sáu mươi lô. Tổng giám đốc nhờ người khác đứng tên mua tới hai trăm lô. Nhưng cái đáng nói là không một ai phải bỏ tiền ra. Chỉ là lập danh sách. Còn tiền thì công ty cho vay. Cũng chỉ là vay trên sổ sách, không phải suất tiền ra rồi nhập tiền vào.
Ba tháng sau, có sự cố về tài chính, dự án thông báo tạm ngừng do thiếu vốn đầu tư. Công ty ra thông báo đòi nợ. Chậm phải chịu lãi suất thị trường là 2%/tháng. Đa số công nhân không chạy được tiền trả nợ, nên chạy chọt bán nhượng đất. Công ty lại đứng ra mua “giúp, với giá bằng giá thị trường, chỉ rút đi 10% tình nguyện ủng hộ công ty. Như vậy mỗi m2 giá 1.000.000 đ, người bán cũng có được một khoản thu không 90.000.000 đ, vì từ lúc mua cho đến lúc bán, không hề phải bỏ ra xu nào.
Tuy nhiên, tất cả đất dự án, bây giờ lọt vào tay lãnh đạo gần như cả 100%. Công ty liền lập tức tung vố tập trung hoàn thiện hạ tầng cơ sở, vừa tung tiền cho quảng cáo, vừa cho “ đàn em” làm cò mồi, đến làm “hợp đồng” xin mua khối lượng lớn, với giá ngất ngưởng, nhằm tạo giá ảo và kích giá lên tột đỉnh.
Chín tháng sau, giá lô đất của dự án tăng vọt. Mỗi m2 hạng hai đã có giá 12 triệu đồng , hạng một tới 28 triệu/m2. Như vậy, chỉ riêng 480.000 m2 đất nhà ở, lãnh đạo công ty thu 7.200 tỷ đ. Hạch toán chi phí, quà cáp, thủ tục, thuế má v.v… còn lãi ròng khoảng 1.200 tỷ. Chia ra, cá nhân mỗi lãnh đạo thu gần 40 tỷ trong vòng một năm. Không một ai phải bỏ ra một xu. Đó gọi là “tay không bắt giặc”, tiền huy động của công ty lập tức được hoàn trả và xóa mọi vết tích. Giống như sau khi ném một hòn đá xuống ao bèo tấm. “Chỉ có Trời mới biết”.
c) Lợi dụng: Lợi dụng lại bao gồm những thủ đoạn vặt vãnh, như cho thuê trụ sở, cho thê đất bãi, nhà xưởng, xe, máy v.v nhưng để ngoài sổ sách, dùng để chiêu đãi khách khứa, biếu xén cấp trên, bao lương tháng cho những “cấp trên đặc biệt” và dùng để “thư giãn”, “mát mẻ”cho nội bộ ban lãnh đạo. Lợi dụng cũng bao gồm các việc như phân phối ưu tiên hàng hoá, tài sản, hay nhà cửa hóa giá, máy móc, xe cộ “thanh lý”. Đặc biệt là tuyển dụng lao động, bổ nhiệm các chức vụ quan trọng, và mức lương, mức thưởng.
Một ông Tổng giám đốc môt tổng công ty quan trọng của Bộ Giao thông Vận tải, có 9500 lao động. Trong đó có 1200 là người trong họ nhà ông, người cùng làng ông, xã ông và họ hàng bên vợ ông ở mãi ngoài Thanh Hóa. Người ta thấy ông có tính thương người, dễ mủi lòng, nên tiếng lành đồn xa, cứ người nọ mách người kia. Được cái, ai cậy nhờ ông, ông cũng giúp được việc. Đâu có mất gì của nhà ông. Tổng công ty nhà nước đâu có hạch toán lỗ lãi chặt chẽ như công ty tư nhân. Nông dân, chẳng được đào tạo gì, nhưng công ty của ông lớn, cứ nhận vào, không làm việc này thì làm việc khác. Đông người, thì công ty của ông càng được gọi là công ty to. Một tay ông nuôi ăn cho cả 9500 con người. Ông cũng có công với xã hội lắm chứ.
Nhưng cái đáng phải học ông là cái kết quả mà sự rộng lượng, thương người của ông đem lại. Làng của ông trở thành một cái làng không có người thất nghiệp. Có khi phải thuê thợ gặt , thợ cấy từ các làng khác. Hàng năm, khi ông có việc về làng, về xã, người ta đón ông như đón một vị thánh sống. Các cụ già khúm núm, thưa gửi, các cháu gái tươi tắn thì cứ tíu tít chạy vòng quanh. Rồi thì cơ man nào quà nhà quê. Bà vợ ông đành phải nhỏ nhẹ nói thầm vào tai các bà, các cô: “ lần sau thì phong bao cho dễ nhé”. Thế là mỗi kỳ sinh nhật ông, sinh nhật bà xã nhà ông, rồi đến sinh nhật của đứa con gái duy nhất của ông, rồi tết lễ, mỗi kỳ như vậy bà vợ ông nhận đến cả nghìn phong bì, phong bì nào cũng ít nhất một triệu. Chẳng làm gì, mỗi năm cứ đều đều, vợ ông thu ba, bốn tỷ đồng, không phải khai báo, chẳng phải đóng thuế cho ai cả. Còn lộc của ông lại khác, có khi chỉ một tháng, ông cũng nhập két chừng ấy.
Các nước xã hôị chủ nghĩa cũ khi chuyển sang cơ chế thị trường, đều xuất hiện nạn tham nhũng khác thường. Thực chất là một cuộc chiến tranh chiếm đoạt tài sản nhà nước của các quan chức có quyền. Toàn bộ nền kinh tế vốn chỉ có sở hữu nhà nước, thực chất là tài sản vô chủ, trong quá trình thị trường hóa đã biến nhanh thành tài sản tư nhân. Ở Nga và Trung quốc, xuất hiện những siêu tỷ phú trong một thời gian ngắn vô lý là vị vậy.
2) Sự bất lực của pháp luật.
Tham nhũng không bị ngăn chặn và trừng trị là do pháp luật không có hiệu lực. Sự bất lực của pháp luật có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, tham nhũng chủ yếu xảy ra tại các doanh nghiệp nhà nước. Những người được trao quyền quản lý đều chủ yếu dựa trên vị thế chính trị, không căn cứ vào năng lực, lại không phải đặt tài sản bảo lãnh trách nhiệm, như ở các nước. Vì vậy, Hội đồng quản trị, bao gồm chủ tịch, tổng giám đốc, ban kiểm soát và kế toán trưởng dễ dàng thống nhất với nhau, trong một kế hoạch vụ lợi. Sự thông đồng tập thể này tạo một hệ thống khép kín. Không một ai, không một quyền lực nào từ bên ngoài phá vỡ nổi. Kế toán có hai thứ sổ sách được tiến hành song song, mọi nghị quyết của HĐQT đếu có hai biên bản đồng thời, một công khai, một tuyệt mật. Thanh tra, hay Kiểm toán chỉ được biết và được phép kiểm tra hệ thống “trắng”. Loại tổ chức này chỉ bị phá vỡ từ bên trong, khi có sự ăn chia không sòng phẳng, hoặc có sự chuyên quyền quá đáng của người đứng đầu, hay nhóm đứng đầu.
Thứ hai, luật chống tham nhũng không thừa nhận tố cáo nặc danh. Không một ai từ bên ngoài, hay không dính líu tới nhóm quyền lợi có thể có được chứng từ, tài liệu chứng minh tham nhũng. Người có tài liệu không thể không thuộc nhóm tội phạm, ít nhất cũng có quan hệ với nhóm tội phạm. Chỉ có những người trong công ty, công nhân hay viên chức, nhận biết được sự việc, hiện tượng, nhưng lại không thể có bằng chứng, nếu tố cáo, dễ dàng bị quy tội vu cáo. Vì vậy, luật chống tham nhũng trên thực tế là ngăn cản và vô hiệu những hoạt động chống tham nhũng vì 99% đơn thư khiếu tố là đơn thư nặc danh.
Thứ ba, trật tự xã hội phụ thuộc quyền lực tối thượng và tuyệt đối của pháp luật. Nếu luật pháp không phải là tối thượng, nghĩa là còn có thế lực khác cao hơn chi phối, điều khiển pháp luật, thì chính thế lực này đã vô hiệu hóa pháp luật. Nhất là khi thế lực đó là con người cụ thể, hay một nhóm người cụ thể, thì tham nhũng sẽ hướng lợi ích tới nhóm người này. Không một con người cụ thể nào cưỡng lại được sức hút của lợi ích, khi những lợi ích này quá lớn.
Việt Nam không phải là Nhà nước Pháp quyền theo nghĩa thượng tôn pháp luật. Bản thân tên gọi “Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa”, đã thể hiện Pháp luật nằm trong khuôn khổ xã hội chủ nghĩa, do “xã hội chủ nghĩa” điều chỉnh. Những quy chế của “ xã hội chủ nghĩa” nằm bên ngoài và bên trên pháp luât, là quy phạm của pháp luật . Xã hội chủ nghĩa là cương lĩnh của đảng cộng sản. Đảng lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh. Pháp luật là bước thể chế hóa tư tưởng của cương lĩnh, là công cụ để thực hiện cương lĩnh. Như vậy, đảng cộng sản đứng bên ngoài và bên trên pháp luật. Cơ quan cao nhất của đảng là người làm pháp luật, điều khiển pháp luật. Bộ chính trị, vì vậy, thoát khỏi sự kiểm soát hoàn toàn của xã hội, và là những con người cụ thể có quyền lực tuyệt đối. Mọi thế lực tham nhũng trong xã hội, đương nhiên, sẽ tập trung tìm kiếm sự che chắn từ Bộ chính trị và những người đứng đầu trong hệ thống đảng và chính quyền địa phương. Chính từ đây, các chỉ thị miệng, các cú điện thoại có khả năng vô hiệu hóa bất cứ điều luật nào. Người ta không sợ luật, không nghe Luật, mà sợ đảng và chỉ nghe đảng.
Về thực chất, Đảng quyết định hết thảy. Không có quyết định của Bộ chính trị, thì dù Bộ tài chính đã 4 lần kiểm tra, Thanh tra chính phủ 11 lần thanh tra, nhưng không kết luận được gì. Thủ tướng không thể kỷ luật, không thể cách chức một ai trong số lãnh đạo của Vinashin. Chỉ khi Ban kiểm tra Trung ương quyết định, tức là khi Bộ chính trị bật đèn xanh, thì vụ việc Vinashin mới bị phanh phui. Cho nên dễ dàng thấy rằng, vụ bê bối Vinashin gây thiệt hại cho công quỹ hành trăm ngàn tỷ đồng, suy cho cùng là trách nhiệm của Bộ chính trị, ít nhất cũng là trách nhiệm trực tiếp của những người chủ trương đưa “kinh tế nhà nước là kinh tế chủ đạo”, và chủ trương tiếp tục tăng cường đầu tư, với tham vọng biến nó thành “nền tảng của kinh tế xã hội chủ nghĩa”, “có sức mạnh bao trùm”, tức là vô hiệu hóa nền kinh tế đa thành phần, nhằm quay trở lại nền kinh tế tập trung, hoàn thành giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong vòng 20, 25 năm nữa.
Thực tế ở Việt Nam hiện nay không có pháp luật. Pháp luật in thành sách chỉ có ý nghĩa hình thức. Pháp luật thực có hiệu lực là những chỉ thị của Bộ chính trị, của từng cá nhân ủy viên bộ chính trị. Có chỉ thị văn bản, có chỉ thị miệng. Có khi không phải là chỉ thị, mà chỉ đơn thuần là gợi ý, góp ý. Có khi trực tiếp, cũng nhiều khi thông qua trung gian.
Chống tham nhũng là triệt tiêu tài sản công và loại bỏ siêu quyền lực.
Ai cũng bảo “ không thể chống được tham nhũng”, “ tham nhũng do con người sinh ra, chỉ khi không còn con người thì tham nhũng mới hết”.
Đúng mà không đúng. Bản tính của con người là hám lợi, vì thực chất sự tồn tại của con người là sự tìm kiếm lợi ích.
Nhưng xét các điều kiện của tham nhũng như các phân tích trên, thì thấy rõ ràng, chống tham nhũng không khó:chỉ có hai việc phải làm, là triệt tiêu tài sản công và làm cho pháp luật trở thành tối thượng.
1) Phải sở hữu hóa mọi tài sản xã hội:
Nguồn gốc của tham nhũng là tài sản công, tức là tài sản trên thực tế là vô chủ. Vì vây, về nguyên tắc, phải sở hữu hóa tối đa những tài sản được gọi là tài sản nhà nước, tài sản toàn dân.
- Trước hết là giải tán các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước. Hiện các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), bao gồm 8 tập đoàn, 96 tổng công ty, hàng nghìn công ty lớn nhỏ, nắm giữ khối tài sản quốc gia rất lớn, trên 400.000 tỷ đồng: 70% tổng tài sản cố định của cả nước, sử dụng 20% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư của nhà nước, 60% tín dụng ngân hàng và 70% nguồn vốn ODA...Nếu chỉ tính thiệt hại do tham nhũng khoảng 5%, thì thất thoát hàng năm cũng có thể tới 160.000 tỷ, bằng ngân sách của một tỉnh lớn. Chỉ sau ba năm, riêng Vinashin đã gây thiệt hại 86.000 tỷ đồng.
Cần phải tư hữu hóa khối lượng tài sản chung này càng sớm chừng nào càng đỡ thiệt hại cho dân, cho nước chừng ấy. Vì tài sản của nhà nước đang từng ngày, từng giờ biến thành tài sản của chính những người được giao quyền quản lý. Nếu có ai đó làm cái việc thống kê tài sản của hơn 3000 vị chủ tịch H ĐQT, Tổng giám đốc, Giám đốc, Kế toán trưởng của các tập đoàn, các tổng, các công ty nhà nước, sẽ thấy rằng, trong có vài năm, tài sản riêng của các quan chức này đã tăng như có phép tiên, và hãy xem cách sống xa sỉ của họ.
Cần phải kiên quyết từ bỏ chủ trương nguy hiểm là tăng cường đầu tư cho khu vực nhà nước, nhằm đưa khu vực kinh tế nhà nước thành lực lượng chủ đạo, nền tảng của nền kinh tế của chủ nghĩa xã hội trong khoảng 20-25 năm nữa. Chủ trương này phản lại luật phòng chống tham nhũng, tiếp tục hút kiệt ngân sách, hút kiệt sức dân, tiếp tục phân hủy các yếu tố tích cực, lành mạnh của kinh tế thị trường, tiếp tục nuôi dưỡng tham nhũng, nguy cơ dẫn đến phá sản toàn bộ nền kinh tế.
- Loại tài sản công thứ hai, trung tâm của nạn tham nhũng, là đất đai. Chỉ vì đất là tài sản nhà nước, không có ai là chủ thực sự, nên bất cứ quan chức nào có quyền, có cơ hội là “thu hồi”, là “chuyển nhượng”. Nếu Kinh tế nhà nước là trung tâm tham nhũng của bộ máy trung ương, thì đất đai là trung tâm tham nhũng có nguồn gốc địa phương.
Khoản 1 Điều 5 Luật Đất Đai nói: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”. Việc nhà nước có toàn quyền về ruộng đất đã khiến cho “Cán bộ địa phương bán đất công bừa bãi như bán mớ rau, con cá. Tỉnh nào cũng có chuyện chính quyền cấp cơ sở bán đất vô tội vạ. Ngay giữa thủ đô Hà Nội cũng bán đất vô tội vạ. Tham nhũng đất đai nan giải lắm. Các kiểu tham nhũng đất đai thì muôn hình vạn trạng”. Đó là nhận xét của Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục An Ninh, Bộ Công An (Tuổi Trẻ ngày 08/7/2006).
Theo thống kê của Thanh Tra Chính phủ, số đơn thư khiếu tố về đất đai năm sau cao hơn năm trước mà không giải quyết dứt điểm được, khiếu kiện kéo dài hơn 10 năm vẫn chưa kết thúc.
“Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy, so với 2009, năm nay các cơ quan nhà nước tiếp nhận hơn 157.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo (tăng gần 30%). Nội dung khiếu nại chủ yếu về lĩnh vực đất đai (gần 70%). Nội dung tố cáo tập trung vào lĩnh vực hành chính (chiếm 94% và chủ yếu liên quan tới cán bộ có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đất đai, …)”. (VnExpress 27/9/2010)
Nhà nước đã tước đoạt quyền sở hữu vốn có của dân, vốn là những tài sản do công sức khai phá và cải hóa, có khi nhiều đời mới có được. Cần phải trả lại cho dân, và cần phải tư hữu hóa toàn bộ đất đai.
Vì sở hữu tòan dân chống lại luật phòng chống tham nhũng.
2) Làm cho luật pháp trở thành quyền lực tối thượng.
Muốn chống tham nhũng có hiệu quả, thì pháp luật phải thực sự có hiệu lực. Muốn vậy, pháp luật phải độc lập và phải là quyền lực cao nhất và tuyệt đối.
Đảng chủ trương xây dựng nhà nước Pháp quyền. Đó là một chủ trương đúng. Trong cơ chế chính trị độc đảng, duy nhất chỉ có đảng mới làm được công việc tối quan trọng này. Nhưng khó khăn nhất là làm thế nào để đảng, dù là người lãnh đạo xã hội cũng không đứng trên pháp luật. Như vậy, Pháp luật phải có quy định những hành vi vi phạm quyền tối thượng của pháp luật. Tổng bí thư, Bộ chính trị sẽ phải xử ra Tòa do những hành vị lạm quyền của mình. Đây là việc khó đối với một lối tư duy truyền thống, một thứ đầu óc kiểu vua chúa phong kiến, vua là luật. Nhưng là bình thường ở các nước dân chủ pháp quyền hiện đại. Chỉ cần trong đảng một tư duy mang tính thời đại, một khao khát giải phóng cho dân, một lần cho muôn đời. Một Tổng bí thư công tâm sẽ làm được sứ mệnh khó khăn này. Ta sẽ không là vua, nhưng sẽ vĩnh viễn không còn kẻ nào là vua. Ta sẽ bớt đi quyền lực, bớt đi bổng lộc, nhưng ta sẽ giải phóng một dân tộc, giải phóng cả một đất nước. Lịch sử sẽ tôn vinh ta mãi mãi muôn đời.
Nếu Pháp luật trở thành tối thượng và xã hội không có tài sản vô chủ, sẽ không còn tham nhũng.
Cổ phần hóa là phép biến tài sản công thành tài sản tư
Phải sở hữu hóa mọi tài sản công.
Nhưng nếu sở hữu hóa bằng cách cổ phần hóa, và cổ phần hóa theo kiểu hiện nay, thì tất cả mấy nghìn công ty nhà nước, sau khi cổ phần hóa, sẽ vẫn là những công ty cũ, vẫn những con người ấy, trình độ năng lực vẫn vậy, tức là biện pháp kinh doanh và quản lý vẫn như cũ, chỉ có khác là tài sản đang của nhà nước bỗng trở thành tài sản riêng, của chính những người đang nắm quyền lãnh đạo công ty.
Một ví dụ có thực: Công ty nhựa T.H. thuộc Tổng công ty nhựa Sài gòn, Bộ công nghiệp nhẹ, năm 2002 được quyết định cổ phần hóa. Tài sản công ty được Hội đồng định giá 5,7 tỷ đồng, bao gồm một nhà trụ sở ba tầng, tổng diện tích sử dụng 1200m2, nhà xưởng 1700m2 gồm xưởng sản xuất nhựa tổng hợp và xưởng in bao bì, một xưởng may công nghiệp 300 máy may, diện tích 1000m2, bếp tập thể và nhà ở công nhân, nhà cấp 4, diện tích 2400m2.
Hội đồng quyết định phát hành cổ phiếu, với mệnh giá 10.000 đ/cổ phiếu. Nhà nước chỉ giữ 10% cổ phần. Để “không gây biến động, ảnh hưởng sản xuất”, 51% được giành cho hội đồng quản trị, gồm bí thư đảng ủy cũ bây giờ thành Chủ tịch HĐQT kiêm bí thư, đương kim giám đốc, hai phó giám đốc, kế toán trưởng, và thư ký công đoàn, nay thành ủy viên ban kiểm soát, 10% cho đại diện của Tổng công ty và Bộ chủ quản, 10% giữ làm chứng chỉ quỹ, còn lại bán cho cán bộ công nhân viên. Không bán ra ngoài. Tất cả thủ tục, nguyên tắc, đều được làm như thật. Duy chỉ có việc thu và nộp tiền cổ phiếu thì không. Công ty cho vay bù cho những cá nhân“khó khăn”, không đủ tiền mua số cổ phiếu được phân phối. Cổ phiếu sau đó được đăng ký trên sàn OTC.
Hai năm liền sau khi cổ phần hóa, công ty báo cáo lỗ. Nợ xấu. Cổ phiếu tụt dốc, chỉ còn 5.000 đ/cổ phiếu, 50% thấp hơn so với mệnh giá phát hành. Công ty họp công nhân viên chức thông báo tình hình, và đứng ra mua lại nguyên giá cổ phiếu của công nhân, nhằm “cứu vớt thiệt hại”cho cán bộ công nhân viên trong nội bộ công ty. Gần 20% cổ phiếu nằm trong công nhân viên được lãnh đạo công ty thu lại như vậy. Nói bán đi và mua lại, nhưng phần lớn là thanh toán trên sổ. Trước đây là công nhân vay để mua, bây giờ là công nhân bán, để trả. Chẳng có gì phát sinh, chỉ có đổi tên người sở hữu cổ phiếu. Chủ tịch bây giờ nắm 15%, Giám đốc nắm 15%, còn lại chia đều trong Hội đồng.
Cuối năm, công ty tiến hành điều chỉnh vốn điều lệ. Hội đồng định giá lại, tài sản của công ty bây giờ là 30 tỷ đồng. Công ty phát hành thêm cổ phiếu. Giá bán gấp 6 lần mệnh giá. Báo cáo tài chính cuối năm, công ty lãi, nợ xấu không còn.
Cổ phiếu trên thị trường tăng vọt. Công ty quyết định bán ra thị trường một lượng lớn cổ phiếu, với lý do chặn “ bong bóng”, giữ ổn định. Tiền chênh lệch cho lãnh đạo “vay” để thanh toán tiền nợ mua cổ phiếu. Một vài “tiết lộ, rò rỉ” cho biết khả năng sẽ lỗ lớn trong năm của công ty, và “ khả năng”sẽ tiếp tục bán ra một lượng lớn cổ phiếu nữa. Và thế là trên thị trường, cổ phiếu tụt thảm hại. Tới đáy thì công ty lại mua vào bù lại số cổ phiếu bán ra, khép kín sổ sách, coi như không có phát sinh chứng từ. Toàn bộ số cổ phiếu, lãnh đạo không ai phải bỏ ra một xu.
Nhưng ngược với “tin đồn thất thiệt”, cuối năm, báo cáo tài chính công ty lãi lớn. Tài sản cố định tăng vọt.
Năm 2008, công ty xin đăng ký niêm yết. Theo yêu cầu của Sở chứng khoán, phải có tài sản trên 80 tỷ. Công ty lại xin điều chỉnh vốn điều lệ. Kiểm toán nhà nước xác nhận tài sản của công ty năm 2008 là 120 tỷ đ.
Thế là, công việc biến hóa hoàn thành. Ông bí thư đảng ủy trước đây là một đảng viên thực sự của giai cấp vô sản. Lương của ông thời ấy là 63 ngàn đồng một tháng. Ông đi làm bằng chiếc xe đạp lóc cóc. Căn nhà vợ chồng ông được phân là hai gian cấp 4 ghép lại, 36 m2. Sau sáu năm, ông thành chủ nhân của một cổ phần 15% của một công ty có tài sản là 120 tỷ, nghĩa là ông “ tự nhiên” có 18 tỷ đồng và hàng năm hưởng 15% lợi nhuận của công ty.
Nếu cổ phần hóa toàn bộ số tài sản 400.000 tỷ đồng của các tập đoàn, các tổng, các công ty nhà nước hiện nay, thì lập tức có ít nhất 51% số này biến tài sản của cán bộ đảng, số còn lại sẽ biến mất dần dần. Còn tăng vốn, còn cung cấp tài chính cho các công ty nhà nước, còn làm mất tiền của dân.
Quốc hội phải thành lập một Hội đồng Quốc gia xác định lại giá trị tài sản của tất cả các doanh nghiệp quốc doanh. Tổ chức bán đấu giá công khai, thu tiền về cho ngân sách. Có thể bán 90% các doanh nghiệp này.10% còn lại do chính phủ trực tiếp quản lý, nhưng cho tư nhân thuê, hoặc thuê giám đốc điều hành kinh doanh, với điều kiện những đối tượng này phải đặt trước 10% giá trị tài sản, làm bảo lãnh cho hợp đồng.
Công ty nhà nước là công ty đại chúng
Xét về bản chất , thì tất cả các công ty nhà nước, tức là các công ty có tài sản cố định là tài sản quốc gia, có tiền vốn kinh doanh là tiền do ngân sách nhà nước cấp là một loại công ty cổ phần, trong đó cổ đông là nhân dân cả nước, những người đóng thuế tạo nên ngân sách.
Các công ty nhà nước phải được tổ chức và quản trị theo luật doanh nghiệp, không thể có luật riêng. Mọi quyết định liên quan tới sự tồn tại của doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh, bổ nhiệm và bãi miễn HĐQT… sẽ do Đại hội cổ đông quyết định. Quốc hội là cơ quan đại diện của dân, vì vậy, phải do quốc hội quyết định. Báo cáo tài chính hàng năm phải được công bố cho toàn dân trên diễn đàn Quốc hội.
Xét theo cách nhìn này, Chính phủ tự cho mình quyền chủ quản của các doanh nghiệp quốc doanh là phạm luật. Tất cả các doanh nghiệp nắm giữ trên 20 tỷ đồng tài sản cố định phải là doanh nghiệp trực thuộc Quốc hội và tất cả các chương trình kinh doanh sử dụng trên 20 tỷ đồng tiền vốn, phải do Quốc hội phê chuẩn.
Như vậy sẽ phải hình thành một Ủy Ban quản lý tài sản quốc gia, nằm trong Quốc hội. Ủy Ban này sẽ tổ chức quản lý và kiểm soát hoạt động kinh doanh khu vực quốc doanh, với tư cách như Ban kiểm soát trong Hội đồng quản trị.
Ủy Ban phòng chống tham nhũng phải trực thuộc Quốc hội.
Xét nguyên nhân và các yếu tố tạo nên tham nhũng, thì Chính phủ là đối tượng cuả Luật phòng chống tham nhũng, chứ không phải là chủ thể. Tài sản công nằm trong tay Chính phủ. Cán bộ công chức, những người có quyền , có chức cũng nằm trong hệ thống của bộ máy Chính phủ. Như vậy, để chống tham nhũng, phải đặt Chính phủ dưới dự giám sát của nhân dân, chứ không phải là ngược lại. Chính phủ không thể vừa là thủ phạm, vừa là cảnh sát.
Luật phòng chống tham nhũng có hiệu lực từ năm 2006, nhưng không phát huy hiệu quả, chính là do sai phạm này. Rất có thể chính ông chủ tịch Ủy ban nhân dân là đầu mối của mọi tệ nạn tham nhũng diễn ra trong tỉnh, thì ông ta lại là chủ tịch của Ban phòng chống tham nhũng. 90% đơn thư tố cáo tham nhũng liên quan tới chủ tịch xã, thì ông này lại là người điều khiển hệ thống chống tham nhũng của xã… Từ khi thành lập, không một cơ quan phòng chống tham nhũng nào phát hiện được tham nhũng trong địa phương mình, cơ quan, tổ chức của mình, là vì vậy.
Luật tham nhũng là công cụ của dân chống lại những hành vi vụ lợi của bộ máy nhà nước, vì vậy, các Ủy ban phòng chống tham nhũng phải là tổ chức trực thuộc Quốc hội, do dân bầu ra. Các Ban phòng chống tham nhũng hiện nay thuộc bộ máy nhà nước là những tổ chức vi hiến, đang vi phạm pháp luật.
Thưa quý vị.
Tham nhũng có quy luật tự thân. Nó xuất hiện ngay từ khi bắt đầu có của cải dự trữ trong cộng đồng. Nó tồn tại và không bao giờ từ bỏ cuộc sống của loài người.
Loài người đã bắt đầu đấu tranh chống tham nhũng từ khi có nhà nước. Bởi vì cùng với nhà nước, xuất hiện thứ tài sản công, là tài sản không trực tiếp của ai, đồng thời xuất hiện những con người có mối quan hệ trực tiếp với loại tài sản đó. Đó là nguồn gốc của tham nhũng, gọi là hành vi ăn cắp của công, thông qua việc lợi dụng quyền chức của công chức nhà nước.
Cùng với sự phát triển của nền văn minh xã hội, quy luật tối ưu hóa lợi ích tổng thể, tức là tối ưu hóa lợi ích cá thể trong lợi ích tối ưu của cộng đồng, đã dần dần hoàn thiện mối quan hệ giữa các chủ thể xã hội với nhau. Đối kháng giai cấp đã được thay thế bằng sự đồng thuận trên nền tảng tối ưu hóa lợi ích toàn cục. Tham nhũng vì thế được hạn chế tới mức thấp nhất, vì bản chất của tham nhũng là hủy hoại lợi ích tổng thể, tức là hủy hoại lợi ích của tất cả.
Tuy nhiên, tham nhũng không thể mất đi nếu không có tác động tích cực của ý chí con người. Tham nhũng có nguồn gốc từ nhà nước, nên mức độ tham nhũng vừa là thước đo sự hoàn thiện của thể chế, vừa phản ánh phẩm chất của người cầm quyền. Sự hoàn thiện của thể chế thể hiện ở tính hiệu quả của pháp luật. Phấm chất của người cầm quyền chính là thái độ của chính quyền đối với nạn tham nhũng.
Thủ tướng Nga Putin đã đề nghị trước Hạ nghị viện, tháng 3 năm 2008 rằng: “Phải chặt đứt tay nhũng tên tham nhũng như thời trung cổ” và ông khẳng định: “ chỉ cần thật sự bắt đầu hình phạt này, thì có khi chỉ mới chặt vài trăm cái tay, cũng đã đủ chấm dứt ngay nạn tham quan”.
Có hai cái đúng trong qua đề nghị của ông: Một là, luật pháp không nghiêm thì không trị được tham nhũng. Hai là: Lãnh đạo không trong sạch thì luật pháp không được thực hiện.
Ở Việt Nam, lòng tin của dân chúng đối với đảng, với pháp luật nhà nước đã giảm tới mức nghiêm trọng từ sau khi Nguyễn Việt Tiến vênh vang ra tù còn đòi phục chức, từ sau khi thiếu tướng Phạm Xuân Quắc phải buộc về hưu, Đề án 112 với thất thoát hàng nghìn tỷ đồng mà xét xử bỏ xót tội phạm, vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ vẫn còn đang bỏ ngỏ, Chủ tịch tỉnh mua dâm, Vinashin 3 năm gây tổn thất 86.000 tỷ đ v.v…
Tại sao đảng không xử quyết liệt, triệt để hơn?. Đảng không muốn hay đảng không thể? Tại sao không muốn, và tại sao không thể?.
Tại sao Putin có thể tuyên bố cắt tay nhũng kẻ tham nhũng? Tại sao Trung quốc có thể xử tử hình đảng viên tham nhũng? Thứ nhất là do ý chí của lãnh đạo đảng. Thứ hai là do đảng không dính bùn.
Một bài báo từ trong nước nói “ Dân ta xem thời sự trên VTV, thường hay bình luận: Phải mạnh tay xử lý quan tham như bên Trung Quốc, tức phải bắn bỏ ngay những tên đầu sỏ, để làm cho chúng chùn bước! Phải làm đâu chắc đấy, chứ cứ bắt, rồi tha; nay có tội, mai vô tội; xử tội này, để lại tội kia; hoặc kéo dài điều tra... thì sẽ dẫn đến nhờn pháp luật!”
Dù sao, để có một tương lai lành mạnh, trong sáng hơn cho đất nước, cho dân tộc, thì lúc này, mọi con mắt cũng dồn vào nơi đảng, trông chờ vào ý chí của lãnh đạo đảng, của bản thân Tổng bí thư, của Bộ chính trị, của 160 ủy viên trung ương.
Vì sự thật là: Đảng đang nắm quyền tuyệt đối và chống tham nhũng không phải là quá khó.
24/12/2010
Bùi Quang Vơm
.
.
.
No comments:
Post a Comment