HUY THỌ - Tuổi trẻ
Chủ Nhật, 26/12/2010, 07:10 (GMT+7)
Đồng nghiệp của chúng tôi kể rằng khi trò chuyện với một quan chức Bộ Tài chính về vấn đề “thu nhập không theo kịp thuế”, anh đã nêu vấn đề: Mức giảm trừ 4 triệu đồng/tháng cho bản thân và khấu trừ 1,6 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc là không còn phù hợp với thực tế hiện nay.
Vị quan chức Bộ Tài chính đã hỏi ngược lại thế này: Thế thì anh giải thích cho biết tại sao lương cơ bản của một viên chức nhà nước chỉ có 800.000 đồng/tháng nhưng mọi người vẫn chen nhau nộp đơn xin việc? Anh bạn đồng nghiệp đành gãi đầu trả lời: Chịu. Không biết!
Nghe câu chuyện trên, chợt nhớ một câu chuyện mà người ta thường tếu táo với nhau bên bàn nhậu: một chuyên gia kinh tế Việt Nam trò chuyện với một chuyên gia kinh tế Singapore. Vị chuyên gia kinh tế Singapore hỏi: Thu nhập bình quân mỗi tháng của một người dân Việt Nam là bao nhiêu? Vị chuyên gia kinh tế Việt Nam đáp: Khoảng 1,5 triệu đồng. Lại hỏi: Để sống được thì vào khoảng bao nhiêu? Đáp: Tầm 2,5 triệu đồng/tháng. Vị chuyên gia kinh tế Singapore ngạc nhiên: Vậy người ta tìm đâu ra khoản thiếu hụt 1 triệu đồng/tháng? Câu trả lời: Chịu. Không biết!
Thực tế đúng là như thế. Nhiều người bạn của tôi là viên chức nhà nước, cứ mỗi lần gặp gỡ nhau và hỏi thăm về chuyện thu nhập thì y như rằng tôi luôn là người bị ghen tị: Lương mày cao gấp chục lần tao! Nhưng khi đi nhậu tôi thường là người “ăn theo”, hoặc nếu có giành trả tiền thì các bạn chỉ để tôi trả mấy chầu thật xoàng. Nhiều lúc tôi chỉ vào những chai rượu bạc triệu, chỉ vào những căn hộ cao cấp trị giá vài tỉ đồng mà các bạn ấy cho thuê (dĩ nhiên toàn đứng tên người thân) và hỏi: Lương chỉ có 1-2 triệu đồng mà sao chơi dữ vậy ta? Các bạn ấy cười phá lên và trả lời: Chịu. Không biết!
Thậm chí cả những người bạn là giáo viên – nghề bị xem là thu nhập kém nhất trong xã hội, nếu tính chi li thì lương họ chỉ vừa đủ ăn cho bản thân, lấy đâu ra tiền mua xe, mua nhà, sắm áo quần tươm tất để đứng lớp cùng hàng trăm khoản phải chi khác trong cuộc sống? và nếu có hỏi thì các bạn ấy cũng cười: Chịu. Không biết!
Và nữa, cách đây vài năm, một vị lãnh đạo cấp cao của ngành công an đã phải thốt lên hỏi rằng không hiểu ngoài đường có cái gì ngoài nắng, bụi, khói xe… mà đua nhau xin làm công an giao thông? Câu trả lời cũng là: Chịu. Không biết!
Hay một anh bạn nhà báo đã từng nổi nóng khi đọc bản tin công khai về thuế thu nhập của một ngôi sao ca nhạc chỉ 90 triệu đồng/năm, hơn anh vỏn vẹn có 6 triệu đồng! Và anh hỏi tại sao như thế? Câu trả lời cũng là: Chịu. Không biết!
“Chịu. Không biết!” đã trở thành một câu trả lời rất đặc trưng của nhiều người khi được hỏi liên quan đến chuyện thu nhập, chuyện thuế.
Dĩ nhiên, bản thân họ làm sao mà không biết được nguồn tiền kiếm thêm ngoài lương. Chẳng qua đó đều là những khoản thu nhập sống để bụng, chết mang theo! Họa may, nếu có dám nói ra thì có lẽ chỉ có giáo viên với lý do “dạy thêm”!
Nói đến chuyện thuế và thu nhập ở Việt Nam, quả thật là tràn đầy những nghịch lý. Và có lẽ, chỉ đến khi nào câu trả lời “Chịu. Không biết!” không còn tồn tại trước các câu hỏi về thu nhập, thuế thì khi ấy chúng ta mới có được sự minh bạch thật sự – điều không thể thiếu cho một xã hội phát triển.
HUY THỌ
XEM Ý KIẾN BẠN ĐỌC : http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/417564/Chiu-Khong-biet.html
.
.
.
No comments:
Post a Comment