Wednesday, December 22, 2010

CHÍNH QUYỀN VN ĐỐI THOẠI VỚI DÒNG CHÚA CỨU THẾ VN TRONG VỤ TU VIỆN DCCT ĐÀ LẠT

22/12/10 9:53 AM

VRNs (22.12.2010) – Sài Gòn - PHẦN 1: TỪ KHỞI SỰ ĐẾN QUYẾT ĐỊNH 208/QĐ-UBND

Tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) Việt Nam đã tạo lập được một sở đất mang Bằng khoán số 34-A có diện tích 35 hecta, tọa lạc tại Cam Ly, Đà Lạt, và xây dựng một Tu viện vào năm 1950. Vào những năm kế tiếp, Nhà Dòng đã thành lập trang trại trong khu vực này gọi là “Trại gà Scala” và một trường Trung học mang tên Minh Đức.
Sau năm 1975 chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã chiếm dụng hầu hết các cơ sở này của DCCT mà không có một căn cứ pháp luật nào đúng đắn và rõ ràng. Họ đã dùng Tu viện của chúng tôi làm Viện sinh học Tây nguyên (Tu viện DCCT Đà Lạt), trường THPT Đống Đa (trường Minh Đức cũ) và Công ty Cổ phần chăn nuôi gà Đà Lạt (trại gà Scala cũ),… Đã từ rất lâu, DCCT liên tục lên tiếng đề nghị chính quyền trao trả lại các cơ sở trên để nhà Dòng có nơi phục vụ việc tu học của các tu sĩ của Dòng và phục vụ giáo dân, nhưng chính quyền không thèm đếm xỉa đến những nhu cầu ấy mà luôn luôn chỉ có một câu trả lời “không có cơ sở giải quyết”.

Tu viện DCCT Đà Lạt bị chiếm dụng làm Viện Sinh học Tây nguyên

– Ngày 8/11/2007 Linh mục Cao Đình Trị, lúc ấy là Giám tỉnh DCCT Việt Nam đã gửi cho UBND tỉnh Lâm Đồng văn thư VT/GT/063/07 đề nghị trao lại cho DCCT Tu Viện Đà Lạt và các phần đất liên quan.

Trại gà Scala của DCCT trở thành….

– Thế nhưng ngày 6/3/2008 chúng tôi lại nhận được giấy của Ban Đền bù giải phóng mặt bằng của UBND TP. Đà Lạt đòi “bổ sung hồ sơ” để “tính toán bồi thường” cho chúng tôi, vì nhà nước muốn lấy một phần đất của chúng tôi với diện tích là 470m2để xây dựng Nhà giao dịch kết hợp với Trạm viễn thông của Bưu điện tỉnh Lâm Đồng“.
Chúng tôi cần chỗ để phục vụ giáo dân hơn cần tiền, vì thế Hội Đồng Quản Trị Dòng Chúa Cứu Thế đã đề nghị họ ngưng tiến hành việc thu hồi giải tỏa. Hơn nữa, lúc ấy đang trong thời gian chờ đợi giải quyết việc trao lại Tu viện và đất. Đất đai Lâm Đồng bao la, chẳng lẽ không còn chỗ nào khác xây bưu điện hay sao? Và họ đã tạm ngưng việc làm này.

Văn thư của UBND Lâm Đồng gửi Ban Tôn Giáo

– Hơn 5 tháng sau không thấy Ban Tôn giáo tỉnh Lâm Đồng hồi đáp theo đề nghị của văn thư 8134/UBND, ngày 19/5/2008 DCCT VN đã gửi văn thư VTGT/110/08 để nhắc họ đừng quên sự việc.
Hơn một năm rưỡi sau, ngày 5/1/2010 DCCT VN gửi văn thư VTGT/001/10 cho UBND tỉnh Lâm Đồng để tiếp tục nhắc họ thực thi pháp luật, vì xét về luật pháp Việt Nam, thời hạn mà chúng tôi chờ đợi như vậy là không thể chấp nhận được!

Thư của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN

– Ngày 18/1/2010 UBND tỉnh Lâm Đồng gửi cho Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng (Ban Tôn giáo nằm trong Sở này) văn thư số 325/UBND với nội dung: “Ủy ban nhân dân tỉnh chuyển Sở Nội vụ nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh xem xét có ý kiến”.

Quyết định số 208/QĐ-UBND
Ngày 1/2/2010 Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Hoàng Sĩ Sơn đã ký Quyết định số 208/QĐ-UBND (Quyết định 208) với nội dung tóm tắt như sau: không chấp nhận đơn của DCCT đòi lại 3 cơ sở, vì:

Quyết định số 208

+ Tu Viện đã được TGM (Tòa Giám mục) Đà Lạt giao toàn bộ để sử dụng theo yêu cầu chung của Nhà Nước
+ Trại gà Scala đã được Lm Lê Viết Phục giao cho chính quyền cách mạng Đà Lạt quản lý
+ Trường Đống Đa đã được công lập hóa, theo văn thư số 576/VP-75 ngày 7/10/1975 của Đức Tổng giám mục Giáo phận Saigon
Ngoài ra, chính quyền cũng không chấp nhận việc đòi lại 470 mét vuông trong phần đất của trường Đống Đa và vẫn “thu hồi, giao cho Bưu điện Tỉnh làm Trạm Viễn thông cũng là sử dụng vào mục đích công cộng”.

Quyết định 208 này còn có một điều khoản không khác gì hợp thức hóa việc chiếm đoạt cơ sở tôn giáo. Điều khoản đó viết rằng: “Giao cho Sở Xây dựng hoàn thành thủ tục pháp lý về sở hữu toàn dân đối với nhà, đất của trường Đống Đa theo quy định của pháp luật trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định”.

– Ngày 23/2/2010 DCCT VN gửi Đơn Khiếu nại Quyết định số 208/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng, vì Quyết định này không phù hợp quy định pháp luật cả về hình thức lẫn nội dung. Cụ thể:
1.       Về hình thức: Quyết định số 208 không phù hợp quy định pháp luật:
(i)      Trước hết, trong quá trình giải quyết khiếu nại, UBND tỉnh Lâm Đồng đã không thông báo bằng văn bản cho chúng tôi về việc thụ lý để giải quyết khiếu nại theo đúng quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 18 Luật khiếu nại, tố cáo.
(ii)     Căn cứ điều 2 của Quyết định 208 thì đây là Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Nếu như vậy, Quyết định 208 đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục giải quyết khiếu nại. Cụ thể, theo Điều 37 Luật Khiếu nại – Tố cáo, và khoản 1 Điều 9 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ (“Nghị định số 136/2006/NĐ-CP“): “Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại. Trong trường hợp người khiếu nại nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật thì luật sư có quyền tham gia trong quá trình giải quyết khiếu nại”. Thế mà UBND tỉnh Lâm Đồng chưa gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với DCCT mà đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại. Mặt khác, còn tước bỏ quyền được nhờ Luật sư giúp đỡ, tham gia giải quyết khiếu nại của chúng tôi.
(iii)    Quyết định 208 được ban hành quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật khiếu nại, tố cáo. Cụ thể: Quyết định 208 ban hành sau khi có Đơn khiếu nại nhiều năm và sau văn bản ngày 18/03/2008 của người đại diện DCCT là Linh mục Phạm Trung Thành, trong khi Luật quy định chỉ: “không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết“. Điều 36 Luật Khiếu nại, Tố cáo còn quy định rõ: “Trong thời hạn quy định này mà người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không giải quyết thì phải bị xem xét xử lý kỷ luật“.
2.       Về nội dung:
Quyết định 208 có nhiều nội dung không đúng pháp luật. Cụ thể:
Như trên chúng tôi đã nêu, UBND tỉnh Lâm Đồng đã không gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với Đại diện DCCT để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của DCCT và hướng giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 37 Luật khiếu nại, tố cáo và khoản 1 Điều 9 Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006. Đáng chú ý là, khoản 5 Điều 9 Nghị định 136/2006/NĐ-CP quy định: “Kết quả việc gặp gỡ, đối thoại là một trong các căn cứ làm cơ sở cho việc giải quyết khiếu nại”. UBND tỉnh Lâm Đồng đã không trực tiếp gặp gỡ đối thoại với DCCT thì không thể có kết quả việc gặp gỡ, đối thoại. Như vậy, UBND tỉnh Lâm Đồng lấy căn cứ gì để ra Quyết định giải quyết khiếu nại? Trong khi theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải căn cứvào kết quả gặp gỡ, đối thoại… để ban hành Quyết định.

Đơn khiếu nại


Cần lưu ý là việc gặp gỡ, đối thoại theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP “phải tiến hành công khai, dân chủ; nếu thấy cần thiết có thể mời đại diện tổ chức chính trị xã hội tham dự…” và “…phải được lập thành Biên bản“.
Rõ ràng, Quyết định 208 ban hành không theo trình tự, thủ tục pháp luật. Đây là việc làm chẳng những xem thường pháp luật mà còn không tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp tối thiểu của người dân. 
(ii)     Tu viện DCCT tại Đà Lạt thuộc quyền sở hữu của DCCT Việt Nam. Tòa Giám Mục Đà Lạt không phải là chủ sở hữu nên không có quyền chuyển giao Tu viện DCCT cho Nhà nước như Quyết định 208 nêu ra.
(iii)    Cũng vậy, Linh mục Lê Viết Phục – là tu sĩ của DCCT và chỉ là người quản lý – không phải là chủ sở hữu của cơ sở nuôi gà Scala nên cũng không có quyền chuyển giao cơ sở này cho Chính quyền Cách mạng Đà Lạt quản lý như Quyết định 208 nêu.
Và ngay cả những tình tiết giaochuyển giao này – nếu đúng – cũng là không phù hợp pháp luật. Cụ thể: Quyết định số 434/TTg ngày 30/10/1976 của Phủ Thủ tướng về chủ trương đối với việc tư nhân xin hiến tài sản cho nhà nước có quy định:
“1.       Có thể chấp nhận cho hiến tài sản đối với những trường hợp sau đây:
d)         Một số cơ sở kinh doanh của các tổ chức tôn giáo xin hiến cho Nhà nước.
3.         Người hoặc tổ chức xin hiến tài sản (nói ở điểm 1) phải tự giác kê khai rõ và đầy đủ toàn bộ tư liệu sản xuất xin hiến (bao gồm: cơ sở sản xuất, kinh doanh; nhà cho thuê, kho tàng, ngân phiếu, tiền gửi ngân hàng, vàng bạc, kim cương, đá quý dùng làm vốn dự trữ kinh doanh…); tài sản xin hiến cho Nhà nước phải là tài sản có giá trị sử dụng nhất định và cần cho sản xuất. Nhà nước chủ trương không nhận hiến các tư liệu sinh hoạt, kể cả đồ trang sức bằng vàng bạc, v.v…
Như vậy, theo quy định pháp luật thời điểm ấy, “Tu viện DCCT tại Phường 4 (nay là Phường 7) TP. Đà Lạt “không phải là cơ sở kinh doanh của tổ chức tôn giáo nên có hiến cũng không được chấp thuận cho hiến. Còn “cơ sở trại gà Scala” nếu hiến, thì phải có văn bản của DCCT tự giác kê khai rõ và đầy đủ toàn bộ tư liệu sản xuất xin hiến. Cũng như việc UBND cấp tỉnh xét và chấp nhận cho hiến đối với các cơ sở trên theo đúng quy định pháp luật. Nếu không có những văn bản này, việc chuyển giao, giao là trái pháp luật.
(iv)    Còn về cơ sở Trường Đống Đa, chính Quyết định 208 xác định rõ là “theo văn thư số 576/VP-75 ngày 07/10/1975 của Đức Tổng Giám Mục Giáo phận Sài Gòn” thì rõ ràng không thể áp đặt cho giáo phận Đà Lạt được. Vì lẽ, “Tòa GM Đà Lạt…” với “Đức Tổng GM Giáo phận Sài Gòn…” thuộc 2 giáo phận khác nhau. Văn thư số 576/VP-75 hay Thông cáo chung ngày 15/10/1975 ở Sài Gòn không thể sử dụng cho Cơ sở trường Đống Đa của DCCT tại Đà Lạt được.
Cũng cần nhấn mạnh, văn thư số 576/VP-75 ngày 07/10/1975 của Đức Tổng Giám mục giáo phận Sài Gòn chỉ “sẵn sàng để nhà nước sử dụng các cơ sở của tư thục Công giáo” và “trong Giáo phận Sài Gòn…” như Quyết định 208 trích dẫn. Rõ ràng việc sử dụng với sở hữu là khác nhau hoàn toàn (Điều 164 Bộ luật Dân sự định nghĩa: Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản). Đức Tổng Giám mục giáo phận Sài Gòn chỉ – như Quyết định 208 trích dẫn, “sẵn sàng để nhà nước sử dụngvào công tác giáo dục…” và chỉ “trong giáo phận Sài Gòn” mà thôi.

Luật của Giáo hội và Luật riêng của DCCT
Nhân dịp đó, chúng tôi cũng đã thông tin rõ đến chính quyền về quy định của Giáo hội đối với người có quyền sở hữu trên tài sản: thứ nhất, theo Bộ Giáo luật 1983 của Giáo hội Công giáo thì “Bề trên cao cấp là những ai lãnh đạo toàn thể Hội đồng, hay một Tỉnh dòng…” (Điều 620) như Tỉnh DCCT tại Việt Nam có Bề trên cao cấp là linh mục Giám tỉnh.
Điều 634 Bộ Giáo luật quy định: “Các Tỉnh Dòng có khả năng sở hữu, sử dụng và chuyển nhượng các tài sản trần thế” và Điều 638 # 3 quy định “Để thành sự, việc di nhượng và bất cứ việc gì cần phải có phép trên giấy tờ của Bề trên có thẩm quyền với sự đồng ý của Hội đồng của ngài…”.
Thứ hai, Điều 0190, Đoạn IV “Hiến pháp và quy luật DCCT” quy định: “Bề trên cao cấp giữ quyền can thiệp và quản trị tài sản của Dòng, thể theo quy định của Bộ Giáo luật và nhất là Quy luật số 0191: b2o và 0192. Và “Khi nào trong việc quản lý cần tuân giữ Luật Dân sự, thì các hóa đơn cùng các giấy tờ biên nhận phải theo đúng pháp luật…” (Điều 0204).
Cụ thể ở đây, vào thời điểm năm 1978 đến 1981, Linh mục Lê Trung Nghĩa là Giám tỉnh (tức Bề trên cao cấp) của tỉnh DCCT Việt Nam. Theo các quy định dẫn ở trên, nếu không có văn bản (giấy tờ) của Linh mục Lê Trung Nghĩa – người đại diện chủ sở hữu các tài sản của DCCT – mọi sự chuyển dịch tài sản của DCCT đều không có giá trị.
Các quy định của Giáo hội kể trên cũng phù hợp với quy định về quyền sở hữu của Hiến pháp và pháp luật Nhà nước Việt Nam thời điểm này. Cụ thể:
+ Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của Công dân về của cải thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở các thứ vật dụng riêng khác (Điều 17 Hiến pháp 1959);
+ Người ta chỉ được hưởng dụng và sử dụng các vật thuộc quyền sở hữu của mình một cách hợp pháp và không thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân. Khi lập ước mà có sự tổn thiệt do sự bóc lột của một bên, vì điều kiện kinh tế của hai bên chênh lệch thì khế ước có thể bị coi là vô hiệu (Điều 12 và Điều 13 Sắc lệnh số 97.SL ngày 22/5/1950 về sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật).

Nghị quyết 23/2003/QH11 và Chỉ thị 1940/CT-TTg
Quyết định 208 căn cứ vào Điều 1 của Nghị quyết số 23/2003/QH11 để không chấp nhận đơn của DCCT là không phù hợp với Chỉ thị số 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà, đất liên quan đến Tôn giáo. Vì lẽ:
Khoản 3 Điểm a của Chỉ thị 1940 quy định: “Nhà, đất liên quan đến tôn giáo mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng thì cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng phải sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến tình cảm tôn giáo của quần chúng tín đồ…; trường hợp cơ sở tôn giáo có nhu cầu chính đáng sử dụng nhà, đất đó vào mục đích tôn giáo thì tùy từng trường hợp cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể xem xét giao nhà, đất với diện tích phù hợp; hoặc tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo xây dựng cơ sở mới theo quy định của pháp luật;”
Như vậy, phần diện tích đất 470 m2 đã đề cập ở trên không thể trở thành Trạm Viễn thông của Bưu điện tỉnh với mục đích kinh doanh được. Và nay, với nhu cầu chính đáng sử dụng các cơ sở của DCCT tại Đà Lạt là Tu viện, cơ sở Scala, trường Đống Đa vào mục đích tôn giáo như thờ tự, truyền đạo, đào tạo tu sĩ, giáo dục, cơ sở sản xuất tự túc… phải được UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét thấu tình, đạt lý. UBND tỉnh Lâm Đồng không thể vội vàng, dễ dãi, vi phạm pháp luật và xem thường quyền lợi người dân như kể trên.
Cuối Đơn khiếu nại, chúng tôi đã đưa ra một số kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Xây dựng:
- Yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi Quyết định số 208/QĐ-UBND ngày 01/02/2010 và giải quyết cho DCCT được nhận lại Tu viện DCCT Đà Lạt, trại gà Scala theo đúng quy định pháp luật; cùng với 470 m2 đất thuộc thửa 896, tờ bản đồ số 21, phường 7, thành phố Đà Lạt (chúng tôi vẫn sử dụng cơ sở này liên tục từ trước tới nay và hiện vẫn đang sử dụng).
- Trước mắt, cho ngừng ngay các công trình xây dựng mới trên các cơ sở này để chờ Quyết định giải quyết của các cấp có thẩm quyền.
(Xin xem tiếp phần 2: Quyết định số 668/QĐ-BXD và…)

LM. Giuse Đinh Hữu Thoại, C.Ss.R

Nguồn:
22/12/10 9:00 AM

-----------------------------------------------

Dòng Chúa Cứu Thế phn đi UBND tnh Lâm Đng quy hoch Tu vin DCCT Đà Lt
.
.
.

No comments: