Một độc giả Dân Luận
Thứ Sáu, 17/12/2010
"Do đâu mà người Việt phải trả một giá đắt cho cuộc chiến tranh này?" Đó là nhan đề một bài viết trên Dân Luận của chính một độc giả tờ báo này. Mục đích của bài là để trả lời một vị nào đó, tên là bà Thu Hồng.
Nguyên nhân cuộc chiến đã sáng tỏ, sao còn phải hỏi?
Thoạt đọc tên bài, tôi đã có ngay câu trả lời. Ngoài môn Lịch Sử ở bậc trung học, tôi còn được học cả Lịch Sử Đảng ở bậc đại học. Vắn tắt, đó là do chính quyền “nguỵ” của Ngô Đình Diệm cam tâm làm tay sai cho đế quốc Mỹ, quyết không thi hành Hiệp Định Geneve 1954, trong đó có điều khoản “hai miền Bắc Nam phải tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 7 năm 1956 để thống nhất đất nước”.
Không những cự tuyệt tổng tuyển cử, nguỵ quyền còn lùng bắt, giết chóc những người vốn là cán bộ kháng chiến cũ (trước đây tham gia chống Pháp, sau tháng 7-1954 còn ở lại miền Nam). Do vậy, đảng ta phải phát động cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền nam, thống nhất tổ quốc”.
Tên gọi cuộc chiến cho thấy tính chính nghĩa thuộc phía ta. Quả thật, nhờ tên gọi này mà hàng triệu người đã sẵn sàng hy sinh. Đồng chí Lê Duẩn đã sáng suốt để lại rất nhiều cán bộ, vũ khí – mà không tập kết ra Bắc như Hiệp định Geneve quy định - để chuẩn bị cho chiến tranh tương lai. Về sau, đồng chí được cử làm tổng bí thư chính là vì chủ trương phát động cuộc chiến “cứu nước” này.
Đánh nhau với tên đế quốc đầu sỏ thì tất nhiên cái giá phải đắt. Còn “do đâu” mà có chiến tranh ư? Do đế quốc quyết xâm lược và do nguỵ quyền quyết làm tay sai. Nhưng đổi lại, sự hy sinh là xứng đáng: Thắng lợi được chính thức đánh giá là vĩ đại, là chưa từng có trong lịch sử 4000 năm chống ngoại xâm. Đất nước sau 30 năm chia cắt lại thống nhất, phe XHCN mở rộng, phong trào cộng sản lớn mạnh, chủ nghĩa Mác-Lenin càng tỏ rõ sức mạnh vô địch của mình...
Tò mò tìm hiểu
Tôi không quan tâm trả lời câu hỏi, nhưng tò mò vì “một vấn đề đã rõ như ban ngày mà tại sao có quá nhiều người bình luận như thế”? Thế là tôi bỏ công đọc tất cả các bình luận, trong đó tán thành nhau cũng lắm, bác bỏ nhau cũng nhiều. Nhiều lập luận tôi chưa đồng ý nhưng tự thấy không dễ phản bác. Để thật sự tìm hiểu vấn đề, tôi phải đọc cả bài của Thu Hồng trên blog của bà nữa.
Đó là bài có tên là “Nghĩ về hậu chiến” mà Dân Luận đã cho sẵn link.
Đó là bài có tên là “Nghĩ về hậu chiến” mà Dân Luận đã cho sẵn link.
- Ngay mở bài Nghĩ về hậu chiến, bà Thu Hồng trích nguyên một đoạn dài của một vị tên là Rau Đắng (viết trên Diễn Đàn Vanhoathethao.net) chửi bới tàn tệ một bài trên báo VietnamNet (VNN) thuộc chủ đề Hoà Giải của báo này. Đó là thời gian cận ngày 30-4-2010, báo chí của ta rộ lên các ý kiến về Hoà Giải, nhằm đề cao và nhắc lại một chủ trương rất nhân đạo và khoan hồng của đảng ta: Xoá hận thù và hoà hợp dân tộc để chung tay xây dựng đất nước. Loạt bài về Hoà Giải của Vietnamnet nằm trong xu hướng này, nhưng chỉ có một bài bị chửi rủa thô tục vì tác giả bài đó đã dám phỏng vấn và đăng ý kiến một số thành viên của chương trình WHF (White House Fellows) đang thăm Việt Nam. Ông/Bà Rau Đắng cho rằng “bọn Mỹ” hôm nay không đủ tư cách nói về hoà giải, vì trước đây 35-45 năm cha ông chúng đã mang bom đạn giết dân ta, điển hình là vụ thảm sát Mỹ Lai… (thế là, tôi lại phải tìm hiểu các vụ thảm sát ở Việt Nam). Trích đoạn bài của Rau Đắng, dường như bà Thu Hồng cũng tỏ ý như vậy?
Chương trình WHF (White House Fellows) là gì?
15 thành viên của White House Fellows (WHF), một chương trình của Nhà Trắng, đang có mặt tại Việt Nam tìm hiểu các khía cạnh phát triển trong mọi mặt để đưa ra các khuyến nghị chính sách, thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt. Kể từ 2002, đây là lần thứ hai WHF có mặt tại Việt Nam.
- Còn đoạn sau của bài, bà Thu Hồng nói lên nỗi khổ của người thân do cuộc chiến tranh chống Mỹ, khiến tôi cũng lây căm thù, mà… bất cần biết rằng đảng ta đã liên tục kêu gọi hoà giải từ bao năm nay. (Cảm nhận: Dường như sau 35 năm, bọn Mỹ - Nguỵ vẫn ngoan cố, không muốn hoà giải). Đoạn này, bà Thu Hồng lèo thêm một câu mạt sát Bùi Tín là “ngu”, khiến tôi phải đọc thêm cả bài của nhân vật này nữa. Từ bài của Bùi Tín, tôi lại phải đọc bài về Hiệp định Geneve 1954. May quá, tôi đã tìm được nó ở Wikipedia tiếng Việt...
Wikipedia tiếng Việt có khách quan khi nói về Hiệp Định Geneve 1954?
Thoạt đầu, tôi cho rằng bài về Hiệp Định Geneve 1954 là khách quan vì dám nói rằng có tới gần một triệu người miền Bắc chối bỏ chế độ dân chủ, di cư vào miền Nam sống dưới chế độ Nguỵ. Dân số trung bình mỗi miền khi đó khoảng 14 triệu người (nếu không vì tuyên truyền mà “nống” lên nữa), do vậy con số một triệu khi đó là không nhỏ. Thế thì - nếu năm 1956 có tổng tuyển cử - một triệu dân di cư này sẽ bỏ phiếu cho chính quyền Nguỵ để chúng có thêm 10-20 đại biểu trong quốc hội. Bài ở Wikipedia không nêu toàn văn Hiệp Định, mà chỉ nêu “nội dung cơ bản”, rất tóm tắt. Đã vậy, ở phần tham khảo chỉ có link tới “toàn văn tiếng Anh”.
Nội dung cơ bản của Hiệp ước Genève 1954
- Các nước tham gia hội nghị tôn trọng quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
- Ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương.
- Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự. Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập trung về miền Bắc; Chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung về miền Nam.
- 300 ngày là thời gian để chính quyền và quân đội các bên hoàn thành việc tập trung. Dân chúng được tự do đi lại giữa 2 miền.
- Hai năm sau, tức ngày 20 tháng 7 năm 1956 sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất nước Việt Nam.
- Thành lập hai cơ quan kiểm soát: vân vân…
Thật vô lý, Hiệp Định ít nhất phải thể hiện bằng cả Anh ngữ lẫn Việt ngữ, do vậy lẽ ra wikipedia “tiếng Việt” phải cho link tới văn bản tiếng Việt chứ? Điều này kích thích tôi tìm kỳ được bản Hiệp Định tiếng Việt, mặc dù tôi có thể tham khảo bản tiếng Anh. Té ra, tìm không dễ, cứ như nó bị cố ý che giấu. Việc tò mò tìm sự thật khiến tôi tốn công và quá khổ sở (phải vượt tường lửa). Ví dụ, có một bản ở đây: http://www.saigonbao.com/hiepdinhparis/vietnam/trang38.htm.
Xin nói ngay vài điều mà Wikipedia tiếng Việt đã thể hiện thiếu trung thực:
- Trong số 9 phái đoàn tham gia hội nghị rốt cuộc chỉ có 7 phải đoàn ký vào Hiệp Định, còn Hoa Kỳ và Nam VN không ký mà ra Tuyên Bố riêng, trong đó Nam VN đưa ra 2 ý đáng quan tâm:
1) phản đối chia cắt VN làm hai mảnh (vì sẽ đưa đến chiến tranh), mà mỗi bên ở đâu cứ ở đấy;
2) tự giành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện thống nhất, độc lập và tự do cho xứ sở.
- Đây là hiệp định quân sự, nhằm dẫn tới đình chiến. Tên chính thức của Hiệp Định là HIỆP ĐỊNH VỀ SỰ CHẤM DỨT TÌNH TRẠNG CHIẾN TRANH TẠI VIỆT NAM, do một thiếu tướng quân đội Pháp và thứ trưởng quốc phòng VNDCCH ký. Do vậy, trong cả thảy 47 điều khoản không có một điều khoản nào về chính trị. Ví dụ không có điều nào quy định phải có tổng tuyển cử sau 2 năm - như “Nội dung cơ bản” mà Wikipedia tiếng Việt nêu lên (ở trên). Đó là bịa đặt.
- Tinh thần và lời văn của Hiệp Định đã nêu một ý quan trọng: Mỗi bên phải tập kết lực lượng vào khu vực quy định (hai bên ví tuyến 17) mà không được phép “cài” người và vũ khí lại sau khi rút đi.
Trong số những văn bản “ngoài hiệp định” có một văn bản “đính kèm” gọi là TUYÊN BỐ CUỐI CÙNG, trong đó không phái đoàn nào phải cam kết hoặc ký vào. Ý nghĩa của nó chỉ là “mong rằng” chứ không ràng buộc ai hết. Đáng chú ý là trong 13 điều “tuyên bố” có điều 7, “mong rằng” sẽ có tổng tuyển cử.
Điều 7 của bản tuyên bố nầy mở đầu bằng câu "Hội nghị tuyên bố rằng đối với Việt Nam...” (La Conférence déclare qu’en ce qui concerne le Vietnam), một cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7-1956…”
Không muốn thực hiện Hiệp Định và vi phạm/phá hoại Hiệp Định
Đảng ta lãnh đạo kháng chiến chống Pháp trong tình thế bị bao vây từ 1946-1949 tới khi đảng Trung Quốc cướp được chính quyền (cuối 1949), mở cửa biên giới để giúp ta. Cũng trong thời gian đó, các nước thực dân phương Tây đã chiếu Hiến Chương LHQ về quyền Dân Tộc Tự Quyết mà trao trả độc lập cho 12 nước thuộc địa châu Á: Philipin (thuộc Mỹ), Syria, Lebanon (thuộc Pháp) năm 1946; rồi Ấn Độ, Pakistan (thuộc Anh) năm 1947; Miến Điện, Tích Lan, Palestine (thuộc Anh) năm 1948; Việt Nam, Miên và Lào (thuộc Pháp), Indonesia (thuộc Hà Lan) năm 1949. Sau 1949, Pháp vẫn chiến đấu ở VN với danh nghĩa “giúp chính phủ quốc gia VN… chống Cộng”.
Về Việt Nam
Khi chính phủ VNDCCH của chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục kháng chiến thì ông Vĩnh Thuỵ (vua Bảo Đại cũ) dưới sự che chở của quân đội xâm lược Pháp cũng lập “chính phủ quốc gia”. Ngày 08-3-1949, tổng thống Vincent Auriol (thuộc đảng XHCN Pháp) đã ký với quốc trưởng Vĩnh Thuỵ Hiệp Định trao trả độc lập cho tại điện Élysée ở Paris.
Với Miên, Lào cũng có 2 Hiệp Định tương tự.
Năm 1950 các nước lớn thuộc 2 phe đối nghịch thi nhau công nhận 2 chính phủ đối nghịch của VN. Ngày 18-1-1950, Trung Quốc và ngay sau đó Liên Xô công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ VNDCCH.
Quốc hội Pháp khẩn cấp thông qua Hiệp ước Élysée và ngày 7-2-1950, Hoa Kỳ chính thức công nhận Chính phủ QGVN do Bảo Đại làm Quốc trưởng. Tháng 3-1950, Hoa Kỳ cử phái đoàn đến Sài Gòn để tìm hiểu tình hình và sau đó Tổng thống Truman chấp thuận viện trợ cho Chính phủ QGVN. Quan hệ Hoa Kỳ-QGVN càng gắn bó khi vào 23-12-1950, Hoa Kỳ, Pháp và Chính phủ QGVN đã ký “Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương” để viện trợ quân sự, kinh tế - tài chính cho Pháp và Chính phủ QGVN. Vũ khí hai phe bắt đầu đổ vào Việt Nam suốt từ đó cho tới kết thúc một cuộc chiến dài tới 20 năm tiếp đó.
Quả là Điện Biên và Hiệp Định Geneve (1954) là thắng lợi của đảng ta, nhưng thắng lợi này không tương xứng với xương máu dân Việt đã bỏ ra. Các nước lớn “phe ta” và “phe nó” đã vì lợi ích riêng mà tự ý quyết định số phận thiệt thòi của VNDCCH.
Chính quyền “nguỵ” thì muốn đình chiến ở nguyên trạng, vì trên thực tế quân đội Pháp (và “nguỵ”) đang chiếm giữ các thành thị và đồng bằng (nhiều dân, nhiều của cải), nhưng rốt cuộc “nguỵ” vẫn phải theo Pháp mà phải thi hành các điều khoản về quân sự (tập kết). Trước dân, chính quyền “nguỵ” không uy tín bằng chính quyền cụ Hồ, do vậy - ngay từ đầu – chưa bao giờ “nguỵ” chấp nhận tổng tuyển cử. Và… cho đến cuối, chưa nước nào (trong số 7/9 nước ký vào Hiệp Định) thật sự muốn ép họ thực hiện một điều hoàn toàn không có trong Hiệp Định. Do vậy, sau khi tập kết và giữ quyền quản lý miền Nam (Pháp đã rút hết quân) “nguỵ” càng không muốn phá hoại hiệp định.
Câu hỏi là, nếu miền Nam đem quân ra Bắc (giả sử thôi nhé) thì Liên Xô, Trung Quốc có ngồi yên nhìn chúng ta mất chính phủ VNDCCH không?
Giá đắt do đâu? Và ở đâu dân ta phải chịu giá đắt hơn?
Giá đắt do đảng ta chủ động đánh nhau với một siêu cường thuộc phe tư bản. Đúng.
Nếu coi máu người Việt ở đâu cũng là “máu của giống nòi” thì giá đắt còn do vũ khí của siêu cường thuộc phe XHCN nữa. Càng đắt, khi người Việt giết người Việt bằng vũ khí ngoại bang.
Đắt hơn nữa, khi anh em một nhà - chỉ vì bị xui dai, chỉ vin vào những tư tưởng “chẳng đâu ra đâu” - mà xông vào nhau với cặp mắt rực lửa căm hờn. Cho tới 35 năm sau còn nói về căm thù mà không phải giá đắt ư?
Ở đâu phải trả giá đắt? Rõ ràng ở cả hai miền. Miền Bắc đã hứng cả triệu tấn bom đạn. Nhưng miền Nam mới là chiến trường trực tiếp, mới là nơi người Việt giết người Việt, gồm cả người ở xa tới và người tại chỗ.
Thôi! Cái chuyện thắng-bại thì chẳng cần ai xin lỗi ai. Có lỗi là bên nào không chủ động hoà giải.
Nhưng sau khi thắng vẫn tiếp tục đối xử tàn ác với bên thua. Bên thắng đã giam cầm chục năm hàng trăm ngàn “kẻ địch” chiến bại và đầy đoạ khiến vài triệu người dân “được giải phóng” vẫn phải bỏ nước ra đi (bị gọi là phản bội tổ quốc, sau đổi thành “khúc ruột”). Có cần, hoặc có nên xin lỗi (như cụ Bùi Tín đề nghị) không? Theo tôi, tuỳ đảng thôi. Quyền ở đảng. Còn nói ai ngu, ai trí tuệ thì tôi không dám.
--------------------------------------
Tin liên quan
Thu Hồng - Nghĩ về Hậu chiến (27/04/2010)
Trả lời chị Thu Hồng: Do đâu mà người Việt phải trả một giá đắt cho cuộc chiến tranh kia? (27/04/2010)
.
.
.
No comments:
Post a Comment