Saturday, December 18, 2010

CÁI GÌ QUÝ NHẤT Ở CON NGƯỜI ? (Hoàng Ngọc Nguyên)

HOÀNG NGỌC NGUYÊN/Việt Tribune
December 17, 2010

Hôm thứ Hai 13/12, Thẩm phán Liên bang Đặc khu ở Richmond, Virginia, ông Henry E. Hudson, đã ra phán quyết trong vụ ông bộ trưởng tư pháp của tiểu bang này, Kenneth T. Cuccinelli II, người Cộng Hòa, đi kiện luật cải tổ y tế mà Quốc Hội đã thông qua và Tổng thống Barack Obama ban hành ngày 23-3-2010. Ông thẩm phán này sau khi lý luận dài dòng khoảng 42 trang giấy đã kết luận rằng một phần của luật này, cụ thể hơn, điều khoản buộc hầu hết người dân Mỹ phải mua bảo hiểm, là vi hiến – chắc chắn là một thắng lợi to lớn cho đảng Cộng Hòa và là điều không vui cho Tổng thống Obama và đảng Dân Chủ. Tuy nhiên, ông Hudson cũng đã xác định phán quyết của ông không có nghĩa là đình chỉ ngay lập tức việc thi hành luật này, mà phía “bị cáo” còn có thể khiếu nại trước tòa kháng án liên bang – và cuối cùng chắc chắn người ta sẽ dẫn nhau lên đến Tối cao Pháp viện.

TT Obama nói chuyện với người dân Fall Church, Virginia về chương trình cải tổ y tế vào tháng 9, 2010. Dennis Brack-Pool/Getty Images

Phần lớn dư luận bàng hoàng, hoang mang và cả lo sợ. Người ta bàng hoàng khi thấy một đạo luật có tính cách lịch sử và ý nghĩa to tát như thế lại có thể bị một tòa án bác bỏ một cách dễ dàng, không một chút suy nghĩ, như lấy đồ trong túi. Hoang mang là ở chỗ chẳng hiểu số phận cái luật này rồi đây sẽ ra sao, bãi bỏ hết hay cái còn cái mất. Và dĩ nhiên ít nhất cũng có 30 triệu người lo sợ. Đó là những người không có bảo hiểm lâu nay và từng mơ mộng rằng rồi đây nhờ luật này mà mình sẽ có. Tuy nhiên, nghĩ cho cùng, chẳng có gì phải bàng hoàng, phải hoang mang, phải lo sợ. Ở Mỹ lâu rồi, người ta có thể đâm quen. Rồi đâu cũng sẽ vào đấy – tùy cách người ta quan niệm về cái trật tự của nước này là như thế nào!

Có gì đáng ngạc nhiên chăng trong diễn tiến này mà ngưòi ta phải bàng hoàng. Chúng ta hãy nhìn sự đời đơn giản một tí trước khi đi vào lý luận phân xử ai đúng ai sai. Có cái gì Dân Chủ ủng hộ mà Cộng Hòa không chống. Có cái gì Cộng Hòa theo đuổi mà Dân Chủ đồng tình. Bởi thế mà ông Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã bảo: các ông nhìn lại chế độ của các ông đi mà đừng thọc mũi vào chế độ (mà các ông gọi là mafia trị) của chúng tôi. Bởi thế cho nên, ngay cả trước khi Quốc Hội thông qua và Tổng thống Obama ban hành luật, những người Cộng Hòa biết trước thua nhưng đã nói sẽ không chịu thua. Và hàng loạt thống đốc đảng Cộng Hòa đã vừa đua nhau nộp đơn ở tòa án đặc khu liên bang để đòi hủy bỏ luật vừa tìm cách không thi hành luật ở vương quốc của mình. Tính ra, có đến 20 đơn kiện từ các thống đốc hay bộ trưởng tư pháp tiểu bang của Cộng Hòa đã đưa đơn. Vừa qua, trong “ngày vui đại thắng” của đảng Cộng Hòa sau cuộc bầu cử giữa mùa, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell chủ tịch phe Cộng Hòa thiểu số tại Thượng Viện và dân biểu John Boehner thuộc đảng Cộng Hòa tiểu bang Ohio, chủ tịch tương lai không xa của Hạ Viện Mỹ, đều chung nhau một lời đe dọa: ưu tiên số 1 trong agenda của đảng Cộng Hòa là gia hạn việc giảm thuế “cho tất cả mọi người” (có nghĩa là cho cả người giàu của họ trong đó), và hủy bỏ hai luật do Dân Chủ xướng xuất, cải tổ y tế và tăng cường giám sát thị trường tài chánh. Họ im lặng trước vấn đề tăng sức cho sự hồi phục kinh tế và có những biện pháp tạo công ăn việc làm. Chẳng những không đưa ra ý kiến nào cụ thể, họ còn chống lại biện pháp “Giải tỏa Số lượng đợt 2” (QE2) của Quỹ Dự trữ Liên bang bán 600 tỉ công trái để kích thích kinh tế, xem chừng là do biện pháp này được ông Obama Dân chủ ủng hộ. Như vậy thì chiến trường tại Tòa án Liên bang Địa hạt ở Richmond bùng nổ chẳng có gì là lạ.

Tại sao Thẩm phán Henry Hudson có phán quyết đó? Lý do cũng đơn giản, chẳng gì đáng bàng hoàng hay ngạc nhiên. Ông ta là người Cộng Hòa. Nếu không là người Cộng Hòa, sức mấy ông George W. Bush bổ nhiệm ông làm thẩm phán liên bang. Mà thói đời bao giờ cũng thế. Ăn cây nào rào cây nấy. Ăn của người phải độ cho người. Các ông quan tòa ở Tối cao Pháp Viện, Tòa án đặc khu, tòa kháng án liên bang… đều do tổng thống đề cử. Pháp bất vị thân. Nhưng áo mặc sao qua khỏi đầu. Không vị thân còn được, nhưng bao giờ cũng phải vị đảng. Chẳng nên tưởng rằng chỉ có đảng Cộng Sản mới giỏi điều động ngành tư pháp vì họ có chuyên chính. Ngay cả trong một nền dân chủ, một khi người ta đã muốn công lý đội nón đi ra thì thế nào cũng có cách để cho chính trị đi vào.

Ông Obama, Bộ Tư pháp liên bang và đảng Dân Chủ chẳng tỏ ra nao húng hay lo lắng tí gì. Đây là vụ kiện thứ ba tương tự ở tòa án đặc khu (district court). Trong hai vụ đầu, tòa án ở Detroit, Michigan, cũng như ở Lynchburg, Va., đã xử cho luật này hợp hiến. Giới quan sát nói rằng quá trình kháng cáo sẽ phải mất cả hai năm là ít nhất trước khi vụ tranh tụng cuối cùng đến Tối cao Pháp Viện. Bởi thế, chính quyền Obama đã nói ngay rằng phán quyết này sẽ chẳng ảnh hưởng đến lịch trình của việc triển khai thi hành, áp dụng luật. Công việc soạn thảo và áp dụng những qui định theo tinh thần của luật này sẽ tiếp tục, đồng thời với những kế hoạch mở rộng chương trình Medicaid và tạo ra những thị trường có tính cạnh tranh mà người ta vẫn gọi là “giao hoán bảo hiểm” (insurance exchanges) ở mỗi tiểu bang để cho những người cần mua bảo hiểm cá nhân có thể “đi phố” xem hàng và dọ giá trước khi có quyết định mua sắm. Trong tuần này, 150 viên chức từ hơn 45 tiểu bang sẽ gặp những người từ liên bang tại Washington để vạch ra kế hoạch mở ra thị trường giao hoán này, nhằm cung cấp cho người tiêu thụ những tin tức chi tiết về giá phí và lợi ích của những chương trình bảo hiểm họ có thể lựa chọn. Cũng như yêu cầu mọi người phải có bảo hiểm, thị trường giao hoán này đến năm 2014 mới có hiệu lực. Thị trường này có hình thành nổi hay không, tuy nhiên, lại tùy thuộc vào sự sẵn sàng của các Quốc Hội tiểu bang đối với đề nghị này.

Mặc dù chính quyền nói rằng họ tin “Đạo luật Y tế Trong khả năng là hợp hiến”, và “cuối cùng chúng tôi sẽ chiến thắng”, nhưng nhỡ cái Tối cao Pháp Viện có năm người Cộng Hòa và bốn người Dân Chủ lại phán quyết điều khoản bắt mọi người phải mua bảo hiểm là vi hiến, thì số phận luật này sẽ sao đây. Chính quyền Obama công nhận rằng nếu điều khoản bắt buộc có bảo hiểm y tế bị bãi bỏ trước khi có hiệu lực vào năm 2014, những thay đổi liên quan nhất thiết có thể sụp đổ theo, nhất là điều khoản cấm công ty bảo hiểm từ chối dịch vụ cho những người có điều kiện từ trước hay cấm tính cho những bệnh nhân này những giá cắt cổ. Tuy nhiên, giới chức trong ngành y tế cũng nói rằng những biện pháp canh tân khác, kể cả việc mở rộng thành phần được hưởng Medicaid và bán những chương trình bảo hiểm được chính phủ trợ giá qua thị trường giao hoán của tiểu bang sẽ vẫn tồn tại. Thực tế là thế này, phía Dân Chủ đã mặc cả với giới doanh nghiệp bảo hiểm: hãy dễ dãi với bệnh nhân, nhận bảo hiểm cho tất cả, bù lại tất cả mọi người sẽ mua bảo hiểm y tế, do đó các công ty sẽ có thêm cả 10-15% khách hàng. Nay người mạnh, người khỏe, người trẻ ỷ thế sức khỏe của mình mà không chịu mua bảo hiểm, thì làm sao còn cái “deal” giữa chính quyền với các công ty bảo hiểm và nhà thương nữa?

Vụ án này về mặt tranh luận pháp lý tập trung vào luận cứ của chính quyền là Quốc Hội có thể sử dụng quyền điều hành của mình theo Điều khoản Thương mãi trong Hiến pháp nước Mỹ để buộc người dân mua một sản phẩm thương mại – tức bảo hiểm y tế – nhằm mục đích điều hành thị trường. Nếu không có thẩm quyền đó, chính quyền cho rằng Quốc Hội cũng có thể dùng quyền hạn đánh thuế mà Hiến Pháp đã cho phép để biện minh cho điều khoản bắt buộc phải có bảo hiểm, bởi vì khoản phạt vì không mua bảo hiểm sẽ được coi như một biện pháp “chế tài về thuế lợi tức”.

Thẩm phán Hudson đã bác bỏ cả hai luận điểm. Ông viết: “Tự bản chất của vấn đề, cuộc tranh luận này không đơn giản là về việc điều hành kinh doanh bảo hiểm – hay hình thành một kế hoạch bảo hiểm sức khỏe đại chúng – nó là về quyền của con người được lựa chọn mua bán”. Ông cho rằng bắt mọi người phải mua bảo hiểm là vượt qua quyền hạn của Quốc Hội. “Cả Tối cao Pháp viện lẫn các tòa kháng án liên bang chưa bao giờ mở rộng thẩm quyền của Điều khoản Thương mãi để buộc một cá nhân phải đi vào chuyện thương mãi một cách không tự nguyện bằng cách phải mua một món hàng trên thị trường”. Để cho Quốc Hội hành xử quyền hạn đó là “mở đường cho việc thao túng quyền hạn cảnh sát của liên bang trong đời sống của người dân”. Và ông so sánh cho rõ thêm. “Buộc những người có xe phải mang bảo hiểm tai nạn như các tiểu bang vẫn làm được xem là một vấn đề khác bởi vì Hiến pháp cho các tiểu bang quyền lực cảnh sát rộng rãi đã được diễn dịch là bao gồm cả chuyện đó. Hơn nữa, không có bắt buộc nào trong luật pháp người ta phải có xe, chỉ có điều đòi hỏi có xe thì phải phải có bảo hiểm”.

Đây có thể là điều khó nghĩ khi người ta phải suy nghĩ, lý luận. Bởi vì có xe, nên phải có bảo hiểm xe. Nếu không có xe, thì đương nhiên không cần bảo hiểm xe. Phải chăng là vì cái xe có thể gây bất trắc cho người khác, cho xã hội, cho nên người có xe, chạy xe, phải mua bảo hiểm để cho những nạn nhân của xe, ngay cả chính mình, được bảo đảm bồi thường khi có tai nạn xảy ra. Thế nhưng ngoài chuyện con người có thể có xe hay không có xe, người ta chắc chắn ai cũng có sức khỏe còn quan trọng hơn cả cái xe. Và trong cách người ta điều hành sức khỏe – cũng như điều hành xe – mà người ta cũng có thể bị “tai nạn sức khỏe” gây bất trắc không những cho chính mình mà cho cả xã hội. Hãy tưởng tượng ai đây phải chịu trách nhiệm nếu một người không có bảo hiểm mà bị bệnh, truyền nhiễm hay không, làm cho xã hội phải tốn kém nếu họ vào phòng cấp cứu hay phải mượn tiền chạy chữa hay mua thuốc khi bỗng nhiên phát bệnh.

Ông Bộ trưởng Tư pháp Virginia nói vụ án này không phải là về bảo hiểm, không phải là về y tế, “Nó là về quyền tự do”. Đảng Cộng Hòa vẫn rất “nhậy cảm” trong việc xâm phạm quyền tự do cá nhân không đóng góp. Nhất là những gì nhân danh đại chúng để buộc cá nhân phải đi theo. Bởi vậy mà họ chống việc mở rộng bảo hiểm sức khoẻ đại chúng như bên châu Âu hay Canada. Như trước đây họ đã chống Medicare. Và cách đây 75 năm chống An sinh Xã hội. Những đóng góp của cá nhân cho chính phủ, cho xã hội, khiến cho quyền lợi cá nhân bị hạn chế. Tự do cá nhân và sự an toàn và phúc lợi của xã hội, người ta phải lựa chọn cái nào? Nơi con người, rốt lại, cái gì quí nhất: cái xe của Cộng Hòa, sức khỏe của Dân Chủ, hay sức lao động của Cộng Sản. Người ta cảm thấy loanh quanh về những ranh giới giữa đảng và đạo – khi đảng quá giáo điều, quá chính thống và quá bế tắc trong lý luận thực tiễn còn hơn cả đạo, thì đảng sẽ càng ngày càng có tính cách tôn giáo hơn chính trị. Giống như Hồi giáo của Taliban hay Al Qaeda chẳng hạn – chỉ khác ở chỗ “văn minh” hơn. Và khi người ta không phân biệt được đảng và đạo, người ta càng khó vạch được lằn mức giữa đạo và đời, và sẽ làm cho con người sống trong những qui luật như thời Trung Cổ.
Phải chăng, Mỹ một lần nữa muốn dẫn đầu thế giới – trong chuyện đi ngược dòng lịch sử?[HNN]
.
.
.

No comments: