Nguyễn Hữu Quý
Thứ hai, ngày 13 tháng mười hai năm 2010
Nước ta, do phía đông giáp biển, cho nên hàng năm đều phải chịu nhất nhất từ 3-10 cơn (con) bão; năm ít cũng là 2-3; có năm nhiều có đến 10-13 cơn bão; vì khác với các nước trên thế giới, một con bão nào đó thường được đặt theo tên địa danh, hoặc một giai nhân nào đó…; thì ở VN, ta thường đánh số, và gọi con bão bằng tên con số; sở dĩ tôi nhớ được “láng máng” số con trong khoảng 10 năm là nhớ theo cách ấy.
Cũng vì phải chịu nhiều thiên tai từ bão; cho nên, mỗi khi gặp một con bão lớn gây hậu quả nặng nề… (mà gần như năm nào cũng có) nhân dân ta thường tổ chức quyên góp; khi đó, ta thường nghe báo chí, truyền hình… xuất hiện các cụm từ “huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc” [động từ “vào cuộc”, được xuất hiện một cách chính thức trên các báo gọi là “chính thống” – mà ta quen gọi là báo “lề phải” chỉ mới khoảng năm, bảy năm trở lại đây; thực ra, theo tôi động từ này không hay lắm (?!); từ một động từ dùng trong các cuộc mánh mung (vào cuộc thường được hiểu là: chạy dự án, chạy án, chạy chức…), đã đến mức quen dần và chuyển sang phổ biến trong đời sống, văn hóa, xã hội của đất nước… âu cũng là phản ánh xã hội VN rất đáng buồn đã tồn tại nhiều năm và đến ngày nay].
Vậy thì, “Hệ thống chính trị” là gì?
Thực ra, tôi cũng chưa khi nào đọc được định nghĩa trọn vẹn về cụm (danh) từ này; và vừa rồi, ngày 22/11/2010 trên trang mạng Bauxite Việt Nam, đăng bài "Bàn chuyện ngôn ngữ: ‘Hệ thống chính trị (?!)”, của tác giả Lý Sơn; và theo tác giả: “Hệ thống chính trị” đương nhiên là “hệ thống cầm quyền”, có chức danh rõ ràng dù ở bất cứ thể chế nào. Đại thể tên nó là “chính quyền các cấp” từ trung ương đến địa phương…
Lâu nay, khi nghĩ về “hệ thống chính trị”, tôi cũng hiểu đại thể nó như thế; nghĩa là, trong thiết chế của một nhà nước hiện đại, thì có các đảng phái thay nhau cầm quyền [nếu là ở các nước dân chủ, có hệ thống bầu cử cạnh tranh, minh bạch…]; có các thiết chế chính quyền tương ứng [từ Trung ương đến các địa phương]; trong thiết chế đó, còn có các tổ chức chính trị, xã hội khác [ở nước ta như là: UBMTQT, hội LH phụ nữ, công đoàn, đoàn thanh niên, CCB…, có các tổ chức của các hội nghề nghiệp (hội nhà văn, làm vườn, nông dân, nuôi cá cảnh…)].
Như vậy, ta có thể hiểu (nôm na): Hệ thống chính trị là toàn bộ các thiết chế tương ứng hình thành nên một hình thái nhà nước, để đảm bảo nhà nước quản lý xã hội theo một tôn chỉ, mục đích mà nhà nước đó mong muốn.
Hiểu một cách (cho dù là chung chung, nôm na) như thế; để thấy tác giả Lý Sơn có lý, khi trong bài (nêu trên), tác giả viết:
“… Tại sao lại gọi “toàn dân” là hệ thống chính trị? Đáng lẽ chỉ có cán bộ chính trị mới học “chính trị”, còn công dân thì học “môn công dân”, cớ sao dân chúng nhất là viên chức công chức học sinh, sinh viên ai cũng phải học “chính trị”? Tại sao trong nhà trường, nhiệm vụ dạy học lại được ghi trong mục “Nhiệm vụ chính trị”? Nhà máy sản xuất ra hàng hóa tiêu dùng cũng ghi “Nhiệm vụ chính trị”? [hết trích].
Nhìn nhận như tác giả Lý Sơn, và hiểu như vậy, để thấy rằng: hệ thống chính trị của nước ta đang có vấn đề, đang là một sai lầm lịch sử; và có thể nói, đó là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” mà dân tộc Việt Nam chưa thoát ra được lời nguyền (tạm gọi như thế) của thi sỹ Tản Đà, “NƯỚC BỐN NGHÌN NĂM VẪN TRẺ CON”.
Vậy sai lầm đó là gì?
Trong phạm vi một bài viết ngắn, xin được tóm lược là:
1. Dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, toàn bộ đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội v.v.. của đất nước ta, đã bị chính trị hóa (?!); để rồi, thay vì “Mọi lý thuyết chỉ là màu xám, chỉ có cây đời thì mãi mãi xanh tươi” [đại thi hào Đức Johann Wollgang von Goethe (1749-1832)]; thì ở nước ta, “cây đời” đã bị uốn cong, méo mó, què quặt… và đến hôm nay, nhân dân ta đã nhận ra:
- “Chúng ta chứ không phải ai khác đã trực tiếp tạo ra bao thế hệ người Việt Nam quen sống dối trá và bạc nhược trước cuộc đời”. [Nguyễn Thượng Long – Con tàu giáo dục bên ở vực thẳm – Tin tức hàng ngày];
- Một dân tộc đã từng có hơn 4000 năm văn hiến; nhưng trong mấy mươi năm nay đã không xây dựng nổi một nền văn hóa lấy lòng tự trọng của con người làm nền tảng nhân văn (?!); các quan chức trong hệ thống công quyền không biết nói lời xin lỗi và từ chức, khi bản thân không hoàn thành nhiệm vụ, mang lại hậu quả xấu, thậm chí là nghiêm trọng đối với quốc gia…; Một quốc gia mà, hệ thống văn bản pháp luật đã bị sai lầm ngay từ cách thức xây dựng nó “… văn bản luật thường do bên hành pháp “sơ chế”, sau đó Quốc Hội thảo luận và bỏ phiếu thông qua. Khi đem ra Quốc Hội thảo luận mà ta hay nói vui là “Làm văn tập thể” [tamnhin.net – Văn bản pháp luật, lượng đã nhiều còn chất…?]… vậy thử hỏi lấy đâu ra chuẩn mực để làm rường cột quốc gia?
- Vì dối trá và bạc nhược trước cuộc đời; cho nên, hơn 700 các tờ báo, tạp chí lớn nhỏ, phản ảnh trí tuệ của cả một dân tộc… phải lặng im trước bọn giặc; để mặc chúng nghênh ngang xâm phạm bờ cõi ngoài Biển Đông, chỉ vì “nhạy cảm” (?!); và thật nhãn tiền, đến hôm nay, tờ báo nào, kể cả các trang mạng, Blog nổi tiếng… hễ công khai chống TQ, hoặc nói những điều không có lợi đối với TQ… là bị tin tặc tấn công; vậy, bọn tin tặc là ai? Ở đâu? Có phải đây là “âm mưu của các thế lực thù địch” từ bên ngoài, hay là “tự diễn biến” từ bên trong (?!).
- Vì dối trá và bạc nhược trước cuộc đời; cho nên, “dự án khai thác bô xít tại Tây Nguyên là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”; vậy thì Đảng và Nhà nước ở đây đã nhân danh ai và vì ai? Nhà nước này của Đảng hay là của nhân dân Việt Nam?; Chẳng biết chủ trương là từ đâu, mà cho TQ thuê đất trồng rừng ngay sát biên giới (Innov Green); ấy thế mà cả QH gần 500 người phải lặng thinh, không dám đưa ra nghị trường QH để tìm rõ sự thật, trắng, đen; Ngay tại nơi sinh ra pháp luật mà còn như vậy…; thử hỏi đâu là phép nước? Người VN hôm nay đang sống trong thời đại nào? Thể chế nào?
- Vì dối trá và bạc nhược trước cuộc đời; cho nên, gần 500 ĐBQH – đại diện cho quốc dân Việt Nam, chắc là sẽ phải lặng câm trước câu hỏi: "vậy Đảng là ai? Là 1 người, 15 người, 181 người hay toàn thể ba triệu đảng viên?"; [Vũ Cao Đàm – Vinashin chỉ là chuyện quá ư nhỏ nhoi – Bauxite Việt Nam]. He he, rồi đây, “1 người hay 15 người”, trong số các vị sẽ “ghi danh vào lịch sử dân tộc” như những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống… thuở nào; nhưng bây giờ chưa phải là lúc (?!).
Có một điều rất lạ, “1 người hay 15 người” là do Đại hội các vị bầu ra; thế rồi, quay trở lại để sai khiến tất cả; đễn nỗi, cứ nói đến “Bộ chính trị đã quyết” hoặc “Bộ chính trị đã có chủ trương”… thì tất cả xem như là đã được định đoạt…; mà không có một ai dám lên tiếng hỏi rằng, quyết khi nào, văn bản đâu, cho xem văn bản…?
Ôi, cả một BCHTW gần 200 người và gần 500 người là ĐBQH đại diện cho dân, cho nước; mà phải im thin thít trước “1 người hay 15 người”; có lẽ chỉ có ở chế độ Vua chúa xưa kia mới như vậy mà thôi?!
Các vị lại là những người có chỉ số IQ cao; nếu kèm theo họ, tên là chức vụ, nghề nghiệp, quê quán, học hàm, học vị… thì có khi một người giỏi “múa” trên máy vi tính, gõ danh sách ĐBQH cả buổi chưa hẳn đã xong; ấy thế mà các vị lặng im; mặc cho đất nước ai khiến đi đâu là tùy ý (?!); vậy IQ cao để làm gì, thật hay giả? Cái tối thiểu nhất là lương tâm con người trước vận mệnh dân tộc… cũng đã bị đánh mất rồi chăng?
- Vì dối trá và bạc nhược trước cuộc đời; cho nên, một số các vị một thời “hét ra lửa”; cao giọng rao giảng… để rồi hôm nay “Tiếc rằng hầu hết các ý kiến rất thật ấy, đều là của các tác giả mà trước chức danh của họ là chữ “nguyên”, nguyên chức vụ này, nguyên tước vị nọ, nhiều vị “nguyên” rất to…” [nhà văn Đình Kính – Luận về chữ “nguyên” – trang trannhuong.com]. Thậm chí, nhiều vị đang sống mà đã phải “im như thóc” đó sao? và vì sao?
Các vị hôm nay, liệu có lấy để làm bài học? hay là đợi đến khi “hạ cánh an toàn” mới “mủi lòng” thương cho đất nước này? [xin lỗi, tôi cũng không trả lời được rằng, các vị còn thương dân, thương nước; hay là nhân dân thương thay cho các vị nữa?!].
- Vì dối trá và bạc nhược trước cuộc đời; cho nên, lực lượng công an, vốn xuất thân từ nông dân, có cha mẹ, họ hàng, vợ con… đang trong tầng lớp nhân dân lao động nghèo khổ; nay đã không vì nơi mà mình sinh ra, xuất thân…; để rồi “chỉ biết còn đảng còn mình”; thay đổi hẳn bản chất của một lực lượng, vốn sinh ra là để “vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân”.
- Vì dối trá và bạc nhược trước cuộc đời; cho nên, xã hội Việt Nam hôm nay đã sinh ra, một tầng lớp có chữ nghĩa hẳn hoi, nhưng được gọi là: văn nô, sử nô, địa (lý) nô… nhìn thấy cột mốc biên giới một thời là ranh giới VN-TQ, thì nay thuộc về đất TQ… mà không thể kêu lên được [Blog Phạm Viết Đào – Trung Quốc mở chiến dịch thủ tiêu những cột mốc biên giới cũ Việt – Trung]; Ấy thế mà, một thời có vị ở ban biên giới Chính phủ [như là ông Vũ Dũng thì phải?] đã nói “làm gì có chuyện nhượng đất” (?!).
Vân vân & vân vân…
2. Như vậy, nhân dân Việt Nam đang sống trong một hệ thống chính trị; mà để tồn tại, nhân dân (hoặc một cá nhân) chỉ có một trong hai sự lựa chọn:
- Phải thích nghi bằng cách sống dối trá và bạc nhược trước cuộc đời; hoặc
- Chấp nhận hiểm nguy, dẫu chỉ đơn giản là được sống thật, được nói lên sự thật và… là người yêu nước(?!).
3. Rõ ràng là, bắt đầu từ hôm nay, nhân dân Việt Nam chỉ có 2 lựa chọn:
- Phải thay đổi hệ thống chính trị hiện nay, để trở thành một dân tộc như đã có 4000 năm lịch sử oai hùng, được thế giới biết đến và ngưỡng mộ; và từ đó làm nền tảng để lại vươn lên, khẳng định lại giá trị dân tộc, giá trị nhân văn của mình… trong cộng đồng quốc tế đang cạnh tranh khốc liệt.
- Hoặc, chấp nhận mất nước, làm nô lệ cho người TQ; bởi vì ngay trong hiện tại, người VN đã trở nên “dối trá và bạc nhược” ngay cả dưới chế độ mà dân tộc Việt đã lựa chọn cách đây mấy mươi năm [như ta vẫn nghe nói, đó là con đường mà: “Đảng, nhân dân và Bác Hồ đã lựa chọn”]; Một dân tộc mà nhiều thế hệ được giáo dục như thế, thì cũng xứng đáng để làm kiếp nô lệ cho ngoại bang mà thôi; ngay cả hàng ngũ lãnh đạo quốc gia cũng đã là những kẻ dối trá và bạc nhược; thì sự phụ thuộc và mất nước chỉ còn là vấn đề thời gian.
4. Đã có nhiều các vị cao niên, là những trí thức thực thụ của đất nước, có thể kể ra như: Ns Tô Hải, nhà báo Tống Văn Công, PGS TS Vũ Cao Đàm… đưa ra các kiến nghị, giải pháp; qua đó, kiến nghị với Đảng, rằng cần phải thay đổi, liệu rằng Đảng CSVN có còn ai trung thực trong số các lãnh đạo hiện nay để thay đổi?
Xin được nhắc lại; nếu không có sự thay đổi, thì sự phụ thuộc và mất nước vào tay người Trung Quốc chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nhìn những gì mà người TQ đang làm trên Biển Đông; ở phía Bắc (Innov Green chỉ là ví dụ); ở Lào và CPC (phía Tây); và đặc biệt, những gì họ đang làm trên lãnh thổ VN… để ta lại càng khẳng định cho nhận định ấy!
10.12.2010
.
.
.
No comments:
Post a Comment