03/12/2010
Việc CHDCND Triều Tiên bất ngờ nã pháo sang Hàn Quốc đang đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh. Nếu chiến tranh một lần nữa bùng nổ, kết quả có thể sẽ rất bất lợi cho Bình Nhưỡng khi không chỉ Washington tỏ ra rất cứng rắn mà Bắc Kinh cũng có những dấu hiệu giảm bớt sự hậu thuẫn cho Bình Nhưỡng.
Để giải quyết căng thẳng đang xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh đã chủ động phái các quan chức ngoại giao hàng đầu đến khắp các nước liên quan nhằm xoa dịu tình hình. Bắc Kinh đã chính thức kêu gọi một cuộc đàm phán sáu bên nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại, cuộc đàm phán này nếu có diễn ra thì không được xem như đã nối lại đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. Thế nhưng, cả Hàn Quốc lẫn Mỹ đều lên tiếng khước từ đề nghị của Trung Quốc, điều đó đồng nghĩa với việc hội nghị đàm phán để giải tỏa căng thẳng bán đảo Triều Tiên khó thành hiện thực.
Khi CHDCND Triều Tiên nã pháo vào Hàn Quốc, hầu hết các ý kiến đều cho rằng CHDCND Triều Tiên đang gây chú ý để kéo các bên trở lại bàn đàm. Nên nếu một cuộc đàm phán để giải quyết căng thẳng còn không diễn ra thì làm sao Bình Nhưỡng có thể kỳ vọng vào một bàn đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân được mở trở lại. Trong khi đó, Mỹ lẫn Hàn Quốc đang tỏ ra rất kiên quyết và không có một dấu hiệu nào sẽ nhún nhường CHDCND Triều Tiên. Kế hoạch tập trận chung của Hàn Quốc và Mỹ vẫn diễn ra theo dự định, CHDCND Triều Tiên thì lăm le “trừng phạt” cuộc tập trận chung. Tất cả đang đẩy bán đảo Triều Tiên đến một miệng hố chiến tranh gần hơn bao giờ hết kể từ năm 1953 đến nay.
Nếu xảy ra chiến tranh, việc Mỹ ủng hộ Hàn Quốc đã quá rõ ràng vì hai bên có hiệp ước an ninh, còn sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho CHDCND Triều Tiên sẽ như thế nào? Có vẻ như sự ủng hộ của Bắc Kinh dành cho Bình Nhưỡng không còn tốt như xưa. Bao lâu nay, thế giới vẫn luôn cho rằng Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên là hai đồng minh đồng tâm đồng ý. Khi xảy ra sự kiện CHDCND Triều Tiên nã pháo lên đảo Yeonpyeong, Hàn Quốc, thì thủ tướng Hàn Quốc Lee Myung-bak nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần có một lập trường “khách quan và có trách nhiệm hơn”, hay thượng nghị sỹ Mỹ John McCain cũng lên tiếng rằng: “Trung Quốc không hành xử như một cường quốc có trách nhiệm trên thế giới”. Các chỉ trích có vẻ như ngụ ý rằng Trung Quốc luôn kiên định trong việc ủng hộ CHDCND Triều Tiên.
Thế nhưng, theo số bình luận mới đây trên Asia Times thì dường không phải Trung Quốc luôn kiên định ủng hộ CHDCND Triều Tiên mà Bắc Kinh cũng có những quan điểm, không nói ra, của riêng mình. Jin Jingyi, một chuyên gia về CHDCND Triều Tiên tại Đại học Bắc Kinh, nhận xét: “Nghe có vẻ như (Trung Quốc) ủng hộ CHDCND Triều Tiên, nhưng sự thật cần được xét trong một bối cảnh”. Bối cảnh mà ông Jingyi nói ở đây là việc Hàn Quốc cũng tỏ ra cứng rắn hơn từ khi Tổng thống Lee Myung-bak, có xu hướng bảo thủ, lên nắm quyền thì va chạm Nam – Bắc đã xảy ra nhiều hơn trên bán đảo Triều Tiên. Hay Shen Dingli, chuyên gia an ninh của Đại học Phục Đán, Thượng Hải, thì tin rằng vấn đề nằm ở chỗ Trung Quốc không giải thích rõ ràng về lập trường khách quan của mình với quốc tế chứ không phải họ ủng hộ CHDCND Triều Tiên tuyệt đối.
Cùng với việc không còn hậu thuẫn một cách tuyệt đối, Bắc Kinh cũng tỏ ra không vừa lòng với Bình Nhưỡng trong nhiều hành động khiến họ khó xử. Những hành động của Bình Nhưỡng đã bị xem là cái cớ hợp lý để Washington tăng cường hoạt động tại vùng Đông Bắc Á. Lần này, Mỹ đã bất chấp hăm dọa từ CHDCND Triều Tiên cũng như ý kiến phản đối từ Trung Quốc để đưa tàu sân bay USS George Washington vào vùng biển Hoàng Hải, ngay sát nách Trung Quốc. Asia Times cho rằng Bình Nhưỡng không chỉ làm Bắc Kinh khó xử, cảm thấy bị mất mặt mà còn tạo cho Bắc Kinh cảm giác rằng Bình Nhưỡng không còn tin tưởng họ. Trong lúc, đặc phái viên Mỹ Stephen Bosworth đến Bắc Kinh để thảo luận và Bắc Kinh hồ hởi tin rằng mình có thể đưa Mỹ và đồng minh trở lại bàn đàm phán sáu bên, thì CHDCND Triều Tiên lại bất ngờ nã pháo sang đảo Yeonpyeong, Hàn Quốc. Hành động trên của CHDCND Triều Tiên xem như xóa bỏ tất cả những nỗ lực của Trung Quốc và khiến các bên có quyền gióng lên hồi chuông lo ngại rằng có khi nào CHDCND Triều Tiên sẽ bất ngờ bắn đầu đạn vào Seoul hay xa hơn là Tokyo. Có lẽ, đến lúc này thì Trung Quốc cũng không dám đảm bảo điều gì khi CHDCND Triều Tiên có thể làm một điều gì đó mà Trung Quốc cũng hoàn toàn bất ngờ.
Với những diễn biến hiện tại và động thái giữa các bên, nhất là Trung Quốc và Mỹ, thì việc nã pháo bất ngờ của CHDCND Triều Tiên có thể trở thành một hồi chuông báo hiệu về những thay đổi lớn cho tương lai của bán đảo Triều Tiên.
Ngô Minh Trí – bình luận đăng trên Thời báo Kinh Tế Sài Gòn 02.11.2010
---------------------------------
Trung Quốc cảnh báo hội đàm Mỹ-Nhật-Hàn về Triều Tiên - vnexpress.net - 03/12/2010
Hàn Quốc sẽ oanh tạc Triều Tiên nếu bị tấn công - vnexpress.net - 03/12/2010
.
.
.
No comments:
Post a Comment