Tuesday, December 14, 2010

BẮC KINH THAY ĐỔI TẦM NHÌN VỀ BÌNH NHƯỠNG ? (Đào Như)

Đào Như
Đăng ngày 14/12/2010 lúc 01:10:35 EST

Theo phóng viên Willy Lam của báo Asia Times-Hongkong ngày 09/12/2010, Bắc Kinh vô tình bị họa lây sau khi Bình Nhưỡng pháo kích vào hải đảo của Nam Triều Tiên nằm dưới vùng giới tuyến, hôm 23/11/2010. Tờ báo này cũng than phiền thế giới không chịu hiểu tình thế của Bắc Kinh: Asia Times quan niệm rằng Bắc Kinh không thể nào ngăn cản được Bình Nhưỡng làm những việc sai trái mặc dầu trong quá khứ BK đã từng giúp đỡ BN rất nhiều, về vật chất lẫn tinh thần.

Tại Trung Quốc, hiện cũng có một luồng góp ý từ các giới trí thức thuộc các viện đại học và giới báo chí về quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng trong quá khứ cũng như trong tình hình hiện tại. Việc ông Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Nước, đã hậu thuẫn đến độ hầu như vô lý (nigh unconditional supports) những gì ông Kim Chính Nhất (Kim Jong-il), lãnh tụ của Bắc Triều Tiên đang làm, đã gây ra bất bình trong hàng ngũ trí thức tại Trung Quốc:

• Giáo sư Zhu Feng, thuộc Viện đại học Pekin University International Affairs, tuần vừa rồi đã lên tiếng phê phán Bắc Triều Tiên đã pháo kích vào đảo Yeonpyeon của Nam Triều Tiên làm thiệt mạng và bị thương nhiều người. Gs. Zhu Feng lên tiếng cho rằng Bắc Triều Tiên đã tạo nên một big bang lôi kéo Hội Nghị 6 Bên tôn trọng yêu sách của họ (Pyonguyang wanting to make a big bang so as to force the negociations back into their favors). Gs. Zhu Feng cảnh báo Bắc Triều Tiên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc họ pháo kích vào đảo Yeonpyeon của Nam Triều Tiên và ông yêu cầu chính phủ Trung Quốc phải lên án Bắc Triều Tiên trong hành động khiêu khích này.

• Trong khi đó tờ Global Times, một phiên bản tiếng Anh của Nhân Dân Nhật Báo, đả kích kịch liệt hành động của Bắc Triều Tiên hôm 23/11/2010 và lên án hành động đó như là sự sỉ nhục nhầm phá hoại những thiện chí của quốc tế muốn làm cho tình hình bán đảo Triều Tiên sáng sủa hơn.

• Hơn thế nữa, phần lớn các thành viên của Tổ chức Mạng lưới Đối thoại – Netizens – đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Bắc Kinh không nên để cho Bắc Triều Tiên lôi kéo Trung Quốc vào vấn đề của họ (China should not be dragged into the water by the Kim clan’s irrational strategies).

• Ông Zhang Liangui, một vị lão thành khả kính, giáo sư của trường Đảng tại Bắc Kinh, đã cảnh báo Bắc Triều Tiên đã làm những việc như là đồng lõa với Trung Quốc (playing the China card) chống lại Nam Triều Tiên, Nhật và Hoa Kỳ. Do vậy, ông mong muốn ông Hồ Cẩm Đào ngưng tất cả việc ủng hộ Bắc Triều Tiên, một quốc gia có những hành động hạ đẳng (a pariah state). Nếu không, Trung Quốc sẽ bị ô danh…

Chúng ta nghĩ gì trước những lời kêu gọi cũng như những phê phán về mối quan hệ Bắc Kinh – Bình Nhưỡng tại Trung Quốc? Có phải chăng thật sự có sự xoay chiều trong đường lối ngoại giao của chính phủ Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy thận trọng theo dõi những gì đã và đang xảy ra trong những ngày gần đây:

– Ngày 06/12/2010, khi nói chuyện điện thoại với Tổng thống Obama, ông Hồ Cẩm Đào quan ngại rằng: “…Vấn đề bán đảo Triều Tiên có thể vượt ngoài tầm kiểm soát. Không ai muốn việc như thế xảy ra, nên điều cần thiết là phải bình tĩnh mà đối phó với vấn đề…”.

– Mạng Wikileaks ngày 05/12/2010 cũng đã tiết lộ gần giống như vậy: “Bấy lâu nay thế giới vẫn lầm tưởng vì họ đâu có ngờ trong thực tế, Bắc Kinh không thể nào chế ngự được Bình Nhưỡng…”.

– Ngày 09/12/2010, theo tường thuật của Asia Times, khi hay được tin Bình Nhưỡng có tới 2000 máy ly tâm tinh lọc giàu uranium để chế tạo vũ khí hạt nhân, Bắc Kinh gần như bị choáng, bị rơi vào ác mộng. Điều này đã khiến cho các lãnh đạo Bắc Kinh phải nghĩ đến việc liên minh quân sự chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ…
Những điều tiết lộ trên của Asia Times và những lời góp ý của các giới trí thức đại học và giới báo chí Trung Quốc, rõ ràng là đã giúp chính phủ Trung Quốc có cơ hội giải bày cùng thế giới mối quan hệ hai chiều đầy mâu thuẫn giữa Bắc Kinh – Bình Nhưỡng và những băn khoăn của Trung Quốc trước tiềm năng nguyên tử của Bắc Triều Tiên. Thật sự, chúng ta cũng có thể nhận diện vấn đề ở một khía cạnh khác. Chính phủ Trung Quốc một lần nữa thành công trong việc vận dụng trí thức các đại học, báo giới để nói lên những thay đổi trong hiện tình chính trị của Trung Quốc và cũng để biện hộ cho lập trường và quan điểm của họ trong việc họ thay đổi tầm nhìn về một vấn đề nào đó, như hôm nay họ đang thay đổi tầm nhìn của họ về bán đảo Triều Tiên. Thật vậy, hơn bao giờ hết, Trung Quốc sợ bị thế giới cô lập. Hiện tại Trung Quốc đang gặp khó khăn và chống đối cùng khắp thế giới:

1. Đối với châu Âu và Hoa Kỳ, Trung Quốc đang bị chống đối dữ dội vì tỉ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ.

2. Đối với ASEAN vì vấn đề Biển Đông và các đập nuớc của Trung Quốc xây trên thượng nguồn sông Mekong.

3. Đối với Ấn Đô, Việt Nam và các quốc gia Đông Bắc Á, Trung Quốc bị chống đối vì vấn đề Trung Quốc xâm lấn biên giới và vì chính sách bành trướng nước lớn của Trung Quốc.

4. Tại châu Phi, khi lãnh đạo các nước châu Phi đưa tay nhận viện trợ nhân đạo hay số tiền đầu tư khổng lồ của Trung Quốc, mắt của họ không ngừng nhìn thẳng vào đáy mắt Trung Quốc, vào đáy túi tham của Trung Quốc để lượng định trong tương lai Trung Quốc sẽ khai thác và hủy hoại những nguồn tài nguyên của nước họ đến mức độ nào?

Khi Bắc Kinh biết được thông tin ngày 06/12/2010, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton, đã có buổi họp với các Ngoại trưởng Nam Triều Tiên và Nhật Bản để bàn về vấn đề an ninh của bán đảo Triều Tiên và vùng biển phụ cận mà không có sự tham dự của đại diện ngoại giao của Trung Quốc. Hồ Cẩm Đào tức tốc gọi điện thoại cho Tổng thống Obama cùng ngày. Theo các giới chức của Viện Đại Học Tsinghua, động thái này của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chứng tỏ ông ta sợ Trung Quốc bị cô lập vì bị hiểu lầm là đứng về phía Bắc Triều Tiên. Điều mà Trung Quốc lo ngại nữa là chiến tranh có thể leo thang và bùng nổ lớn nếu Mỹ nghe lời của nhóm quân phiệt diều hâu của Nam Triều Tiên và Nhật Bản. Các nhóm này đang vận động bà Hillary Clinton tăng cường gấp đôi tiềm lực chiến tranh của Hán Thành và Đông Kinh. Bây giờ thì Trung Quốc đang ôm hận, lo lắng vì Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên và Nhật Bản không còn nồng nhiệt với đề nghị khẩn thiết của Bắc Kinh kêu gọi các phe liên hệ ngồi lại hòa đàm với Bắc Triều Tiên để giải quyết vấn nạn nguyên tử năng của Bắc Triều Tiên. Lý do là Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ vẫn nghi ngờ hiệu năng của những đề xuất từ Bắc Kinh.
Chúng ta trở lại với thực tế của hiện tình:

° Tại Hoàng Hải, Nam Triều Tiên ngày 06/12/2010 vẫn tập trận bắn đạn thật. Nghĩa là Nam Triều Tiên vẫn đang làm áp lực trực tiếp với Bắc Triều Tiên và gián tiếp với Trung Quốc.

° Tại biển Hoa Đông, Nhật Bản và Hoa kỳ đang phối hợp tập trân tại vùng biển Kyushu gần eo biển Miyako, một eo biển vô cùng nhạy cảm đối với lực lượng hải quân hùng mạnh và hiện đại của Trung Quốc. Tại vùng biển này, trong hai năm qua đã xảy ra những va chạm thách đố giữa hải quân Trung Quốc với hải quân Nhật Bản và với Hạm đội 7 của Mỹ. Đến hôm nay cuộc tập trận Mỹ-Nhật bước sang ngày thứ sáu, lực lượng hải quân Trung Quốc cũng như chính phủ Trung Quốc vẫn kín tiếng mặc dầu hôm 3-12-10, khi Mỹ và Nhật bắt đầu tiến hành cuộc tập trận này, chính phủ Bắc Kinh lên tiếng cực lực phản đối gắt gao chưa từng thấy. Khó có thể lường được Trung Quốc đang nghĩ gì, sẽ phản ứng như thế nào trước cảnh hải quân Nhật Bản và Hoa Kỳ tiếp tục “múa kiếm” ngay trước cổng nhà?

° Ngày 09/12/2010 có tin Bắc Kinh – Bình Nhưỡng đạt thỏa thuận về tình hình bán đảo Triều Tiên. Theo tin hãng thông tấn KCNA của Bắc Triều Tiên, Kim Chính Nhất (Kim Jong-il) tiếp Đới Bĩnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc tại Bình Nhưỡng. Theo Tân Hoa Xã, hai bên đã đạt được sự đồng thuận về quan hệ song phương và tình hình bán đảo Triều Tiên. Mặc dầu họ không cho biết gì về nội dung của những đồng thuận đó. Phóng viên đài VOA miêu tả buổi họp trong bầu không khí thân thiện! Cùng hôm đó, Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ, Mike Mullin, đang có mặt tại Hán Thành, kêu gọi thắt chặt quan hệ giữa Hoa Thịnh Đốn, Hán Thành và Đông Kinh để buộc Bình Nhưỡng chấm dứt thái độ khiêu khích. Thật là ngạc nhiên, khi Đô đốc Mullin trách Trung Quốc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình khi là nước duy nhất có ảnh hưởng mạnh đối với Bắc Triều Tiên. Trong thực tế cả thế giới và cả Đô đốc Mullin đều biết rằng Trung Quốc không thể kiềm chế nỗi Bắc Triều Tiên. Theo tin trích dẫn từ hãng thông tấn AFP cùng ngày, việc Trung Quốc bị coi là bao che cho Bắc Triều Tiên có thể là động cơ thúc đẩy sự thành hình trục Hoa Thịnh Đốn – Hán Thành – Đông Kinh không chỉ nhầm vào Bình Nhưỡng mà còn chống cả Bắc Kinh.

° Cuối cùng, cũng trong ngày 09/12/2010, có tin cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, ông Richardson, sẽ có mặt tại Bình Nhưỡng vào tuần sau, thể theo lời mời của chính phủ Bắc Triều Tiên. Tòa Bạch Ốc vẫn theo thường lệ, rào đón rất kỹ chuyến đi này và tuyên bố sự hiện diện của ông Richardson tại Bình Nhưỡng hoàn toàn mang tính cách cá nhân. Ông không hề mang thông điệp nào từ phía chính phủ Hoa Kỳ. Ngoài ra, cũng có tin quan hệ quân sự Mỹ-Trung đang được cải thiện vì một phái đoàn quân sự cao cấp Trung Quốc đang trên đường đến Washington và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Robert Gates, sẽ viếng thăm Bắc Kinh vào tháng 01/2011 thể theo lời mời của chính phủ Trung Quốc.

Có một điều ai cũng thấy rõ: Sau nhiều lần nhượng bộ đến mức độ Hoa Kỳ không thể nào nhượng bộ hơn được nữa, hiện nay Hoa Kỳ trở nên cứng rắn. Cùng với Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ tổ chức ngay một cuộc tập trận tại biển Hoàng Hải, mặc dù Bắc Kinh lên tiếng phản đối dữ dội vì có hàng không mẫu hạm USS George Washington tham dự. Cuộc tập trận này được cho là cảnh báo Bắc Triều Tiên sau khi Bắc Triều Tiên đã nã đạn pháo kích vào một đảo của Nam Triều Tiên làm nhiều người chết và bị thương. Nhưng sư thật ai cũng biết mỗi khi hàng không mẫu hạm USS Geoge Washington có mặt tại Hoàng Hải là tất cả cơ sở chính tri, kỹ nghê, quân sự, các cơ quan đầu não Nam-Trung-Hải và ngay cả Nhân Dân Đại Sảnh của Bắc Kinh đều nằm trong tầm đạn pháo của nó. Ngay sau đợt thao diễn tại Hoàng Hải, Mỹ cùng Nhật triển khai đợt tập trận tai vùng biển Kyushu phía Nam Nhật bản, ngay trên vùng biển Hoa Đông của Trung Quốc, với sự tham dự của 40,000 binh sĩ Mỹ-Nhật, 400 máy bay đủ loại, 60 chiến hạm Mỹ-Nhật, cũng với sự tham dự của hàng không mẫu hạm USS George Washington… Dĩ nhiên thế giới phải biết rằng đây không phải đơn thuần một cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử, nó còn mang ý nghĩa của một cuộc biểu dương lực lượng tham chiến Mỹ-Nhật để răn đe Trung Quốc. Như chúng ta đã biết, Trung Quốc đã cảm nhận điều ấy. Thành quả của tập trận này là đã làm cho Bắc Kinh phải xuống thang chiến tranh, ngừng gây hấn, sau khi Bắc Kinh biết mình là ai, và đang ở đâu trong cộng đồng nhân loại.
Đào Như
(Illinois)
© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments: