Tuesday, December 7, 2010

BẮC KINH LẬP GIẢI "KHỔNG TỬ HÒA BÌNH"

nguoi-viet.com
Tuesday, December 07, 2010

Trung Quốc tăng áp lực Lưu Hiểu Ba

BẮC KINH (AP) - Trung Quốc vừa mới tạo một giải hòa bình mới và dự tính sẽ công bố kết quả giải thưởng vào Thứ Năm tuần này, trước ngày Ủy Ban Nobel vinh danh nhà đối kháng người Trung Quốc đang bị cầm tù, một hành động làm cho quốc gia đông dân nhất thế giới phẫn nộ.

Trong khi đó, 19 quốc gia khác, trong đó có cả Trung Quốc, từ chối tham dự lễ vinh danh ông Lưu Hiểu Ba được tổ chức tại thủ đô Oslo của Na Uy ngày 10 tháng 12.

Từ khi ông Lưu Hiểu Ba được chọn, Trung Quốc không ngừng bôi nhọ nhà hoạt động dân chủ này, đồng thời tung chiến dịch thuyết phục các nước trên thế giới đừng đến dự lễ trao giải vào Thứ Sáu tuần này ở Oslo. Chính quyền Bắc Kinh ngăn không cho ông Lưu đi nhận giải, mà người nhà cũng không được đến tham dự.

Giải mới của Trung Quốc có tên “Giải Hòa Bình Khổng Tử,” được tạo ra để đối lại với sự chọn lựa ông Lưu Hiểu Ba của giải Nobel Hòa Bình.

Chủ tịch ủy ban trao giải, ông Tan Changliu, cho biết đây không phải là một bộ phận của nhà nước, nhưng xác nhận nó làm việc gần gũi với Bộ Văn Hóa. Tuy nhiên, ông này từ chối không nêu rõ chi tiết về ủy ban trao giải, như được thành lập khi nào, và năm giám khảo được chọn ra sao, mà chỉ nói là sẽ tiết lộ sau.

Người được đề cử nhận giải đầu tiên là ông Liên Chấn, cựu phó tổng thống Ðài Loan, do công lao “lập một nhịp cầu hòa bình giữa lục địa với Ðài Loan.”

Ông Chấn được chọn cùng với tám ứng cử viên khác, trong đó có nhà tỉ phú Bill Gates, cựu Tổng Thống Nam Phi Nelson Mandela, cựu Tổng Thống Mỹ Jimmy Carter, Chủ Tịch Palestine Mahmoud Abbas và Ðức Ban Thiền Lạt Ma, nhân vật số hai của Phật Giáo Tây Tạng.

Trong khi Trung Quốc thường xuyên gièm pha Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, vị Ban Thiền Lạt Ma 20 tuổi hiện nay là người do Bắc Kinh chọn, còn cậu bé nguyên thủy do Ðức Ðạt Lai Lạt Ma chỉ định làm Ban Thiền Lạt Ma thì đã bị Bắc Kinh thủ tiêu.

Ông Steve Tsang, học giả về Trung Quốc thuộc trường Ðại Học Oxford, cho rằng hành động hấp tấp của Bắc Kinh, nhằm đánh lạc hướng giải Nobel Hòa Bình sẽ có phản tác dụng.

Chủ tịch ủy ban trao giải, ông Tan Changliu, công nhận giải Khổng Tử, đi kèm với số tiền thưởng 100,000 yuan, tức $15,000, tuy chưa được quốc tế công nhận nhưng sẽ lớn mạnh dần và hy vọng sẽ có tầm quan trọng quốc tế.

Trong khi đó, Trung Quốc cùng 18 quốc gia khác từ chối không tham dự lễ vinh danh người đoạt giải Nobel Hòa Bình 2010, ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), hiện đang bị cầm tù, theo giới chức ủy ban Nobel cho hay hôm Thứ Ba.

Giới hữu trách Trung Quốc tiếp tục có lời lẽ chỉ trích quyết định trao giải này. Chính quyền Bắc Kinh gọi những người ủng hộ ông Lưu Hiểu Ba là “bọn hề” trong một sự dàn dựng nhằm chống lại Trung Quốc - những lời phê bình đưa ra chỉ ba ngày trước khi buổi lễ diễn ra ở Oslo, Na Uy.

Bắc Kinh coi việc trao giải cho ông Lưu là hành động tấn công vào hệ thống chính trị và tư pháp Trung Quốc, nói rằng chính sách của quốc gia này sẽ không bị ảnh hưởng bởi áp lực từ bên ngoài, điều họ gọi là “sự can thiệp trắng trợn vào chủ quyền Trung Quốc.”

Ông Liu, 54 tuổi, đang bị bản án 11 năm tù về tội lật đổ chế độ sau khi cùng soạn ra bản tuyên ngôn được biết dưới tên “Charter 08” có nội dung kêu gọi cải cách sâu rộng trong chế độ chính trị độc đảng ở Trung Quốc.

Các quốc gia từ chối không tham dự buổi lễ hôm Thứ Sáu là đồng minh của Trung Quốc như Pakistan, Venezuela, Cuba, các quốc gia láng giềng như Nga, Philippines và Kazakhstan và các quốc gia bạn hàng như Saudi Arabia và Iran.
Các quốc gia khác cũng sẽ không đến dự gồm Ukraine, Colombia, Ai Cập, Sudan, Tunisia, Iraq, Việt Nam, Afghanistan, Serbia và Morocco.
Tuy nhiên, ủy ban trao giải cho hay có ít nhất 44 trong số 65 tòa đại sứ được mời đã gửi thư nhận lời.

Tại Bắc Kinh, nữ phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Jiang Yu cáo buộc Ủy Ban Nobel là “tự đứng ra tổ chức tổ chức trò hề chống Trung Quốc.”

Chính quyền Trung Quốc cũng đặt vợ ông Lưu Hiểu Ba, bà Lưu Hà (Liu Xia), trong tình trạng quản thúc tại gia, cấm nhiều người khác, gồm các luật sư, học giả và nhà tranh đấu, không được ra khỏi nước để đến Oslo tham dự buổi lễ.

Ủy Ban Nobel cho hay họ vui mừng vì một số quốc gia quan trọng khác như Ấn Ðộ, Indonesia, Ba Tây và Nam Phi cho hay sẽ đến dự.

(TP & V.Giang)
.
.
.

No comments: