Tuesday, December 21, 2010

ĐẠI HỘI XI - HỒNG PHÚC DÂN TỘC (Phan Thế Hải)


Phan Thế Hải
10:37 20-12-2010

Tối chủ Nhật, mấy thằng đến nhà thằng Hợp, hỏi thăm nó vì chuyện ông già vừa mới về cõi âm. Cụ đã 83, ốm khật khừ lâu rồi, tai biến từ năm 2 lẻ bảy, giờ quy tiên cũng là hồng phúc. Có ai sống được mãi đâu. Lâu rồi, không gặp nhau, hết chuyện nhà lại bàn đến chuyện chính trường.

Thằng Phùng bảo: Chính trị chính em làm gì, vẫn phải cày cuốc kiếm bát cơm thôi. Thằng Minh bảo, dự kiến nhân sự vẫn vậy, chưa có chuyển biến gì. Không chỉ đám bạn bè cùng trang lứa, mà tâm lý chung với người dân Việt là chán ngấy cái trò đổi mới đầu môi ở các chính khách. Mọi thứ đều có thể thay đổi, song có một thứ không thể thay đổi, đó là lợi ích của những người đang cầm quyền.

Vài tuần trước Đại hội XI, dân tình chưa có thông tin chính thức qua hệ thống truyền thông quốc doanh nhưng một số tờ báo nước ngoài như RFA của Mẽo, BBC của Ăng lê, Asahi Shimbun của Nhựt đã đưa tin về dự thảo tứ trụ triều đình của nhà nước Tiệc (Party) quyền.

Theo những nguồn tin này, ông Trọng Nguyễn Phú, người từng là chủ tịch Hội đồng Lý luận mà dân chúng vẫn gọi là HĐ Lú lẫn, nhân vật thân Tàu sẽ lên ngôi Tổng. Ông Sang Trương Tấn, sẽ là Chủ tịch nước (điếu phải nguyên thủ Quốc gia),  ông Nghị Phạm Quang, sẽ giữ chức Chủ tịch Quốc hội của Tiệc, ông Dũng sẽ tiếp tục làm Thủ tướng.

Vậy là, Đại hội Tiệc đã an bài, chuyện thay đổi về cơ chế vẫn chỉ là son phấn. Việc một nhân vật đứng đầu HĐ Lú Lẫn, mất hàng chục năm trời loay hoay trong cái bụi rậm Mạc Văn Kạc, mặc cho cuộc sống cuồn cuộn chảy, rồi thỉnh thoáng phán mấy câu adua cho thấy sự bế tắc đến tột cùng của Tiệc. Nếu không đẩy sự thối nát đến tột cùng thì sẽ không có sự đổ vỡ. Quan điểm này là của đồng chí Lê văn Nin đấy!

Chuyện này sẽ dẫn đến tai biến, khác nào bệnh tật của ông già thằng Hợp đâu. Già yếu, không sống được, chết cho nó khoẻ ma, đỡ mất thời gian thăm nom của con cháu. Tiệc ta cũng ngoài tám mươi rồi. Già nua, lẩm cẩm, không còn có võ gì mới nữa, có chút vốn liếng chính trị cuối cùng là cụ Hồ thì dùng mãi cũng hết. Tiệc cứ sống dặt dẹo kéo dài chỉ khổ con khổ cháu, khổ cả dân tộc này, chết được lại đâm hay.

Bàn thêm một chút về các ông này. Ông Sang (21/01/49) trưởng thành từ công tác đoàn, rồi về Sài Gòn, ngoài một nhiệm kỳ Chủ tịch đầy tai tiếng còn chủ yếu chuyên về công tác Tiệc. Một nhiệm kỳ ông làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương vẫn không để lại dấu ấn gì. Thời kỳ làm thường trực vẫn là việc nhai lại “học tập và làm theo”. Làm việc gì cũng rón rén như mèo, sợ sai, sợ chệch hướng. Ông này chọn cách an toàn cho sự nghiệp chính trị hơn là chọn cách đột phá hay đổi mới.

Ông Dũng (17/11/49) mười hai tuổi đã tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam, từng làm văn thư, liên lạc, cứu thương, y tá, y sĩ….. Từ thực tiễn đi lên, anh Ba thực dụng hơn, dám làm, dám chịu hơn và là người chịu trách nhiệm chính trong điều hành kinh tế. Nhưng đàng sau ông là cả một hệ thống chính trị, ăn theo, nói leo, sẵn sàng bới móc mà không chịu trách nhiệm gì.  Trong thời đại phát triển kinh tế, Thủ tướng là người đứng đầu sóng ngọn gió. Đúng sai đều đổ lên đầu ông này.

Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, qua các hội nghị ASEM, APEC, vai trò của Việt Nam được tăng cường trên trường quốc. Đấy cũng là một thành tựu của cá nhân ông Dũng và bộ sậu của ông. Bên cạnh đó những vấn đề như doanh nghiệp nhà nước, Kinh tế thị trường định hướng Thiên đường… cụ thể là Vinashin thì ông Dũng không thể vô can.

Ông Nghị (2/9/49) Từng là cán bộ Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, đồng thời là Thư ký riêng cho Đào Duy Tùng, rồi Bí thư Hà Nam, rồi Bộ trưởng Văn hoá Thông tin... Cái món Mạc Lê thì ông này thuộc bài. Với chính trường, ông này khôn ngoan theo motip ông Trọng. Chủ tịch đã gặp và nói chuyện với ông này một vài lần, thấy ông không làm cho mình phật ý, nhưng cũng không được việc gì.

Với một ekip sau già hơn, cũ hơn ekip trước. Sinh- bệnh- lão- tử là quy luật của muôn đời. Khi thấy bộ máy ngày càng già nua là dấu hiệu giai đoạn cuối của chu kỳ ấy đang đến gần. Cái học thuyết đã gieo rắc bao nhiêu tai hoạ cho nhân loại rồi cũng sẽ có nơi kết thúc. Hy vọng rằng, VN không phải là căn cứ địa cuối cùng. Cái chết của nó đang đến gần là dấu hiệu tốt cho cả dân tộc vốn chịu quá nhiều đau thương. Đại hội XI thành công như kịch bản là điềm lành cho mùa giáng sinh năm nay.

Phan Thế Hải
.
.
.

No comments: