Việt
Nam năm 2025: lãnh đạo thực tiễn hơn nhưng cứng rắn hơn
Dư Lan
2025.01.27
https://www.rfa.org/vietnamese/thoi-su/2025/01/27/outlook-vietnam-2025-toan-canh/
Càng siết
chặt xã hội dân sự thì càng khó đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế. Đó là
nhận định của Giáo sư Mark Sidel, Đại học Wisconsin-Madison, trong hội thảo
“Triển vọng Việt Nam năm 2025” do Viện Hòa bình Hoa Kỳ tổ chức hôm 23 tháng Một,
2025.
Tổng
Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học,
công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ngày 13/1/2025 (Ảnh minh
họa) (Chính phủ Việt Nam)
Mở
đầu hội thảo, Tiến sỹ Andrew-Wells Dang, chuyên gia cấp cao Chương trình Đông
Nam Á ở Viện Hòa bình Hoa Kỳ, cho biết năm 2025 là năm kỷ niệm 50 năm kết thúc
chiến tranh, 30 năm lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Hoa Kỳ năm 1995, 80 năm
ĐCSVN cầm quyền (1945 - 2025). Đây cũng là năm ĐCSVN chuẩn bị cho đại hội 14 diễn
ra vào đầu năm 2026. Và ở Việt nam “sự thay đổi đang diễn tiến rất
rõ ràng”, theo nhận định của vị chuyên gia cấp cao Chương trình Đông
Nam Á ở Viện Hòa bình Hoa Kỳ, kể từ khi ông Tô Lâm lên nắm quyền.
Không
hi vọng gì cho tương lai của xã hội dân sự
Đó
là nhận định chung của nhiều diễn giả tại hội thảo. Ông Lương Nguyễn An Điền,
nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Đại học Michigan, giới thiệu một khảo sát của Viện
ISEAS, Singapore, thanh niên Việt Nam là nhóm tham gia ít nhất vào các cuộc
vận động ký tên thỉnh nguyện thư liên quan đến chính trị trong các nước Đông
Nam Á được khảo sát, bao gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines,
Singapore, và Thái Lan.
“Sau
năm 2021, việc tiếp tục bắt giữ các nhà hoạt động môi trường đã tạo ra hiệu ứng
sợ hãi. Nó làm thui chột các hoạt động xã hội dân sự. Các nhà hoạt động trực
tuyến tránh công bố các lời kêu gọi trên mạng, vốn có khả năng dẫn đến các hoạt
động thực tế của thanh niên. Đó là có lẽ là lý do từ năm 2018 đến nay, không
còn cuộc biểu tình thực sự nào diễn ra trên đường phố ở Việt Nam.”
Ông
An Điền nói mình không muốn quá bi quan, cũng không muốn quá lạc quan, vì vậy
muốn giữ góc nhìn mở để theo dõi tiếp các diễn biến mới.
Những
năm qua xã hội dân sự ở Việt Nam bị xiết chặt nặng nề hơn. Đối với triển vọng của
xã hội dân sự ở Việt Nam trong năm 2025 và các năm sắp tới, Giáo sư Mark Sidel
cho rằng chúng ta không thực sự biết trong tương lai, nhà lãnh đạo mới có cởi mở
hơn với xã hội dân sự hay không, nhưng cũng cho rằng không có nhiều hi vọng.
Nghị
quyết đại hội 13 năm
2021 của ĐCSVN đặt ra mục tiêu Việt Nam trở thành nước “thu nhập
trung bình cao” vào năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập đảng, và trở thành trở
thành “nước phát triển, thu nhập cao” vào năm 2045, kỷ niệm 100 năm đảng lên cầm
quyền. Từ nay đến 2030 chỉ còn 5 năm. Liệu việc chiết chặt xã hội dân sự của Việt
Nam từ thời ông Nguyễn Phú Trọng qua thời ông Tô Lâm sẽ ảnh hưởng ra sao đến khả
năng phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm tới và các năm tiếp theo? Trả lời
câu hỏi này của RFA, Giáo
sư Mark Sidel cho
rằng chính sách đó sẽ ảnh hưởng xấu đến kinh tế Việt Nam. Ông nói:
“Chính
sách xiết chặt xã hội dân sự của Việt Nam sẽ kiềm tỏa và kéo lùi các tiềm năng
phát triển của nền kinh tế. Càng có nhiều tiếng nói hơn trong các quá trình
chính trị xã hội thì càng tốt hơn cho đất nước trong dài hạn. Điều đó tốt hơn
cho sự cân bằng, sự phát triển bền vững, tăng trưởng và phát triển kinh tế. Điều
đó đúng cho Việt Nam và cũng đúng cho các nước khác.”
Việt
Nam 2025: lãnh đạo thực tiễn hơn và ít giáo điều hơn
Đó
là nhận xét của nhà nghiên cứu Lương Nguyễn An Điền. Ông An Điền nhắc lại câu
trả lời của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Đại học Columbia khi được hỏi liệu sinh viên
Việt Nam du học Mỹ có nên về nước không. Khi đó, ông Tô Lâm nói sinh viên Việt
Nam không nhất thiết trở lại quê nhà để cống hiến mà có thể ở lại làm việc và
đóng góp từ góc độ toàn cầu. Điều đó có thể tốt cho Việt Nam khi họ đóng góp từ
xa.
Theo
nhà nghiên cứu An Điền, tư duy này cho thấy sự khác biệt giữa ông Tô Lâm và cố
lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng thuờng nói nhiều hơn về nguy cơ thanh niên
phai nhạt lý tưởng. Trong khi đó, phát ngôn của ông Tô Lâm phản ánh một tư duy
thực tiễn hơn là những giáo điều ý thức hệ kiểu ông Trọng.
Dẫn
lại một khảo
sát mới
đây của Viện ISEAS ở Singapore đối với thanh niên ở một số nước Đông Nam Á kể
trên, ông Lương Nguyễn An Điền cho rằng có nhiều “tin tốt lành” cho chính quyền
Việt Nam. Có đến 90% sinh viên Việt Nam được khảo sát bày tỏ lòng tin vào chính
sách kinh tế của chính quyền và hài lòng với hệ thống chính trị. Theo nhà
nghiên cứu, tỷ lệ này cũng đi đôi với tư duy của ông Tô Lâm tập trung vào kinh
tế thực tiễn hơn là giáo điều ý thức hệ.
Lãnh
đạo thực tiễn hơn nhưng lại xiết chặt xã hội mạnh mẽ hơn. Đó là vấn đề nhiều
thính giả gửi đến các chuyên gia phát biểu tại hội thảo. Về vấn đề này, ông
Lương Nguyễn An Điền cho biết ông không có đủ số liệu để dự đoán về tương lai.
Tuy nhiên, theo ông, có một số liệu khảo sát trong nghiên cứu của Viện ISEAS kể
trên có thể gợi mở nhiều vấn đề.
Theo
đó, chỉ có 44,3% thanh niên Việt Nam được khảo sát tin rằng dân chủ là hệ thống
quản trị quốc gia tốt nhất. Đây là tỉ lệ thấp nhất trong các nước Đông Nam Á.
Tuy vậy, theo ông An Điền, mặc dù tỷ lệ 44,3% không phải là quá bán, con số này
cũng đủ lớn để “cảnh báo” chính quyền về nguy cơ mà họ đã nói nhiều năm nay là
các phong trào cách mạng màu như “mùa xuân Ả Rập.”
Đó
là lý do mà trong năm 2025 và những năm tiếp theo, “Việt Nam vẫn tiếp tục
di sản của Nguyễn Phú Trọng trong việc kiểm soát truyền thông, mạng xã hội, và
xã hội dân sự”, theo nhà nghiên cứu chính trị học tại Đại học Michigan.
Điểm
nghẽn chính sách đối ngoại của Việt Nam
Từ
khi cuộc cạnh tranh Mỹ Trung trở nên mạnh mẽ hơn và nhất là khi cuộc chiến
Ukraine bùng nổ, Việt Nam nổi tiếng với chính sách đối ngoại “ngoại giao cây
tre”. Chính sách này có thể tóm tắt trong một ý: không ngả vào bên nào mà chơi
với tất cả các bên để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Đó là nhận định của Tiến
sỹ Lena Lê, học giả Fulbright tại Stimson Center.
Tiến
sỹ Lena Lê đánh giá cao chính sách đối ngoại của Việt Nam. Theo bà, đó là chính
sách độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa, với hình ảnh “cây tre” biểu
trưng cho sự uyển chuyển, linh hoạt, và sự kiên định.
Việc
Việt Nam đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào tháng 9 năm 2023, đón Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11 năm 2023 và sau đó đón Tổng thống Nga
Viladimia Putin vào tháng 5 năm 2024 chứng tỏ Việt Nam có năng lực “nắm bắt
chính xác các đầu mối phức tạp trong quan hệ quốc tế để bảo đảm lợi ích quốc
gia của riêng mình”, theo vị học giả Fulbright đến từ khoa Quốc tế học, ĐHQG Hà
Nội.
Tuy
nhiên, “ngoại giao cây tre” không phải là vạn năng. Chính sách đối ngoại của Việt
Nam vẫn có một điểm nghẽn nghiêm trọng.
Theo
Giáo sư Mark Sidel, các nhà lãnh đạo Việt Nam không bồi dưỡng phát triển các
chuyên gia thông thạo về Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng không tham vấn các chuyên
gia này nếu có. Ông cho biết các chuyên gia nghiên cứu về Hoa Kỳ ở Bắc Kinh và
Thượng Hải thường xuyên được lãnh đạo Trung Quốc tham vấn. Các chuyên gia này
hoàn toàn chỉ là học giả, không phải là những người hoạch định chính sách.
Nhưng các chính trị gia Trung Quốc luôn sẵn sàng lắng nghe các chuyên gia về
Hoa Kỳ và các lĩnh vực quan trọng khác. Họ gửi các chuyên gia này đến Hoa Kỳ
nghiên cứu và “mang về Trung Quốc những thông tin hữu ích.”
Đối
với Việt Nam, Giáo sư Mark Sidel nhận định:
“Tôi
có một câu hỏi mở. Đó là tôi không biết liệu giới lãnh đạo chính trị ở Hà Nội
có sẵn sàng tiếp nhận thông tin từ các nguồn phi đảng phái, phi chính phủ, phi
bộ ngoại giao… hay không.
Tôi
muốn nói rằng điều đó làm tôi hơi lo lắng một chút. Trung Quốc rất giỏi trong
việc thu thập thông tin đầu vào từ các học giả và những người khác có liên hệ với
Hoa Kỳ để xây dựng chính sách. Vì vậy, tôi xin đưa ra một câu hỏi mở. Đó là liệu
Việt Nam có làm được điều tương tự hay không, không chỉ với Hoa Kỳ mà với các
chuyên gia về Trung Quốc ở Việt Nam.”
No comments:
Post a Comment