Wednesday, May 22, 2024

TỔNG THỐNG UKRAINE THÚC ĐẨY ĐỒNG MINH TĂNG CƯỜNG VIỆN TRỢ VÀ THAM GIA CUỘC CHIẾN. ĐIỆN KREMLIN PHẢN ỨNG (Reuters)

 



Tổng thống Ukraine thúc đẩy đồng minh tăng cường viện trợ và tham gia cuộc chiến, Điện Kremlin phản ứng

Reuters

21/05/2024

https://www.voatiengviet.com/a/7621078.html  

 

Các đồng minh phương Tây đang mất quá nhiều thời gian để đưa ra các quyết định quan trọng về hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn độc quyền tại Kyiv hôm 19/5.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-f21e-08dc798d2944_cx5_cy5_cw94_w1023_r1_s.jpg

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trong cuộc phỏng vấn với Reuters tại Kyiv, Ukraine, vào ngày 20/5/2024.

 

Ông cũng cho biết ông đang thúc đẩy các đối tác tham gia trực tiếp hơn vào cuộc chiến bằng cách giúp đánh chặn tên lửa của Nga trên bầu trời Ukraine và cho phép Kyiv sử dụng vũ khí của phương Tây để chống lại các thiết bị quân sự của đối phương đang tập trung gần biên giới.

 

Lời kêu gọi tăng tốc viện trợ và thúc đẩy cái gọi là “ranh giới đỏ” của sự can dự vào cuộc xung đột phản ánh áp lực ngày càng tăng mà lực lượng của ông Zelenskyy đang phải hứng chịu dọc theo hơn 1.000 km tiền tuyến ở phía đông bắc, đông và nam đất nước.

 

Với phong độ đầy nhiệt huyết, ông Zelenskyy, trong bộ quần áo kaki quen thuộc, cho biết tình hình trên chiến trường hiện nay là “một trong những tình huống khó khăn nhất” mà ông từng biết kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu vào tháng 2/2022.

 

Trong những tuần gần đây, quân đội Moscow đã tiến vào vùng đông bắc Ukraine, tiếp tục thử thách khả năng phòng thủ vốn đã căng thẳng của Kyiv. Đồng thời, Nga đã chiếm được lãnh thổ ở khu vực phía đông Donbas trong những trận chiến đôi lúc rất khốc liệt.

 

“Một làn sóng (giao tranh) rất mạnh mẽ đang diễn ra ở Donbas... Thậm chí không ai nhận thấy rằng thực tế có nhiều trận chiến hơn ở phía đông đất nước, đặc biệt là theo hướng Donbas: Kurakhove, Pokrovsk, Chasiv Yar”, ông Zelenskyy nói.

 

Tuy nhiên, ông cho biết thêm rằng tình hình ở phía bắc Kharkov hiện “trong tầm kiểm soát”.

Nhà lãnh đạo 46 tuổi phát biểu nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày nhậm chức tổng thống. Ông đã không tranh cử vì tình trạng thiết quân luật do cuộc xâm lược.

 

Ông Zelenskyy tiếp tục kêu gọi viện trợ quân sự nhanh hơn từ phía Hoa Kỳ và các đối tác khác. Vũ khí và đạn dược từ một gói viện trợ vừa được Mỹ thông qua hiện đang đến Ukraine, mà trước đó đã bị trì hoãn trong nhiều tháng do tranh cãi chính trị nội bộ ở Mỹ.

 

Phản ứng trước lời kêu gọi phương Tây tham gia nhiều hơn của Tổng thống Zelenskyy, Điện Kremlin hôm 21/5 nói đó là vì các lực lượng Ukraine đang ở trong tình thế cực kỳ bất lợi ở tiền tuyến.

 

Khi được hỏi về cuộc phỏng vấn của Reuters, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói một số quan chức Ukraine, trong đó có ông Zelenskyy, đôi khi “rơi vào trạng thái cuồng loạn” trong những ngày gần đây.

 

“Điều này là do vị thế cực kỳ bất lợi của các lực lượng của chính quyền Kiev ở mặt trận”, ông Peskov nói với các phóng viên.

 

Ông Peskov nói thêm rằng ngay cả khi dòng viện trợ quân sự của phương Tây tăng lên thì điều đó cũng không làm thay đổi xu hướng tình hình ở mặt trận, nơi các lực lượng Nga đang tiến lên, đồng thời ông chỉ trích Ukraine pháo kích vào các khu vực dân sự ở Nga.

 

Tổng thống Vladimir Putin hôm 17/5 cho biết các lực lượng Nga đang tiến quân ở phía đông bắc Ukraine đang tạo ra một vùng đệm để bảo vệ Nga khỏi các cuộc tấn công và nói rằng phương Tây thật “bệnh hoạn” nếu họ nghĩ rằng họ có thể ra lệnh cho Moscow.

 

Lực lượng Nga đang kiểm soát 18% lãnh thổ Ukraine.

 

E ngại leo thang?

 

Ông Zelenskyy nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters rằng ông muốn các đối tác của mình tham gia trực tiếp hơn vào cuộc chiến nhưng hiểu rằng họ cảnh giác với việc gây phản cảm với Nga.

 

“Đó là vấn đề về ý chí”, ông nói. “Nhưng mọi người đều nói một từ nghe giống nhau trong mọi ngôn ngữ: ai cũng sợ leo thang. Mọi người đều đã quen với thực tế là người Ukraina đang chết – đó không phải là sự leo thang đối với mọi người”.

 

Ông đề xuất rằng lực lượng vũ trang của các nước láng giềng NATO có thể đánh chặn tên lửa của Nga bay qua lãnh thổ Ukraine để giúp Kiev tự vệ.

 

Nga đã bắn hàng nghìn tên lửa và máy bay không người lái vào Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột được mở rộng hơn, và phòng không là ưu tiên hàng đầu của Kiev.

 

“Người Nga đang sử dụng 300 máy bay trên lãnh thổ Ukraine. Chúng tôi cần ít nhất 120, 130 máy bay để chống cự trên bầu trời”, ông nói. Ukraine đang nóng lòng chờ đợi việc giao những chiếc F-16 do Mỹ thiết kế nhưng vẫn chưa được sử dụng.

 

Ông nói rằng nếu các quốc gia không thể cung cấp máy bay ngay lập tức, họ vẫn có thể vận chuyển chúng từ các quốc gia láng giềng NATO và bắn hạ tên lửa Nga.

 

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng cho biết Kyiv đang đàm phán với các đối tác quốc tế để sử dụng vũ khí của họ tấn công các khí tài quân sự của Nga ở biên giới và xa hơn bên trong lãnh thổ Nga.

 

“Cho đến nay, không có gì tích cực”, ông nói.

 

Tổng thống Putin có thể sẽ coi những diễn biến như vậy là hành động leo thang.

 

Ông Putin coi cuộc chiến này là một phần của cuộc chiến sinh tồn với một phương Tây đang suy tàn và suy đồi mà ông cho rằng đã làm bẽ mặt nước Nga sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 bằng cách xâm phạm những gì ông coi là phạm vi ảnh hưởng của Moscow, bao gồm cả Ukraine.

 

Ukraine và phương Tây bác bỏ cách giải thích như vậy, gọi cuộc xâm lược là một hành động chiếm đất vô cớ.

 

Ông Zelenskyy nhắc lại rằng ông không phá vỡ thỏa thuận với các đồng minh về việc không sử dụng vũ khí của họ ở Nga.

 

“Chúng ta không thể đặt toàn bộ số lượng vũ khí vào tình thế nguy hiểm”.

 

 

Đàm phán quốc tế

 

Ukraine đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán quốc tế tại Thụy Sĩ vào tháng tới, trong đó Nga không được mời, nhằm mục đích thống nhất và củng cố quan điểm chống lại Moscow.

Ông Putin nói ông tin rằng các cuộc đàm phán có thể biến yêu cầu của Ukraine về việc Nga rút quân trở thành tối hậu thư cho Nga, một chiến lược mà ông cho là sẽ thất bại.

 

Ông Zelenskyy nói điều quan trọng là có được càng nhiều quốc gia ngồi vào bàn đàm phán càng tốt.

 

“Và khi đó Nga sẽ phải trả lời trước phần lớn thế giới, chứ không phải Ukraine... Không ai nói rằng ngày mai Nga sẽ đồng ý, nhưng điều quan trọng là chúng ta có sáng kiến”.

 

Bắc Kinh vẫn chưa cho biết liệu họ có tham gia hay không, mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Putin đã gặp nhau vào tuần trước tại Trung Quốc và cam kết một “kỷ nguyên mới” trong quan hệ đối tác giữa hai đối thủ mạnh nhất của Hoa Kỳ.

 

“Điều rất quan trọng là họ (Trung Quốc) có mặt ở đó”, ông Zelenskyy nói. “Bởi vì về nguyên tắc, sau hội nghị thượng đỉnh này, ai muốn kết thúc chiến tranh và ai muốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Liên bang Nga sẽ trở nên rõ ràng”.

 

Về chính trị Hoa Kỳ, ông tìm cách xoa dịu những lo ngại rằng bất kỳ chiến thắng nào của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 có thể gây rắc rối cho Ukraine. Ông Trump là một người hoài nghi về viện trợ Ukraine và ông đã nhấn mạnh về chính sách “Nước Mỹ trên hết”.

 

“Tôi không tin rằng đảng Cộng hòa phản đối việc ủng hộ Ukraine, nhưng một số thông điệp đến từ phía họ làm dấy lên lo ngại”.

 

Ông Zelenskyy, một cựu diễn viên hài, cho biết ông sẽ để người khác đánh giá thành tích của mình với tư cách là nhà lãnh đạo của một đất nước đang có chiến tranh, nhưng ông bày tỏ lòng biết ơn đối với người dân Ukraine vì tinh thần khắc kỷ của họ khi đối mặt với nghịch cảnh.

 

Ông cũng nhấn mạnh rằng Ukraine vẫn có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến, bất chấp những thất bại trong những tháng gần đây.

 

“Tôi nghĩ chúng ta cần phải đi theo con đường này đến cùng, mong là con đường chiến thắng”, ông nói. “Mặc dù ngày nay mọi người có cái nhìn hơi hoài nghi về từ ‘chiến thắng’ – tôi hiểu nó khó vì nó cần nhiều thời gian”

 

 




No comments: