TT Pháp ủng hộ Ukraina dùng vũ khí phương Tây tấn công một số địa điểm quân sự tại Nga
Thùy Dương – RFI
Đăng ngày: 29/05/2024 – 12:02
Hôm 28/05/2024, ngày cuối cùng trong chuyến công du cấp Nhà nước tại Đức, tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Pháp – Đức tại Meseberg. Trước đó, tổng thống Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có buổi họp báo. Nguyên thủ Pháp bất ngờ ủng hộ việc Ukraina sử dụng các vũ khí mà phương Tây viện trợ để oanh kích một số địa điểm quân sự trên lãnh thổ Nga.
Tổng thống Emmanuel Macron giương tấm bản đồ chiến dịch của Nga tấn công vùng đông bắc Ukraina tại một cuộc họp báo ở Meseberg, Đức, ngày 28/05/2024. AP – Ebrahim Noroozi
Từ Meseberg, đặc phái viên Valérie Gas gửi về bài tường trình :
Tổng thống Emmanuel Macron từng khiến các đối tác châu Âu ngạc nhiên khi ông nêu khả năng điều binh lính tới lãnh thổ Ukraina. Tại Meseberg lần này, cùng với thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông Macron lại có một bước tiến mới trong việc ủng hộ Ukraina sử dụng vũ khí phương Tây chống lại Nga.
Tổng thống Pháp phát biểu : « Chúng ta phải cho phép họ vô hiệu hóa các địa điểm quân sự mà từ đó tên lửa (của Nga) được phóng đi và các địa điểm mà từ đó họ tấn công Ukraina, nhưng chúng ta không được cho phép họ tấn công vào các mục tiêu khác ở Nga ».
Gần như ngay lập tức, Matxcơva phản ứng và có lời đe dọa về « các hậu quả nghiêm trọng ». Washington cũng đưa ra phản ứng nhanh chóng không kém, phản đối các cuộc tấn công của Ukraina nhắm vào lãnh thổ Nga.
Như vậy là tổng thống Emmanuel Macron đang tìm cách gây hiệu ứng, làm thay đổi tình hình. Trái lại, về việc điều các nhà huấn luyện quân sự của Pháp sang Ukraina như Kiev đã nêu lên, nguyên thủ Pháp không muốn xác nhận.
Ông nói : « Tôi thường không bình luận về những tin đồn hay quyết định có thể sẽ được đưa ra. Tôi sẽ có cơ hội tiếp đón tổng thống Zelensky vào tuần tới, khi ông ấy tới Pháp nhân dịp D-Day [kỷ niệm cuộc đổ bộ của quân Đồng Minh lên bãi biển Normandie hồi năm 1944, thời Đệ Nhị Thế Chiến] và khi đó, tôi sẽ đưa ra ý kiến rất rõ ràng, cụ thể và thông báo những gì chúng tôi sẽ thực hiện. »
Emmanuel Macron muốn biến lễ kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ vào Normandie, với sự quy tụ của tất cả các đồng minh, thành một sự kiện ngoại giao và chiến lược ».
Theo AFP, tổng thống Nga Vladimir Putin, đang công du Ouzbékistan, xem đây là một « điều nghiêm trọng » và cảnh báo là châu Âu, đặc biệt « các nước nhỏ nhưng rất đông dân », ám chỉ nước Pháp, phải « suy nghĩ kỹ về trò chơi mà họ đang tham gia », bởi vì « sự leo thang thường trực có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng ».
Tại Mỹ, John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, hôm qua khẳng định là quan điểm của Washington vẫn không thay đổi : Mỹ « không khuyến khích và không cho phép » Ukraina sử dụng vũ khí mà Washington cấp cho Kiev để tấn công sang lãnh thổ Nga.
Về khả năng điều các nhà huấn luyện quân sự sang Ukraina, cũng trong ngày hôm qua, lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu, Josep Borrell, sau cuộc họp của các bộ trưởng Quốc Phòng của Liên Âu, khẳng định tạm thời chưa có sự đồng thuận trong khối về việc này.
——————————
Các nội dung liên quan
PHÁP – UKRAINA – HUẤN LUYỆN QUÂN ĐỘI
Kiev thông báo chuyên gia quân sự Pháp sắp tới Ukraina
CHIẾN TRANH UKRAINA – HỖ TRỢ QUÂN SỰ
Quân Đội Pháp: Hỗ trợ quân sự phương Tây cho Ukraina ‘‘không dừng ở cấp vũ khí’’
PHÁP – UKRAINA – QUÂN SỰ
Tổng thống Pháp vẫn không loại trừ khả năng gởi quân sang Ukraina
========================================================
Pháp kêu gọi cho Ukraine dùng vũ khí phương Tây đánh các mục tiêu trên đất Nga
30/05/2024
Tổng thống Pháp cùng với người đứng đầu NATO thúc đẩy một sự thay đổi chính sách có thể thay đổi cục diện cuộc chiến ở Ukraine – cho phép Kyiv tấn công các căn cứ quân sự bên trong Nga bằng vũ khí tầm xa tinh vi do các đối tác phương Tây cung cấp.
Câu hỏi liệu có cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu trên đất Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp hay không đã là một vấn đề tế nhị kể từ khi Moscow phát động cuộc xâm lược toàn diện vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.
Các nhà lãnh đạo phương Tây hầu như không thực hiện bước đi này vì nó có nguy cơ khiêu khích Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã nhiều lần cảnh báo rằng sự tham gia trực tiếp của phương Tây có thể đưa thế giới vào con đường dẫn đến xung đột hạt nhân.
Nhưng cuộc chiến gần đây đang diễn ra theo chiều hướng của Nga khi các lực lượng của Điện Kremlin lợi dụng tình trạng thiếu quân và đạn dược của Ukraine sau một thời gian dài viện trợ quân sự của Mỹ bị trì hoãn và việc sản xuất quân sự không đầy đủ của Tây Âu đã làm chậm quá trình vận chuyển quân sự quan trọng tới chiến trường.
Phi đạn và bom của Nga đã tấn công các vị trí quân sự và khu vực dân sự của Ukraine, bao gồm cả lưới điện. Ukraine đang phải đối mặt với thử thách khó khăn nhất trong cuộc chiến và việc mở trói cho vũ khí tầm xa có thể thúc đẩy một cuộc phản công và khiến Điện Kremlin khó chịu.
Ông Macron nói rằng quan điểm của Pháp là “chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi phải cho phép (Ukraine) vô hiệu hóa các địa điểm quân sự (của Nga) nơi phi đạn được phóng đi”.
“Nếu chúng tôi nói với (người Ukraine) rằng các bạn không có quyền tiếp cận điểm mà phi đạn được phóng đi, thì thực tế chúng tôi đang nói với họ rằng chúng tôi đang giao vũ khí cho các bạn, nhưng các bạn không thể tự bảo vệ mình”, ông Macron nói hôm 28/5 trong chuyến thăm chính thức Đức.
Phát biểu của ông được đưa ra một ngày sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các thành viên của liên minh dỡ bỏ một số hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây.
“Quyền tự vệ bao gồm tấn công các mục tiêu hợp pháp bên ngoài Ukraine”, ông Stoltenberg nói tại cuộc họp của NATO ở Sofia, Bulgaria, hôm 27/5.
Vào đầu tháng 5, Moscow đã coi bình luận của Ngoại trưởng Anh David Cameron là mối đe dọa rằng Ukraine có thể sử dụng vũ khí tầm xa của Anh, như phi đạn hành trình Storm Shadow, để đánh trả Nga.
Điều đó, cùng với những bình luận của Tổng thống Pháp rằng ông không loại trừ việc gửi quân tới Ukraine, đã khiến Nga tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc tập trận liên quan đến vũ khí hạt nhân chiến thuật. Nga cũng cảnh báo chính phủ Anh rằng quyết định của họ có thể dẫn đến các cuộc tấn công trả đũa nhắm vào các cơ sở và thiết bị quân sự của Anh trên đất Ukraine hoặc nơi khác.
Các nhà lãnh đạo đang lựa chọn lời nói của họ một cách cẩn thận. Ông Macron nhấn mạnh rằng chỉ những căn cứ của Nga được sử dụng để phóng phi đạn chống lại Ukraine mới được coi là mục tiêu hợp pháp – chứ không phải các căn cứ hoặc cơ sở hạ tầng dân sự khác của Nga.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz, phát biểu cùng với ông Macron, như thường lệ tỏ ra thận trọng hơn và không tỏ ra cam kết, lưu ý rằng Ukraine “được phép tự vệ” theo luật pháp quốc tế.
Phát ngôn viên của ông Scholz, Steffen Hebestreit, đã làm rõ hôm 29/5 rằng thủ tướng muốn nói rằng khả năng phòng thủ của Ukraine “không bị giới hạn trong lãnh thổ của nước này”. Ông từ chối cho biết các thỏa thuận với Ukraine về vũ khí do Đức cung cấp quy định những gì và nhấn mạnh rằng chúng được giữ bí mật.
Ông Scholz nhất quyết tránh các bước đi có thể khiến NATO rơi vào tình thế đối đầu trên chiến trường với Nga. Các nhà lãnh đạo phương Tây khác cũng bày tỏ lo ngại tương tự về sự leo thang ngày càng gia tăng.
Mối quan tâm của ông được chia sẻ ở Washington. Trong hai năm qua, Mỹ đã dần nhượng bộ trước các yêu cầu hỗ trợ của Ukraine, gửi xe tăng và hệ thống phi đạn tầm xa mà ban đầu họ do dự cung cấp, nhưng kèm theo lời cảnh báo là chớ nhắm vào đất Nga.
Phát biểu ngày 29/5 trong chuyến thăm Moldova, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh rằng mặc dù Washington chưa bật đèn xanh cho Kyiv sử dụng vũ khí Mỹ trong các cuộc tấn công xuyên biên giới nhưng họ sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine các phương tiện để tự vệ một cách hiệu quả.
“Chúng tôi chưa khuyến khích hoặc cho phép các cuộc tấn công bên ngoài Ukraine,” ông Blinken nói trong cuộc họp báo với Tổng thống Moldova Maia Sandu. “Ukraine, như tôi đã nói trước đây, phải tự đưa ra quyết định về cách tốt nhất để tự vệ một cách hiệu quả. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng họ có đủ thiết bị cần thiết để làm điều đó.”
Ông Blinken lưu ý rằng các đồng minh phương Tây của Ukraine đã thích nghi với tình hình chiến đấu đang thay đổi để đưa ra hỗ trợ hiệu quả hơn. Ông nói: “Chúng tôi luôn học hỏi và luôn đưa ra quyết định về những gì cần thiết để đảm bảo Ukraine có thể tiếp tục tự vệ một cách hiệu quả”.
Các nhà lãnh đạo phương Tây rất muốn gây áp lực lên ông Putin, lực lượng của ông gần đây đang tấn công mạnh vào hệ thống phòng thủ của Ukraine ở phía đông và đông bắc Ukraine.
Tuần này đã mang đến một loạt viện trợ mới của châu Âu, trong đó Bỉ và Tây Ban Nha mỗi nước cam kết khoảng 1 tỷ euro (1,1 tỷ đô la) viện trợ cho Ukraine. Thụy Điển ngày 29/5 công bố sẽ viện trợ 13 tỷ kronor (1,23 tỷ đô la) – gói viện trợ lớn nhất mà Thụy Điển tài trợ cho đến nay, bao gồm các hệ thống phòng không, đạn pháo và xe bọc thép.
Ukraine gần đây đã phải chịu áp lực mạnh mẽ từ các cuộc tấn công của Nga ở khu vực phía đông bắc Kharkiv và khu vực phía đông Donetsk bị chiếm đóng một phần.
Ông Putin cho biết ông muốn thiết lập một “vùng đệm” ở Kharkiv để ngăn chặn các cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine. Các nhà phân tích cho rằng việc đẩy mạnh tấn công Kharkiv cũng khiến lực lượng Ukraine đang kiệt sức rời khỏi Donetsk.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết vào cuối ngày 28/5 rằng cuộc tấn công vào Kharkiv của Nga đã chậm lại trong những ngày gần đây và lực lượng của Điện Kremlin đang thăm dò tiền tuyến ở Donetsk để tìm điểm yếu.
================================================
Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu : Ukraina có quyền sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công Nga
Đăng ngày: 28/05/2024 – 13:06
.
.
No comments:
Post a Comment