Nguyễn
Thông (Nguyễn
Thông Cào)
Đọc
báo, coi tivi, cứ đập vào mắt nhan nhản những chữ những hình ảnh về chuẩn bị đại
hội 14.
Xứ
này, dần dần người ta quen với chuyện cứ vài ba năm đảng nắm quyền lại tiến
hành đại hội. Tùy cấp độ mà chu kỳ dài hay ngắn. Ví dụ cấp chi bộ thì chỉ 2 năm
rưỡi, tức 5 năm có 2 lần đại hội chi bộ, nhưng đã là đảng bộ thì theo quy định
5 năm/lần. Ấy, tôi không phải đảng viên mà còn biết hơn ối người của đảng, ông
này bà nọ, bí thư bí thiếc, thường vụ thường viếc. Lại nhớ câu thơ của cụ Việt
Phương, “cứ đêm đêm ta lại kết nạp ta vào đảng”. Ông bạn tôi có lần cười bảo, kết
nạp đêm, kinh.
Trước
kia, chả biết người ta vô tư trong sáng thế nào, khi sắp xếp lịch việc trọng đại
quốc gia, cứ bầu cử quốc hội trước rồi mới tới đại hội đảng. Rồi một ngày, hình
như trong thập niên 90, họ giật mình nhận thấy như thế rất tai hại, bởi không
thể công khai cài người của đảng vừa mới được bầu vào quốc hội đã bầu, bèn đảo
lại, đảng trước quốc sau. Từ bấy, bầu cử quốc hội cũng giống như đại hội bis của
đảng, đại loại chưa bỏ phiếu đã biết kết quả, ai trúng ai trật, ai làm gì, giữ
chức gì. Dân gian đùa gọi là “đảng cử dân bầu”, chứ thực ra dân cũng chẳng được
bầu, mà là “đảng cử đảng bầu”.
Tuổi
tôi được chứng kiến xứ này có đại hội đảng từ năm 1960, đại hội 3. Vắt (hỉ) mũi
còn chưa sạch, ăn cơm rơi vãi, ỉa đùn, chưa vào lớp vỡ lòng, thì biết đại hội đảng
điếc cũng chẳng làm gì. Nhưng từ năm 1976, khi họ tổ chức đại hội 4, và tới giờ,
sắp đại hội 14, đã tai nghe mắt thấy, đã ghi nhận, hiểu chuyện, thấy rất nhiều
buồn cười. Những chuyện hậu cung đình về Nguyễn Đình Tứ, Trần Xuân Bách, Hồ Đức
Việt, Nguyễn Hà Phan, Đinh Thế Huynh… nghe đầy tai, ai cũng biết, thôi không nhắc,
chỉ kể chuyện này.
Lần
nào cũng vậy, cứ trước đại hội thì họ rục rịch rồi nháo nhào lên về công tác
nhân sự. Họ trích cả câu của cụ Hồ “nhân sự là then chốt của mọi then chốt”,
quan trọng số 1, quyết định mọi sự thành bại, là v.v.. Họ, nhất là người đứng đầu,
lên tivi báo đài riết róng nhắc phải lựa chọn cẩn thận, chặt chẽ, siết từng
khâu từng việc từng người, tuyệt đối không đưa người thế lọ thế chai vào trung
ương. Lấy ví dụ, hôm rồi, 13.3, các báo đồng loạt đăng lời ông tổng bí thư, rằng
“Không để lọt vào trung ương người kê khai tài sản không trung thực” (báo VNE),
“Không để lọt vào trung ương cán bộ giàu nhanh bất thường” (báo Dân Trí, báo
Lao Động), “Không để lọt vào trung ương người nhiều nhà nhiều đất không rõ nguồn
gốc” (trang CafeF), chính xác hơn thì có “Không để lọt vào trung ương những người
thiếu đức kém tài” (TTXVN)… Đại loại, họ chỉ chú ý tới tài sản, vật chất, tiền
bạc mà ít quan tâm người ta có thực tài thực đức, có hết lòng vì dân vì nước
hay không.
Kể
từ đại hội 4 về sau, tôi luôn nghe trước khi tổ chức đại hội họ đều tuyên bố, lập
ngôn, hứa này hứa nọ. Họ luôn khẳng định đại hội sau phải chặt chẽ, chính xác,
chất lượng, tốt hơn đại hội trước về nhân sự. Đại hội bế mạc, đại hội nào cụng
vậy, luôn lặp đi lặp lại những văn mẫu thành công tốt đẹp, thắng lợi rực rỡ, mở
ra một thời đại mới cho dân tộc, đất nước…
Nói
thì rất hay. Cộng sản ở đâu, ở thời nào mà chẳng nói hay. Nhưng thực tế chứng
minh ngược lại. Nào có xa xôi cũ kỹ gì, chỉ trong 2 nhiệm kỳ đại hội 12 và 13 vừa
rồi thôi, những tinh hoa mà họ đã “sáng suốt lựa chọn”, sàng lọc kỹ lưỡng, tin
tưởng tuyệt đối, phẩm chất trong sáng… nhanh chóng biến thành sâu bọ, bị dân
chê cười, căm ghét, phỉ nhổ. Chúng chính là kết quả của đại hội thành công tốt
đẹp.
Hư
hỏng cả lũ, kể từ tứ trụ (được chọn rất kỹ) trở xuống nhưng cuối cùng chả thấy
ông bà nào chịu trách nhiệm, nhất là tổng bí thư và trưởng ban tổ chức trung
ương, mà vẫn cứ toe toe răn dạy, chỉ dẫn, đe nẹt.
Cái
vòng luẩn quẩn ấy cứ lặp đi lặp lại, như một trò cười trên sân khấu chính trị xứ
này. (còn tiếp)
Thông
cào
.
No comments:
Post a Comment