Wednesday, March 27, 2024

TÁC ĐỘNG GÌ TỪ VỤ CẦU SẬP Ở BALTIMORE (Lâm Chi / Saigon Nhỏ)

 



Tác động gì từ vụ cầu sập ở Baltimore?

Lâm Chi  -  Saigon Nhỏ

 27 tháng 3, 2024

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/tac-dong-gi-tu-vu-cau-sap-o-baltimore/

 

Một tàu container khổng lồ đã đâm vào cầu Francis Scott Key ở Baltimore vào khoảng 1h30 sáng Thứ Ba 26 Tháng Ba 2024. Phần lớn cây cầu bị sập xuống sông Patapsco. Thống đốc Maryland, Wes Moore, đã ban bố tình trạng khẩn cấp ngay sau khi con tàu đâm vào cây cầu vốn là một phần của Xa lộ Liên tiểu bang 695 (Interstate 695) và là tuyến giao thông quan trọng trên Bờ Đông dẫn đến một trong những cảng lớn nhất nước Mỹ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/03/GettyImages-2107867758.jpg

Cầu Francis Scott Key tại Baltimore (Maryland) bị sập bởi cú va chạm của tàu hàng Dali ngày 26 Tháng Ba 2024 (ảnh: Carolyn Van Houten/The Washington Post via Getty Images)

 

 

Chuyện gì thật sự xảy ra?

 

Các quan chức đã đình chỉ nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ vào tối Thứ Ba. Có sáu công nhân xây dựng được ghi nhận đã tử vong liên quan sự cố. Vụ việc xảy ra khi con tàu chở hàng dài 985 feet, có tên The Dali, đang rời cảng Baltimore thì bị mất điện và đưa ra tín hiệu khẩn cấp ngay trước khi đâm vào một trụ cầu. Theo đoạn ghi âm do Broadcastify công bố, tín hiệu vô tuyến từ các nhân viên cấp cứu cho biết thủy thủ đoàn gặp trở ngại kỹ thuật trong việc điều khiển con tàu. Hầu hết đèn trên tàu đột ngột tối sầm, chỉ hơn hai phút trước khi tàu đâm vào cầu.

 

Theo MarineTraffic, một nền tảng dữ liệu hàng hải, tàu Dali treo cờ Singapore rời cảng Baltimore khoảng 1 giờ sáng; chuẩn bị chuyến hải hành đến Colombo (Sri Lanka), dự kiến đến nơi vào ngày 22 Tháng Tư. Clay Diamond, giám đốc điều hành American Pilots’ Association, cho biết con tàu đã bị “mất điện hoàn toàn” (“full blackout”) vào khoảng 1h20 sáng, nghĩa là nó mất cả động cơ điện dành cho hệ thống điều khiển và liên lạc. Khi tàu Dali mất điện, hoa tiêu dẫn tàu ra khỏi cảng Baltimore đã ra lệnh cho tàu quay bánh lái sang trái; yêu cầu hạ mỏ neo bên trái nhằm làm chậm con tàu và ngăn nó lắc sang phải.

 

Khi Dali gần như hoàn toàn “chết máy”, người ta bật một máy phát điện dự phòng chạy diesel nhằm khôi phục hệ thống điện. Và lúc bắt đầu nhận thấy không có bất kỳ cách gì làm chậm con tàu, viên hoa tiêu, với kinh nghiệm hơn một thập niên, bắt đầu phát thông báo khẩn yêu cầu “đóng cửa” cây cầu.

 

Khoảng 1:24 sáng, video an ninh cho thấy đèn trên Dali tắt ngúm. Một phút sau, đèn sáng lại. Vài giây sau, người ta thấy khói đen dày đặc bốc ra từ một ống khói, và sau đó chiếc Dali bắt đầu rẽ sang phải. Lúc 1:27 sáng, đèn trên Dali lại tắt, trước khi sáng trở lại vài giây sau. Ngay sau đó, người ta dùng thiết bị vô tuyến yêu cầu sơ tán khẩn khỏi cầu. Tàu Dali đâm vào cầu lúc 1h28 hoặc 1h30 sáng.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/03/GettyImages-2115670307.jpg

Không phải là cảng lớn nhất nước Mỹ nhưng Baltimore cũng là một trong những cảng quan trọng nhất Mỹ (ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

 

 

“Lý lịch” Dali

 

Synergy Marine Group, công ty sở hữu và quản lý con tàu, cho biết rằng, Dali – tuân theo đúng luật Maryland – đã được vận hành và điều khiển bởi hai hoa tiêu cảng (harbor pilots) vào thời điểm va chạm. Tất cả 22 thủy thủ đều mang quốc tịch Ấn Độ. Không ai trong số họ bị thương.

 

Theo hồ sơ điều tra từ các cơ quan an toàn giao thông vận tải, Synergy liên quan ít nhất ba thảm kịch kể từ năm 2018, dẫn đến

 

một số trường hợp tử vong; trong đó có một vụ trục trặc thang máy khiến một kỹ thuật viên thiệt mạng vào năm 2018; một nhân viên bị ngã xuống biển tử vong năm 2019; và một tàu chở dầu do Synergy quản lý va chạm với một tàu nạo vét, khiến hai thủy thủ thiệt mạng. Theo trang web công ty, Synergy, có trụ sở tại Singapore, hiện kiểm soát một đội tàu gần 400 chiếc với hơn 14,000 thủy thủ.

 

Theo dữ liệu hàng hải của MarineTraffic, tàu Dali được đăng ký tại Singapore. Lúc xảy ra sự việc, Dali đang chở 4,700 container. Cuộc kiểm tra tàu vào năm 2023 tại một cảng ở Chile cho biết tàu có vấn đề kỹ thuật, liên quan đến đồng hồ đo (gauges) và nhiệt kế (thermometers). Cơ sở dữ liệu của Equasis, trang web chuyên về an toàn hàng hải, cho biết thêm, Dali đã trải qua 27 cuộc kiểm tra kể từ năm 2015. Năm 2016, một cuộc kiểm tra tại cảng Antwerp cho thấy thân tàu bị hỏng, “làm giảm khả năng đi biển” sau khi nó đâm vào một bức tường đá ở cảng.

 

 

Lịch sử cây cầu Francis Scott Key

 

Cây cầu Francis Scott Key được xây vào năm 1972 và hoàn thành vào Tháng Ba 1977, với chi phí ước tính $110 triệu (có tài liệu ghi chỉ $60 triệu). Cầu dài 2.6 dặm (khoảng 4.1 km) bắc qua sông Patapsco, nhưng cấu trúc tổng thể của cầu, bao gồm các kết nối, dài gần 11 dặm (khoảng 17.7 km). Thời điểm đó, cầu Francis Scott Key được ca ngợi là một tuyệt tác kỹ thuật. Theo Preservation Maryland, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo vệ các di tích lịch sử, việc xây dựng cây cầu được coi là “một cột mốc quan trọng trong quy hoạch giao thông của Maryland”.

 

Tại gần nơi sau này trở thành địa điểm đặt cây cầu, vào Tháng Chín 1814, các tàu Anh đã bắn phá dữ dội vào Pháo đài McHenry, trong Trận Baltimore (Battle of Baltimore). Chính sự kiện này đã truyền cảm hứng cho tác giả Francis Scott Key viết nên “Defense of Fort McHenry,” bài thơ sau này được đổi tên thành “The Star-Spangled Banner,” theo Trung tâm Lịch sử và Văn hóa Maryland. Bài thơ chính thức trở thành quốc ca Hoa Kỳ vào năm 1931.

Bắc qua sông Patapsco, chạy từ Nội Cảng (Inner Harbor) của Baltimore đến Vịnh Chesapeake, cây cầu đóng vai trò là một phần quan trọng của Xa lộ Liên tiểu bang 695, là trục giao thông Bắc-Nam quanh thành phố Baltimore. Cấu trúc cầu có bốn làn xe, hai làn mỗi hướng, được ngăn cách bằng dải phân cách bê tông – theo Cơ quan Giao thông Vận tải Maryland.

 

Theo Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ, đây là cây cầu giàn liên tục (continuous-truss bridge) dài thứ hai ở Mỹ và dài thứ ba trên thế giới. Cầu Francis Scott Key là một trong hai cây cầu ở khu vực Washington DC được đặt theo tên của Francis Scott Key, tác giả quốc ca Hoa Kỳ “The Star-Spangled Banner” (cây cầu thứ hai bắc qua sông Potomac và nối Georgetown của Washington với Rosslyn thuộc Arlington, Virginia).

 

 

Ảnh hưởng kinh tế như thế nào?

 

Vụ sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore đã cắt đứt khả năng tiếp cận phần lớn khu vực cảng của thành phố, gây ra tình trạng đình trệ giao thông tàu thuyền, làm gián đoạn tuyến thương mại quan trọng và đe dọa làm rối thêm chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng. Cảng Baltimore là cảng lớn thứ 17 trên toàn quốc tính theo tổng tấn vào năm 2021 và là huyết mạch quan trọng của việc phân phối nhiều mặt hàng trọng yếu, đặc biệt xe hơi, máy móc xây dựng và than. Theo dữ liệu của Maryland, cầu Francis Scott Key đã xử lý 52.3 triệu tấn hàng hóa nước ngoài trị giá gần $81 tỷ vào năm 2023 và tạo ra hơn 15,000 việc làm. Phí cầu đường thu được từ cầu Francis Scott Key là $56 triệu vào năm 2023.

 

Theo Alliance for Automotive Innovation (AAI), Baltimore là cảng hàng đầu trên toàn quốc về vận chuyển xe hơi, nơi nhập và xuất cảng hơn 750,000 xe vào năm 2022. Khoảng 3/4 xe hơi qua cảng là hàng nhập, chủ yếu là các thương hiệu tên tuổi, trong đó có Mazda và Mercedes-Benz. Ambrose Conroy, giám đốc điều hành công ty tư vấn Seraph, cho biết hầu hết công ty hàng đầu đều có đủ hàng tồn kho tại các đại lý ở Mỹ nên khó có thể có tác động ngay lập tức đến nguồn cung.

 

“Còn quá sớm để nói tác động của sự cố này đối với ngành kinh doanh xe hơi nhưng chắc chắn sẽ có sự gián đoạn”, theo John Bozzella, chủ tịch AAI. Cảng Baltimore cũng đứng thứ hai cả nước về xuất khẩu than vào năm 2023. Và theo Mike Steenhoek, giám đốc điều hành Liên minh Vận tải Đậu nành, Baltimore là một cảng náo nhiệt với hoạt động buôn bán đậu nành. Hầu hết lượng xuất khẩu đậu nành từ cảng này là dành cho thị trường châu Á.

Tinglong Dai – giáo sư Đại học Johns Hopkins, chuyên gia về chuỗi cung ứng toàn cầu – nói thêm, tất cả các cảng ở Bờ Đông ngày càng trở nên quan trọng những năm gần đây, đặc biệt khi Mỹ cố tăng cường thương mại với các quốc gia thân thiện và giảm thiểu rủi ro địa chính trị liên quan thương mại với Trung Quốc, vốn thường thông qua các cảng ở Bờ Tây. Nói chung, việc cảng Baltimore tạm ngưng hoạt động là một sự gián đoạn khá quan trọng trong một hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã căng thẳng. Hàng hóa bây giờ phải được định tuyến lại đến các cảng khác. Trong khi đó, việc sửa cầu Francis Scott Key có thể mất vài năm.






No comments: