Thursday, March 28, 2024

PACIFIC LINKS : NẠN BUÔN NGƯỜI DI CƯ, "PHÒNG CÒN HƠN CHỮA" (Chi Phương / RFI)

 



 

Pacific Links : Nạn buôn người di cư, "phòng còn hơn chữa"

Chi Phương   -  RFI

Đăng ngày: 27/03/2024 - 11:29

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20240327-pacific-links-n%E1%BA%A1n-bu%C3%B4n-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-di-c%C6%B0-ph%C3%B2ng-c%C3%B2n-h%C6%A1n-pas-date-de-difusion

 

Được thành lập cách nay hơn 20 năm bởi những người Mỹ gốc Việt, tổ chức phi chính phủ Pacific Links, chuyên hoạt động ở Việt Nam, hỗ trợ các nạn nhân trong các vụ lừa đảo, đưa người vượt biên trái phép, cũng như tổ chức các chương trình phòng ngừa phổ biến thông tin cho những người dễ bị tổn thương, trong bối cảnh khủng hoảng nhập cư và các đường dây môi giới “buôn người” di cư ngày càng tinh vi xảo quyệt.

 

https://s.rfi.fr/media/display/9f20af6a-c1f1-11ee-bc4f-005056bf30b7/w:980/p:16x9/415958231_770914875066691_980138128999545519_n.webp

Ảnh minh họa Pacific Links. © Pacific Links

 

Kể từ thảm kịch « chiếc xe tử thần », lấy đi sinh mạng của 39 người Việt trên đường vượt biên sang Anh, nhiều chiến dịch tuyên truyền, ngăn chặn nhập cư trái phép, tuyên truyền được các chính phủ cũng như các tổ chức nhân đạo thực hiện. Tuy nhiên cho đến nay, theo bộ Nội Vụ Anh, vẫn có nhiều người Việt cố gắng vượt biển Manche để đến « miền đất hứa » và người Việt là một trong số 10 quốc tịch đông đảo nhất. Vào hôm thứ Hai, 25/03, chính phủ Anh Quốc đã thông báo thực hiện một chiến dịch vận động trên mạng xã hội ở Việt Nam nhằm ngăn chặn người dân tìm cách vượt biển Manche trái phép để nhập cư vào Anh Quốc. Bộ Nội Vụ Anh cho biết hai nước sẽ có cuộc gặp giữa các lãnh đạo vào tháng Tư tới.

 

Những năm vừa qua, các vụ xử những người có liên quan với đường dây môi giới, đ thảm kịch 2019 cũng đã diễn ra tại nhiều nước, Anh Quốc, Bỉ hay Pháp. Tại tòa tiểu hình ở Paris và tại Tòa án Hình sự Bruges, nếu như luật sư của các bị cáo đa phần là do tòa chỉ định, thì bên nguyên đơn, gia đình các nạn nhân là do văn phòng luật sư Hogan Lowells đại diện, dưới sự ủy thác của tổ chức phi chính phủ Pacific Links. Các bị cáo không những lãnh án tù từ 2 đến 15 năm, mà còn phải trả khoản bồi thường lên đến hàng ngàn đôla cho các gia đình nạn nhân.

 

Pacific Links (Vòng tay Thái bình) là một tổ chức phi lợi nhuận, có trụ sở tại Hoa Kỳ, hoạt động tại Việt Nam từ đầu những năm 2000, với mục đích ban đầu là phòng chống nạn buôn phụ nữ và trẻ em qua biên giới. Để tìm hiểu về vai trò của Pacific Links, RFI đã phỏng vấn Diane Truong, đại diện truyền thông của tổ chức này 

 

 

RFI. Trong vụ xử tại Pháp gần đây, Pacific Links đã liên lạc với văn phòng luật sư để biện hộ cho gia đình các nạn nhân. Các bản án tù lên đến 10 năm cùng số tiền bồi thường lên đến hàng ngàn euro đã được đưa ra đối với một số bị cáo người Việt. Bà đánh giá thế nào về bản án này ? Tại sao Pacific Links lại thấy cần thiết phải đứng ra đại diện cho các gia đình nạn nhân trong các vụ xét xử này ?

 

Diane Truong : Chúng tôi nghĩ rằng đó là điều đúng đắn mà chúng tôi phải làm. Chúng tôi hy vọng rằng có thể mang lại ‘chút công lý’ cho gia đình các nạn nhân. Dĩ nhiên, cũng phải nói rằng người thân của họ không thể quay trở lại nữa và không gì có thể thay thế được. Chúng tôi cũng hy vọng rằng đó là một cách để đưa vụ việc ra ánh sáng, trở thành tâm điểm chú ý và nhất là những nạn nhân có thể được bồi thường theo một cách nào đó. Chúng tôi hy vọng đã tạo ra được sự khác biệt, ít nhất là trong hệ thống luật pháp, đồng thời chỉ ra rằng những kẻ môi giới, buôn người di cư chỉ quan tâm đến tiền và lợi nhuận. Đối với họ, đó là một việc kiếm lời lớn và chúng tôi mong muốn những khoản tiền thu nhập bất chính đó được chuyển tới các nạn nhân. Chúng tôi hy vọng rằng khi phải nộp khoản bồi thường lớn, những kẻ buôn người sẽ phải suy nghĩ khác đi, rằng phạm tội này không chỉ phải vào tù mà còn ảnh hưởng đến túi tiền của họ.

 

Ngay từ đầu, chúng tôi cũng thấy không thể không đứng ra làm đại diện cho gia đình các nạn nhân trong các vụ xử, bởi vì chúng tôi đã làm việc về vấn nạn này từ rất lâu. Ngay cả khi thảm kịch này xảy ra, chúng tôi đã nắm được tình trạng về nạn môi giới đưa người di cư trái phép, về con đường mà các nạn nhân đã đi qua. Trước đó, (vào đầu năm 2019), chúng tôi đã công bố một nghiên cứu về con đường di cư trái phép từ Việt Nam sang châu Âu . Đó cũng chính là con đường mà những nạn nhân đã đi qua. 

 

Thành thực mà nói, chúng tôi hài lòng với các phán quyết của tòa. Tôi nghĩ rằng đây là một bước đi đúng hướng và dĩ nhiên sẽ vẫn có thể làm những điều khác nữa. Đó là lý do tại sao tôi nói là “một chút công lý”, chứ không phải là “sự đã rồi và không thể làm gì được”, để đem lại công lý cho 39 người đã mất. Tôi cũng xin lưu ý rằng trong vụ xử, đặc biệt là ở Pháp, một số bị cáo đã kháng án. Vụ án vẫn chưa kết thúc !

 

 

RFI : Tại Việt Nam, Pacific Links đã làm việc như thế nào với gia đình các nạn nhân ? 

Diane Truong : Sau thảm kịch “chiếc xe tử thần” ở Anh, chúng tôi đã nói chuyện với gia đình của những nạn nhân, đa số họ đều cho rằng đó là “vận đen”, chuyện không may, chứ không phải là vì họ đã lựa chọn sai con đường. Họ cho rằng người thân của họ không gặp may nên mới ra đi như vậy. Vì thế, chúng tôi muốn đảm bảo rằng mọi người nhìn nhận rõ sự việc, và chính những kẻ môi giới, đưa di dân vượt biên trái phép là những người cần phải chịu trách nhiệm, chứ không phải “số phận”. Đó là những người đã quảng bá về con đường đầy hứa hẹn này mà trên thực tế là không đúng. Do vậy, chúng tôi cũng có những hành động để chống lại việc loan tin sai lệch, để không còn ai bị lôi kéo, dụ dỗ. 

 

Là một tổ chức phi chính phủ, chúng tôi cho rằng không thể bảo với mọi người “đừng đi”, bởi vì đó là những người muốn có cuộc sống tốt hơn cho bản thân và gia đình họ. Liệu có cách nào khác để có cuộc sống tốt hơn hay không ? Tại Việt Nam, gần đây, đất nước đang phát triển và ngày càng có nhiều cơ hội, chúng tôi muốn truyền đạt cho mọi người về những cơ hội đó và để họ tự ra quyết định nên đi hay ở. Nếu muốn ra nước ngoài thì có những cách để đi hợp pháp, đó là những cơ hội học tập, hoặc qua các chương trình lao động, hoặc các chương trình tình nguyện…

 

 

RFI : Tổ chức phi lợi nhuận Pacific Links đã được thành lập như thế nào và hiện có bao nhiêu thành viên ?

 

Diane Truong : Tổ chức được thành lập vào năm 2001 bởi những Việt kiều Mỹ, muốn tìm cách để đóng góp hỗ trợ cho phát triển ở Việt Nam. Ban đầu, Pacific Links không tập trung vào việc phòng ngừa buôn người và lao động cưỡng bức, mà chỉ bắt đầu nhiệm vụ này từ năm 2005. Lúc đó, chúng tôi biết tin về một số bé gái bị bắt đến Cam Bốt làm việc, một trong những người sáng lập tổ chức đã dẫn một nhóm người đến Cam bốt để điều tra, tìm hiểu chuyện gì đang diễn ra. Lúc đó, chúng tôi nghĩ rằng kế hoạch sẽ kéo dài trong vài năm và sẽ được giải quyết. Chúng tôi không ngờ là đó chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm và chỉ mới là khởi đầu của nạn buôn người, môi giới vượt biên trái phép, không chỉ sang Cam Bốt hay các nước châu Á khác, mà cả sang châu Âu (…)

 

Hiện đội ngũ của Pacific Links gồm khoảng 20 đến 25 người, ở Mỹ chỉ có 2 hoặc 3 người và đa số đều đang hoạt động tại Việt Nam. Chúng tôi cũng có mạng lưới tình nguyện viên khoảng 200 người, hỗ trợ các hoạt động của chúng tôi, việc ngăn ngừa, cũng như giúp đỡ các nạn nhân của các vụ buôn người. Chúng tôi cũng làm việc với chính phủ để siết chặt luật pháp. 

 

Ban đầu, chúng tôi có văn phòng hoạt động tại đồng bằng sông Cửu Long và Hà Giang, để hỗ trợ những người sống gần biên giới, dễ trở thành nạn nhân của các vụ buôn người, nhưng dần dần, chúng tôi bắt đầu làm việc trên cả nước, đặc biệt là tại khu vực miền bắc và miền trung như hiện nay. 

 

 

RFI : Vậy các hoạt động cụ thể của Pacific Links ở Việt Nam trong việc ngăn ngừa nạn buôn người hay môi giới, buôn người di cư là gì ? 

 

Diane Truong : Về sức khỏe, chúng ta luôn nói rằng phòng bệnh hơn chữa bệnh. Do vậy, về vấn nạn buôn người di cư bất hợp pháp, chúng tôi muốn bảo đảm rằng có thể phòng tránh như thế nào.

 

Một trong những hoạt động chính của chúng tôi đó là tập trung vào giáo dục, để mọi người được tiếp cận với trí thức. Chúng tôi có hai chương trình học bổng lớn, cấp cho khoảng 2.500 học sinh, đảm bảo rằng họ ít nhất có thể tốt nghiệp bậc trung học phổ thông, sau đó có thể học lên đại học, bởi vì chúng ta đều biết rằng càng được tiếp cận với giáo dục thì càng có nhiều cơ hội. Chúng tôi cũng muốn phổ cập việc học tiếng Anh, vì ở một nước như Việt Nam, nếu nói được tiếng Anh thì càng có nhiều cơ hội, được trả lương cao hơn, hoặc được thuận lợi hơn khi muốn đi học và làm việc ở nước ngoài.

 

Chúng tôi cũng tổ chức các chương trình hướng nghiệp ở các trường học về các nghề nghiệp mà cơ hội có việc làm cao, được trả lương hậu hĩnh. Hầu hết những khu vực mà chúng tôi đến là những vùng sâu, vùng xa, ở nông thôn, nên mọi người không biết là có nhiều nghề khác nhau. Ví dụ như 70 % em gái được các chương trình của chúng tôi hỗ trợ đều nghĩ rằng có những ngành nghề chỉ dành cho con trai, ví dụ như kĩ sư. Công việc của chúng tôi là làm cho họ vượt qua được trở ngại về giới tính, hiểu được rằng họ cũng có khả năng làm những việc đó.

 

Phụ nữ và các bé gái thường là những nạn nhân chủ yếu của nạn buôn người, cho nên chúng tôi có nhiều chương trình hỗ trợ họ. Chúng tôi cũng tổ chức các hoạt động phổ biến kiến thức cho công nhân làm việc trong các nhà máy, vì họ thường là những lao động di cư từ các vùng khác đến các khu công nghiệp, do vậy có nhiều rủi ro hơn. Khi họ muốn tìm một công việc tiếp theo, đến một nơi khác làm việc để thu nhập cao hơn, thì họ sẽ dễ bị những kẻ môi giới, buôn người di cư nhắm vào.

 

-------------------------------

Các nội dung liên quan

 

TẠP CHÍ XÃ HỘI

Pháp : Nhập cư có phải là nguồn căn của khủng bố ?

 

PHÁP - TƯ PHÁP

Vụ án “chiếc xe tử thần”: Hai người Việt bị kết án 10 năm tù tại Paris

 

BỈ - VIỆT NAM - TƯ PHÁP

Bỉ: Một người Việt lãnh án 15 năm tù về cái chết của 39 đồng hương trong xe tải

 






No comments: