Sunday, June 4, 2023

KHỦNG HOẢNG KẾ VỊ LÃNH TỤ TỐI CAO IRAN (Ali Reza Eshraghi / Nghiên Cứu Lịch Sử)

 



Khủng Hoảng Kế Vị Lãnh Tụ Tối Cao Iran

Ali Reza Eshraghi

Nghiên Cứu Lịch Sử

Tháng Năm 31, 2023

https://nghiencuulichsu.com/2023/05/31/khung-hoang-ke-vi-lanh-tu-toi-cao-iran/

 

Cuộc chạy đua cho vị trí lãnh tụ tối cao sắp tới có khả năng gây nên hỗn loạn và nguy hiểm

 

https://nghiencuulichsudotcom.files.wordpress.com/2023/05/rtsie8gs.jpg.webp?w=551&h=367&zoom=2

Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei vẫy tay chào ở Tehran, tháng 4 năm 2023 . Ảnh:  WANA / Reuters

 

Gần 9 tháng qua, các nhà phân tích bên ngoài đưa ra đánh giá, các phong trào chống đối tại Iran là dấu hiệu cho thấy nước này đã trải qua thời khắc thay đổi chính trị sâu sắc. Những người tham gia cuộc phản kháng đó, chủ yếu là nam thanh nữ tú, với lời hiệu triệu “Phụ nữ, cuộc sống và tự do!”, yêu cầu một xã hội dân chủ và cởi mở hơn, lẽ tất nhiên khiến giới chóp bu nước này rùng mình. Thời điểm đó, quy mô phong trào phản đối quá rầm rộ, khiến các nhà phân tích bên ngoài tự hỏi, liệu Cộng Hòa Hồi Giáo Iran sẽ sụp đổ đơn giản như thế hay không.   

 

Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Tehran đã tung ra lực lượng đông đảo dập tắt phong trào phản kháng, bắt giữ hàng ngàn người biểu tình, giết hại hàng trăm người khác, gồm các cuộc xử tử công khai man rợ. Hôm nay, đám tàn tro phẫn uất trong công luận Iran vẫn âm ỉ cháy. Nhưng nói chung, phong trào phản kháng đã bị dập tắt tàn nhẫn. Chúng chẳng còn là nỗi đe dọa tức thì cho chế độ nữa.

 

Tuy nhiên giới chóp bu Iran hiện chưa thể ăn ngon ngủ yên, nhưng bởi lý do khác. Lãnh tụ tối cao Iran, Ali Khamenei, 84 tuổi, có tiền sử sức khỏe kém. Theo tiết lộ của tờ The New York Times, Khamenei lâm trọng bệnh hồi tháng 9 năm ngoái. Trong chuyến viếng thăm một thánh đường năm 2022, ông đã trải lòng với đám thủ hạ, chiếu theo tuổi tác của ông hiện giờ, đây có thể là chuyến đi cuối. Ông từng trải qua đợt điều trị ung thư tuyến tiền liệt năm 2014. Hiện giờ sức khỏe của Khamenei vẫn ổn, nhưng ông không thể trường thọ mãi, và giới tinh hoa Iran đang vắt óc suy nghĩ, một khi Khamenei gĩa từ trần thế thì chuyện gì sẽ xảy ra đây. 

 

Trên lý thuyết, họ chẳng có gì phải lo ngay ngáy: việc lựa chọn vị trí cho lãnh tụ tối cao theo hệ thống chính thống Cộng Hòa Hồi Giáo Iran là khá rạch ròi. Theo hiến pháp Iran, 88 thành viên thuộc Hội đồng Chuyên gia Iran sẽ họp mặt và đề cử ứng viên. Hội đồng Chuyên gia chưa từng tiết lộ các quy định nội bộ trong các tiến trình bầu chọn, nhưng các nhà phân tích biết rằng, trước khi bầu chọn, các thành viên của cơ quan này đã đắn đo cân nhắc thận trọng, khi ấy việc loại bỏ các ứng viên yếu là cần thiết cho đến khi ứng viên sáng giá xuất đầu lộ diện.

 

Tuy nhiên trên thực tế, tiến trình bầu chọn một tân lãnh tụ không đơn giản như thế. Rất ít các thành viên Hội đồng Chuyên gia – 60% trong số đó tuổi từ 70 trở lên – có thế lực chính trị thực sự. Thay vì đó, họ là những tay chân thủ hạ của các chính khách hoặc các chuyên gia hoạch định chính sách hàng đầu, các chỉ huy của bộ máy an ninh và quân đội, và họ giữ quyền thống trị mọi định chế. Giới tinh hoa này có khuynh hướng bị chia rẽ và ưa đấu đá để tìm kiếm sự đồng thuận. Trên thực tế, các thành viên này, thường choảng nhau liên tu bất tận. Mối bất hòa và cừu hận là các đặc tính trong các mối tương quan lực lượng của mỗi phe trong giới tinh hoa Iran, cho đến gần đây chẳng có luật thành văn, các thể chế mạnh hoặc các nhà trung gian có ảnh hưởng nhằm xử lý các xung đột.

 

Chiếu theo sự bất tín nhiệm và cừu hận đó, cuộc tranh giành vị trí kế nhiệm Khamenei giữa hai phe phái chính của chế độ, phe ôn hòa và phe cứng rắn, chẳng thể nào diễn ra một cách trật tự, sòng phẳng. Thay vào đó, cuộc đấu đá đó có khả năng xảy ra theo một kịch bản đã đưa Khamenei lên nắm quyền năm 1989: một cuộc đấu được dàn xếp trước hoặc là cuộc đổi chác, và cay cú ăn thua. Cũng hệt như cuộc đấu giữa các ứng viên khác nhau, các liên minh xuất hiện như từ trên trời rơi xuống để rồi biến mất như sao xẹt. Giới tinh hoa thuộc các phe phái khác nhau có thể lợi dụng cuộc đấu đá nhằm giải quyết ân oán, đâm lén sau lung, phô bày mưu hèn kế bẩn. Các quy định, trong chừng mực nào đó, sẽ bị thao túng. Kẻ đội vòng nguyệt quế có thể là sự ngạc nhiên bất ngờ thú vị, thậm chí đối với các nhà quan sát am tường thế sự nhất. Điều chắc chắn duy nhất là sự kiện Khamenei qua đời sẽ gây nên sự bất ổn trầm trọng – và cả hỗn loạn vô trật tự.

 

NGOÀI VÒNG DỰ BÁO

 

Vào thời điểm cuối thập niên 1980, không mấy người tiên đoán đúng Khamenei sẽ kế tục Ayatollah Ruhollah Khomeini chiếc ghế lãnh tụ tối cao Iran. Từ khởi đầu cuộc đua, Khamenei, khi ấy là một giáo sĩ tầm trung, thiếu vắng các phẩm chất đặc biệt được yêu cầu trong hiến pháp, để trở thành lãnh tụ tối cao. Theo đánh giá của các đại giáo sĩ Iran, ông không am tường đạo Hồi, không có khả năng dẫn giải các quy tắc thiêng liêng của đạo Hồi – một trách nhiệm không nhỏ trong một nhà nước mang đặc thù thần quyền. Vào tháng 1 năm 1988, trong một bức thư mở, thậm chí Khomeini đã tuyên bố, các ý kiến của Khamenei đã “đi ngược lời ông” và xác quyết Khamenei không có một một hiểu biết đúng đắn trong cốt lõi học thuyết tôn giáo mà một lãnh tụ tối cao cần phải có.

 

Khamenei, tất nhiên có nhiều bằng hữu, và ông đã tích lũy đủ quyền lực để trở thành một ứng viên sáng giá – một phần nhờ vào ông đắc cử tổng thống qua hai nhiệm kỳ 1981 và 1985. Khi đó, chức vụ tổng thống chủ yếu mang tính biểu tượng chứ không có thực quyền. Khamenei thuộc về chính đảng phe hữu, phe cho rằng quyền hành lãnh đạo tối cao không vượt khỏi giáo luật truyền thống và nhà nước nên tôn trọng tính độc lập của doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, trong những năm sau, chế độ Hồi giáo bị phe tả thống trị hoàn toàn. Phe này ngày nay dần biến cải thành phe cải tổ, nhưng vào thời đó, họ chủ trương theo đuổi chính sách đường lối đối ngoại hung hăng, thanh trừng mọi đối thủ, và dựng nên nền kinh tế tập trung cao độ. Họ giành chiến thắng vang dội ở kỳ bầu cử năm 1988, chiếm ưu thế tuyệt đối tại Quốc hội Iran. Lãnh đạo phe tả trẻ tuổi tài cao, Mir Hossein Mousavi, nắm chức thủ tướng và thành viên phe tả tràn ngập nội các ông. Các vị trí chánh án cấp cao, bao gồm Chánh án tối cao và Tổng chưởng lý, là người phe tả.   

 

Thế lực của phe tả cũng bành trướng sang lãnh vực dân sự. Một năm trước đó, năm 1987, trong một động thái bất ngờ, Khomeini đã giao quyền quản lý Ủy ban Cách mạng, khi ấy là lực lượng an ninh nội địa đáng sợ nhất, cho phe tả. Đa số các thành viên thường thường bậc trung thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), lớp thì ủng hộ cánh tả, lớp thì hậu thuẫn Ayatollah Hossein Ali Montazeri, nhân vật khi ấy được chính thức chỉ định là người kế vị Khomeini. Bản thân giới lãnh đạo IRGC bị phân tán giữa hữu và tả, và Khomeini, khi ấy đã yêu cầu đưa hai vị tướng phe hữu ra trước tòa án binh. Trong giới thân cận với Khomeini, kể cả con trai ông, đều có mối quan hệ êm đềm với phe tả.

 

Khi ấy, làm thế nào Khamenei xoay chuyển thời cuộc, leo lên được ghế lãnh tụ tối cao Cộng hòa Hồi giáo Iran vẫn là bí mật chưa được giải đáp,tuy nhiên nguyên do một phần, các hồ sơ của Hội đồng Chuyên gia chưa được giải mật. Tuy nhiên, chỉ trước hai tháng Khomeini qua đời, phe tả vận động thành công loại bỏ Montazeri, khi ấy là ứng viên chính thức kế nhiệm Khomeini, tạo nên một khoảng trống hiến pháp. Hội đồng Chuyên gia đã cho triệu hồi một phiên họp kín, khẩn. Trong cuộc họp, ban đầu các thành viên thảo luận việc chọn vô số ứng viên thay chỉ vì một, nhưng rốt cuộc đã bác bỏ bất kỳ thỏa thuận chia sẽ quyền lực nào. Khi đó, họ đã biểu quyết gạch tên các đại giáo sĩ danh giá nhất, kể cả Ali Meshkini, Chủ tịch Hội đồng (rể quý của ông là trùm cơ quan tình báo Iran đầy quyền thế khi đó).

 

Rốt cuộc, theo sử sách lưu lại, các thành viên bắt đầu đề xuất các tên ngẫu nhiên, trong số đó có Ali Khamenei. Akbar Hashemi Rafsanjani, khi đó là Chủ tịch Quốc hội, người đang nhắm chiếc ghế tổng thống. Phe hữu hết sức ốm yếu, và một số thành viên phe này phủ quyết Khamenei. Nhưng phe hữu đã xoay sở bằng cách nhặt nhạnh một số ủng hộ thuộc thành viên phe tả nhằm ủng hộ ông. Làm thế nào phe hữu khéo léo hoàn tất sứ mạng này là câu hỏi còn bỏ ngỏ.  Nhưng Meshkini sau đó đã mô tả, đây là kết quả “nằm ngoài dự đoán”, và được ví như “sự can thiệp tự phát của đấng thần linh”.

 

Sau khi Khamenei được bầu chọn, một ủy ban đặc biệt ngay lập tức đã chỉnh sửa hiến pháp Iran, cho phép lãnh tụ tối cao có thẩm quyền điều hành tuyệt đối, điều chưa có tiền lệ, vốn được phê chuẩn trong cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi sau đó. Trong ba năm đầu nắm quyền, Khamenei cho bãi nhiệm các quan chức cánh tả đương nắm giữ các vị trí chủ chốt. Ít lâu sau, ông bổ nhiệm một tân Chánh án Tối cao. Ông đã vô hiệu hóa hoặc tống giam các tư lệnh bất tuân ông trực thuộc IRGC. Ông loại bỏ thành công phe tả trong các cuộc bầu cử Quốc hội. Trên thực tế, sau hai năm nắm quyền, Khamenei đã thiết lập một quy trình vô cùng chặt chẽ, quy định hồ sơ mọi ứng viên cấp quốc gia phải thông qua ông trước khi tham gia vận động tranh cử. Chỉ trong ít năm, Khamenei từ một kẻ vô danh tiểu tốt đã trở thành một ông vua không ngai của Iran.

 

TRẬT TỰ HAY HỖN LOẠN

 

Không như các chế độ cách mạng khác, chẳng hạn như Trung Quốc hoặc Liên Xô xưa kia hoặc Việt Nam, Cộng hòa Hồi giáo Iran chưa bao giờ thành công trong việc thiết lập một đảng phái hoặc tổ chức khác có thể quản lý các mối quan hệ giữa các giới tinh hoa với nhau. Hai chính đảng thời hậu cách mạng quan trọng bậc nhất, Đảng Cộng hòa Hồi giáo và Tổ chức Cách mạng Hồi giáo Mujahideen, bị giải thể trong thập niên 1980 do tranh chấp nội bộ. Tổ chức giáo sĩ nổi bật nhất, Hiệp hội Giáo sĩ Tranh đấu, bị tách thành hai phe tả và hữu. Ngày nay, về lý thuyết, giới tinh hoa có gần 120 đảng phái có đăng ký, tuyên bố đại diện cho quyền lợi đảng phái của họ, tuy nhiên không ai trong nhóm tinh hoa được tính là thành viên của các đảng phái đó.

 

Dĩ nhiên, Cộng hòa Hồi giáo Iran có nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau, về mặt lý thuyết, chúng đại diện cho toàn thể quốc gia đồng bào. Nhưng trên thực tế, hầu hết các cơ quan đó bận rộn cấu xé triền miên. Chẳng hạn như, trong hai thập niên qua, Bộ ngoại giao và Lực lượng Quds (là một trong năm đơn vị trực thuộc IRGC, chuyên trách các hoạt động tình báo và chiến tranh đặc biệt) đã giành giật vị trí xử lý hồ sơ các nước Afghanistan, Pakistan, và Cục đối ngoại Trung Đông. Trận chiến không có hồi kết, thậm chí khi cả Bộ ngoại giao và Lực lượng Quds được điều hành bởi các nhân vật diều hâu. Tháng 8 năm 2022, vị tư lệnh Lực lượng Quds thậm chí còn cấm cửa Bộ ngoại giao đứng ra tổ chức cuộc họp với giáo sĩ Muqtada al-Sadr thuộc hệ phái Shiite Iraq. Tháng 4, phó tổng Cơ quan quản lý bảo hiểm Iran công khai khuyến khích Quốc hội truy tố Bộ trường công nghiệp. Và Bộ trưởng Văn hóa đã kèn cựa với Cơ quan Phát thanh Quốc gia Iran xem ai là người có quyền kiểm duyệt nội dung thuộc dịch vụ phát trực tuyến có đăng ký.

 

Còn có các xung đột khác ngay bên trong các thể thế Iran. Chẳng hạn như, đầu năm 2021, lục đục trong nội bộ Cục chính trị IRGC khiến người đứng đầu tập đoàn kinh doanh trực thuộc IRGC bị mất ghế. (Giám đốc điều hành, nếu bị bãi nhiệm, sẽ không đủ tư cách tham gia tranh cử chức vụ tổng thống). Tháng 2 năm 2020, một băng ghi âm bị rò rỉ tiết lộ, các tư lệnh của IRGC, kể cả vị tướng Qasem Soleimani hùng mạnh, người bị hạ sát trong một cuộc không kích do Mỹ tiến hành năm 2022, đã tranh cãi ỏm tỏi về mối liên quan của họ trong một vụ việc tham nhũng tài chính khủng lồ. Cuộc nội chiến trong Công ty Phát thanh Cộng hòa Hồi giáo Iran đã dẫn đến nhiều thay đổi trong vị trí lãnh đạo cấp cao. Tương tự, huynh đệ tương tàn đã xuất hiện giữa các nhân vật bảo thủ chịu trách nhiệm hồ sơ hạt nhân. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân quốc gia, Ali Bagheri Kani, gần đây đã cãi vã dữ dội với Saeed Jalili, sếp cũ của ông, về một dự thảo được Kani hậu thuẫn. Bagheri đã phản đòn, bằng cách gạch tên thủ hạ của Jalili trong nhóm thương lượng.

 

Tại Iran, quyền lực phi chính thống của giới tinh hoa thường lớn hơn các tổ chức bộ máy quan liêu chính thống, vốn có khuynh hướng thiên về giải quyết các tranh chấp cá nhân thay vì giải quyết xung đột trong các thể chế. Tuy nhiên, bất hòa trong chính sách hoặc các căn nguyên ý thức hệ khiến các các cá nhân này lao đầu vào nhau là rất hiếm. Thay vì đó, chính vì tham vọng cá nhân để đoạt quyền, kiểm soát các nguồn lực công và nguồn tô kinh tế là căn nguyên khiến giới tinh hoa quyết ăn thua đủ với nhau. Xét về bản chất ích kỷ của các mối cừu hận đó, nghĩa là giới tinh hoa sẽ huyết chiến bất kể ai cho dù điều đó sẽ khiến phe của họ bị trả giá. Họ sẽ cuồng chiến thậm chí điều này sẽ hủy hoại năng lực điều hành của họ.

 

Ta hãy xem xét ví dụ điển hình sau đây trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 6 năm 2021. Một số lãnh đạo phe cải tổ đã tẩy chay cuộc bầu cử lần đó. Nhiều ứng viên phe bảo thủ đã lan truyền các tin đồn chưa qua kiểm chứng, rằng ứng viên theo đường lối cứng rắn đang dẫn đầu cuộc đua, Ebrahim Raisi, không đủ tư cách tham gia cuộc cạnh tranh. Họ xác quyết như đinh đóng cột, chẳng hạn như, Khamenei đã cấm ông ấy tranh cử.

 

Raisi, rốt cuộc đã giành vòng nguyệt quế. Tuy nhiên, do nội bộ phe bảo thủ cãi nhau chí chóe, hai tháng trôi qua kể từ khi giành chiến thắng, tổng thống không thể đề cử vị trí cấp phó. Phải mất nhiều tháng sau, tên của vị thống đốc ngân hàng trung ương (nhóm lợi ích khác nhưng thuộc phe của ông) mới được xướng tên. Khi đồng tiền Iran bị mất giá thảm hại, Raisi phải thay chiếc ghế thống đốc ngân hàng trong năm 2022 bằng một nhân vật có dây mơ rễ má với nhóm khác.    

 

CỦA ĐỂ DÀNH SẴN

 

Hỗn hoạn trong chính trường Iran trước ngày kế vị Khamenei xảy ra dữ dội. Nhưng thời gian gần đây, vị lãnh tụ tối cao chẳng làm gì nhiều để cải thiện tình trạng này. Ngược lại, Khamenei đã tạo nên một kiểu cai trị độc đoán theo chủ nghĩa cá nhân, với kiểu cai trị này, giới tinh hoa chẳng bao giờ có cơ hội khai thác các thực thể và các thủ tục, những thứ vốn có chức năng hòa giải xung đột hoặc thực hiện hài hòa các lợi ích đa dạng của họ. Điều này, đến lượt nó, đã khiến quyền lực lâm vào cảnh bấp bênh và gây nên tình cảnh sóng gió liên miên. Giới tinh hoa nghĩ rằng, các định chế nhà nước, không như các lộ trình áp dụng theo các nhãn quan chính trị được tổ chức phù hợp với hiện thực, mà chúng là thái ấp tạm thời để họ có thể vắt kiệt nguồn lực công và thỏa mãn các mục tiêu cá nhân của họ. Trớ trêu thay, điều này cũng khiến nền tảng thể chế của họ ít được sử dụng cho nghị trình tối đa hóa quyền lực của họ.

 

Không có trường hợp điển hình nào đúng hơn trường hợp của Sadeq Amoli Larijani, cựu Chánh an Tòa án Tối cao Iran, cựu thành viên Hội đồng Giám hộ (vốn có thể phủ quyết hoặc sửa đổi đạo luật), và gần đây nắm chức chủ tịch Hội đồng Khẩn cấp (có quyền giải quyết các tranh chấp giữa Quốc hội và Hội đồng Giám hộ). Do nắm giữ các vị trí trọng đại như thế nên các nhà phân tích quả quyết ông sẽ là người kế nhiệm Khamenei, tuy nhiên trên thực tế Larijani không còn thực quyền. Một trong những đệ tử cật ruột của ông bị kết án 31 năm tù vì tội tham nhũng. Một trong những nhân vật được ông bảo trợ, công tố khét tiếng thời kỳ cách mạng, Abbas Jafari, hiện đang rong ruổi taxi trên đường phố thủ đô Tehran.

 

Tính mong manh dễ vỡ có lẽ là đặc tính trong quá trình tìm kiếm người kế vị Khamenei. Quá trình đó có lẽ khá hỗn loạn, nhiều kẻ phá bĩnh và rất ít kẻ môi giới thành thật. Các ứng viên sáng giá nhất hiện giờ, kể cả Raisi và con trai của lãnh tụ tối cao, Mojtaba Khamenei, có thể nhanh chóng bị gạt ra rìa. Những kẻ chóp bu, vốn trước đây bị trật tự chính trị đương đại khinh miệt, sẽ lợi dụng lấp đầy khoảng trống quyền lực khổng lồ kể từ năm 1989. Iran, vốn là mảnh đất màu mỡ cho nỗi phẫn uất của công chúng, khủng hoảng kế nhiệm vị trí lãnh tụ sẽ đẩy nó vào tình cảnh bất định hơn.

 

Quả thực, điều duy nhất rõ ràng hiện nay là, giới tinh hoa đương đại Iran chưa sẵn sàng cho thời khắc trọng đại này. Rất hiếm hoi cho việc ứng phó, chuẩn bị xử trí bất kỳ tình trạng biến loạn nào – chậm chạp, dao động và phản ứng bạo lực thái quá là đặc tính của giới chức Iran khi đứng trước các cuộc biểu tình đang diễn ra rõ mồn một. Thay vào đó, khi đối diện với khủng hoảng, giới tinh hoa Iran đơn giản cứ sử dụng bài: hỗn loạn mặc hỗn loạn, quan trọng ta biết ứng biến theo tình hình thực tế. Kể cả ghế lãnh tụ tối cao đã có chủ thì cuộc chiến cũng không kết thúc: lãnh tụ kế tiếp của Iran có khả năng hành xử thất thường hệt như các vị tiền nhiệm trước đó.

 

 

-------------

VỀ TÁC GIẢ:

 

ALI REZA ESHRAGHI là Giám đốc Các Chương trình tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh và Hòa bình, đồng thời là một học giả Thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và Hồi giáo của đại học North Carolina thuộc Chapel Hill.

 

--------------------

CÓ LIÊN QUAN :

 

Cuộc chiến tranh khốc liệt Iran- Iraq 1980-1988

Tháng Hai 20, 2022

 

‘Chiến tranh về lương thực và năng lượng, không phải phổ biến hạt nhân, là khả năng lớn nhất’

Tháng Tám 5, 2022

 

Cuộc nổi dậy Cộng sản ở Iran (1981-1982)

Tháng Một 29, 2021

 

 

 




No comments: