Cuộc
phản công của Ukraina « sẽ kéo dài và gây nhiều chết chóc »
Chi Phương - RFI
Đăng ngày: 13/06/2023 - 16:08
Cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraina, được tiến
hành từ 475 ngày qua, cho đến nay vẫn là tiêu điểm thời sự quốc tế của nhiều tờ
báo Pháp số ra hôm nay 13/06/2023.
Lính Ukraina chụp hình trước một ngôi làng vừa được giải phóng ở vùng
Donetsk, Ukraina. © 35th Separate Brigade of Marines via Facebook/via
REUTERS
La Croix đăng tựa lớn trang nhất « Kiev
tìm kiếm lỗ hổng » trong hàng phòng thủ của Nga. Gần đây, Ukraina
đã bắt đầu phản công và đã đạt được nhiều tiến bộ khi tuyên bố giành lại được một
số khu vực ở Donetsk từ tay quân Nga. Nhật báo Công Giáo nhận định cuộc phản
công này « sẽ kéo dài và gây nhiều chết chóc ». Theo
La Croix, để chuẩn bị, Kiev đã có các hoạt động bí mật trong nhiều tuần trên
lãnh thổ Nga, phá hủy kho nhiên liệu, bắn phá các trung tâm hậu cần, trước khi
dồn lực tấn công.
Các cuộc giao tranh tập trung ở ba khu vực :
Dọc theo chiến tuyến dài hơn 1000 km từ biên giới Nga đến sông Dniepr, tại vùng
Donestk và Zaporijjia. Riêng tại khu vực Zaporijjia, các nhà phân tích quân sự
từ lâu đã cho rằng những thắng lợi của Ukraina tại đây có thể đe dọa tuyến đường
bộ giữa Nga và bán đảo Crimée (bị Nga sáp nhập qua trưng cầu dân ý từ năm
2014). Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ đâu là khu vực mà Kiev tập trung chủ lực.
La Croix cho rằng cả Ukraina và Nga vẫn chưa
triển khai phần lớn lực lượng của mình. Vụ phá đập thủy điện Nova Kakhovka bắc
qua sông Dniepr gần đây cũng khiến cho các kế hoạch tấn công tại khu vực này bị
hoãn này, vì rất khó điều động binh lính tại vùng ngập lụt. La Croix trích dẫn
quan điểm của tướng Mỹ Ben Hodges nhận định « có vẻ như Ukraina vẫn
đang trắc nghiệm hệ thống phòng thủ của Nga để tìm kiếm các lỗ hổng, xây dựng
các chiến thuật ». Việc Ukraina dàn trải lực lượng khiến Nga khó
có thể xác định đâu là trục tấn công chính. Trong trường hợp này, Nga buộc phải
kéo dài các tuyến phòng ngự và có thể dễ dàng để lộ ra lỗ hổng.
Le Monde thì đăng bài của đặc phái viên đến
Belgorod, một vùng của Nga, gần với biên giới Ukraina, với tựa đề « Tại
Belgorod ở Nga, "chúng tôi đơn độc trên chiến tuyến" ». Nơi
đây đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công của phe ủng hộ Ukraina ở Nga trong thời
gian vừa qua. Chính quyền Nga đã huy động đông đảo nguồn lực, hỗ trợ sơ tán thường
dân khỏi vùng chiến sự, xây dựng các khu tạm cư. Theo quan sát của Le Monde,
khi chiến tranh xảy ra trước cửa nhà, trái với mong đợi của nhiều người, người
dân Belgorod không lên tiếng chỉ trích "chiến dịch đặc biệt" của
Vladimir Putin. Những vụ oanh kích lại củng cố thêm chiến dịch này và tạo ra cuộc
huy động xã hội quy mô lớn hơn, đồng thời chỉ ra sự can thiệp ngày càng gia
tăng của phương Tây vào cuộc xung đột. Sự ủng hộ từ những người dân vùng biên
giới đối với điện Kremlin dường như còn vững chắc hơn so với các vùng khác. Tuy
nhiên, điều này không ngăn cản những lời chỉ trích đối với quân đội Nga vì bất
lực trong việc bảo vệ biên giới.
NATO tiếp tục củng cố khả năng quân sự
Về phần mình, Le Figaro quan tâm đến cuộc trập
trận Air Defender 23 của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Đức, bắt đầu từ
ngày hôm qua, 12/06, đến ngày 23/06. Với sự tham gia của hơn 250 máy bay quân sự,
10.000 binh lính từ 25 quốc gia thành viên NATO và đối tác, bao gồm Nhật Bản và
Thụy Điển, đây là cuộc tập trận không quân lớn nhất lịch sử của khối này trong
bối cảnh chiến tranh xảy ra tại sườn đông châu Âu. Cuộc tập trận mô phỏng một
cuộc tấn công từ kẻ thù miền đông, với tên gọi Occasus, không sử dụng tên Nga để
tránh làm gia tăng căng thẳng với điện Kremlin. Air Defender 23 cho phép kiểm
tra năng lực phản ứng nhanh của NATO, đồng thời chỉ ra rằng Đức sẵn sàng cam kết,
nhận trách nhiệm trong Liên minh quân sự
Theo nhật báo thiên hữu, trên thực tế, việc tổ
chức cuộc thao dượt quân sự với quy mô như vậy đã được nêu ra từ 2018, trước
khi chiến tranh Ukraina nổ ra, nhưng cuộc xâm lược của Nga đã thúc đẩy các nước
trong khối nhận thức được nguy hiểm và tăng cường các chương trình củng cố liên
minh quân sự. Theo Le Figaro, việc bảo vệ lãnh thổ của NATO trở thành một mối
quan ngại và NATO cần phải chứng minh là một khối « có thể tin tưởng
được về mặt quân sự. »
Hiện tượng tôn thờ Putin trong Binh đoàn Lê dương
Pháp
Vẫn về chiến tranh Ukraina, nhưng Libération
đưa độc giả đến Binh đoàn Lê dương Pháp, một đơn vị của Lục quân, nơi mà các
binh sĩ đều là những người nước ngoài tình nguyện chiến đấu cho nước Pháp. Từ
những năm 2010, một phần tư lính tình nguyện gia nhập những người nói tiếng
Nga. Đến năm 2022, trong số 9.000 lính lê dương đang tại ngũ, có 700 người gốc
Ukraina, 200 người trong số họ đã nhập tịch Pháp, và 500 người mang quốc tịch Nga.
Kể từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra, Binh đoàn Lê Dương ngừng tuyển dụng các
tình nguyện viên từ hai nước này.
Libération nêu ra trường hợp của một người
lính Ukraina, Mykhaylo Jerdin, gia nhập lực lượng của Pháp từ năm 2011, từng
chiến đấu cho nước Pháp ở Nigeria hay Sahel. Ông được mô tả như là một người
lính mẫu mực, được lựa chọn để xuất hiện trên truyền hình. Thế nhưng, đến năm
2014, cuộc chiến với phe ly khai thân Nga nổ ra, trong đơn vị bắt đầu xuất hiện
những chia rẽ giữa bên thân Nga và phe Ukraina. Điều đáng nói là những người
lãnh đạo đơn vị lại là người Nga, gây áp lực đối với những người không thuộc
phe của mình.
Các cuộc xung đột nội bộ trở nên căng thẳng
hơn khi chiến tranh Ukraina nổ ra. Người lính gốc ở Lviv cho biết đã nhiều lần bị
chèn ép, phải chịu đựng chung sống với những người tôn thờ ảnh của Putin hay
Staline, cho đến khi bị loại khỏi quân đội chỉ vì « nướng thịt quá
chín ». Mykhailo Jerdin lên án một hiện tượng « Putin
hóa » trong một bộ phận lính Lê Dương, và sự thờ ơ của những chỉ
huy, vào lúc mà Nga xâm lược Ukraina. Theo ông Mykhailo, những kẻ «cuồng
Putin » giống như là một giáo phái trong quân đoàn
Pháp.
Silvio Berlusconi : Chính trị gia bảo thủ giàu
nhất nước Ý qua đời
Về thời sự quốc tế, sự ra đi của cựu thủ tướng
Silvio Berlusconi hôm 12/06, bao trùm khắp các mặt báo. Theo Le Figaro, người
được mệnh danh là « Il Cavalière » ( hiệp sĩ của Ý )
đã ra đi ở tuổi 86, tại một bệnh viện ở Milan khi phải đương đầu với căn bệnh
máu trắng. Xã luận La Croix cho rằng sự kiện này đã lật qua một trang đen
tối đối với cánh hữu ở nước Ý. Berlusconi, một doanh nhân đào hoa, đứng đầu nhiều
doanh nghiệp trên bán đảo, bảo thủ, và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong hệ thống
phân cấp Công Giáo. Cuộc đời đeo nhiều mặt nạ của Berlusconi đã làm mờ những
ranh giới giữa các hoạt động của ông, dù đó là trong lĩnh vực, tài chính, truyền
thông, thể thao, hay chính trị. Cựu thủ tướng Ý cũng đã vướng phải vô số vụ kiện
về tham nhũng hay trốn thuế.
Libération cũng dành hồ sơ lớn để nói về vị chính
trị gia giàu nhất nước Ý. Khi bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình, vào đầu những
năm 1990, Berlusconi đã tự giới thiệu như là một người có khả năng chống lại chủ
nghĩa cộng sản và có thể hiện đại hóa nước Ý. Berlusconi cũng là người lập ra đảng
bảo thủ Fonza Italia, đưa chủ nghĩa cá nhân vào trong chính trị, qua một đảng
theo chủ nghĩa dân túy. Với tư cách là một doanh nhân trong ngành truyền thông,
Berluscni đã biến phương tiện truyền thông của ông trở thành kênh chính trị
chính yếu.
Le Figaro ví Berlusconi như một con « sư
tử già » của cánh hữu Ý. Nhật báo thiên hữu lược lại cuộc đời của
ông : xuất thân từ một gia đình khá giả, xây dựng cơ đồ, rồi dấn thân vào
chính trị. Những thành tựu mà Berlusconi đạt được sau 9 năm lãnh đạo nước Ý vẫn
gây tranh cãi. Cuộc cách mạng tự do chưa được hoàn thành, Berlusconi cũng không
đưa ra được cải cách lớn nào đối với đất nước.
Vào những năm cuối đời, Berlusconi cố quay trở
lại chính trường, thậm chí tham gia tranh cử tổng thống, nhưng rồi lại rút hồ
sơ. Ông được bầu làm chủ tịch Thượng Viện vào năm 2022, nhưng lập trường thân
Nga, thân Putin của ông đã khiến cánh hữu Ý khó xử. Berlusconi cũng không có sự
chuẩn bị tốt đối với người kế nhiệm vị trí lãnh đạo trong đảng Fonza Italia mà
ông sáng lập, khiến cho chỗ đứng của đảng bị lung lay trên chính trường Ý, thậm
chí có nguy cơ bị xóa sổ trước sự ra đi của ông. Le Figaro kết luận rằng, ít nhất,
vị tỉ phú với khối tài sản lên đến 7 tỉ đô la, cũng đã chuẩn bị di chúc, chia
tài sản cho 5 người con của ông, hiện vẫn ẩn danh.
Về thời sự nước Pháp, nếu
như Libération nêu ra thất bại của liên minh cánh tả Nupes trong cuộc bỏ
phiếu bất tín nhiệm chính phủ lần thứ 17 ngày hôm qua,với kết quả là chính phủ
của thủ tướng Elisabeth Borne vẫn đứng vững, thì La Croix đề cập đến
ý tưởng làm việc 4 ngày một tuần, băn khoăn« liệu đây có phải là một tiến
bộ về kinh tế hay rủi ro về xã hội ? ». Cách đây đúng
25 năm, ngày 13/06/1998, nước Pháp đã thông qua luật Aubry, giảm giờ lao động từ
39 giờ xuống còn 35 giờ một tuần. Hơn hai thập kỷ sau, ý tưởng giảm số ngày làm
việc tiếp tục được nhen nhóm, thu hút sự quan tâm của nhiều lao động, nhất là
sau đại dịch Covid-19. Đây được xem là một giải pháp để cho giới lao động có thể
cân bằng cuộc sống cá nhân và công việc tốt hơn, nhưng giới chủ và các nhà kinh
tế học thì vẫn quan ngại.
Nhật báo kinh tế Les Echos dành trang nhất cho
vấn đề về đãi ngộ giới công chức tại Pháp với thông báo tăng lương cho hơn 5, 7
triệu người, tùy theo cấp bậc. Chính phủ đã chi 7 tỷ euro cho việc này, nhưng giới
công đoàn cho là chi như thế vẫn chưa đủ trong lúc lạm phát tăng
cao.
Nhiều báo cũng quan tâm đến chiến lược của
Macron về việc chuyển dịch, tái công nghiệp hóa, tái sản xuất nhiều sản phẩm
trên lãnh thổ Pháp, nhất là trong ngành dược phẩm. Hôm nay, ông Macron đến vùng
Ardèche, thăm nhà máy sản xuất các thiết bị y tế và dược phẩm, mà 60 đến 80 %
dây chuyền sản xuất được thực hiện ở nước ngoài, chủ yếu là ở Trung Quốc. Trước
tình trạng khan hiếm thuốc, theo Les Echos, tổng thống Pháp sẽ thông báo danh
sách 300 loại thuốc thiết yếu cho sức khỏe của người Pháp và xem xét đến chiến
lược di dời các cơ sở sản xuất đó trở lại Pháp.
Theo Le Figaro, chiến lược này đã được tổng thống
Emmanuel Macron nêu ra trong chiến dịch tranh cử từ năm 2017. Cuộc khủng hoảng
Covid-19 và sau đó là chiến tranh Ukraina, đã cho thấy sự mong manh của chuỗi
cung ứng toàn cầu. Châu Âu dường như phụ thuộc quá mức vào các nhà sản xuất bên
ngoài lãnh thổ 27 nước.
Le Monde thì dành hồ sơ lớn nói về cách mà nước
Pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Khi sắp bước vào mùa hè, trước tình trạng nắng
nóng kéo dài, các cảnh báo, nhắc nhở về nguy cơ cháy rừng được đưa ra tại nhiều
vùng của Pháp. Chính vì vậy, Le Monde lựa chọn khai thác chủ đề rừng và
các hệ sinh thái ở trong đó, cũng như các giống cây khác nhau. Có những loại
cây bị đe dọa trước hiện tượng biến đổi khí hậu như cây sồi rừng, nhưng cũng có
những loại cây có thể thích ứng với việc Trái đất bị hâm nóng như loài cây thuộc
Họ Cử (Chêne Zène), có thể sinh trưởng tốt mà không cần nhiều nước.
----------------------------------
CÁC NỘI
DUNG LIÊN QUAN
Ukraina
tổng phản công : Giờ của sự thật đã điểm !
No comments:
Post a Comment