Có
thể trừng phạt kinh tế Nga trong một nền kinh tế toàn cầu ?
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 13/06/2023 - 16:27
Nga lách cấm vận của phương Tây trừng phạt Matxcơva
xâm lược Ukraina đã đành, các doanh nghiệp Âu Mỹ dường như cũng đã rất mau
chóng tìm cách tiếp tục đưa hàng xuất khẩu sang Nga bằng mọi ngả nhờ
« kinh tế mở rộng ». Hay là ngược lại, mô hình kinh tế toàn cầu vận
hành từ những năm 1990 đã cho thấy những giới hạn của nó ?
Ảnh minh họa: Một tàu chở hàng đi vào cảng New York, Hoa Kỳ, ngày
30/06/2021. AP - Ted Shaffrey
Giải quần vợt quốc tế Roland-Garros 2023, vừa kết
thúc. Trong hai tuần lễ, hình ảnh con cá sấu của
nhà may Lacoste gắn trên ngực áo, trên mũ… của các vận động viên tràn ngập thế
giới, bởi Lacoste là một nhà tài trợ chính của sự kiện thể thao quan trọng này.
Một tuần lễ trước khi cuộc tranh tài mở màn, tổ
chức phi chính phủ Ukraina « Be4Ukraine » báo động, áo thun với hình con cá sấu của hãng Pháp này vẫn rất
« đắt hàng » trên lãnh thổ Nga. Lệnh cấm vận quốc tế không cấm cản
« cả chục cửa hiệu Lacoste vẫn hoạt động » và hàng vẫn được nhập vào
đều đặn để phục vụ cho một số khách hàng ở thủ đô Matxcơva.
Tập đoàn Pháp không vi phạm lệnh trừng phạt Âu
Mỹ ban hành nhắm vào nước Nga. Bởi lẽ Lacoste là đối tác của hãng Thụy Sĩ
Devanley. Công ty may mặc này sản xuất áo thun có cổ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tới nay
thì Ankara không về hùa với phương Tây « đoạn tuyệt » giao thương với
nước Nga của ông Putin. Do vậy qua trung gian của Devanley, Lacoste xuất khẩu
sang Thổ Nhĩ Kỳ để rồi từ đó áo thun, giầy, mũ thể thao, túi sách tay… của
nhãn hiệu con cá sấu Pháp vẫn dễ dàng tiếp tục hành trình đến Matxcơva hay những
thành phố lớn của Nga.
Doanh nghiệp phương Tây « đánh đường
vòng » để đưa hàng vào Nga
Căn cứ vào các thống kê của Hải Quan Liên Âu,
giám đốc nghiên cứu trường quản trị kinh doanh IESEG Paris Eric Dor trong báo
cáo giữa tháng 5/2023 ghi nhận : dưới tác động của các biện pháp trừng phạt
Nga, kim ngạch xuất khẩu của Liên Âu sang Liên Bang Nga giảm 38 % trong năm
2022. Nhưng đồng thời xuất khẩu từ châu Âu sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng 23 %, sang
Kirghizistan, thì đã nhân lên cao hơn gấp 3 lần (+345 %), so với hồi 2021.
Tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ, Kirghizistan hay
Ouzbekistan, Kazakhstan… nhiều thành viên trong khối G20 (20 nền kinh tế hàng đầu
thế giới), không áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga - trong đó có Ấn Độ hay
Brazil. G20 vẫn « tự do giao thương với Nga ». Bằng chứng rõ rệt nhất,
theo giáo sư Eric Dor là xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga tăng lên gần gấp đôi
(+82%) ; Giao thương giữa Armenia với Nga tăng thêm 222 % so với trước chiến
tranh. Chuyên gia Pháp kết luận : Có nhiều khả năng những khách hàng
của Liên Âu là cửa ngõ để hàng hóa của châu Âu vẫn đến được Nga. Liên Âu
« đóng cửa » giao thương với Nga, nhưng trái lại đã đẩy mạnh các hoạt
động mâu dịch với hầu hết các quốc gia chung quanh Liên Bang Nga, từ Armenia đến
những vùng « sân sau » của Matxcơva ở Trung Á.
Đó là chưa kể, trong một nền kinh tế toàn cầu
trong nhiều thập niên qua, các doanh nghiệp của Âu Mỹ đã « kết nối »
với các đối tác ở khắp mọi nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau (mở nhà máy gia
công, hợp tác liên doanh, các nhà cung cấp nguyên và nhiên liệu…) vậy thì làm
thế nào để « phong tỏa » một nền kinh tế - nhất là như trong trường hợp
của Nga ? Nga vừa có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên từ quảng mỏ đến
năng lượng, kim loại hiếm, vàng bạc đá quý…
Chỉ riêng trên hồ sơ cấm vận kim cương của
Nga, cũng đủ gây chia rẽ sâu rộng trong nội bộ của Liên Hiệp Châu Âu trước sự
chống đối mạnh mẽ của vương quốc Bỉ chẳng hạn bởi thành phố Anvers được mệnh
danh là « kinh đô kim cương » của thế giới. Bản thân Hoa Kỳ luôn trên
tuyến đầu « đánh túi tiền » của Matxcơva, nhưng Washington đã khá chừng mực
khi đòi « cấm vận kim cương » Nga.
Kinh tế toàn cầu đã bị khai tử ?
Điều đó không cấm cản cuộc chiến Ukraina đang
« vẽ lại » bản đồ thương mại thế giới. Trong lĩnh vực năng lương chẳng
hạn, chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn dầu khí Pháp TotalEnergies Patrick
Pouyanné ghi nhận việc khối G7 và Liên Âu « áp giá trần » đánh vào dầu
hỏa của Nga bán cho quốc tế đang từng bước « khai tử thị trường toàn cầu ».
Ông giải thích thêm, khó có thể tiếp tục nói tới một « thị trường toàn cầu »
khi mà Trung Quốc hay Ấn Độ không áp đặt điều kiện ngặt nghèo đó với các nhà
cung cấp Nga, thế còn Matxcơva bán dầu khí cho New Delhi hay Bắc Kinh với giá
thấp hơn đến 30-40 % so với giá niêm yết trên các thị trường của thế giới. Cũng
khó để nói đến một thị trường toàn cầu khi mà thế giới đang tạm thời xa lánh một
trong những mắt xích quan trọng nhất trong lĩnh vực này là Nga.
Về phần chuyên gia kinh tế Maxence Brischoux,
tác giả cuốn Le Commerce et la Force- Thương mại và Sức Mạnh, Nhà
xuất bản Calman–Levy, ông đã bác bỏ lập luận cho rằng mô hình « kinh tế
toàn cầu đang sụp đổ » dưới tác động của chiến tranh Ukraina. Trả lời đài
phát thanh tư nhân Radio Classique, chuyên gia này cho rằng, mô hình
« toàn cầu » như ở những thập niên 1990 và trong 15 năm đầu thế kỷ 21
không còn tồn tại. Thay vào đó bằng một « mô hình mới » theo ba hướng
như sau.
"Có nhiều xu hướng chính, mà thậm chí chúng có
thể mâu thuẫn với nhau, nhưng không có chuyện là mô hình toàn cầu hóa đang hay
sắp sụp đổ. Ở đây, mô hình đó chỉ đang được kiến tạo lại mà thôi và những chuyển
biến đó đi theo ba hướng. Đầu tiên hết là quyết tâm chính trị để kiểm soát trở
lại các hoạt động giao thương giữa các quốc gia với nhau. Đó là những quyết định
chính trị có thể được ghi nhận ở cấp rất cao trong các chính quyền. Những nước
lớn như là Mỹ hay Trung Quốc muốn áp đặt luật chơi, để những trao đổi về hàng
hóa, các luồng tài chính, những chương trình đầu tư vào công nghệ … phải phục vụ
các mục tiêu chính trị. Như vậy có nghĩa là chính sách thương mại có liên hệ trực
tiếp đến cả các vấn đề quân sự và ngoại giao. Ở một cấp thấp hơn và như chúng
ta đã thấy một chính phủ có thể huy động quần chúng để gây sức ép về thương mại.
Đó là đường lối mà ông Donald Trump đã theo đuổi. Ông ta đã thuyết phục được một
phần cử tri Mỹ chống lại chính sách mở cửa kinh tế. Chúng ta đã biết Hoa Kỳ
luôn bảo vệ mô hình kinh tế tự do và rộng mở".
Châu Á, trọng tâm của mô hình kinh tế toàn cầu
Điểm mới ở đây là trọng lượng của Âu Mỹ và nhất
là châu Âu theo tác giả cuốn sách Thương Mại và Sức Mạnh, đang bị
thu hẹp lại :
"Xu hướng thứ nhì –và theo tôi đây là một điểm
rất quan trọng, đó là tiến trình « phi phương Tây hóa » có nghĩa là vị
trí càng lúc càng bị thu hẹp lại của các nền kinh tế Âu Mỹ trong cái mà từ trước
đến nay chúng ta vẫn gọi là một nền kinh tế toàn cầu. Nói cách khác, mô hình
toàn cầu vẫn tiếp tục mở rộng nhưng ở những khu vực khác, với những đối tác
khác- chủ yếu đó là những quốc gia trong vùng châu Á Thái bình Dương. Trao đổi
mậu dịch tại các nền kinh tế này càng lúc càng đóng một vai trò quan trọng".
Trước khi Nga đưa quân xâm chiếm Ukraina, dịch
y tế Covid trong hai năm 2020-2021 đã cho thấy những giới hạn của một mô hình
kinh tế toàn cầu mà ở đó chuỗi cung ứng, dây chuyền sản xuất có thể bị đổ gẫy.
Từ đó Liên Âu cũng như là Hoa Kỳ đã có hẳn một chính sách « tự chủ »
về công nghiệp, về công nghệ… về các nguồn cung ứng…
Maxence Brischoux phân tích tiếp :
"Đành rằng nhiều quốc gia có xu hướng tự chủ
hơn, để bớt lệ thuộc vào các nền kinh tế nước ngoài, đồng thời họ tập trung nhiều
hơn vào các đối tác trong khu vực, tuy nhiên thế giới đang ít nhiều phải đối mặt
với những vấn đề chung, chẳng hạn như chống biến đổi khí hậu. Vậy làm thế nào để
phối hợp hành động vì khí hậu, nếu như mỗi quốc gia đều khẳng định quyết tâm
chính trị kiểm soát các luồng giao thương trong bối cảnh địa chính trị đã rất
căng thẳng như hiện nay ?"
Thương mại thuộc về hàng thứ yếu so với vế chính trị
Cuối cùng tác giả nhấn mạnh đến yếu tố chính
trị và địa chính trị càng lúc càng chi phối các hoạt động thương mại :
"Điểm then chốt - và đây cũng là điều tôi đã nhấn
mạnh trong cuốn sách của mình - dù rằng nói ra thì nghe có vẻ phũ phàng, nhưng
sự thực là trong mọi trường hợp thì giao thương và chính trị là hai mặt của
cùng một đồng tiền và đương nhiên là yếu tố chính trị quan trọng hơn cả. Câu hỏi
đặt ra là từ trước đến nay, kinh tế toàn cầu được ổn định, trao đổi mâu dịch đã
tăng rất nhanh nhờ trung gian của những định chế như Tổ Chức Thương Mại Thế Giới…
Trật tự đó thì lại ít nhiều lệ thuộc vào thế bá quyền của Hoa Kỳ. Vậy một khi
mà nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, rồi Nga hay những quốc gia tương đối nhỏ
hơn như Iran…không chấp nhận luật chơi do Mỹ áp đặt thì liệu rằng điều ấy có ảnh
hưởng đến các luồng trao đổi mậu dịch của thế giới hay không ? Nhất là khi
mà nhiều đối tác chủ chốt trong cuộc đã xem thương mại như là một công cụ chính
trị".
Chiến tranh Ukraina không là « nhát búa đầu
tiên » khai tử mô hình toàn cầu hóa và cũng không là điểm khởi đầu của tiến
trình « phi toàn cầu hóa ». Tuy nhiên giới chuyên gia đồng loạt cho rằng
ưu tiên trong những nước cờ về kinh tế, thương mại đang có những thay đổi. Thay
đổi đó theo Maxence Brischoux, xuất phát từ những mối « liên minh về quân sự,
chính trị ».
Tác giả cuốn sách Le Commerce et La
Force (phát hành năm 2021) cho rằng trong tương lai bàn cờ thương mại
thế giới có khuynh hướng phát triển tùy theo « từng khối » tùy theo lợi
ích chiến lược. Song lịch sử kinh tế thế giới đã nhiều lần chứng minh rằng, các
doanh nhân, các đại tập đoàn thường có một tính toán riêng với kim chỉ nam là
« lợi nhuận ». Bằng chứng rõ rệt nhất là không ít các tập đoàn của Mỹ
và châu Âu vẫn giữ liên lạc với các đối tác Nga.
----------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Nga
- đồng minh ngày càng phiền toái của Trung Quốc
No comments:
Post a Comment