Friday, November 25, 2022

LIÊN ÂU RẠN NỨT VÌ KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG và NHẬP CƯ, "MÓN QUÀ CHÍNH TRỊ" CHO PUTIN (Chi Phương / RFI)

 



Liên Âu rạn nứt vì khủng hoảng năng lượng và nhập cư, "món quà chính trị" cho Putin

 Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 25/11/2022 - 14:55

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20221125-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-ch%C3%A2u-%C3%A2u-r%E1%BA....BB%8B-cho-putin

 

Cuộc khủng hoảng năng lượng do chiến tranh Ukraina đã tác động mạnh đến cuộc sống của người dân cũng như nền kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu, nhưng lãnh đạo của 27 nước thành viên lại chậm chạp đưa ra giải pháp.

 

https://s.rfi.fr/media/display/0336d880-6cc1-11ed-9612-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/AP22298607453134.webp

Nhà máy điện Scholven của công ty năng lượng Uniper, ở Gelsenkirchen, Đức. Ảnh chụp ngày 22/10/2022. AP - Michael Sohn

 

Hầu hết các báo Pháp ra hôm nay 25/11/2022 đều quan tâm đến tình hình chiến sự ở Ukraina, đặc biệt là hậu quả các trận pháo kích gần đây của Nga. Nhiều thành phố chìm trong bóng tối. Hàng triệu người Ukraina phải đối mặt với cảnh không điện, không nước, không có máy sưởi dưới thời tiết giá lạnh của mùa đông ở Đông Âu. Trong khi phóng sự của Le Monde tại Kiev chỉ ra rằng nhiều toà nhà, cơ sở dân sự đã bị phá huỷ, thì Le Figaro và La Croix mô tả cách thích ứng của người dân, tìm mua máy phát điện, tích trữ nước và xăng. Chính quyền Kiev cho biết sẽ mở các trung tâm hỗ trợ, cung cấp điện, nước ấm và có hệ thống sưởi.   

 

Pháp cũng bấp bênh vì mùa đông

 

Còn tại Pháp, sưởi ấm vào mùa đông cũng là vấn đề của nhiều gia đình. Le Monde chạy tựa lớn trang nhất hôm nay “Năng lượng : sự rối rắm của các hỗ trợ cải tạo nhà”. Trong bối cảnh giá năng lượng leo thang và mùa đông đến gần. Các hỗ trợ tài chính để cải tạo hệ thống sưởi nhà, cần thiết để hạn chế tiêu thụ năng lượng, được đưa ra từ năm 2020, cho đến nay dường như vẫn chưa khả thi. Trong hồ sơ về chủ đề này, Le Monde nêu ra những bất cập của trang web cho phép đăng ký xin tài trợ từ Nhà nước MaprimeRenov. Trang web thường xuyên bị treo, khiến nhiều người có kế hoạch cải tạo lại nhà nản lòng, thậm chí là từ bỏ xin hỗ trợ của chính phủ hoặc bỏ dự án cải tạo vì chi phí đắt đỏ. 

 

Trong một bài đăng khác, Le Monde cho biết, tại Pháp, 22 % các gia đình phải chịu lạnh ở trong nhà vào năm 2021, (tăng 8 % so với năm 2020). Những ngôi nhà không có hệ thống giữ nhiệt tốt, có thể phải trả 800-1200 euro vào mùa đông. Đây là con số quá lớn đối với những hộ gia đình khó khăn, nhất là trong bối cảnh lạm phát phi mã như hiện nay. Từ năm 2019 đến 2021, số hoá đơn không được thanh toán tăng thêm 17 %. Pháp đã công bố hỗ trợ tài chính dưới hình thức chi phiếu năng lượng, trị giá từ 100 đến 200 euro, tùy theo mức thu nhập để đối phó với lạm phát, nhưng theo tổ chức phi chính phủ Fondation Pierre Albert, mức hỗ trợ này không đủ. Vì “để có thể sưởi ấm đủ vào mùa đông”, chi phí này có thể lên đến hàng nghìn euro. Năm 2021, khoảng 300 000 hộ gia đình đã tắt hệ thống sưởi, vì chi phí cao. Đại diện của Fondation Pierre Albert, ông Christophe Robert cho rằng nếu vấn đề sưởi ấm được giải quyết, thì có thể giúp “tiết kiệm 800 triệu euro liên quan đến chi phí về sức khoẻ và cứu mạng hàng ngàn người”. Giải pháp tốt nhất được đưa ra về lâu về dài đó là cải tạo hệ thống giữ nhiệt tốt hơn cho những gia đình có thu nhập thấp nhất.  

 

« Châu Âu đi vào ngõ cụt » 

 

Cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn là tâm điểm trong các bàn đàm phán tại Bruxelles. Theo Les Echos, cuộc họp của 27 bộ trưởng Năng Lượng của Liên Hiệp Châu Âu hôm thứ Năm, bàn về việc áp dụng áp giá trần khí đốt ở mức 275 euro/ Mêgawatt giờ [MWh], đã không đạt được đồng thuận. Một số nước cho rằng đây là mức giá quá cao, nhất là so với mức giá hiện nay là 120 euro/ MWh. Theo Le Figaro, “châu Âu đi vào ngõ cụt”. Bởi vì việc không áp được giá trần khí đốt kéo theo nhiều hệ lụy. Giá khí đốt quyết định giá điện. Nếu như giá điện tăng cao thì gần như tất cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng, đặc biệt là ngành công nghiệp sản xuất, tiêu thụ rất nhiều điện. Như vậy, giá sản phẩm cũng sẽ tăng theo trong khi mà các sản phẩm làm từ châu Âu đã phải cạnh tranh gay gắt với các phẩm sản xuất tại Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ.     

 

Les Echos cũng cho biết các bộ trưởng Năng Lượng đã nhất trí về việc triển khai các biện pháp để cùng mua chung khí đốt, hạn chế biến động giá năng lượng và đẩy nhanh các dự án năng lượng tái tạo. Thế nhưng, để thông qua các biện pháp này thì phải đợi đến phiên họp ngày 13/12. Theo Les Echos, trên thực tế, không còn nhiều thời gian nếu chưa áp được giá trần khí đốt, nhằm ngăn chặn việc tăng giá phi mã. Hậu quả là không chỉ toàn bộ ngành công nghiệp châu Âu bị suy yếu mà còn phản ánh hình ảnh mất đoàn kết ở Lục địa già, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng do cuộc chiến tranh Ukraina. Như vậy thì chẳng khác nào tặng “món quà chính trị” cho Putin, từng là nhà cung cấp khí đốt lớn của khối.   

 

Pháp – Đức có giải quyết được bất đồng ? 

 

Thêm vào đó, mối quan hệ giữa hai thành viên lớn trong Liên Hiệp Châu Âu là Pháp và Đức đang có nhiều căng thẳng cũng được nhiều báo số ra hôm nay quan tâm. Ngay trước chuyến công du của tổng thống Macron đến Hoa Kỳ, thủ tướng Pháp Elizabeth Borne đến Đức, gặp thủ tướng Olaf Scholz hôm nay tại Berlin. Theo Libération, chuyến thăm này nhằm giúp hai đối tác thân cận hàn gắn những rạn nứt kể từ khi Đức có chính phủ mới. Libération liệt kê lại các hồ sơ khiến hai bên căng thẳng : từ các hợp đồng sản xuất vũ khí giữa Pháp Đức và Tây Ban Nha cho đến việc Đức đơn phương huỷ cuộc họp Hội đồng bộ trưởng Pháp - Đức vì lý do các bộ trưởng của Berlin bận đi nghỉ dưỡng, hay cả việc Berlin muốn tăng cường mua thêm vũ khí từ Hoa Kỳ và Israel khiến Đức có nguy cơ phụ thuộc vào Hoa Kỳ.   

 

Theo Le Monde, thủ tướng Đức dường như được đánh giá là “lạnh nhạt”, “hờ hững” đối với Pháp, mặc dù biết rằng Pháp là một đối tác quan trọng. Olaf Scholz là một ẩn số. Chính vì điều này mà Pháp đang tìm cách làm thân với các thành viên khác trong chính phủ Đức, đặc biệt là đảng Xanh, một trong liên minh 3 đảng cầm quyền của Berlin. Còn theo Nhật báo kinh tế Les Echos, nhân chuyến thăm này thủ tướng Pháp muốn “bảo vệ dự thảo luật Buy european act”, một đạo luật mà Emmanuel Macron đã đề xuất vào tháng 10, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp xe hơi ở châu Âu, trước đối thủ Trung Quốc cũng như là để đáp trả lại chính sách bảo hộ, khuyến khích sản xuất trong nước của Hoa Kỳ, thông qua đạo luật Inflation Reduction Act (IRA), được Joe Biden thông qua gần đây.  

 

Nhiều doanh nghiệp chủ chốt của công nghiệp Đức, như Siemens Energy hay BMW đã bị các khoản hỗ trợ từ chính sách của Biden thu hút, đã lên kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất ở Hoa Kỳ. Les Echos cho biết các bộ trưởng Thương Mại của 27 nước Liên Âu sẽ họp tại Bruxelles hôm nay để thảo luận về vấn đề này.  

 

Làn sóng nhập cư mới ở Châu Âu  

 

Liên quan đến chủ đề nhập cư, Les Echos chạy tựa “Paris muốn tìm cách thoát khỏi khủng hoảng ở Bruxelles”, nhân cuộc họp của 27 bộ trưởng Nội Vụ của Liên Hiệp Châu Âu ngày hôm nay. Trang nhất nhật báo thiêu hữu Le Figaro đăng hình ảnh tàu Ocean Viking chở hơn 200 người tị nạn cập bến ở Toulon Pháp, sau khi bị đưa qua đẩy lại với Ý.   

 

Từ 10 tháng qua, Cơ quan Bảo vệ Biên giới Châu Âu (Frontex) đã ghi nhận khoảng 280 000 người nhập cư bất hợp pháp vào lãnh thổ của Liên Hiệp Châu Âu, đây là con số lớn nhất kể từ năm 2016. Xã luận Le Figaro mô tả một làn sóng di cư mới đang lan rộng ở biên giới Liên Hiệp Châu Âu. Từ vùng Balkan cho đến Địa Trung Hải, châu Âu đang cố gắng bịt lỗ hổng. Thế nhưng, các cải cách về tị nạn và nhập cư do Ủy ban Châu Âu trình bày cách đây hơn hai năm, khó đi vào thực thi tức thì. Trong khi đó, một số nước như Bỉ và Áo đã bị quá tải, khó có thể giải quyết hết số lượng đơn xin tị nạn cũng như vấn đề nhà ở, Le Figaro lưu ý trong một bài đăng cùng hồ sơ.   

 

Ngoài ra, cuộc chiến xâm lược của Nga đã khiến hàng triệu người Ukraina phải rời bỏ đất nước đi lánh nạn sang châu Âu. Le Figaro cho biết, Đức đã tiếp đơn hơn 1 triệu người đến từ Ukraina, con số này cao hơn nhiều so với giai đoạn 2015-2016 do xung đột ở Syria. Nhiều địa phương tại Đức quá tải, đã kêu gọi các phương án hỗ trợ khẩn cấp. Trong khi đó, một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng, Thụy Sỹ, dẫn đường cho người nhập cư không có giấy tờ từ Áo đến Bale, để chuyển hướng đến Đức hoặc Pháp, thay vì tiếp nhận họ. Xã luận Figaro kết luận rằng áp lực di cư đang đẩy các quốc gia rút lui về biên giới của họ, thay vì hợp lực, cùng nhau giải quyết.  

 

Thế giới xoay quanh Qatar

 

Về giải bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup 2022, diễn ra tại Qatar. Hầu hết các báo đều cập nhật, đưa phân tích về các trận đấu. Chẳng hạn như trên Le Monde, việc các cầu thủ của tuyển quốc gia Đức biểu tình, tất cả “che miệng”, ngay trước trận đấu với Nhật Bản để phản đối FIFA vì đã cấm bày tỏ ủng hộ cộng đồng LGBT. Hay trận đấu giữa Pháp và Đan Mạch diễn ra vào ngày mai 26/11 cũng khiến La Croix tốn nhiều giấy mực, phân tích sức mạnh của hai đội tuyển. Libération thì quan tâm đến những chuyện bên lề bóng đá ở Doha. Ví như chuyện các cổ động viên từ khắp nơi trên thế giới phải trả 200 euro/1 đêm để lưu trú tại một nơi không khác gì trại tị nạn, điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Mặc dù đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng hạ tầng phục vụ World Cup, nhưng quốc gia có diện tích chỉ bằng thành phố Paris, khó có thể tiếp đón hàng triệu người trong điều kiện tốt nhất.   

 

 



No comments: