Iran,
cuộc khủng hoảng bước vào giai đoạn nguy hiểm
Lê Tây Sơn - Saigon
Nhỏ
25 tháng 11, 2022
https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/iran-cuoc-khung-hoang-buoc-vao-giai-doan-nguy-hiem/
Ngày 24 Tháng Mười Một, các phương tiện truyền thông nhà nước Iran đưa
tin cầu thủ bóng đá Voria Ghafouri đã bị bắt với cáo buộc “phá hủy danh
tiếng của đội tuyển quốc gia” và “tuyên truyền chống lại nước Cộng hòa Hồi
giáo”. Trong khi đó, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng có phiên họp bất
thường về tình hình Iran.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-1443400850.jpg
World Cup 2022 là dịp người Iran thể hiện tiếng nói
mạnh mẽ chống đối chế độ hà khắc độc tài của họ (ảnh: Visionhaus/Getty Images)
World Cup là cơ hội
thể hiện của những người Iran bất đồng
Voria Ghafouri, cựu thành viên đội tuyển quốc
gia Iran và là người thường xuyên bị chính phủ đe doạ. Gần đây anh đăng thông
điệp trên Twitter lên án việc giết hại người Kurd. Ghafouri đã thi đấu nhiều lần cho đội tuyển quốc
gia trong thập niên qua và chơi cho một số câu lạc bộ của Iran. Hiện anh đang
chơi cho đội Foolad Khuzestan. ISNA, hãng thông tấn bán chính thức của nhà nước
Iran cho biết Hamidreza Garshasbi, Giám đốc điều hành của Foolad Khuzestan, đã
từ chức nhưng lý do không được công bố.
The
Washington Post cho biết, ngay trước
khi World Cup bắt đầu, một số người Iran đã kêu gọi FIFA, cơ quan quản lý bóng
đá thế giới, cấm đội tuyển quốc gia Iran thi đấu. Tuy nhiên, số khác cho rằng
việc Iran tham dự một sự kiện nổi tiếng như World Cup sẽ có lợi cho phong trào
nổi dậy, vì nó cho phép các cầu thủ và khán giả một cơ hội tốt để bày tỏ bất đồng
chính kiến với sự quan sát của truyền thông quốc tế.
Việc bắt giữ Ghafouri xảy ra vào thời điểm các
cầu thủ bóng đá Iran đang bị giám sát chặt chẽ vì những tuyên bố bất lợi của họ
về làn sóng nổi dậy trên toàn quốc ở Iran chưa có dấu hiệu kết thúc sau nhiều
tháng và là thử thách lớn nhất cho chế độ Hồi giáo trong thời gian gần đây. Đội tuyển quốc gia Iran, trong
trận đấu đầu tiên vòng chung kết với tuyển Anh vào ngày thứ Hai đã từ chối
hát Quốc ca. Hành động này được nhiều người xem là sự ủng hộ im lặng
các cuộc biểu tình đang diễn ra trong nước. Đài truyền hình quốc gia Iran chỉ
chiếu những hình ảnh chọn lọc số khán giả cổ vũ cho đội nhà trên khán đài trong
trận đấu và né những khẩu hiệu chống chính phủ.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-1444444080.jpg
(Photo by Lionel Hahn/Getty Images)
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-1245071876.jpg
World Cup 2022 là dịp người Iran thể hiện tiếng nói
mạnh mẽ chống đối chế độ hà khắc độc tài của họ (ảnh: Visionhaus/Getty Images)
Hội đồng Nhân quyền
Liên Hợp Quốc lên tiếng
Trong một diễn biến khác, người phụ trách quyền
con người của Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo một cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở
Iran trong bối cảnh chính quyền tăng cuòng đàn áp những người biểu tình. “Iran
đang ở trong một “cuộc khủng hoảng nhân quyền toàn diện khi chính quyền tìm
cách trấn áp những người bất đồng chính kiến chống chế độ” – Cao ủy Nhân quyền Volker Turk nhận định.
Trong phiên họp đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền
LHQ (UN Human Rights Council) diễn ra vào ngày 24 Tháng Mười Một, ông Turk kêu
gọi “mở cuộc điều tra độc lập, không thiên vị và minh bạch” về các vi phạm nhân
quyền ở Iran. Đất nước Cộng hòa Hồi giáo đã bị bao trùm bởi làn sóng biểu tình
chống chính phủ sau cái chết của Mahsa Amini, một nữ sinh 22 tuổi gốc người
Kurd bị cảnh sát đạo đức bắt giữ vào Tháng Chín với cáo buộc không đeo khăn
trùm đầu đúng cách và chết bất thường tại nơi giam giữ.
Kể từ đó, chính quyền đã mở một cuộc đàn áp, bắt
giữ và xâm hại cơ thể nhắm mục tiêu chính vào nhóm thiểu số người Kurd. Trong một
cuộc điều tra gần đây của CNN,
một số nhân chứng bí mật đã tiết lộ chính quyền đang sử dụng bạo lực trong các
trung tâm giam giữ kể từ khi bắt đầu cuộc nổi dậy toàn quốc chưa từng có tại
hơn 150 thành phố và khuôn viên 140 trường đại học ở tất cả 31 tỉnh của Iran.
“Hơn 14,000 người, gồm cả học sinh nhỏ tuổi đã bị bắt vì liên quan đến các cuộc
biểu tình và có ít nhất 21 người phải đối mặt với án tử hình và sáu người đã nhận
án tử hình – Turk nói – Chúng tôi nhận được báo cáo có nhiều người biểu tình bị
thương nhưng không dám đến bệnh viện vì sợ bị lực lượng an ninh bắt giữ.
Hàng trăm sinh viên đại học bị triệu tập để thẩm
vấn, bị đe dọa hoặc bị đuổi học. Tehran đã kịch liệt lên án cuộc họp khẩn cấp của
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, gọi đây là quyết định “kinh tởm và đáng hổ
thẹn” khi Bộ Ngoại giao Iran đã đồng ý thành lập một ủy ban quốc gia điều tra
những cái chết liên quan đến phong trào biểu tình.
Phó tổng thống Khadijeh Karimi phụ trách các vấn
đề gia đình và phụ nữ đại diện cho Iran tại phiên họp hôm thứ Năm, lên án nghị
quyết do Đức đề xướng “có động cơ chính trị” và mô tả “đây là một âm mưu được
dàn dựng cho những động cơ xấu phía sau”. Bà nhấn mạnh: “Các quốc gia như Đức,
Anh, Pháp không đủ sự tin cậy về mặt đạo đức để thuyết giảng người khác về nhân
quyền và yêu cầu triệu tập phiên họp đặc biệt về Iran”. Karimi cũng bảo vệ “phản
ứng thái quá” của lực lượng an ninh Iran và cho biết “chính phủ đã thực hiện
các biện pháp cần thiết sau cái chết đáng tiếc” của Amini.
Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Ấn Độ
NDTV, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani cho biết các cường quốc nước
ngoài đang can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Iran và tạo ra “những câu chuyện
bịa đặt”. Một nhà ngoại giao Mỹ nhắc lại bài báo của CNN nói về các vụ hãm hiếp
“ngoài sức tưởng tượng” và xem cưỡng hiếp như vũ khí trấn áp các nhà hoạt động
bị giam giữ. Bạo lực dã man của lực lượng an ninh Iran đối với những người biểu
tình đã ảnh hưởng lớn đến quan hệ ngoại giao giữa Tehran và các lãnh đạo phương
Tây.
Ngày 23 Tháng Mười Một, Toà Bạch Ốc đã áp đặt
đợt trừng phạt mới đối với ba quan chức chính quyền ở khu vực có đa số người
Kurd ở Iran, sau khi Bộ trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông “rất lo ngại
chính quyền Iran đang leo thang bạo lực chống lại những người biểu tình”.
.
============================================
.
Hiếu
Chân/Người Việt
November 22, 2022
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/iran-cang-ngay-cang-nguy-hiem/
Một sự kiện hy hữu vừa xảy ra tại giải bóng đá
thế giới World Cup đang diễn ra ở Qatar: Đội tuyển quốc gia Iran không hát quốc
ca của nước này trước trận gặp đội tuyển Anh hôm 21 Tháng Mười Một trên sân vận
động Khalifa International. Hành động chưa từng có tiền lệ đó là nhằm biểu thị
sự ủng hộ của các cầu thủ với cuộc đấu tranh ở quê nhà.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/11/BL-Iran-Khong-Hat-Quoc-Ca-1068x660.jpg
Các tuyển thủ Iran
không hát quốc ca trước trận gặp Anh ở World Cup 2022 tổ chức tại Qatar hôm 21
Tháng Mười Một. (Hình: Matthias Hangst/Getty Images)
Truyền hình nhà nước Iran không chiếu cảnh các
cầu thủ xếp hàng đứng im khi quốc thiều Iran cất lên. Các cầu thủ Iran cũng
không tỏ dấu hiệu mừng rỡ thường thấy khi họ đá vào lưới đội Anh hai quả, dù
chung cuộc Iran bị thua với tỷ số 6-2. Trên khán đài, cổ động viên Iran giương
cao biểu ngữ có dòng chữ lớn “Phụ nữ. Cuộc sống. Tự do,” thể hiện sự đồng cảm với
những phụ nữ đang đấu tranh ở trong nước. Họ còn hát vang bài quốc ca Iran thời
trước Cách Mạng Hồi giáo – được coi như một cử chỉ phản đối chính quyền Hồi
Giáo hiện hành.
Trước đó một ngày, ở thủ đô Tehran, hai nữ nghệ
sĩ nổi tiếng của Iran – Hengameh Ghaziani và Katayoun Riahi – bị bắt vì công
khai lột bỏ khăn trùm đầu, gọi là “hijab,” để bày tỏ sự ủng hộ người biểu tình.
Hai nghệ sĩ bị chính quyền cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước!”
Truyền thông quốc tế cho biết ngày càng có nhiều
nhân vật tên tuổi ở Iran công khai ủng hộ các cuộc biểu tình làm rung chuyển đất
nước này trong suốt hai tháng qua. Họ đăng lên mạng xã hội những hình ảnh và
thông điệp phê phán chính phủ, lên án luật lệ hà khắc về trùm khăn của phụ nữ.
Có ít nhất chín nhân vật nổi tiếng như vậy đã bị cảnh sát triệu tập thẩm vấn vì
họ dám phản đối nhà cầm quyền Hồi Giáo.
Cuộc biểu tình kéo dài hơn hai tháng nay khắp
Iran bắt đầu từ cái chết của một cô gái 22 tuổi, tên là Mahsa Amini, hôm 16
Tháng Chín, khi cô đang bị “cảnh sát đạo đức” giam giữ vì không đội khăn
“hijab” đúng cách. Cuộc biểu tình nổ ra vào ngày Thứ Sáu, 23 Tháng Chín, đa số
người tham gia là phụ nữ, lúc đầu chỉ tập trung đòi hỏi chính quyền chấm dứt bạo
lực, phân biệt đối xử với phụ nữ và ngưng bắt buộc phụ nữ đội khăn trùm đầu.
Nhưng sau đó phong trào lan rộng ra cả nước, kêu gọi chấm dứt chế độ Hồi Giáo ở
Iran và trở thành một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với chế độ
chuyên chế cuồng tín này.
Như thường lệ, giới tăng lữ cầm quyền ở Tehran
lại đổ lỗi cho thế lực thù địch nước ngoài đã dàn dựng, kích động các cuộc biểu
tình để gây bất ổn xã hội và làm suy yếu chế độ Iran. Đáp lại, chính quyền Iran
đã dùng tất cả những biện pháp đàn áp quyết liệt nhất, từ cắt mạng Internet đến
sử dụng lực lượng Vệ Binh Cách Mạng bắn lựu đạn cay và cả đạn thật để giải tán
đám đông. Những hình ảnh từ Iran truyền ra cho thấy, càng bị đàn áp, phong trào
biểu tình càng lan rộng, người Iran đang mạo hiểm cả mạng sống để đòi tự do và
quyền công dân.
Nhật báo The Washington Post ghi nhận, sau
đúng hai tháng biểu tình, đến 22 Tháng Mười Một, đã có 419 người bị giết chết,
trong đó có 60 trẻ em, và 17,451 người bị bắt giữ. Hai ngày cuối tuần qua, lực
lượng an ninh sử dụng xe bọc thép bắn đạn thật vào những người biểu tình trong
và xung quanh khu vực người Kurd – một sắc tộc thiểu số ở phía bắc Iran. Chính
quyền Iran còn tuyên án tử hình bốn người bị cáo buộc tham gia tuần hành trên
đường phố – một bản án hoàn toàn không chấp nhận được cho hành vi phản kháng
chính trị. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình không có dấu hiệu suy yếu.
Đội tuyển bóng đá Iran, được gọi trìu mến là
“Team Melli,” vẫn thường được coi là niềm tự hào dân tộc của quốc gia Trung
Đông mê đá banh này. Trước khi lên đường tham dự World Cup, toàn đội đến chào Tổng
Thống Ebrahim Raisi, người có đường lối cứng rắn, làm cho cả xã hội bất bình,
nhiều người lên tiếng đòi đội này rút khỏi giải đấu. Nhưng hành vi từ chối hát
quốc ca của các cầu thủ Iran tại Qatar và hình ảnh đó được truyền đi khắp thế
giới, được đánh giá là can đảm, dù là muộn màng và không đủ mạnh mẽ. Nó cũng
cho thấy chính nghĩa của phong trào đòi dân chủ của người dân Iran đang có sức
lôi cuốn mạnh mẽ, có triển vọng làm thay đổi thể chế chính trị ở một quốc gia
theo chế độ thần quyền độc đoán thuộc loại khắc nghiệt nhất thế giới.
***
Thật ra không phải đến lúc này người Iran mới
xuống đường biểu tình chống chính quyền tăng lữ. Cuộc bạo loạn, gọi là Cách Mạng
Hồi Giáo, lật đổ nhà nước quân chủ Iran năm 1979, đã lập ra một chế độ cai trị
theo luật Hồi Giáo, quyền lực tập trung vào tay một nhóm người không được bầu
lên, gọi là Hội Đồng Giáo Sĩ, do một giáo chủ dòng Shiite đứng đầu. Guồng máy
chính quyền các cấp chỉ là tổ chức thực thi giáo luật do hội đồng giáo sĩ đặt
ra. Các quyền tự do căn bản của công dân không tồn tai.
Xã hội không có dân chủ tự do, kinh tế suy yếu
vì bị Mỹ cấm vận do nghi ngờ Iran theo đuổi việc phát triển vũ khí nguyên tử đã
kích thích nhiều cuộc nổi dậy của người Iran. Năm 2009, Iran rung chuyển vì các
cuộc biểu tình ủng hộ các ứng cử viên đối lập sau khi tổng thống đương nhiệm
khi ấy là ông Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố chiến thắng bầu cử. Hàng nghìn người
bị bắt và 72 người đã thiệt mạng trong cái được gọi là “Phong Trào Xanh.” Một
cuộc biểu tình đẫm máu khác nổ ra khi giá nhiên liệu tăng cao vào năm 2019,
trong đó ước tính có khoảng 1,500 người thiệt mạng.
Nhưng phong trào biểu tình hiện nay khác xa những
gì diễn ra trong quá khứ. Nó là sự bùng nổ của nỗi tức giận đã dồn nén trong
nhiều năm, là phi tôn giáo, và nêu cao các yêu cầu thay đổi chế độ. Nó được phụ
nữ và những người trẻ tuổi lãnh đạo nhưng thu hút được sự đồng cảm của người
dân các sắc tộc, các thành phần xã hội của Iran mà sự ủng hộ của các nghệ sĩ, cầu
thủ bóng đá kể trên là minh chứng. Người biểu tình hiện nay dường như đã mạnh dạn
hơn, không sợ hãi như trước. Thế giới không có nhiều dân tộc bị một chế độ độc
tài toàn trị chà đạp dám thức tỉnh và dũng cảm xuống đường phản kháng bạo quyền
như người Iran.
***
Xung đột giữa chế độ thần quyền Iran với người
dân nước này sẽ đi đến đâu là điều chưa biết trước được. Có thể chế độ thần quyền
sẽ bị lật đổ, người Iran giành lại được tự do và dân chủ. Nhưng cũng có khả
năng phong trào phản kháng sẽ bị dìm trong biển máu và tàn lụi.
Không chỉ đàn áp người dân trong nước, mà trên
bình diện quốc tế, Iran càng ngày càng tỏ ra là một chế độ nguy hiểm. Là một quốc
gia trong “trục ma quỷ mới,” gồm Trung Quốc, Nga, Iran, và Bắc Hàn, như nhận định
của nữ Thượng Nghị Sĩ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee).
Trong cuộc chiến tranh Ukraine, Iran đã cung cấp
hàng trăm phi cơ không người lái cảm tử Shahed-136 để quân Nga tấn công các cơ
sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Iran còn hợp tác với Nga chế tạo các loại vũ
khí đó trên đất Nga.
Tham vọng vũ khí nguyên tử của Iran vẫn được
thực hiện một cách bí mật trong lúc Tehran tiếp tục từ chối yêu cầu đàm phán của
Hoa Kỳ về việc khôi phục thỏa thuận nguyên tử Iran được ký thời chính quyền
Barack Obama năm 2015 nhưng bị Tổng Thống Donald Trump rút lui năm 2018. Trong
bốn năm qua, Iran đã tăng cường tinh chế uranium và có dự định sớm chế tạo một
quả bom nguyên tử.
Khó có thể đàm phán xây dựng với một chế độ thần
quyền đang tàn nhẫn đàn áp người dân của chính họ và đứng về phía quân Nga xâm
lược đang hủy diệt Ukraine. Triển vọng ngăn chặn tham vọng vũ khí nguyên tử của
Iran đang trở nên xa vời nếu phong trào phản kháng của người dân không làm thay
đổi được chế độ chuyên chế thần quyền hiếu chiến ở Tehran. [đ.d.]
No comments:
Post a Comment