Saturday, November 26, 2022

CHIẾN TRANH UKRAINA : NGA MUỐN BIẾN MÙA ĐÔNG GIÁ RÉT THÀNH VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT (Thùy Duông / RFI)

 



Chiến tranh Ukraina : Nga muốn biến mùa đông giá rét thành vũ khí hủy diệt hàng loạt

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 26/11/2022 - 09:20

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20221126-chien-tranh-ukraina-nga-mua-dong-vu-khi-huy-diet

 

Tổng thống Ukraina tố Nga muốn biến mùa đông giá rét thành vũ khí hủy diệt hàng loạt ; COP27 và quỹ bồi thường "tổn thất và thiệt hại" cho các nước kém phát triển : Bước tiến lớn về ngoại giao ; Bạo lực ở Foxconn-nhà máy chế tạo iPhone lớn nhất thế giới bộc lộ sự ngán ngẩm của người dân Trung Quốc ; Lạm phát cao hiếm có và nạn cúm gia cầm đe dọa bữa sáng truyền thống kiểu Anh. Trên đây là những chủ đề chính trong tạp chí Thế giới đó đây tuần này.

 

https://s.rfi.fr/media/display/4014ee38-67f6-11ed-a0ed-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/ucrania-2.webp

Tuyết đã rơi tại thủ đô Kiev, Ukraina, ngày 17/11/2022, trong khi điện vẫn khan hiếm, người dân thiếu cả nước nóng và hơi ấm để sưởi. AP - Andrew Kravchenko

 

Mùa đông : Vũ khí hủy diệt hàng loạt của điện Kremlin nhắm vào Ukraina

 

Tổ Chức Y Tế Thế Giới hôm 21/11/2022 cảnh báo, cuộc sống của hàng triệu người Ukraina đang bị đe dọa, sau hàng loạt vụ tấn công của Nga gần đây vào các hạ tầng năng lượng ở Ukraina. Ngày 22/11, tổng thống Zelensky phát biểu trực tuyến tại cuộc họp của Hiệp hội các thị trưởng Pháp, kêu gọi các thị trưởng Pháp giúp đỡ người dân đất nước ông « sống sót qua mùa đông », bởi vì « điện Kremlin đang muốn biến cái giá lạnh của mùa đông thành vũ khí hủy diệt hàng loạt » và thành công cụ khủng bố buộc Ukraina phải quy hàng quân Nga.  

Sau hơn một tháng rưỡi quân Nga dồn dập bắn phá vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina, người dân Ukraina đang phải đối mặt với một mùa đông được dự báo là khắc nghiệt. Điện khan hiếm, kể cả ở thủ đô Kiev, kéo theo đó là thiếu nước nóng và hơi ấm để sưởi, trong khi tuyết đã bắt đầu rơi tại nhiều nơi trên khắp cả nước.

 

Từ Kiev, đặc phái viên Clea Broadhurst gửi về bài phóng sự :

 

« Tania đang ngồi bên một chiếc bàn trong quán cà phê, vì nhà cô vừa bị cúp điện - điện bị cúp 3 lần mỗi ngày, trong vòng 4 tiếng đồng hồ. Cũng như nhiều người, cô Tania đang chuẩn bị đối phó với một mùa đông khắc nghiệt. Tania nói : "Chúng tôi có quần áo ấm, tất và chăn. Chúng tôi đang nghĩ đến việc mua một bộ tích điện, ít nhất là để cắm tủ lạnh, bởi vì khi bị cúp điện, thức ăn của chúng tôi sẽ hỏng hết. Nếu chúng tôi không có điện thì ban công sẽ thành tủ lạnh".

 

Ở tầng dưới cùng của tòa nhà nơi Tania ở là một cửa hàng nhỏ của bà Natalia. Vợ chồng Natalia đã đầu tư mua một máy phát điện, bởi vì họ bán sản phẩm tươi sống, chẳng hạn như thịt và phô-mai. Bà nói : "Máy này giá cao và dùng không thoải mái, cửa hàng của chúng tôi thì nhỏ, còn máy phát điện thì rất to và gây nhiều tiếng ồn. Nhiều người thấy quá là ồn ào, nhưng ai cũng vui vẻ đến mua đồ tươi. Và đôi khi, họ đến nhờ chúng tôi cho đun sôi nước hoặc sạc các thiết bị điện. Chúng tôi làm hết sức những gì có thể".

 

Việc cúp điện theo lịch cho phép tiết kiệm điện.Trong bếp, bà Genia đang trữ nước nóng cho những giờ sắp tới.

 

Bà nói : "Tôi cảm thấy oán giận và điều đó khiến tôi khó chịu, nhưng khi chúng tôi biết những gì mà các binh lính đang phải trải qua, những người đang chiến đấu vì chúng tôi, bảo vệ cuộc sống của chúng tôi, mang lại thắng lợi cho chúng tôi, tôi thấy họ còn gặp nhiều khó khăn hơn tôi. Họ không có những tiện nghi dù là ở mức tối thiểu nhất, không điện, chẳng có nước và cũng không được sưởi ấm… Thế nên, nếu không có điện thì tôi sẽ chịu đựng, bởi vì tình hình còn tệ hại hơn đối với các binh lính, trong khi họ đang bảo vệ chúng tôi".

 

Vì sự hy sinh thiếu thốn của các binh sĩ, nên bà Genia sẵn sàng chịu đựng, dù phải mất bao lâu đi chăng nữa ».

 

COP 27 và quỹ bồi thường « tổn thất và thiệt hại » cho các nước kém phát triển : Bước tiến khổng lồ về ngoại giao

 

Hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc, COP27, tại Charm El Cheikh, Ai Cập, vào giờ chót, hôm 21/11/2022 cuối cùng đã đưa ra được thông cáo chung. Bên cạnh việc duy trì mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái đất đến cuối thế kỷ 21 chỉ tăng tối đa 1,5°C, một thành công lớn khác là COP27 thống nhất được về việc lập quỹ đền bù các tổn thất và thiệt hại cho các nước đang phát triển, nạn nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu. Đây được xem là một tiến bộ để bảo đảm « công bằng » giữa những nước phát thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính và những quốc gia phải hứng chịu hậu quả của hiện tượng Trái đất bị hâm nóng.

 

Đặc phái viên RFI Géraud Bosman-Delzons, trở về từ Charm El Cheikh, Ai Cập, sau COP27, ngày 21/11/2022 giải thích về lịch sử hình thành Quỹ bồi thường « tổn thất và thiệt hại » cho các nước chịu tác động nặng nề về biến đổi khí hậu :

 

« Vào năm 1991, người ta mới bắt đầu xây dựng các cuộc đàm phán về khí hậu. Các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương ngay từ khi đó đã lo lắng về mực nước dâng cao. Thay mặt liên minh, quốc đảo Vanuatu đề xuất thành lập một hệ thống bảo hiểm, một giải pháp mà hiện nay liên minh này chối bỏ, thay vào đó họ ủng hộ việc lập một quỹ thực sự được cấp tiền và có sẵn tiền ngay lập tức.

 

Trong nhiều năm, đã không có tiến triển gì. Phải đợi đến hội nghị COP năm 2013 tại Ba Lan thì cơ chế Vacxava mới được tạo lập, và sau đó đến năm 2019 thì hình thành mạng lưới Santiago. Đây là 2 thực thể cực kỳ quan trọng về nguyên tắc nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động.

 

Các lối thoát đã được mở ra tại hội nghị COP26 hồi năm 2021. Công lý khí hậu trở thành câu thần chú. Scotland hứa hẹn chi hai triệu bảng, tiếp theo là Wallonie của Bỉ. Vào tháng 9, đến lượt Đan Mạch cam kết chi khoảng 13 tỷ đô la. Mọi việc dường như đã tiến triển rất tốt. Tại Charm El Cheikh, Ai Cập, chủ đề về các tổn thất và thiệt hại nằm trong chương trình đàm phán chính thức.

 

Đó là thắng lợi đầu tiên, nhưng vấn đề được bàn đến hơi muộn, các thảm họa khí hậu nối tiếp nhau, các thiệt hại ngày càng gây tốn kém và các nước phía nam (các nước đang phát triển) khẩn thiết đòi thành lập một quỹ với tiền từ các nước phía bắc (các nước phát triển). Nguyên tắc hiện giờ đã được ghi nhận. Dưới góc độ ngoại giao, đó là một bước tiến khổng lồ. »

 

Trung Quốc : Bạo lực ở nhà máy chế tạo iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn bộc lộ sự ngán ngẩm của dân chúng  

 

Sau gần 3 năm áp dụng chính sách Zero Covid nghiêm ngặt, hôm thứ Sáu 11/11/2022, chính phủ Trung Quốc đã công bố 20 biện pháp mới, nới lỏng quy định phòng chống dịch. Đây được xem là một bước tiến tại Trung Quốc, bởi vì chính sách Zero Covid kéo dài đã ảnh hưởng không chỉ đến kinh tế mà còn tác động mạnh mẽ đến cả tâm lý dân chúng.

 

Hồi cuối tháng 10/2022, vài trăm người Tây Tạng đã biểu tình tại thủ phủ Lhassa, phản đối các quy định phong tỏa chống dịch khắc nghiệt. Đây là điều đáng nói vì rất hiếm khi xảy ra biểu tình tại Tây Tạng, một vùng tự trị ở miền tây Trung Quốc bị chính quyền Bắc Kinh kiểm soát nghiêm ngặt.

 

Trong khi đó, tại thành phố Trịnh Châu, cụ thể là ở nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, thuộc sở hữu của nhà thầu Đài Loan Foxconn. Nhà máy được ví như một đô thị do quy mô cực kỳ lớn, hoạt động khép kín vì có nhiều công nhân nhiễm virus corona. Nỗi khiếp sợ bị lây bệnh từ các đồng nghiệp nhiễm virus và điều kiện sống khắc nghiệt, thiếu thốn đủ bề tại những khu ký túc xá bị cách ly đã khiến hàng chục ngàn công nhân bỏ trốn về quê.

 

Đến hôm 23/11, đông đảo công nhân nhà máy đã biểu tình phản đối điều kiện làm việc và sinh hoạt, cũng như yêu cầu ban lãnh đạo trả tiền thưởng như đã hứa. Ông Jean-François Huchet, giáo sư Học Viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông Inalco, Paris, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, ngày 23/11 trên đài RFI Pháp ngữ cho biết thêm :

 

« Đã có một số cảnh báo từ những tuần trước. Tại Quảng Châu, thành phố lớn nằm ở phía nam gần Hồng Kông, đã có một số phản ứng rất dữ dội nhắm vào cảnh sát và sau đó là các nhân viên mặc bộ đồ bảo hộ màu trắng. Những người đến để triển khai chính sách Zero Covid : Họ phong tỏa hoàn toàn một khu vực.

 

Dường như trong nhà máy Foxconn đã có một số chuyện tích lũy lại trước khi xảy ra những cảnh bạo lực như vừa rồi. Trước tiên, cách nay vài tuần, đã có rất nhiều ca nhiễm Covid. Tiếp theo đó, có tin đồn là họ sẽ cho thử nghiệm một điều gì đó ở nhà máy Foxconn vốn được ví như cả một đô thị, bằng cách không cách ly mọi người nữa và xem rồi sẽ có bao nhiêu người nhiễm bệnh nặng hoặc thậm chí có thể chết vì Covid. Đó là những tin đồn. Và cuối cùng rất nhiều công nhân đã ra đi. Vì thế, Foxconn đã thông báo thưởng cho những người mới được tuyển dụng nhưng rõ ràng là không tôn trọng các hợp đồng để trả những khoản tiền thưởng này.

 

Nỗi bất mãn của những người ở lại làm việc cộng với nỗi bất mãn của những nhân công mới đến đã dẫn đến nạn bạo lực này. Họ chán ngán dịch Covid, nhưng rõ ràng là cũng ngán ngẩm về chính sách của riêng Foxconn. Nhà máy đã không tôn trọng các cam kết đã đưa ra về lương bổng ».

 

Đối với nhà nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc, Jean-François Huchet, tình hình ở nhà máy Foxconn, Trịnh Châu, cũng là một biểu hiện cho thấy sự chán ngán của người dân Trung Quốc nói chung :

 

« Điều này không có gì mới mẻ, Trung Quốc đã bị kìm kẹp trong suốt gần 30 năm qua về điều kiện làm việc trong những nhà máy của các nhà thầu. Foxconn không phải là nhà máy duy nhất có những điều tồi tệ xảy ra. Quả thực là có nhiều trường hợp còn nghiêm trọng hơn đang diễn ra ở các tỉnh khác. Nhưng tôi tin rằng hiện giờ ngay chỉ với những vấn đề liên quan đến Covid thì một phần dân chúng cũng đã thực sự chán ngán. Nay kết hợp cả các biện pháp hạn chế để chống dịch với những vấn đề về lương bổng, điều kiện làm việc, thì tôi nghĩ rằng các cuộc biểu tình và phản ứng rất dữ dội của người lao động chính là hệ quả. Đơn giản là người lao động tìm cách được hưởng quyền của họ ».

 

Lạm phát cao hiếm có và nạn cúm gia cầm đe dọa bữa sáng truyền thống kiểu Anh

 

AFP hôm 22/11 trích dẫn lãnh đạo phe đối lập Công đảng, Keir Starmer, trong cuộc họp của CBI, tổ chức chính của giới chủ Anh, theo đó, Anh là nước duy nhất trong khối G7 nghèo đi sau đại dịch Covid-19. Khủng hoảng do Covid-19, rồi đến lạm phát cao kỷ lục tính từ 40 năm nay, đặc biệt do tác động của chiến tranh Ukraina, và nay đến dịch cúm gia cầm làm giá cả tăng chóng mặt.

 

Một nét văn hóa truyền thống, tại một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới, cũng bị « vạ lây ». Đó là « English breakfast », bữa sáng kiểu Anh. Bữa sáng truyền thống của người Anh gồm thịt xông khói, bánh mì nướng, đậu trắng sốt cà chua, hai xúc xích và không thể thiếu một quả trứng. Thế nhưng, trứng ngày càng khan hiếm và đắt đỏ.

 

Từ Luân Đôn, thông tín viên Émeline Vin gửi về bài phóng sự :

 

« Trên những chiếc bàn kim loại của quán Pop Inn Café, bữa sáng kiểu Anh được phục vụ suốt cả ngày. Nhưng đầu bếp Cengiz đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng nguyên liệu.

 

Ông nói : "Nhà cung cấp thường ngày của chúng tôi không còn giao trứng gà nuôi thả rong cho chúng tôi nữa vì dịch cúm gia cầm. Chúng tôi đã phải thay đổi nhà cung cấp, nhưng chất lượng trứng kém hơn. Ngoài ra, giá trứng cũng đã tăng gấp đôi. Chúng tôi chẳng còn lời lãi được bao nhiêu".

 

Các nhà hàng, quán xá khác thậm chí còn thay thế món trứng ốp-la bằng khoai tây chiên. Ông Cengiz còn tính đến chuyện tăng giá biểu tượng bữa sáng kiểu Anh lên một chút. Mức giá hiện nay là 10 bảng Anh (12 euro).

 

Ông giải thích : "Chúng tôi muốn giữ giá thực đơn của mình lâu hơn nữa, nhưng chúng tôi sẽ phải thay đổi. Không chỉ trứng mà mọi thứ đều tăng giá, chẳng hạn dầu ăn."

 

Trước mắt, lượng khách vẫn chưa giảm. Bà Fiona, một khách quen của quán Pop Inn Cafe, gần như ngày nào cũng đến ăn.

 

Bà chia sẻ : "Ở đây có cả một cộng đồng. Có các công nhân, những người làm việc từ sáng sớm và đến đây ăn một bữa thật ngon trước khi bắt đầu ngày làm việc mới. Có những người thì đến vào ngày nghỉ cuối tuần cho thoả thú vui nho nhỏ của họ. Đó là một truyền thống thực thụ ở nước Anh! Nhưng truyền thống này sẽ ngày càng giảm đi. Chúng ta đang trong giai đoạn suy thoái, nên cũng phải sống thực tế."

 

Còn để tự làm một bữa sáng truyền thống kiểu Anh ở nhà, do dịch cúm gia cầm khiến trứng khan hiếm, các siêu thị đang định mức số vỉ trứng mỗi khách được mua ». 

 

-----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

WHO báo động sức khỏe hàng triệu dân Ukraina bị đe dọa trong mùa đông

 

Một nửa các nhà máy điện Ukraina bị hư hại, Kiev cầu viện Liên Âu

 

Mùa đông: Yếu tố quyết định cho diễn tiến của cuộc chiến Ukraina?

 




No comments: