Monday, November 28, 2022

TẬP CẬN BÌNH DỊU GIỌNG Ở CÁC THƯỢNG ĐỈNH KHU VỰC, NHƯNG HÒA BÌNH CHƯA QUAY LẠI BIỂN ĐÔNG (Trương Minh Vũ, RFA)

 



Tập Cận Bình dịu giọng ở các thượng đỉnh khu vực, nhưng hoà bình chưa quay lại ở Biển Đông

Bình luận của Trương Minh Vũ
2022.11.27

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/xi-jinping-soft-approach-at-regional-summits-scs-not-at-peace-11272022094506.html

 

Những khoảnh khắc bất ngờ của Chủ tịch Tập Cận Bình tại các hội nghị thượng đỉnh ở Đông Nam Á hồi tuần trước đã mang đến những cái nhìn hiếm hoi về nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ và sự trấn an về chính sách ngoại giao thời hậu đại dịch của ông. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/xi-jinping-soft-approach-at-regional-summits-scs-not-at-peace-11272022094506.html/@@images/3bb32c11-de6c-4a99-b459-ac2b72aa7f72.jpeg

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại APEC ở Bangkok hôm 19/11/2022.   AFP

 

Trái ngược với thái độ cứng rắn của ông tại Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội XX) vào tháng trước, nơi ông tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ, Tập Cận Bình tỏ ra thân mật và hợp tác tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bangkok cách đây không lâu.

 

Con sói đã trở thành cừu?

 

Đọc Tuyên bố chung nhân dịp kỷ niệm 20 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được thông qua ngày 11/11 vừa qua và bài phát biểu của Tập Cận Bình tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á–Thái Bình Dương (APEC) hôm 17/11 tưởng chừng như các vấn đề ở Biển Đông đã kết thúc và một kỷ nguyên hòa bình đã bắt đầu với cách tiếp cận thay đổi của Trung Quốc. 

 

Tuyên bố chung trên nhấn mạnh về việc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Tuyên bố cũng nhấn mạnh cam kết duy trì và thúc đẩy một môi trường có lợi để thực thi đầy đủ, hiệu quả DOC và để sớm thông qua một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, dựa trên sự đồng thuận, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982. Trong khi “cam kết duy trì, thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông đã được tái khẳng định”, tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng “các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, UNCLOS 1982, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), năm nguyên tắc chung sống hòa bình, và các nguyên tắc được công nhận phổ quát khác của luật pháp quốc tế sẽ đóng vai trò là những chuẩn mực cơ bản chi phối quan hệ của các quốc gia” (1). 

 

Tương tự, bài phát biểu của Tập Cận Bình tại APEC (ngày 17/11/2022) cũng đi theo đường hướng trên. Ông Tập đã nói về sự cần thiết phải đi theo con đường phát triển hòa bình, cởi mở và bao trùm, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của tiêu chuẩn kết nối cao hơn nữa cũng như đặt kế hoạch cho “Sáng kiến phát triển toàn cầu” (GDI) của ông nhằm giải quyết sự mất cân bằng trong phát triển (2).

 

Cả hai bài phát biểu trên của Tập Cận Bình đều chỉ ra rằng đã có sự thay đổi quan điểm của Chủ tịch Trung Quốc và “kỷ nguyên chèn ép, bắt nạt” sẽ chấm dứt. “Chung sống trong tình trạng hỗn loạn” ở Biển Đông sẽ được chuyển thành “chung sống trong hòa bình” mà không có sự xâm phạm nào đối với các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia khác và khu vực này sẽ được quản lý bởi luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Không có kịch bản nào tốt hơn có thể được hình dung cho Biển Đông, nơi căng thẳng đang leo thang. Một số chuyên gia nhận định rằng sau khi đảm bảo nhiệm kỳ thứ ba, Tập Cận Bình đang cố gắng quảng bá hình ảnh của mình như một chính khách có trách nhiệm và là sứ giả hòa bình.

 

Sói vẫn là sói cho dù đội lốt cừu

 

Tuy nhiên, điều này quá xa vời. Những tuyên bố như vậy cũng đã được đưa ra trước đó. So sánh hai bài phát biểu trên với Tuyên bố chung được đưa ra năm 2021 nhân dịp kỷ niệm 30 năm Đối thoại ASEAN-Trung Quốc, cho thấy rằng những đảm bảo tương tự cũng đã được đưa ra khi đó. Tập Cận Bình đã đưa ra các cam kết tương tự trong tất cả các hoạt động tiếp xúc ngoại giao. Tại APEC, ông Tập đã cố gắng quảng bá Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) cũng như GDI của mình. GDI là ý tưởng mới của ông Tập trong khi BRI trở nên không bền vững và lu mờ. GDI ít đem lại rắc rối, trong khi đem lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, cả hai đều là một phần trong “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc. 

 

Với việc Tập Cận Bình sử dụng sự lừa dối, ép buộc, sức mạnh kinh tế cũng như sức mạnh quân sự như những công cụ trong “nghệ thuật cai trị” để đối phó với các nước ASEAN, Tuyên bố chung được đưa ra trong năm nay và bài phát biểu tại APEC có thể được xếp vào loại bài “phát biểu nước đôi” thường thấy của Chủ tịch Trung Quốc. Tập Cận Bình là “đệ tử vĩ đại” của Tôn Tử, người đã tuyên bố rằng “tất cả chiến tranh đều dựa trên sự lừa dối”. Tập Cận Bình đã nắm bắt được khía cạnh này của cuộc chiến. “Phát biểu nước đôi” của ông Tập là một phần trong chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu bằng cách giữ cho các đối thủ yên tâm về việc Trung Quốc sẵn sàng giải quyết mọi vấn đề thông qua đàm phán, trong khi thực hiện các bước nhỏ, không thu hút bất kỳ phản ứng đáng kể nào từ những nước khác nhưng những điều này sẽ tích lũy dần theo thời gian và sẽ trở thành một thách thức chiến lược nghiêm trọng. 

 

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại APEC hôm 19/11/2022 ở Bangkok, Thái Lan. Hình: Reuters

 

COC vẫn chỉ là mộng tưởng

 

Thực tế là ngay cả sau 20 năm, DOC vẫn chỉ là một văn bản chính trị trên giấy và đang được Bắc Kinh sử dụng thường xuyên để nhấn mạnh rằng cần phải tạo ra một môi trường phù hợp để thực hiện nó. Nỗ lực này là để phản ánh rằng các nước ASEAN phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ đó. COC mặc dù có một dự thảo duy nhất nhưng vẫn chưa thể hoàn thiện. Dự thảo duy nhất chỉ chứa các quan điểm không thể dung hòa của các bên liên quan.

 

Bài phát biểu của ông Tập tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội XX) đã tiết lộ chiến lược và mục tiêu của ông ở Biển Đông, trong đó nhấn mạnh về việc sử dụng vũ lực, giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh cục bộ cũng như kế hoạch phục hưng của Trung Quốc. Phục hưng ở đây có nghĩa là giành lại tất cả các khu vực ở ngoại vi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Mục tiêu tổng thể của Trung Quốc cần phải được theo dõi kỹ càng. Hành vi hung hăng, hoạt động xâm lấn vào EEZ của các quốc gia khác, chèn ép, bắt nạt và sử dụng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc cho thấy ý đồ của Bắc Kinh không chỉ nhằm chiếm đóng Biển Đông, mà còn nhằm phá vỡ các yếu tố cốt lõi của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Trong vài năm gần đây, hành vi hung hăng của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể, trong đó gồm có việc đặt giàn khoan dầu trong EEZ của các quốc gia khác, cản trở hoạt động khoan dầu của các quốc gia khác trong khu vực của họ, thường xuyên tuần tra trong khu vực “Đường 9 đoạn”, tận dụng các hoạt động gây ảnh hưởng để thao túng tâm lý của các mục tiêu bao gồm giới hoạch định chính sách, thu phục các chính trị gia tham nhũng của các đối thủ bằng các biện pháp bất hợp pháp, sử dụng nguồn nước làm vũ khí, tăng cường tuyên truyền để thuyết phục các nước khác về yêu sách của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng thường xuyên cấm các quốc gia khác đánh bắt cá, bề ngoài là để bảo vệ môi trường biển nhưng thực chất là để từ chối hoạt động đánh bắt cá của các quốc gia khác. Trong khi đó, lực lượng dân quân Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động đánh bắt cá. Trung Quốc không chỉ tạo ra các đảo nhân tạo mà còn quân sự hóa các thực thể này cho dù họ đã đưa ra lời đảm bảo với Mỹ vào năm 2015 là “sẽ không tiến hành các hoạt động như vậy”. Hỗ trợ thương mại và tài chính được lợi dụng làm mồi nhử để lôi kéo các nước ASEAN ủng hộ Trung Quốc. Để khẳng định yêu sách của mình ở Biển Đông, Trung Quốc đã thành lập các đơn vị hành chính tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời trao quyền cho lực lượng Hải cảnh để ngăn chặn các tàu, thuyền nước ngoài.

 

Ở Biển Đông, Bắc Kinh có lợi ích gấp bốn lần - thiết lập quyền kiểm soát hoàn toàn đối với “Đường 9 đoạn”, bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông và Đài Loan, thiết lập quyền bá chủ bằng cách loại bỏ tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, và dần mở rộng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương. Trung Quốc đã tuyên bố rằng chủ quyền của họ ở Biển Đông là không thể thương lượng. Nước này cũng cho rằng đằng sau tranh chấp Biển Đông, có sự cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh. Do đó, trọng tâm của Trung Quốc là thay đổi nguyên trạng trong khu vực bằng cách thiết lập quyền bá chủ của họ. Hiện có cảm giác rằng một khi chiếc ô an ninh của Mỹ bị loại bỏ khỏi khu vực này, các quốc gia nhỏ hơn đang tranh chấp với các yêu sách của Trung Quốc sẽ phải chấp nhận chủ quyền của nước này trong “Đường 9 đoạn”. Trung Quốc coi việc quyền kiểm soát không thể tranh cãi đối với khu vực ở Biển Đông là hoàn toàn cần thiết vì các lý do chiến lược, kinh tế và thương mại.

 

ASEAN cần tỉnh giấc

 

Giờ đây, các nước ASEAN đang nhận ra sự hai mặt của Tập Cận Bình. Sau khi Malaysia đệ trình (tháng 12/2019) lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) yêu cầu quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, một số công hàm ngoại giao đã được 10 quốc gia trao đổi, trong đó có Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Philippines và Trung Quốc. Đây là các bên có yêu sách trực tiếp liên quan đến Biển Đông. Ngoài ra còn có các quốc gia khác như  Australia, Pháp, Đức, Mỹ và Anh là các bên hoàn toàn không có yêu sách ở Biển Đông. Ngoại trừ Trung Quốc, các quốc gia khác đã đề cập rằng các yêu sách về quyền và quyền tài phán ở Biển Đông phải phù hợp với UNCLOS và để hỗ trợ cho quan điểm của mình, các nước này đã viện dẫn phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 ở La Hay (Hà Lan). Các bên không yêu sách nêu trên cũng ủng hộ việc giải quyết tranh chấp phù hợp với UNCLOS và thi hành phán quyết PCA. Các thành viên trong nhóm Bộ tứ (Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ) đang thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và chấp nhận vai trò trung tâm của ASEAN. Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không thể đạt được nếu không có hòa bình ở Biển Đông.

 

Đã đến lúc phải nhấn mạnh việc thực thi phán quyết PCA hơn là dung thứ cho cách tiếp cận dối trá của Tập Cận Bình. Các nước ASEAN phải kiên quyết thúc đẩy việc thực thi phán quyết PCA. Việc “chiều lòng” Trung Quốc sẽ chỉ làm gia tăng hành vi chèn ép từ quốc gia này. Điều này chỉ có thể khả thi nếu cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ các bên yêu sách trong ASEAN theo một phương thức thống nhất. Cần phải khẳng định rõ rằng “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc  là không có giá trị và phán quyết PCA sẽ là cơ sở cho mọi khiếu nại. Càng trì hoãn lâu, cơ hội giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình sẽ ngày càng xa vời.

___________

 

Tham khảo:

1. https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/202211/t20221114_10974284.html

 

2. https://news.cgtn.com/news/2022-11-18/Full-text-Xi-Jinping-s-speech-at-29th-APEC-Economic-Leaders-Meeting-1f3BQ4QMbte/index.html

 

----------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

----------------------

Tin, bài liên quan

BLOG

·         Việt Nam - Ấn Độ tăng cường hợp tác trước mối nguy Trung Quốc

·         Philippines “quay lại” với đồng minh Mỹ, Việt Nam vẫn “chần chờ”

·         Quan hệ Việt – Mỹ sẽ về đâu sau chuyến công du Đông Nam Á của TT Biden?

·         Huân chương nước mắt cho tình đồng bào

·         Giải mã vài hiện tượng trong “các buổi chầu” của ông Nguyễn Phú Trọng

 




No comments: