Hơn 25 năm trước tôi nhận một cú điện thoại.
Người ở đầu dây bên kia là Luật Sư Nguyễn Xuân Phước.
Chào hỏi xã giao một lúc, Phước hỏi tôi viết
nhiều về chính trị nhưng quan tâm lớn nhất của tôi nằm trong lãnh vực nào. Tôi
trả lời là bang giao quốc tế. Anh yêu cầu trả lời cụ thể hơn. Tôi nói bang giao
quốc tế trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Anh ta vẫn chưa chịu, bảo tôi cụ thể
hơn nữa vì Chiến Tranh Lạnh vẫn còn rộng. Tôi trả lời phạm vi tôi quan tâm nhất
là địa lý chính trị của Việt Nam trong quan hệ với Trung Cộng và tương quan với
các quốc gia trong khu vực Nam Á Châu bao gồm Biển Đông. Phước đồng ý và bảo
tôi anh ta cũng rất thích lãnh vực này. Từ đó Phước dành nhiều thời gian nghiên
cứu và học hỏi. Sau lần điện thoại, chúng tôi thành bạn thân và cùng đi nhiều
nơi cho đến ngày Phước qua đời, 23 tháng 6, 2015.
Cách đây khoảng 15 năm, chúng tôi tham gia vào
việc giảng dạy các lớp học dành cho các bạn trẻ trong nước do một cựu giáo sư đại
học đáng kính thành lập. Chương trình do nhiều chú bác anh chị phụ trách. Mỗi
người giảng một môn tùy theo lãnh vực nghiên cứu của mình. Khác với các lớp “xã
hội dân sự” do các đoàn thể hay đảng phái tổ chức sau này, chúng tôi tập trung
vào lý luận và các vấn đề quốc tế có ảnh hưởng đến Việt Nam. Phước phụ trách về
địa lý chính trị, tôi phụ trách về phong trào xã hội với kinh nghiệm cách mạng
dân chủ tại vùng Baltics và Đông Âu.
Không phải hiện nay mà từ thời TT Bill Clinton
(1993-2001), George W. Bush (2001-2009) chúng tôi đã đặt Việt Nam trong tương
quan rộng lớn của cả vùng Nam Thái Bình Dương. Chúng tôi tin tranh chấp về chủ
quyền các đảo và quyền hải hành trên Thái Bình Dương sẽ ngày càng mở rộng và
càng rộng càng có lợi cho Việt Nam.
Dựa trên những điểm chính đó, tôi viết hàng loạt
bài về hiểm họa Trung Cộng qua kinh nghiệm Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, Congo, Tiệp Khắc
v.v...
Lý luận phải đi trước. Những vấn đề thoạt nhìn
rất bình thường như bản chất của cuộc chiến Việt Nam, vai trò của các cường quốc
trong chiến tranh hay ngay cả tham nhũng dưới chế độ CS v.v… không phải ai cũng
hiểu giống nhau.
Một số người chủ trương gạt bỏ quá khứ để tập
trung vào tương lai. Nhưng tương lai không phải là Tề Thiên Đại Thánh từ trong
đá nứt ra mà nó là sự kết tụ những thất bại và thành công từ quá khứ cho đến
hôm nay. Không nên gạt bỏ hay quên đi mà cần học nhưng đừng sống vùi trong quá
khứ. Một cơn đau không bao giờ được chữa dứt nếu không biết tại sao đau.
Không hiểu đúng lịch sử sẽ không dứt khoát khi
chọn lựa, sẽ thiếu kiên nhẫn trên hành trình và sẽ mất niềm tin nơi kết quả cuối
cùng. Một hành giả tìm đạo hay một người mang tâm nguyện cứu đời, cứu nước cũng
thế, không có ba đặc tính đó sẽ đi vòng vòng, không bao giờ tới đích được.
Một câu chuyện về sự cần thiết của thái độ dứt
khoát trong cách mạng dân chủ.
Có một chàng thanh niên Mông Cổ, 26 tuổi, tên
là Tsakhiagiin Elbegdorj. Anh ta được gởi sang Liên Xô học về báo chí đúng
trong thời kỳ Mikhail Gorbachev vừa phát động chương trình Glasnost (Cởi mở) và
Perestroika (Cải tổ). Elbegdorj vui mừng đón nhận và mang các sáng kiến đó về lại
Mông Cổ. Trên chuyến xe từ Moscow về Ulaanbaatar anh miên man suy nghĩ về một
hướng đi. Anh biết chọn lựa trước mắt của anh sẽ quyết định không chỉ đời anh
mà còn cả vận mệnh Mông Cổ.
Khi về lại quê hương, thay vì vận động cho các
chính sách cải cách kiểu Gorbachev, chàng thanh niên Mông Cổ 26 tuổi đã chọn
con đường dứt khoát hơn, đó là con đường dân chủ. Trong diễn văn ngày 28 tháng
11, 1989, Elbegdorj phát biểu “Mông Cổ cần dân chủ và minh bạch” và tờ báo đầu
tiên anh phát hành là tờ Dân Chủ. Chọn lựa dứt khoát của Elbegdorj đã mở ra kỷ
nguyên mới cho Mông Cổ ngày nay. Sau khi chế độ Cộng Hòa ra đời, Tsakhiagiin
Elbegdorj là người trong những người soạn thảo nên hiến pháp dân chủ và là thủ
tướng của Cộng Hòa Mông Cổ từ 1996.
Học hỏi các kinh nghiệm thế giới như trình bày
ở trên và vận dụng vào điều kiện Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Cộng vô
cùng cần thiết.
Từ các bài học đó, để thắng được Trung Cộng,
Việt Nam không có chọn lựa nào ngoài (1) phải có dân chủ và dân chủ phải đến sớm
thay vì đến khi chiến tranh Á Châu bùng nổ, máu đổ, thây phơi mới đến, (2) đoàn
kết dân tộc bởi vì một dân tộc chia rẽ không thắng được ai, (3) chủ động chiến
lược hóa vị trí quốc gia để được các cường quốc tự do bảo vệ, (4) liên minh với
láng giềng cùng hoàn cảnh và tham gia các liên minh tin cậy để tránh được chiến
tranh hay có thêm thời gian để chuẩn bị chiến tranh.
Từ những nhận thức chính trị đó, dù hơn 30 năm
mang quốc tịch Mỹ, tôi vẫn viết như một người Việt Nam cho những người Việt Nam
quan tâm đến tương lai Việt Nam.
Đương nhiên tôi quan tâm đến chính trị Mỹ và
chính sách Châu Á của tổng thống Mỹ trong mỗi thời kỳ. Nhưng quan tâm để vận dụng
chứ không nhằm gây ảnh hưởng. Cộng đồng Việt Nam tại Mỹ quá nhỏ, quá nghèo để
có thể nên gây nên một ảnh hưởng nào trong lập pháp cũng như hành pháp Mỹ. Những
tranh luận dù ôn hòa hay gay gắt mà chúng ta đang nghe hay đọc mỗi ngày cũng chỉ
tác động trong cộng đồng Việt Nam nhỏ hẹp mà thôi.
Cộng đồng Việt Nam không có những Henry
Morgenthau Jr. hay Henry Kissinger để bảo vệ quyền lợi Do Thái, không có
Zbigniew Brzezinski để binh vực cho quê hương Ba Lan. Những gì người Việt có thể
làm là nương theo các chính sách đối ngoại của các cường quốc và vận dụng các
chính sách đó có lợi nhất cho cuộc đấu tranh còn rất dài để thay đổi điều kiện
chính trị tại Việt Nam.
Người Việt thường ủng hộ Do Thái vì cảm tình với
sự chịu đựng của dân tộc này và tinh thần vươn lên trong thời kỳ tái lập quốc
gia Do Thái 1948. Đó là tình cảm đúng. Tuy nhiên, có thể phần đông những người ủng
hộ Do Thái đó không biết rằng chính yếu tố Do Thái đã ảnh hưởng rất nhiều trong
sự thất bại của VNCH.
Trong một cuộc phỏng vấn, Henry Kissinger, một
người gốc Do Thái, thừa nhận trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, nếu Mỹ chỉ có một
chiếc xe tăng để viện trợ cho đồng minh thì xác suất cao chiếc xe tăng đó sẽ được
gởi đến Do Thái thay vì VNCH. Lý do, người Mỹ gốc Do Thái ảnh hưởng hầu hết các
lãnh vực từ truyền thông, tài chánh, và nhất là quốc hội Mỹ.
Một điều ai cũng biết nhưng thường hay quên, tổng
thống Mỹ chỉ phục vụ cho quyền lợi nước Mỹ và con số hội viên của câu lạc bộ những
quốc gia bị Mỹ bỏ rơi cũng không ít hơn số thành viên của câu lạc bộ những quốc
gia thành công nhờ liên minh với Mỹ.
Không phải tự nhiên mà TT Harry Truman quyết định
ném hai trái bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki vào các ngày 6 và 9
tháng 8, 1945.
Thời gian trước khi quyết định, TT Truman đã
được báo cáo Mỹ có thể sẽ phải tổn thất khoảng một phần tư triệu quân mới đánh
bại được Nhật Bản. Lý do quân đội Nhật chiến đấu tới người cuối cùng chứ nhất định
không đầu hàng. Hai trăm năm chục ngàn người phải chết để chiến tranh chấm dứt
và TT Truman chọn hai trăm năm chục ngàn người đó là người Nhật. Không ai trách
TT Truman nhưng rõ ràng sinh mạng và quyền lợi của Mỹ vẫn là ưu tiên tối thượng
trong mọi quyết định của một tổng thống Mỹ.
Chiến lược Á Châu Thái Bình Dương và Ấn-Thái
Bình Dương (Indo-Pacific Strategy) của Mỹ nhằm tạo một không gian “tự do” và “mở”
(free and open Indo-Pacific) đối xử theo cam kết và luật định tại khu vực Ấn Độ
Dương và Thái Bình Dương.
Rõ ràng chính sách này nhằm tạo một đối lực
thông qua các liên minh giữa Mỹ và các đồng minh Á Châu, cụ thể là Ấn Độ quốc
gia có dân số 1.3 tỉ người, với chính sách bành trướng vô luật pháp của Trung Cộng.
Còn khá sớm để đánh giá sự thành công của Ấn-Thái
Bình Dương (Indo-Pacific Strategy) nhưng chiến lược này như một học thuyết
chính trị để đương đầu với Trung Cộng sẽ không thay đổi trong một thời gian
dài.
Chủ thuyết Monroe chủ trương chống lại sự can
thiệp của châu Âu đối với Mỹ và các nước Mỹ Châu bắt đầu từ thời TT James
Monroe vào năm 1823. Đây là một trong những lý thuyết chính trị có ảnh hưởng
lâu dài nhất trong lịch sử bang giao quốc tế của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Trên
nguyên tắc, lý thuyết Monroe chấm dứt sau Đại Suy Thoái 1932. Tuy nhiên vào cuối
thế kỷ 20, thuyết này vẫn còn được giải thích một cách rộng rãi bởi nhiều tổng
thống Mỹ như TT John F. Kennedy trong biến cố Vịnh Con Heo, Cuba và TT Ronald
Reagan trong chiến tranh chống chế độ CS Sandinistas tại Nicaragua.
Mỗi người Việt dù ít hay nhiều đều mang trên
lưng những vết hằn của cuộc chiến, những kinh nghiệm hãi hùng trong những cuộc
hải hành khủng khiếp trên Biển Đông hay những chuyến đi bộ đầy lo sợ qua các
bãi mìn biên giới Thái-Miên. Những kinh nghiệm sinh tử và đau đớn đó chi phối
cách nhìn, cách suy nghĩ, cách nhận xét của người Việt về mọi phương diện.
Việc thiếu đoàn kết trong cộng đồng người Việt,
ngoài kinh nghiệm chiến tranh và vượt thoát, còn phát xuất từ khác biệt về giáo
dục và điều kiện trưởng thành. Quá khứ khác nhau, giáo dục khác nhau, kinh nghiệm
sống khác nhau nên khó có thể có một cái nhìn về tương lai giống nhau.
Do đó việc xây dựng một lớp người vượt qua được
mọi tiêu cực để tập trung vào các mục tiêu chung là một nỗ lực vô cùng khó khăn
nhưng đồng thời vô cùng cấp bách.
Tranh luận là chuyện bình thường trong xã hội
dân chủ. Nhưng đừng quên
giờ này trên 200 người đấu tranh cho tự do dân chủ hiện đang ở trong tù.
Hãy yêu thương họ, sống với họ, viết cho họ, chia sẻ đau thương với họ và đấu
tranh vì họ.
Dòng sông văn minh nhân loại đã chảy qua những
cánh đồng khô ở Baltics, Trung Á, Đông Âu, Bắc Phi. Các chế độ độc tài lần lượt
chìm sâu trong quá khứ, các chủ thuyết phi nhân đang bị xóa bỏ. Dòng sông đó vẫn
còn đang chảy. Những gì các dân tộc bị trị làm được, dân tộc Việt Nam cũng sẽ
làm được. Dù thời gian có thể phải lâu hơn, có thể phải dài hơn nhưng dòng sông
văn minh chắc chắn sẽ một ngày chảy đến cánh đồng khô cháy Việt Nam.
Trần Trung Đạo
Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=394073492721719&set=a.124728546322883
.
No comments:
Post a Comment