Saturday, April 9, 2022

UKRAINE : XUNG ĐỘT Ở NGÃ TƯ CHÂU ÂU và NGA (Jonathan Masters)

 



Ukraine: Xung đột ở ngã tư Châu Âu và Nga   

Jonathan Masters

Trần Giao Thủy dịch thuật

POSTED ON APRIL 9, 2022

https://dcvonline.net/2022/04/09/ukraine-xung-dot-o-nga-tu-chau-au-va-nga/

 

Khuynh hướng theo phương Tây của Ukraine kể từ khi giành độc lập đã bị Nga kéo lại một cách dữ dội, gần đây nhất là cuộc xâm lăng năm 2022 của Putin.

 

https://cdn.cfr.org/sites/default/files/styles/immersive_image_3_2_desktop_2x/public/image/2020/02/Ukraine.jpg

Một người biểu tình ngồi trên một đài kỷ niệm ở Kyiv trong cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động vào tháng 2 năm 2014. Louisa Gouliamaki/AFP/Getty

 

Tóm lược

 

·         Là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Ukraine có mối quan hệ mật thiết về văn hóa, kinh tế và chính trị với Nga.

·          

·         Năm 2014, Nga sáp nhập Crimea, một phần của Ukraine, khi Moscow nhận thấy nó ngày càng trở nên liên kết chặt chẽ hơn với các thể chế phương Tây, chính là EU và NATO.

·          

·         Cuộc xâm lăng vô cớ của Nga vào Ukraine năm 2022 được một số chuyên gia coi là một phần của sự cạnh tranh địa chính trị mới giữa các cường quốc.

 

Dẫn nhập

 

Ukraine từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng, nhưng đôi khi bị bỏ qua, trong trật tự an ninh toàn cầu. Hiện nay, quốc gia này đang ở trên chiến tuyến của một cuộc cạnh tranh cường quốc mới mà nhiều nhà phân tích cho rằng sẽ chi phối các mối quan hệ quốc tế trong những thập niên tới.

 

Cuộc xâm lăng toàn diện của Nga vào Ukraine vào năm 2022 đã đánh dấu sự leo thang bất ngờ của cuộc xung đột kéo dài 8 năm và là một bước ngoặt lịch sử đối với nên an ninh châu Âu. Với việc mở rộng viện trợ của phương Tây, Ukraine đã xoay xở để gây trở ngại lớn cho cuộc tấn công của Nga, nhưng nhiều thành phố của nước này đã bị băm nát và một phần tư dân Ukraine hiện là người tị nạn hoặc đã phải di tản. Vẫn chưa rõ liệu một nghị quyết ngoại giao có thể có hay không và bằng cách nào. Vị trí của Ukraine trên thế giới, gồm cả sự liên kết trong tương lai với các thể chế như Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), luôn nằm trong sự cân bằng.

 

Tại sao Ukraine lại là một điểm nóng về địa chính trị?

 

Ukraine là một cột trụ của Liên Xô cũ, đối thủ của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh. Chỉ sau Nga, nước này đông dân và hùng mạnh thứ hai trong số mười lăm nước cộng hòa thuộc Liên Xô, nơi tập trung phần lớn cơ sở sản xuất nông nghiệp, kỹ nghệ quốc phòng và quân sự của Liên bang, gồm cả Hạm đội Biển Đen và một số kho vũ khí hạch tâm. Ukraine rất quan trọng đối với Liên bang Xô viết đến nỗi quyết định cắt đứt quan hệ vào năm 1991 được coi là một cuộc đảo chính đối với siêu cường đang ốm yếu.

 

Trong ba chục năm độc lập, Ukraine đã tìm cách tạo dựng con đường riêng như một quốc gia có chủ quyền trong khi tìm cách liên kết chặt chẽ hơn với các thể chế phương Tây, kể cả EU và NATO. Tuy nhiên, Kyiv đã phải vật lộn để cân bằng những mối quan hệ đối ngoại và giảm thiểu những chia rẽ sâu sắc trong nội bộ. Cộng đồng thiên dân tộc chủ nghĩa hơn, nói tiếng Ukraina ở vùng phía tây nói chung ủng hộ hội nhập nhiều hơn với châu Âu, trong khi một cộng đồng phần lớn nói tiếng Nga ở phía đông ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.

 

https://dcvonline.net/wp-content/uploads/2022/04/cfr1-893x1024.jpg

Bản Đồ Ukraine

Nguồn: CIA World Factbook; Ngân hàng thế giới.

 

UKRAINE

·         Diện tích: 603.550 km vuông (quốc gia lớn nhất ở Châu Âu, ngoại trừ Nga)

·         Dân số (2021): 44 triệu

·         Tôn giáo: Cơ đốc giáo chính thống, Công giáo, Tin lành

·         Ngôn ngữ chính: Tiếng Ukraina (chính thức), tiếng Nga

·         Hình thức chính phủ: Cộng hòa, không hẳn theo tổng thống chế

·         GDP (2020): 155,5 tỷ đô la

·         GDP/đầu người (2020): $ 3,725

 

Ukraine đã trở thành một chiến trường vào năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea và bắt đầu trang bị vũ khí và tiếp tay cho quân ly khai ở vùng Donbas ở phía đông nam của Ukraine. Việc Nga chiếm Crimea là lần đầu tiên một quốc gia châu Âu sáp nhập lãnh thổ của một quốc gia khác, kể từ Thế chiến thứ hai. Hơn 14 ngàn người đã chết trong cuộc giao tranh ở Donbas từ năm 2014 đến năm 2021, cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Balkan những năm 1990. Đối với nhiều người trong giới phân tích, sự thù địch đánh dấu sự thay đổi rõ ràng trong môi trường an ninh toàn cầu từ thời kỳ đơn cực của sự thống trị của Hoa Kỳ được xác định bằng sự cạnh tranh mới giữa các cường quốc [PDF].

 

Vào tháng 2 năm 2022, Nga bắt tay vào một cuộc xâm lăng toàn diện vào Ukraine với mục đích lật đổ chính phủ liên kết với phương Tây của Volodymyr Zelenskyy.

 

Những lợi ích của Nga ở Ukraine là gì?

 

Nga có mối quan hệ mật thiết về văn hóa, kinh tế và chính trị với Ukraine, và về nhiều mặt, Ukraine là trung tâm của bản sắc và tầm nhìn của Nga trên thế giới.

 

Quan hệ gia đình. Nga và Ukraine có mối quan hệ gia đình bền chặt kéo dài hàng thế kỷ. Kyiv, thủ đô của Ukraine, đôi khi được coi là “mẹ của các thành phố Nga”, ngang hàng về ảnh hưởng văn hóa với Moscow và St. Petersburg. Chính tại Kyiv vào thế kỷ thứ tám và thứ chín, Cơ đốc giáo đã được đưa từ Byzantium đến với những dân tộc Slav. Và chính Cơ đốc giáo đã đóng vai trò là mỏ neo cho Kievan Rus, nhà nước Slav ban đầu mà từ đó người Nga, Ukraine và Belarussia hiện đại đều coi là nguồn gốc dòng dõi của họ.

 

Cộng đồng người Nga. Theo một cuộc điều tra dân số thực hiện vào năm 2001, khoảng tám triệu người sắc tộc Nga đang sống ở Ukraine vào năm đó, phần lớn ở phía nam và phía đông. Moscow tuyên bố có nhiệm vụ bảo vệ những người này như một cái cớ cho những hành động của Nga ở Crimea và Donbas vào năm 2014.

 

Hình ảnh siêu cường. Sau khi Liên Xô sụp đổ, nhiều chính khách Nga coi vụ ly hôn với Ukraine là một sai lầm của lịch sử và là mối đe dọa đối với vị thế cường quốc của Nga. Việc để mất quyền nắm giữ lâu dài đối với Ukraine và để nước này rơi vào quỹ đạo của phương Tây, được nhiều người coi là một đòn giáng mạnh vào uy tín quốc tế của Nga.

 

Crimea. Nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã chuyển Crimea từ Nga cho Ukraine vào năm 1954 để tăng cường “mối quan hệ anh em giữa các dân tộc Ukraine và Nga.” Tuy nhiên, kể từ khi Liên bang tan rã, nhiều người Nga theo chủ nghĩa dân tộc ở cả Nga và Crimea đều mong mỏi bán đảo trở lại Nga. Thành phố Sevastopol là nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen của Nga, lực lượng hàng hải thống trị trong khu vực.

 

Buôn bán. Nga từ lâu đã là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine, mặc dù mối liên kết này đã khô héo đáng kể trong những năm gần đây. Trung Hoa cuối cùng đã vượt qua Nga trong thương mại với Ukraine. Trước khi xâm lăng Crimea, Nga đã hy vọng kéo Ukraine vào thị trường duy nhất của họ, Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), ngày nay gồm có Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan.

 

Năng lượng. Nga đã dựa vào các đường ống của Ukraine để chuyển khí đốt của Nga cho các khách hàng ở Trung và Đông Âu trong nhiều chục năm và họ phải trả hàng tỷ đô la mỗi năm cho chi phí vận chuyển đến Kyiv. Dòng khí đốt của Nga qua Ukraine vẫn tiếp tục vào đầu năm 2022 bất chấp sự bùng nổ của các cuộc xung đột giữa hai nước. Nga đã có kế hoạch vận chuyển nhiều khí đốt hơn đến châu Âu qua đường ống Nord Stream 2 mới của họ, chạy dưới Biển Baltic tới Đức, nhưng Berlin đã ngăn chặn việc phê duyệt dự án theo quy định sau cuộc xâm lăng của Nga.

 

Ảnh hưởng chính trị. Nga luôn quan tâm đến việc duy trì ảnh hưởng chính trị của mình ở Ukraine và trên toàn Liên Xô cũ, đặc biệt là sau khi ứng cử viên tổng thống được ưa chuộng năm 2004, Viktor Yanukovych, đã thua một đối thủ thiên về đổi mới trong cuộc Cách mạng Cam. Cú sốc này đối với lợi ích của Nga ở Ukraine xảy ra sau một thất bại bầu cử tương tự đối với Điện Kremlin ở Georgia vào năm 2003, gọi là Cách mạng Hoa hồng, và tiếp theo là một cuộc cách mạng khác — Cách mạng hoa Tulip — ở Kyrgyzstan vào năm 2005.

 

Yanukovych sau đó trở thành tổng thống Ukraine, trong 2010, giữa lúc cử tri bất bình với chính phủ Cách mạng Cam.

 

Điều gì đã khiến Nga vào Crimea và Donbas vào năm 2014?

 

Chính mối quan hệ của Ukraine với EU đã khiến căng thẳng bùng phát với Nga trong giai đoạn 2013–14. Vào cuối năm 2013, Tổng thống Yanukovych, hành động dưới áp lực của những người ủng hộ ông ở Moscow, đã hủy bỏ kế hoạch chính thức hóa mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với EU. Nga đồng thời ép Ukraine tham gia EAEU chưa thành lập. Nhiều người Ukraine coi quyết định của ông Yanukovych là sự phản bội của một chính phủ tham nhũng và bất tài, và nó đã gây ra các cuộc biểu tình trên toàn quốc được gọi là Euromaidan.

 

Putin đã xem sự xáo trộn của Euromaidan sau đó, khiến Yanukovych phải từ bỏ quyền lực, như một “cuộc đảo chính phát xít” do phương Tây hậu thuẫn gây nguy hiểm cho đa số người Nga ở Crimea. (Giới lãnh đạo phương Tây bác bỏ điều này là tuyên truyền vô căn cứ gợi nhớ đến thời kỳ Xô Viết.) Đáp lại, Putin đã ra lệnh mở cuộc xâm lăng bí mật vào Crimea mà sau đó ông biện minh là một chiến dịch giải cứu. Trong một bài phát biểu vào tháng 3 năm 2014 chính thức hóa việc sáp nhập Crimea, Putin nói, “Mọi thứ đều có giới hạn. Và với Ukraine, các đối tác phương Tây của chúng tôi đã vượt qua ranh giới.”  

 

Putin đã dùng một lý cớ tương tự để biện minh cho sự ủng hộ của ông đối với những người ly khai ở đông nam Ukraine, một khu vực khác có đông người sắc tộc Nga và những người nói tiếng Nga. Ông gọi khu vực này nổi tiếng với cái tên Novorossiya (Nước Nga Mới), một thuật ngữ có từ thời đế quốc Nga thế kỷ mười tám. Những kẻ khiêu chiến có vũ trang của Nga, gồm cả một số điệp viên thuộc các cơ quan an ninh Nga, được cho là đã đóng vai trò trung tâm trong việc khuấy động các phong trào ly khai chống Euromaidan trong khu vực thành một cuộc nổi dậy. Tuy nhiên, không giống như Crimea, Nga tiếp tục chính thức phủ nhận sự tham gia của họ vào cuộc xung đột Donbas cho đến khi nước này tiến hành cuộc xâm lăng vào Ukraine vào năm 2022.

 

Tại sao Nga tiến hành một cuộc xâm lăng toàn diện vào Ukraine vào năm 2022?

 

Một số chuyên viên trong giới phân tích phương Tây coi cuộc xâm lăng năm 2022 của Nga là đỉnh điểm của sự phẫn nộ ngày càng tăng của Điện Kremlin đối với sự bành trướng của NATO thời hậu Chiến tranh Lạnh sang vùng ảnh hưởng của Liên Xô cũ. Giới lãnh đạo Nga, kể cả Putin, đã cáo buộc rằng Hoa Kỳ và NATO đã nhiều lần vi phạm các cam kết mà họ đã đưa ra vào đầu những năm 1990 là không mở rộng liên minh sang khối Liên Xô cũ. Họ coi sự mở rộng của NATO trong thời kỳ hỗn loạn này đối với Nga là một sự áp đặt nhục nhã về điều mà họ không thể làm được ngoài việc quan sát.

 

https://dcvonline.net/wp-content/uploads/2022/04/cfr2-640x1024.jpg

Sự phát triển các thành viên của NATO.   Nguồn: NATO.

 

Thành viên sáng lập Năm 1949
Bỉ
Canada
Đan Mạch
Pháp
Iceland
Ý
Luxembourg
Hòa Lan
Na Uy
Portugal
Anh
Hoa Kỳ

 

Mở rộng sau Chiến tranh lạnh

1952: Hy Lạp, Turkey

1955: Tây Đức

1982: Tây Ban Nha

 

Bành trướng sau chiến tranh lạnh

1990: Nước Đức *

1999: Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan

2004: Bulgary, Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Slovak, Slovenia,

2009: Albania, Croatia

2017: Montenegro

2020: Bắc Macedonia

 

Việc thống nhất nước Đức vào năm 1990 dẫn đến việc Đông Đức trước đây trở thành một phần của NATO. Bản đồ cho thấy Tây và Đông Đức.

 

Trong những tuần trước thềm hội nghị thượng đỉnh năm 2008 của NATO, Tổng thống Vladimir Putin đã cảnh cáo giới ngoại giao Hoa Kỳ đưa Ukraine vào liên minh “sẽ là một hành động thù địch đối với Nga.” Nhiều tháng sau, Nga gây chiến với Gruzia, dường như cho thấy Putin sẵn sàng dùng vũ lực để  bảo đảm lợi ích của đất nước của ông. (Một số trong giới quan sát độc lập đã quy lỗi cho Gruzia vì đã khơi mào cái gọi là Chiến tranh Tháng Tám nhưng lại trách Nga vì đã khiến những hành động thù địch leo thang).

 

Mặc dù không phải là thành viên, Ukraine đã phát triển quan hệ với NATO trong những năm trước cuộc xâm lăng 2022. Ukraine đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự hàng năm với liên minh và vào năm 2020, Ukraine đã trở thành một trong sáu đối tác cơ hội nâng cao, một vị thế đặc biệt đối với các đồng minh không phải là thành viên thân cận nhất của khối. Hơn nữa, Kyiv khẳng định mục tiêu cuối cùng là trở thành thành viên NATO.

 

Trong những tuần trước cuộc xâm lăng, Nga đã đưa ra một số đòi hỏi quan trọng về an ninh đối với Hoa Kỳ và NATO, gồm việc họ ngừng mở rộng liên minh, phải có sự đồng ý của Nga đối với một số hoạt động của NATO và loại bỏ vũ khí hạch tâm của Hoa Kỳ ở Châu Âu. Giới lãnh đạo Liên minh trả lời rằng họ cởi mở với các chính sách ngoại giao mới nhưng không sẵn lòng thảo luận về việc đóng cửa NATO không nhận thành viên mới. Thomas Graham của CFR nói với Arms Control Today vào tháng 2 năm 2022 :

 

“Trong khi ở Hoa Kỳ, chúng ta nói về cuộc khủng hoảng Ukraine, theo quan điểm của Nga, đây là cuộc khủng hoảng trong kiến trúc an ninh châu Âu. Và vấn đề cơ bản mà họ muốn đàm phán là sửa đổi của kiến trúc an ninh châu Âu hiện nay thành một cái gì đó có lợi hơn cho lợi ích của Nga.”  (Thomas Graham)

https://cdn.cfr.org/sites/default/files/styles/card_expert_thumbnail_xxl/public/profile-photos/GRAHAM_Thomas_0.JPG?h=fbde3550

 

Các chuyên gia khác cho rằng có lẽ yếu tố thúc đẩy quan trọng nhất đối với Putin là việc ông lo sợ rằng Ukraine sẽ tiếp tục phát triển thành một nền dân chủ hiện đại theo kiểu phương Tây, và đó là điều chắc chắn sẽ làm suy yếu chế độ chuyên quyền của ông ở Nga và làm ông hy vọng xây dựng lại một khu vực có tầm ảnh hưởng ở Đông Âu do Nga lãnh đạo.

 

Sử gia Anne Applebaum viết trên tạp chí Đại Tây Dương:

https://s3.amazonaws.com/arc-authors/washpost/7102c53f-b755-490c-8ef6-07a78c5746aa.png

“[Putin] muốn gây bất ổn ở Ukraine, làm Ukraine sợ hãi. Ông ấy muốn nền dân chủ Ukraine thất bại. Ông ta muốn nền kinh tế Ukraine sụp đổ. Ông ta muốn giới đầu tư nước ngoài bỏ chạy. Ông ấy muốn các nước láng giềng của Nga — ở Belarus, Kazakhstan, thậm chí cả Ba Lan và Hungary — nghi ngờ liệu nền dân chủ có bao giờ khả thi, về lâu dài, ở các quốc gia của họ hay không.”  (Anne Applebaum)

 

Mục tiêu của Nga ở Ukraine là gì?

 

Nước Nga của Putin được mô tả là một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại, muốn lấy lại quyền lực và uy tín trước đây của mình. Gerard Toal, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Virginia Tech, viết trong cuốn sách Near Abroad:

 

“Mục tiêu của Putin luôn là khôi phục nước Nga trở thành một cường quốc ở phía bắc Á-Âu. Mục tiêu cuối cùng không phải là tái tạo Liên Xô mà là làm cho nước Nga vĩ đại trở lại.” (Gerard Toal)

https://spia.vt.edu/content/spia_vt_edu/en/people/faculty/toal/_jcr_content/bio-image.transform/m-medium/image.jpg

 

Bằng cách chiếm Crimea vào năm 2014, Nga đã củng cố quyền kiểm soát của họ tại một vị trí chiến lược trên Biển Đen. Với sự hiện diện quân sự lớn hơn và tinh vi hơn ở đó, Nga có thể phóng chiếu sức mạnh sâu hơn vào Địa Trung Hải, Trung Đông và Bắc Phi, những nơi mà họ đã chỉ có ảnh hưởng hạn chế. Một số trong giới phân tích cho rằng các cường quốc phương Tây đã thất bại trong việc áp đặt cái giá đích đáng với Nga để trả cho việc Nga sáp nhập Crimea, điều mà họ cho rằng chỉ làm tăng việc có thể khiến  Putin sẵn sàng dùng vũ lực để theo đuổi các mục tiêu chính sách đối ngoại của mình. Cho đến khi bị xâm lăng vào năm 2022, thắng lợi về chiến lược của Nga ở Donbas còn mong manh hơn. Việc ủng hộ phe ly khai, ít nhất là tạm thời, đã làm tăng khả năng thương lượng của họ đối với Ukraine.

 

Vào tháng 7 năm 2021, Putin đã viết một bài báo mà nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại phương Tây coi là đáng ngại giải thích những quan điểm gây tranh cãi của ông về lịch sử chung giữa Nga và Ukraine. Trong số các nhận xét khác, ông Putin mô tả người Nga và người Ukraine là “một dân tộc” đã chia sẻ “cùng một không gian lịch sử và tâm linh một cách hiệu quả.”

 

Trong suốt năm 2021, Nga đã đưa hàng chục ngàn binh sĩ đến dọc biên giới với Ukraine và sau đó là vào đất của đồng minh Belarus dưới danh nghĩa của các cuộc tập trận. Vào tháng 2 năm 2022, Putin đã ra lệnh mở một cuộc xâm lăng toàn diện, đưa một lực lượng khoảng 200 ngàn quân vào lãnh thổ Ukraine từ phía nam (Crimea), phía đông (Nga) và phía bắc (Belarus), nhằm chiếm giữ các thành phố lớn, gồm cả thủ đô Kyiv, và truất phế chính phủ. Putin nói rằng các mục tiêu rộng lớn là “phi phát xít hóa” và “phi quân sự hóa” Ukraine.

 

Tuy nhiên, trong những tuần đầu của cuộc xâm lăng, các lực lượng Ukraine đã huy động một cuộc phản kháng kiên cường đã thành công trong việc làm sa lầy quân đội Nga ở nhiều khu vực, kể cả Kyiv. Nhiều người trong giới phân tích quốc phòng cho rằng các lực lượng Nga đã sa sút vì tinh thần kém, hậu cần kém và một chiến lược quân sự sai lầm khi cho rằng Ukraine sẽ thất thủ nhanh chóng và dễ dàng.

 

Vào tháng 3, một số người quan sát phương Tây cho rằng, với những thất bại bất ngờ mà Nga phải gánh chịu trên chiến trường, Moscow có thể cắt giảm mục tiêu và cố gắng cắt phần của miền nam Ukraine, chẳng hạn như khu vực Kherson, giống như ở Donbas năm 2014. Nga có thể cố gắng dùng những lãnh thổ mới bị chiếm đóng này làm con bài thương lượng trong các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine, có thể kể cả những quy định về triển vọng của Kyiv trở thành thành viên trong EU và NATO. Những người khác cảnh cáo rằng các cuộc tấn công tiếp tục nhằm vào Kyiv lật tẩy bất kỳ tuyên bố nào của Moscow về việc chuyển các hoạt động quân sự ra khỏi thủ đô của Ukraine.

 

Ưu tiên của Hoa Kỳ ở Ukraine là những gì?

 

Ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, ưu tiên của Washington là thúc đẩy Ukraine — cùng với Belarus và Kazakhstan — bỏ kho vũ khí hạch tâm của mình để chỉ có Nga giữ lại vũ khí của Liên bang Sô viết cũ. Đồng thời, Hoa Kỳ gấp rút củng cố nền dân chủ đang lung lay ở Nga. Một số người quan sát nổi tiếng vào thời điểm đó cảm thấy rằng Hoa Kỳ đã đi quá sớm trong việc tán tỉnh Nga, và đáng lẽ Mỹ phải nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy  đa nguyên địa chính trị ở phần còn lại của Liên Xô cũ.

 

Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Zbigniew Brzezinski, trong tạp chí Foreign Affairs vào đầu năm 1994, đã mô tả một Ukraine lành mạnh và ổn định là một đối trọng quan trọng đối với Nga và cốt lõi của những gì ông chủ trương phải là một đại chiến lược mới của Mỹ sau Chiến tranh lạnh. Ông viết:

 

“Không thể nhấn mạnh đủ rằng nếu không có Ukraine, Nga sẽ không còn là một đế chế, nhưng với việc Ukraine bị mua chuộc và bị lệ thuộc, Nga sẽ tự động trở thành một đế chế.”

(Zbigniew Brzezinski)

https://cdn-live.foreignaffairs.com/sites/default/files/styles/issue_medium_2x/public/public-assets/images/anthologies/2017/05/27/zbigniew_brzezinski_rtx37ttq.jpg?itok=hUaq9pyi 

 

Trong những tháng sau khi bài báo của Brzezinski được xuất bản, Hoa Kỳ, Anh và Nga đã cam kết thông qua Trưng cầu dân ý ở Budapest sẽ tôn trọng độc lập và chủ quyền của Ukraine để đổi lại việc nước này trở thành một quốc gia phi hạch tâm.

 

Hai mươi năm sau, khi quân đội Nga chiếm Crimea, khôi phục và củng cố chủ quyền của Ukraine được coi là  ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của nước Mỹ và EU. Sau cuộc xâm lăng năm 2022, Hoa Kỳ và các đồng minh NATO đã tăng cường hỗ trợ quốc phòng, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine, cũng như tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Tuy nhiên, giới lãnh đạo phương Tây đã cẩn thận để tránh các hành động mà họ tin rằng sẽ lôi kéo quốc gia của họ vào cuộc chiến hoặc làm leo thang cuộc chiến, về mặt cực đoan, có thể gây ra mối đe dọa hạch tâm.

 

Chính sách của Hoa Kỳ và  EU là gì ở Ukraine?

 

Hoa Kỳ vẫn cam kết khôi phục toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine. Mỹ không công nhận các tuyên bố chủ quyền của Nga ở Crimea hoặc các nước cộng hòa Donetsk và Luhansk, và Mỹ cổ vũ một giải pháp ngoại giao chấm dứt cuộc chiến. Trước cuộc xâm lăng năm 2022, Hoa Kỳ đã hỗ trợ giải quyết xung đột Donbas bằng thỏa thuận Minsk [PDF].

 

Các cường quốc và đối tác phương Tây đã đi nhiều bước để tăng viện trợ cho Ukraine [PDF] và trừng phạt Nga kể từ khi nước này tiến hành cuộc xâm lăng năm 2022. Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine hơn 1 tỷ đô la viện trợ an ninh khẩn cấp vào đầu năm 2022 và sau đó thông qua đạo luật bổ sung gồm nhiều tỷ đô la viện trợ. Quân đội Mỹ đã tập luyện với quân đội Ukraine trong những năm gần đây và Mỹ đang cung cấp cho quân đội Ukraine nhiều quân cụ vũ khí khác nhau, kể cả súng bắn tỉa, súng phóng lựu, kính nhìn ban đêm, radar, hỏa tiễn chống xe tăng Javelin, hỏa tiễn phòng không Stinger, tàu tuần duyên, và hệ thống máy bay không người lái (drone). Một số đồng minh NATO đang viện trợ an ninh tương tự.

 

Trong khi đó, các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga đã mở rộng đáng kể, hiện gồm cả phần lớn các lĩnh vực tài chính, năng lượng, quốc phòng và kỹ thuật của nước này và nhắm vào tài sản của những tài phiệt giàu có và các cá nhân khác. Mỹ và một số chính phủ châu Âu cũng cấm một số ngân hàng Nga tham gia Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu, một hệ thống nhắn tin tài chính gọi là SWIFT; đặt ra những hạn chế đối với khả năng sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ của Nga; và đưa ngân hàng trung ương của Nga vào danh sách đen. Hơn nữa, nhiều công ty có ảnh hưởng của phương Tây đã đóng cửa hoặc đình chỉ hoạt động ở Nga. Nhóm G8, hiện được gọi là Nhóm G7, đã treo tư cách thành viên của Nga vô thời hạn vào năm 2014.

 

Cuộc xâm lăng dường như cũng khiến Nga phải trả giá cho Nord Stream 2 đã chờ đợi từ lâu, sau khi Đức đình chỉ việc phê duyệt theo quy định. Nhiều người trong giới phê bình, kể cả các viên chức chính phủ Mỹ và Ukraine, phản đối đường ống dẫn khí đốt tự nhiên, cho rằng nó sẽ đem lại cho Nga sức bẩy chính trị lớn hơn đối với Ukraine và thị trường khí đốt châu Âu.

 

Người Ukraine muốn gì?

 

Sự hung hăng của Nga trong những năm gần đây đã tạo nên sự ủng hộ của công chúng đối với thiên hướng phương Tây của Ukraine. Theo sau sự trỗi dậy của Euromaidan, Ukraine đã bầu  doanh nhân tỷ phú Petro Poroshenko, một người ủng hộ tích cực hội nhập EU và NATO, làm tổng thống. Vào năm 2019, Zelensky đã đánh bại Poroshenko, một dấu hiệu cho thấy sự bất mãn sâu sắc của công chúng đối với tổ chức chính trị và cuộc chiến chống tham nhũng và nền kinh tế tài phiệt đầu sỏ chính trị ngắc ngứ.

 

Trước cuộc xâm lăng năm 2022, các cuộc thăm dò cho thấy người Ukraine có quan điểm không đồng nhất về tư cách thành viên NATO và EU. Hơn một nửa số người được khảo sát (không kể cư dân của Crimea và các khu vực tranh chấp ở phía đông) ủng hộ tư cách thành viên EU, trong khi 40 đến 50% ủng hộ việc gia nhập NATO.

 

Trong những tuần sau cuộc xâm lăng, một cuộc thăm dò dư luận cho thấy phần lớn người Ukraine được thăm dò đã ủng hộ cuộc kháng chiến vũ trang chống lại Nga và bác bỏ các yêu sách của Nga đối với Crimea và sự hậu thuẫn của các nước cộng hòa ly khai ở Donbas. Hơn một nửa số người được thăm dò cho rằng Ukraine không nên bỏ việc gia nhập NATO trong tương lai để chấm dứt chiến tranh.

 

https://cdn.cfr.org/sites/default/files/styles/card_expert_thumbnail_xxl/public/profile-photos/j_masters.jpg

Tác giả | Jonathan Masters, Phó chủ biên Council on Foreign Relations (CFR). Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) là một tổ chức chuyên gia cố vấn và nhà xuất bản độc lập, phi đảng phái.


Ông là nhà báo và biên tập viên trưởng viết về nhiều chủ đề cho CFR.org. Masters cũng viết về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia và tác phẩm của ông đã xuất hiện trên tạp chí Foreign Affairs, the Atlantic, và Bloomberg. Ông tốt nghiệp Cử nhân Khoa học Chính trị của Đại học Emory và Cao học Lý thuyết Xã hội của New School. Ông là thành viên nhiệm kỳ của CFR và là thành viên của Câu lạc bộ Báo chí Hải ngoại. Email: jmasters@cfr.org

 

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


 

Nguồn:  

 

Ukraine: Conflict at the Crossroads of Europe and Russia | Jonathan Masters |Coincil on Foreign Relation | April 1, 2022





No comments: