Saturday, April 16, 2022

UKRAINE và CHUYỂN ĐỔI QUYỀN LỰC TRONG THẾ KỶ 21 (Nguyễn Quang Dy)

 



Ukraine và chuyển đổi quyền lực trong thế kỷ 21 

Nguyễn Quang Dy

14/4/2022

http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_UkraineChuyenDoiQuyenLuc.html

 

Càng tiến sâu vào thế kỷ 21, thế giới càng biến động mạnh với ma trận quyền lực chuyển đổi khó lường. Chuyển đổi quyền lực không đợi đến thế kỷ 21 mới diễn ra, nhưng quá trình này ngày càng đầy kịch tính vì những biến số khó lường. Có thể nói chuyển đổi quyền lực vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của những diễn biến bất ngờ trong các lĩnh vực chính trị-xã hội cũng như khoa học-công nghệ. Bài này sẽ cố gắng lý giải hiện tượng và bản chất của quá trình chuyển đổi quyền lực trong thế kỷ 21 để rút ra các bài học cần thiết.

 

Biến động khó lường

 

Hai năm qua, đại dịch Coronavirus đã làm loài người điên đảo và các siêu cường có vũ khí hạt nhân cũng bất lực, với hơn 6,2 triệu người thiệt mạng, riêng Mỹ đã hơn một triệu. Có thể nói chống dịch là một cuộc chiến tranh kiểu mới chống lại con virus vô hình nhưng có khả năng giết người hàng loạt. Để đối phó với tai họa do Coronavirus hay biến đổi khí hậu, con người phải liên kết và khôn ngoan hơn. Nhưng cuộc chiến Ukraine chứng tỏ các thế lực cực đoan và cuồng tín vẫn tiếp tục xô đẩy loài người vào thảm họa chiến tranh.

 

Các nhà khoa học ngày nay có thể bào chế được vaccines và thuốc đặc trị phòng chống virus. Nhưng loài người chưa có vaccines và thuốc đặc trị cho các thế lực cực đoan và cuồng tín. Trong lúc quẫn bách, các lãnh đạo cực đoan và cuồng tín bất bình thường có thể ra lệnh tấn công bằng vũ khí hóa học và sinh học hay vũ khí hạt nhân, làm hàng triệu người chết, phá hủy nhiều thành phố lớn, và làm đảo lộn nền văn minh nhân loại. Đó không phải là một bộ phim khoa học viễn tưởng, mà là nguy cơ hiện hữu đang đe dọa loài người.

 

Cách đây hơn ba thập kỷ, nhà tương lại học Alvin Toffler đã viết cuốn “Thăng trầm Quyền lực” (Powershift: Knowledge, Wealth and Violence in the 21st Century, 1990). Đó là cuốn thứ ba trong bộ ba tác phẩm (trilogy) dự báo về tương lai của thế kỷ 21, gồm “Cú sốc Tương lai” (Future Shock, 1970) và “Làn sóng Thứ ba” (The Third Wave, 1980). Những cuốn sách đó của Alvin Toffler đã làm dư luận sôi nổi một thời như một hiện tượng, nhưng nay cũng bị quên lãng trên các giá sách thư viện hay trong ký ức của một thế hệ.

 

Cuốn “Powershift” đề cập đến “cuộc chiến tranh thông tin” (info-wars) trong tương lai và khái quát một hệ thống mới tạo ra của cải dựa trên chủ nghĩa cá thể (individualism), đổi mới công nghệ (innovation) và thông tin (information). Theo Toffler, chuyển đổi của thế giới mới không phải giữa Đông và Tây hay Bắc và Nam, mà là “giữa Nhanh và Chậm”. Trí thức là nguồn gốc quyền lực dân chủ, không chỉ cho người giàu mà còn cho người nghèo. Chúng ta đang sống trong một nền văn minh trí thức đã được phổ cập qua internet.

 

Quyền lực đang chuyển đổi từ các đội quân lớn tổ chức chặt chẽ sang các lực lượng nổi dậy tổ chức lỏng lẻo (như Taliban), từ các đại công ty sang các nhóm khởi nghiệp, từ các lâu đài của tổng thống sang các quảng trường của dân chúng. Quyền lực đang chuyển từ Tây sang Đông, từ Bắc sang Nam, từ Nam sang Nữ. Quyền lực không chỉ chuyển đổi và phân tán mà còn đang suy tàn (decaying). Những người nắm quyền lực hiện nay bị giới hạn nhiều hơn và gặp nhiều rủi ro hơn trước. Quyền lực ngày càng khó vận dụng và dễ bị mất.

 

Hơn hai thập kỷ sau, sử gia Yuval Noah Harari đã viết bộ ba tác phẩm (trilogy) cảnh báo về những biến đổi lớn trong thế kỷ 21. Đó là “Lược sử Loài người” (Sapiens: A Brief History of Humankind, 2011), “Tương lai Loài người” (Homo Deus: A Brief History of Tomorrrow, 2015), và “21 Bài học Cho Thế kỷ 21” (21 Lessons for the 21st Century, 2018). Những cuốn sách của Harari không chỉ bán chạy (như bestseller) với hàng triệu cuốn tại 30 nước trên thế giới, mà còn được Barack Obama, Bill Gates, và Mark Zuckerberg bình chọn.

 

Theo Harari, thành tựu chính trị lớn nhất của nhân loại trong bảy thập kỷ qua là “sự suy tàn của chiến tranh”, nhưng điều đó đang bị đảo ngược như toàn cầu hóa. Chiến tranh khó xảy ra khi “tri thức trở thành nguồn lực chủ yếu tạo ra của cải”. Nhưng sự trỗi dậy của thế giới mạng, nền kinh tế do trí tuệ nhân tạo điều khiển, và việc quân sự hóa cả văn hóa, có thể mở ra một kỷ nguyên mới về chiến tranh còn tồi tệ hơn nhiều so với trước. Harari khẳng định “Hướng đi của lịch sử nhân loại đang được quyết định tại Ukraine”. Nếu để độc tài xâm lược thắng thì tất cả chúng ta đều hứng chịu hệ quả (Yuval Harari argues that what’s at stake in Ukraine is the direction of human history, Yuval Harari, Economist, February 9, 2022).

 

Moisés Naím (former Foreign Policy editor) đã viết cuốn “Sự Suy tàn của Quyền lực” (The End of Power: From Boardrooms to Battlefields and Churches to States, 2013) mà Mark Zuckerberg đã bình chọn. Moise Naim đề cập đến sự suy tàn của quyền lực không chỉ gồm lãnh đạo mà còn cả thể chế. Trong một bài viết gần đây, Moises Naim đã cảnh báo về sự suy thoái của nền dân chủ và sự trỗi dậy của “thế hệ độc tài mới” theo chủ nghĩa dân túy, trong đó có Putin (ở Nga), Tập Cận Bình (ở Trung Quốc), và Donald Trump (ở Mỹ).

 

Có thể so sánh cuốn “The End of Power” của Moisés Naím với cuốn “The End of History and the Last Man” của Francis Fukuyama. Tuy phân tích của họ quan trọng và đúng lúc, nhưng cũng có những vấn đề gây tranh cãi. Có người cho rằng Moisés Naím chưa nắm bắt hết các cung bậc của vấn đề và nhận ra tập trung quyền lực là một đặc điểm của hiện đại hóa. Có những lúc quyền lực suy tàn, nhưng luôn tìm cơ hội để phục hồi. Tuy dân chủ đang thoái trào nhưng vẫn có hơn nửa dân số thế giới sống trong các xã hội dân chủ.

 

Theo Moisés Naím, trong thế kỷ 21, muốn giành quyền lực không khó nhưng sử dụng quyền lực khó hơn và đánh mất quyền lực rất dễ (power is easier to get, harder to use and easier to lose). Trong bối cảnh hiện nay, các nhà độc tài theo chủ nghĩa dân túy thường tìm cách tập trung quyền lực vào tay mình, tấn công các thể chế dân chủ, tuyên chiến với báo chí, và bãi bỏ các luật lệ hạn chế quyền lực của họ (The Dictator’s New Playbook: Why Democracy Is Losing the Fight, Moisés Naím, Foreign Affairs, March/April 2022).

 

Facebook là một trường hợp điển hình (test case) để minh họa cho cuốn sách mà Moisés Naím đã mô tả một cách sinh động và cổ vũ cho những chuyển đổi gần đây làm cho quyền lực truyền thống như chính trị, kinh tế, hay văn hóa, đều bị tổn thương trước các thách thức của các thực thể nhỏ hơn và khôn ngoan hơn. Moisés Naím đã làm rõ cuộc đấu tranh giữa các “siêu quyền lực” (megaplayers) đã từng thống trị và “vi quyền lực” (micropowers) đang nổi lên để thách thức trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội loài người.

 

Moisés Naím cho thấy sức mạnh của các “vi quyền lực” chống lại các “siêu quyền lực” như “châu chấu đá voi”, để lật đổ các bạo chúa (tyrants), xóa bỏ độc quyền (monopolies) và mở ra những cơ hội mới khác biệt. Moisés Naím đã khéo léo mô tả những thay đổi rung chuyển (seismic changes) đang diễn ra trong kinh doanh, khoa học, giáo dục, trong gia đình và trong mọi lĩnh vực của chiến tranh và hòa bình. Đó là một cách nhìn có tính đổi mới trước sự suy tàn tất yếu của quyền lực đang làm thay đổi thế giới chúng ta.

 

Lý giải thực tế mới

 

Có những “góc khuất” (blind spots) cần lý giải, liên quan đến cuộc chiến Ukraine hiện nay cũng như Việt Nam và Afghanistan trước đây. Trong trường hợp Afghanistan, người Nga và người Mỹ đã phải rút quân khỏi Afghanistan và chấp nhận thất bại (Nga vào tháng 2/1989 và Mỹ vào tháng 8/2021). Nước Nga dưới thời Putin đang lặp lại sai lầm đó. Những cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga và Mỹ tại Afghanistan trước đây, hay của Nga tại Ukraine hiện nay không làm thay đổi cục diện chiến tranh.

 

Ukraine là một bài toán đố khó giải, với cả các học giả như Francis Fukuyama (the end of history) và Samuel Huntington (clash of civilizations) hay John Mearsheimer (realism). Học thuyết của họ nay không đủ lý giải Ukraine. Khi lý thuyết sai thì kết cục không còn là chuyện học thuật. Học trò của Fukuyama và Huntington tin rằng học thuyết điều khiển thế giới, nhưng là thế giới nào? Những ai cho rằng Fukuyama ngây thơ thường tìm đến “chủ nghĩa hữu dụng” (essentialism) của Huntington, nhưng không đủ. (No grand theory can explain the Ukraine crisis, Janan Ganesh, Financial Times, April 12, 2022).

 

Theo Derek Crossman (RAND), Trung Quốc và Nga đang gắn kết chặt chẽ, làm cho nhiều nước không muốn ra mặt ủng hộ phương Tây để tránh rủi ro. Đối đầu giữa Nga và phương Tây càng làm căng thẳng hơn tranh chấp Mỹ-Trung tại Indo-Pacific. Nay Nga và Trung Quốc công khai phối hợp chặt chẽ chống lại phương Tây, làm các nước nhỏ hơn phải tránh chọn phe để không bị hai nước lớn là Nga và Trung Quốc trừng phạt (Why Most of the Indo-Pacific Tiptoes Around Russia, Derek Grossman, Foreign Policy, 6 April 2022).

 

Nhiều nước khu vực giữ trung lập vì đi theo phương Tây lợi bất cập hại. Không phải chỉ có Ấn Độ mua nhiều vũ khí, lương thực, và hợp tác dầu khí với Nga. Việt Nam tuy đang nổi lên như một đối tác quan trọng của Mỹ, nhưng bỏ phiếu trắng tại Liên Hợp Quốc vì phụ thuộc vào vũ khí của Nga để hiện đại hóa quân đội, nên không muốn làm mất lòng Nga. Việt Nam và Nga có quan hệ truyền thống, có chế độ chính trị tương đồng, và nghi ngại phương Tây dân chủ. Gần đây, Indonesia đã quyết định mua dầu ăn của Nga với giá rẻ.

 

Tuy hiểm họa từ Nga và Trung Quốc khác nhau, nhưng họ đều khai thác các điểm yếu của phương Tây như ngộ nhận, ngạo mạn, dễ thỏa mãn, nhát và tham. Nhưng Ukraine làm cho phương Tây bừng tỉnh. Các nước trung lập như Thụy Sỹ, Thụy Điển, Phần Lan đã thay đổi thái độ. Đức phải tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng và giảm phụ thuộc vào Nga. Nhưng các vấn đề đối với Nga vẫn còn kém xa các vấn đề với Trung Quốc (If you thought Russia was bad, just try China, Edward Lucas, Times of London, April 11, 2022).

 

Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cho cuộc đối đầu này bằng cách tăng cường thực lực của mình về các lĩnh vực công nghệ cao như hàng không vũ trụ (aerospace) và bán dẫn (semiconductors). Tiềm lực và tham vọng của Bắc Kinh làm cho Tập Cận Bình trở thành một đối thủ đáng gờm hơn nhiều so với Putin. Trong khi đó, phương Tây đang nỗ lực làm cho nền kinh tế của họ có sức sống dẻo dai hơn (resilience). Nhưng dù muốn hay không thì cái giá phải trả rất lớn, vì Nga và Trung Quốc đang liên kết chống lại phương Tây.

 

Bài học đầu tiên về Ukraine là phải ngăn chặn không để xâm lược diễn ra. Khi Nga chiếm Crimea (2014), nếu Ukraine cứng rắn hơn và được phương Tây hỗ trợ mạnh hơn như hiện nay để ngăn chặn (denial strategy) thì Putin có thể chùn bước. Liên hệ tới Đông Á nơi cán cân lực lượng đang nghiêng về Trung Quốc, thì bài học này là sống còn với Đài Loan. Chắc không ai muốn vài năm sau nhìn lại và nghĩ rằng lẽ ra phải mạnh tay hơn để răn đe Trung Quốc. Vì vậy, bây giờ là lúc phải hành động ngay và hành động nhanh.

 

Khi xâm lược đã xảy ra rồi thì phải kháng cự có hiệu quả và linh hoạt để có kết cục như mong muốn. Có năm mục tiêu chính. Một là phải hạn chế tổn thất (limit damage). Hai là phải chặn bước tiến xâm lược (stop the aggressor’s advance). Ba là phải khôi phục nguyên trạng (restore the status quo ante). Bốn là phải trừng phạt kẻ xâm lược (punish the aggressor), Năm là phải tiêu diệt xâm lược nếu sự tồn tại của nó không thể chấp nhận được (unacceptable). (Ukraine After the invasion, what? PacNet Forum #17, March 22, 2022).

 

Theo các nguồn báo chí, sau hơn một tháng chiến đấu, Ukraine vẫn đứng vững bất chấp các dự báo bi quan trước đó. Rõ ràng Nga đã sai lầm cơ bản khi đánh giá quá thấp khả năng kháng cự của Ukraine và đánh giá quá cao thực lực của Nga. Theo quy luật, nước nào sống sót sau đòn tấn công đầu tiên thì xác suất chiến thắng của họ cao hơn. Khi chiến tranh kéo dài thì nước phòng thủ sẽ tăng cường sức mạnh nhanh hơn và nhiều hơn so với nước tấn công. Nếu nước phòng thủ có tinh thần cao hơn thì khả năng chiến thắng sẽ nhiều hơn,

 

Andriy Zagorodnyuk (cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, 2019-2020) đã từng giám sát cải cách trong quân đội Ukraine, chủ yếu là thay đổi học thuyết quân sự. Mặc dù quân đội Nga đã hiện đại hóa dưới thời Putin, nhưng họ chưa bao giờ chấp nhận cơ cấu chỉ huy phi tập trung, là đặc điểm nổi bật của quân đội NATO, trong khi quân đội Ukraine đã áp dụng. Người Nga không trao quyền cho binh lính nên lính Nga không biết họ đang làm nhiệm vụ gì. Quân đội Nga phụ thuộc quá nhiều vào hỏa lực pháo binh như “thần chiến tranh”.

 

Theo Zagorodnyuk, tinh thần là động lực và yếu tố quan trọng nhất trong chiến tranh. “Chúng tôi đang chiến đấu vì cuộc sống của gia đình mình, cho người dân mình và cho ngôi nhà của mình”. Sức mạnh của quân đội Ukraine bắt nguồn từ chủ nghĩa dân tộc. Đây là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm (proxy), nên càng kéo dài Nga càng khó khăn. Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ có hai lựa chọn: Một là phải chiếm được toàn bộ Ukraine (đã thất bại), và hai là phải tập trung chiếm được Donbas (đang diễn ra, có ý nghĩa quyết định).

 

Theo Bộ Quốc phòng Nga, sau hơn một tháng, thương vong của quân Nga là 1.351 người chết và 3.825 người bị thương (chắc con số thực cao hơn nữa). Trong khi đó, các nguồn tin quân sự của Ukraine ước tính thương vong của quân đội Nga vào khoảng 15.000 người (cả chết và bị thương). Đến nay, ít nhất có 7 tướng Nga đã bị thiệt mạng. Đây là một tỷ lệ thương vong rất cao so với các cuộc chiến tranh trước đó. Theo UNHCR, đến nay có khoảng 3,6 triệu người Ukraine phải tị nạn, chủ yếu tại các nước láng giềng như Ba Lan.

 

Các nhân tố mới

 

Trong lịch sử có một số người “ngoại đạo” đã trở thành nguyên thủ quốc gia. Tổng thống Mỹ Reagan vốn là một diễn viên điện ảnh và Tổng thống Trump vốn là một doanh nhân. Tổng thống Pháp Macron vốn là một “quân xanh” vô danh tiểu tốt. Nhưng hiếm ai trở thành “huyền thoại đúp” như Tổng thống Zelensky của Ukraine. Zelensky sẽ đi vào lịch sử không chỉ là một danh hài đột nhiên trở thành Tổng thống như trong bộ phim “Kẻ Đầy tớ của Nhân dân”, mà còn bất ngờ trở thành người hùng trong cuộc chiến tranh vệ quốc.

 

Hình ảnh Zelensky đã trở thành một biểu tượng như David nhỏ bé chống lại Goliath khổng lồ trong một cuộc chiến bất cân xứng (asymmetrical fight) như “châu chấu đá voi”. Biểu tượng Zelensky cũng đẹp và lãng mạn không kém huyền thoại Che Guevara. Cũng như Winston Churchill dũng cảm lãnh đạo người Anh chống Đức xâm lược, Zelensky đang nổi lên như một anh hùng áo vải dũng cảm lãnh đạo người Ukraine chống lại Nga xâm lược. Nói cách khác, Zelensky là một biểu tượng của thế giới đang chuyển đổi.

 

Volodymyr Fessenko (một nhà khoa học chính trị) nói: “Có một cái gì đó như tập thể Zelensky”. Phải chăng ông đại diện cho một xu hướng mới trong thế kỷ 21 khi loài người đang phải trải qua những biến cố lớn lao làm sụp đổ những định kiến cũ và xác lập những giá trị mới. Hình ảnh Putin của Nga với tài sản khủng hàng trăm tỷ USD đang sụp đổ và được thay thế bằng biểu tượng Zelensky bình dân và yêu nước như một tấm gương. Ông không chỉ dũng cảm mà còn là một tài năng truyền thông thế hệ mới, có sức lôi cuốn mạnh, không chỉ với người Ukraine, mà còn với người Nga, và công chúng các nước phương Tây.

 

Ihor Novikov (cựu cố vấn cho Zelensky) nói: “Anh ấy hành động một cách có hệ thống và nhanh nhạy. Cuối cùng anh ấy cũng có cơ hội trở thành chính mình”. Tuy Zelensky vồn không phải là một chính khách, nhưng ông đã hành động như một chính khách. Những bài diễn văn của Zelensky trước Quốc hội các nước phương Tây là những kiệt tác truyền thông đáng được giải Oscar. Rõ ràng Zelensky nắm vững tình hình đang diễn ra, biết rõ mình là ai và phải làm gì. Nói cách khác, Zelensky là một chính khách. Người ta nói rằng chính khách được đánh giá không phải do việc anh ta làm, mà bởi hệ quả của việc anh ta làm.

 

Zelenskyy tuy không có ý định tranh cử Tổng thống khi đang làm bộ phim “Kẻ đầy tớ của nhân dân”, nhưng bộ phim đó đã vô hình trung trở thành công cụ tranh cử hiệu quả nhất, tới mức ông đã dùng tên của bộ phim đó để đặt tên cho Đảng của mình. Đó không phải là một kế hoạch được sắp đặt từ trước, mà là “hệ quả không định trước” (unintended consequence). Liệu đó là một sự tình cờ hay là một định mệnh “theo ý trời”? Có thể nói đó là sự kết hợp rất thành công của cả ba yếu tố “thiên-địa-nhân”, mà Zelensky là sự lựa chọn đúng của người dân Ukraine và ông đúng là một “tổng thống biết diễn xuất” (showman president).

 

Theo David Brooks (New York Times) người Ukraine đã đứng lên chống Nga xâm lược như một hiện tượng “Thức tỉnh văn hóa” (cultural inspiration) trong “Tuần lễ thức tỉnh thế giới”. Không ai ngờ một danh hài chưa từng có kinh nghiệm chính trị và chiến trường lại có thể lãnh đạo Ukraine đối đầu với đội quân xâm lược mạnh hơn nhiều lần của Nga một cách xuất sắc như vậy. Sự kiện Tổng thống Zelensky lãnh đạo người Ukraine chống xâm lược Nga đã trở thành một huyền thoại có thật như câu chuyện “châu chấu đá voi”.

 

Theo báo chí phương Tây, trong vòng một tuần vào tháng 3/2022, Mỹ và đồng minh NATO đã chuyển 17.000 vũ khí chống tăng bao gồm tên lửa Javelin cho Ukraine. Trong vòng một tháng, quân đội Nga đã bị thiệt hại nặng nề không thể ngờ khi hàng chục ngàn quân Nga đã bị tiêu diệt, trong đó có 7 tướng. Theo số liệu cập nhật của cả hai bên, hàng ngàn xe tăng và xe bọc thép và hàng trăm máy bay của Nga đã bị tiêu diệt bởi súng chống tăng vác vai cơ động như “Javelin, Stinger, và Startreak” cũng như máy bay không người lái.

 

Tỷ phú Elon Musk (chủ tập đoàn Tesla) đã khởi động dịch vụ truyền tin băng thông rộng qua vệ tinh SpaceX để cung cấp internet tốc độ cao cho Ukraine sau khi một quan chức Ukrainian dùng tweeter đề nghị ông giúp đỡ vì Nga đã cắt đứt Ukraine với thế giới về thông tin. Ngoài ra, còn một đội quân biệt động mạng (cyberwarriors) có thể tham gia chiến đấu chống Nga ở bất cứ đâu. Có thể nói, Volodymyr Zelensky và Elon Musk là những nhân tố mới đang làm thay đổi cuộc chơi (game changers) trong bàn cờ của thế kỷ 21.

 

Gần đây, Elon Musk đã qua kênh Twitter để “thách đấu tay đôi” với Tổng thống Putin. Tuy câu chuyện thách đấu này có vẻ lãng mạn như giả tưởng, nhưng kế hoạch Starlink là thật, và có thể “biến điều không thể thành có thể”. Elon Musk dự kiến sẽ phóng khoảng 12.000 vệ tinh lên quỹ đạo trái đất từ năm 2019 đến năm 2024, nhằm sắp đặt một mạng lưới vệ tinh khổng lồ gồm 3 lớp trên quỹ đạo tính từ mặt đất (340km, 550km, và 1,150km) để cung cấp các dịch vụ Internet vệ tinh tốc độ cao, chi phí thấp, trong mọi điều kiện thời tiết.

 

Theo kế hoạch, số vệ tinh Starlink trong tương lai sẽ tăng lên 42.000 để tạo thành một mạng Internet toàn cầu. Ngoài chức năng phục vụ viễn thông, các vệ tinh trên quỹ đạo thấp có giá trị quân sự cao, vì thời gian quay ngắn hơn và tổn thất truyền dẫn trong không gian nhỏ hơn, có thể đảm bảo băng thông liên lạc rộng hơn, với tốc độ truyền nhanh hơn và hiệu quả trinh sát cao hơn. Gần đây, tên lửa Falcon 9 đã đưa 60 vệ tinh vào quỹ đạo. Đây là lô vệ tinh thứ 8 mà một khi hoàn chỉnh, sẽ đem lại lợi thế quân sự rất lớn cho Mỹ. Không dừng lại ở SpaceX và Starlink, Elon Musk còn đang đàm phán mua Twitter với giá 43 tỷ USD.

 

Trong tương lai, Starlink sẽ được vận dụng để tác chiến trong không gian. Một số vệ tinh sẽ được bố trí thành hệ thống giám sát và cảnh báo sớm tên lửa của đối phương, được kết nối với hệ thống đánh chặn “THAAD”, hệ thống tên lửa “Aegis”, và các tàu khu trục lớp Arleigh Burke trên biển. Theo các thí nghiệm đánh chặn được mô phỏng, Mỹ có thể đánh chặn 350 tên lửa xuyên lục địa với tỷ lệ thành công rất cao. Hệ thống vệ tinh đó có thể cung cấp thông tin cho máy bay không người lái (drones) với tốc độ 610 megabit/giây.

 

Không phải ngẫu nhiên mà tháng 12/2019, Mỹ đã quyết định thành lập Bộ tư lệnh Tác chiến Không gian (Space Operations Command) gồm 9 đơn vị Deltas. Đây là lực lượng vũ trang độc lập thứ sáu bao gồm Lục quân, Hải quân, Thủy quân lục chiến, Cảnh sát biển và Không quân, nhằm bước đầu thiết lập vị thế độc lập của lực lượng vũ trụ. Thông qua các cuộc diễn tập quân sự bí mật và chiến đấu thực tế, các hoạt động vũ trụ của Mỹ đã được đẩy nhanh từ cấp chiến thuật lên cấp chiến lược, để cạnh tranh với Nga và Trung Quốc.

 

Hiện tượng hay bản chất

 

Theo Lê Hồng Hiệp (ISEAS) cuộc chiến Ukraine có mấy đặc điểm: Một là Nga quyết tâm theo đuổi các mục tiêu của mình ở Ukraine. Hai là Nga tự tin vào năng lực quân sự của mình có thể giành chiến thắng trong thời gian ngắn nhất với chi phí thấp nhất. Ba là Nga đánh giá thấp năng lực kháng cự của Ukraine. Bốn là Nga bất chấp dư luận quốc tế và tin rằng các nước EU phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Nhưng diễn biến tình hình chiến sự Ukraine và phản ứng của cộng đồng quốc tế chứng tỏ rằng Nga đã tính toán sai (Will Vietnam Be Able to Wean Itself Off Russian Arms? Le Hong Hiep, Fulcrum, April 4 2022).

 

Do đặc điểm của hệ thống quan hệ quốc tế hiện nay, “bản năng gốc” của các quốc gia vẫn là cố gắng mưu cầu quyền lực, tìm kiếm an ninh, và tự cứu mình trong một môi trường đầy rủi ro. Trong bối cảnh đó, chính trị cường quyền đang lấn át xu hướng hợp tác. Đó là bản chất của chủ nghĩa hiện thực (realism) trong quan hệ quốc tế, về cơ bản tương thích với việc lý giải nguồn gốc của cuộc chiến tranh Ukraine. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga đã bị suy yếu trong khi Trung Quốc trỗi dậy, làm cho thế giới chuyển sang cục diện “nhất siêu đa cường”. Nhưng về thực chất, cấu trúc thế giới vẫn là đơn cực do Mỹ đứng đầu.

 

Tại châu Âu, Mỹ và các nước đồng minh vẫn duy trì NATO và tiếp tục mở rộng về phía Đông, tạo ra sự mất cân bằng quyền lực ở châu Âu, làm cho nước Nga cảm thấy bị đe dọa về an ninh, nhất là khi các nước vốn được coi là vùng đệm trong khu vực ảnh hưởng của Nga như Ukraine nay cũng muốn gia nhập NATO. Đó là một trong những lý do chính thúc đẩy Nga xâm lược Ukraine để vô hiệu hóa mối đe dọa tiềm ẩn này. Dù đúng hay sai, đó là nhận thức về mối đe dọa an ninh (threat perception), phù hợp với chủ nghĩa hiện thực của Nga tại khu vực ảnh hưởng (spheres of influence) trong một môi trường quốc tế bất ổn.

 

Theo Lê Hồng Hiêp, giải pháp tốt nhất để chấm dứt cuộc chiến Ukraine là Nga rút quân về vị trí trước ngày 24/2, trong khi Ukraine chấp nhận quy chế trung lập, và giảm bớt sức mạnh quân sự để đáp ứng yêu cầu an ninh của Nga. Vấn đề Crimea nên tạm thời để ngỏ, còn Donbass tiếp tục được giải quyết theo “Tiến trình Minsk”. Tuy nhiên, chiến sự chắc còn kéo dài, tới khi nào một bên trên chiến trường thấy không đủ sức để tiếp tục cuộc chiến thì thương lượng mới đến lúc chín muồi. Nga có thể là bên bị cô lập và “mất máu” nhiều hơn, do chiến tranh ác liệt cũng như do lệnh cấm vận và trừng phạt của các nước phương Tây.

 

Kết cục là Nga bộc lộ nhiều điểm yếu và không mạnh như nhiều người tưởng. Một kết cục khác là Nga bị xô đẩy gần hơn với Trung Quốc, tuy vẫn là “đồng sàng dị mộng” và liên kết tạm thời chứ không phải đồng minh chiến lược. Thế giới vẫn chưa hội tụ đủ yếu tố để hình thành một trật tự quốc tế mới. Mỹ và phương Tây có thể được lợi nhiều hơn, vì làm Nga chảy máu suy kiệt, củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương và răn đe Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cần đánh giá lại và điều chỉnh quan hệ với Nga trong bàn cờ mới, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.

 

Đức và Nhật đang gia tăng sức mạnh quân sự, sau khi tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng để tái vũ trang, làm thay đổi bàn cờ địa chiến lược tại Tây Âu và Đông Á. Tuy điều đó có thể tiềm ẩn thách thức đối với vai trò toàn cầu của Mỹ, nhưng với các ràng buộc về thể chế hiện nay, khi Đức là thành viên NATO và Nhật là đồng minh tin cậy của Mỹ, thì sự trỗi dậy về quân sự của Đức và Nhật mang hàm ý tích cực nhiều hơn tiêu cực. Thay vì thách thức và làm Mỹ suy yếu thì Đức và Nhật có thể chia sẻ gánh nặng quân sự để cùng Mỹ đối phó hiệu quả với thách thức của Trung Quốc và Nga theo tầm nhìn chiến lược Indo-Pacific.

 

Bình luận về Putin xâm lược Ukraine, Noam Chomsky (nhà ngôn ngữ học nổi tiếng) nói: “Tại sao Putin làm như vậy? Theo ông có hai cách lý giải. Một là quan điểm thịnh hành tại phương Tây cho rằng đầu óc của Putin bất bình thường và cố xác định xem điều gì đang diễn ra trong tâm trí ông. Hai là nhìn vào thực tế từ tháng 9/2021, khi Mỹ tuyên bố mạnh mẽ kêu gọi tăng cường hợp tác quân sự với Ukraine, tiếp tục gửi các loại vũ khí hiện đại cho Ukraine, và hứa cho Ukraine vào EU và NATO. (Noam Chomsky:“We’re approaching the most dangerous point in human history”, George Eaton, New Statesman, April 6, 2022).

 

Dưới thời Tập Cận Bình, có nhiều dấu hiệu chứng tỏ Đảng CSTQ muốn bóp nghẹt quyền tự do dân chủ vốn đã rất hạn chế dưới thời Đặng Tiểu Bình. Nay Đảng còn muốn kiểm soát chặt chẽ cả khu vực tư nhân (private enterprise), và nhắm vào thế lực các tập đoàn “tư bản đỏ” siêu giàu như Alibaba của Jack Ma. Đằng sau các chính sách đó là quan điểm của Đảng cho rằng mô hình phát triển của Trung Quốc ưu việt hơn phương Tây. Theo Tập Cận Bình, Bắc Kinh đang “soi đường cho các nước đang phát triển khác hiện đại hóa”. (The Sources of Chinese Conduct, Odd Arne Westad, Foreign Affairs, September/October 2019).

 

Trong suốt 4 thập kỷ, phương Tây đã bị mờ mắt vì sự phát triển thần kỳ của kinh tế Trung Quốc, nên đã coi nhẹ một thực tế là Trung Quốc do độc Đảng cầm quyền. Lãnh đạo Trung Quốc cũng giống lãnh đạo Liên Xô coi Mỹ là kẻ thù. Thế giới không còn lưỡng cực (bipolarity) mà là đa cực (multipolarity). Nhưng khác với chiến tranh lạnh, xung đột giữa hai siêu cường hiện nay không dẫn đến lưỡng cực mà là một hình thái mới. Vai trò toàn cầu suy giảm của Mỹ và “Nguồn gốc Hành vi của Trung Quốc” (The sources of Chinese conduct) cho thấy một hình thái cạnh tranh mới khác xa thời của George Kennan (1946-1947).

 

Khủng hoảng Ukraine là cơ hội tốt để cải thiện quan hệ Trung-Mỹ nhưng Bắc Kinh đã bỏ qua. Liên kết Trung-Nga không đơn giản để duy trì “trục chuyên chế”, mà tính toán của Tập Cận Bình phức tạp hơn nhiều, dựa trên phân tích được-mất (cost-benefit) để xác định lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Ukraine. Bắc Kinh phải điều chỉnh chiến lược trong một thế giới đa cực (multipolarity) để chống chủ nghĩa đơn phương (unilateralism) của Mỹ, ủng hộ Nga chống lại NATO mở rộng về phía Đông, và chống “tác động tiêu cực của chiến lược Indo-Pacific của Mỹ cũng nguy hiểm như NATO mở rộng về phía Đông”. (Why China Chose Russia on the Russo-Ukrainian War, Paul Heer, National Interest, April 8, 2022).

 

Nói cách khác, nguy cơ chiến tranh lớn tuy thấp hơn, nhưng rủi ro xung đột khu vực cao hơn như “vùng xám”. Khả năng chủ nghĩa quốc gia xô đẩy các nước cạnh tranh và xung đột ngày càng lớn. Nhưng một trong các nhận thức sâu sắc nhất của George Kennan không liên quan đến đối ngoại, mà liên quan đến đối nội của Mỹ. Trong bài viết nổi tiếng của mình (“X” Article), Kennan nhấn mạnh “biểu hiện không quyết đoán (indecision), chia rẽ (disunity) và phân hóa nội bộ (internal disintegration) là nguy cơ lớn nhất của nước Mỹ”.

 

Hàm ý cho Việt Nam

 

Theo Graham Allison (Harvard), sự trỗi dậy của Athens và lo ngại của Sparta làm chiến tranh trở nên tất yếu. Đó là cái “bẫy Thucydides” mà ông đã cảnh báo, dựa trên “nan đề của người tù” (prisoner’s dilemma). Cấu trúc của nan đề này phụ thuộc vào nhận thức cho rằng chiến tranh còn hơn là chịu khuất phục. Song vũ khí hạt nhân đã làm đảo lộn nhận thức đó vì sức hủy diệt của nó. Nhận thức này đã làm thay đổi cấu trúc tranh chấp bá quyền trong trò chơi “nan đề của người tù” thành trò chơi “chọi gà” (chicken game). Nếu chiến tranh không tránh khỏi trong tranh chấp nước lớn theo cấu trúc trò chơi “nan để của người tù”, thì hòa bình cũng có thể đạt được trong tranh chấp nước lớn theo cấu trúc trò chơi “chọi gà”.

 

Alexander Vuving (APCSS) cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, vẫn có thể tránh được “bẫy Thucydides”. Lý thuyết của Allison không đặt đúng chỗ (misplaced) vì dựa trên một giả định sai lầm căn bản (fundamentally flawed). Rủi ro chiến tranh tồn tại trong trò chơi “chọi gà” nhưng phụ thuộc vào sai sót của con người (hu­man errors), và lỗi của máy móc (machinery defects) hoặc các yếu tố phi cấu trúc khác (other non-structural factors) chứ không phải “bẫy Thucydides”. (Great power competition: Lessons from the past, implications for the future, Alexander Vuving in Hindsight, Insight, Foresight: Thinking about Security in the Indo-Pacific, Alexander Vuving (ed), APCSS, October 2020).

 

Nhưng theo Derek Grossman (RAND), khả năng xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam cao hơn là giữa Trung Quốc và Đài Loan. Điều đó có nghĩa Việt Nam chứ không phải Đài Loan có nguy cơ bị Trung Quốc xâm chiếm, cũng như Ukraine bị Nga xâm chiếm. Một sự cố trên biển Đông có thể lan tới đất liền trên biên giới Việt-Trung. Một kịch bản như vậy có nhiều khả năng hơn là Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan. Việt Nam chủ trương “ba không”, nên khi bị Trung Quốc tấn công, sẽ không có nước nào bảo vệ Việt Nam, vì Việt Nam không tham gia liên minh quân sự và không có hiệp ước phòng thủ chung (Ukraine conflict echoes loudest in Vietnam, not Taiwan, Derek Grossman, Nikkei, March 21, 2022).

 

Tuy Việt Nam mua rất nhiều vũ khí của Nga, nhưng hai nước không có hiệp ước an ninh chung. Gần đây, tuy quan hệ Mỹ-Việt phát triển mạnh nhưng vẫn là “đối tác toàn diện”, chưa phải là “đối tác chiến lược”, thua xa quan hệ Việt-Nga, Việt-Trung và Việt-Ấn. Nếu xảy ra xung đột trên Biển Đông thì Việt Nam phải tự mình đương đầu với Trung Quốc. Trong khi đó, các chính quyền Mỹ dù Dân chủ hay Cộng hòa, đều ủng hộ Đài Loan trên cơ sở “Luật Quan hệ Đài Loan” (Taiwan Relations Act, 1979). Tổng thống Joe Biden đã hai lần khẳng định rằng Mỹ sẵn sàng bảo vệ Đài Loan nếu bị Trung Quốc tấn công và Mỹ đã cung cấp cho Đài Loan nhiều hệ thống vũ khí hiện đại để răn đe và tự vệ chống lại Trung Quốc.

 

Việt Nam là nước Đông Nam Á mua nhiều vũ khí nhất của Nga. Theo SIPRI, vũ khí của Nga chiếm 90% tổng giá trị nhập khẩu vũ khí của Việt Nam trong giai đoạn 1995-2014. Con số này đã giảm xuống 68,4% trong giai đoạn 2015-2021. Các nước khác (ngoài Nga) cung cấp vũ khí cho Việt Nam trong giai đoạn này gồm Isreal, Belarus, Hàn Quốc, Mỹ và Hà Lan. Việt Nam đã nhập vũ khí của Nga trị giá 7,4 tỷ USD, chiếm 81% tổng giá trị nhập khẩu vũ khí của Việt Nam. Chiến tranh Ukraine đang làm cho Việt Nam bị mắc kẹt, với những rủi ro tiềm ẩn như Nga liên kết với Trung Quốc, và thiếu phụ tùng cho tàu chiến và máy bay.

 

Các chuyên gia cho rằng Nga bị phương Tây cấm vận loại khỏi SWIFT sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong ngắn hạn để thanh toán các hợp đồng mua vũ khí. Đến nay, Mỹ vẫn ưu ái cho Việt Nam giảm dần việc mua vũ khí và thiết bị quân sự của Nga để tránh bị trừng phạt theo luật CAATSA. Nhưng nếu Việt Nam tiếp tục mua vũ khí của Nga sẽ tiềm ẩn rủi ro vì quan hệ Việt-Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi cấm vận của Mỹ. Đã đến lúc Việt Nam phải xem xét lại quan hệ quân sự với Nga và chọn cho mình chỗ đứng tốt hơn. Hy vọng Hội nghị TW5 là một cơ hội tốt để Việt Nam đổi mới một cách đột phá về cả đối nội và đối ngoại.

 

-----------------

Tham khảo

 

1. The Sources of Chinese Conduct, Odd Arne Westad, Foreign Affairs, Sept/Oct 2019

 

2. Great power competition: Lessons from the past, implications for the future, Alexander Vuving in Hindsight, Insight, Foresight: Thinking about Security in the Indo-Pacific, Alexander Vuving (ed), APCSS, October 2020

 

3. Yuval Harari argues that what’s at stake in Ukraine is the direction of human history, Yuval Harari, Economist, February 9, 2022

 

4. Ukraine conflict echoes loudest in Vietnam, not Taiwan, Derek Grossman, Nikkei, March 21, 2022).

 

5. Ukraine After the invasion, what? PacNet Forum #17, March 22, 2022

 

6. The Dictator’s New Playbook: Why Democracy Is Losing the Fight, Moisés Naím, Foreign Affairs, March/April 2022

 

7. Will Vietnam Be Able to Wean Itself Off Russian Arms? Le Hong Hiep, Fulcrum, April 4 2022

 

8. We’re approaching the most dangerous point in human history”, George Eaton, the New Statesman, April 6, 2022

 

9. Why Most of the Indo-Pacific Tiptoes Around Russia, Derek Grossman, Foreign Policy, April 6, 2022

 

10. Why China Chose Russia on the Russo-Ukrainian War, Paul Heer, National Interest, April 8, 2022

 

11. If you thought Russia was bad, just try China, Edward Lucas, Times of London, April 11, 2022).

 

12. No grand theory can explain the Ukraine crisis, Janan Ganesh, Financial Times, April 12, 2022).

 

N.Q.D.

14/4/2022






No comments: