“Tôi Cần
Súng Đạn, Không Cần Giúp Trốn Thoát”
08/04/2022
https://vietbao.com/p301436a311749/toi-can-sung-dan-khong-can-giup-tron-thoat-
https://vietbao.com/images/file/3prpoyMZ2ggBAO4H/w800/nguoi-hung-bai-ngu-yen.jpg
KRAKOW, POLAND - 22
tháng 3: Ô tô chạy ngang qua một bức tranh tường được sơn gần đây có hình Tổng
thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy vào ngày 22 tháng 3 năm 2022 tại Krakow, Ba
Lan. Gần 2/3 trong số hơn 3 triệu người phải rời khỏi Ukraine kể từ cuộc xâm lược
của Nga vào tháng trước đã đến Ba Lan, quốc gia có đường biên giới dài 310 dặm
với nước láng giềng phía đông. (Ảnh của Omar Marques / Getty Images)
Nhiều nhà hiền triết tin rằng, tất cả mọi thứ
trên đời xảy ra đều có lý do. Tôi nghi ngờ. Các nhà đại bác học tuyên bố, chuyện
đời xảy ra do ngẫu nhiên nằm trong những định luật bất di bất dịch của vũ trụ.
Tôi nghi ngờ. Có vẻ như tôi là một chuyên gia nghi ngờ, hoặc đệ tử của triết
phái Hoài Nghi. Không phải. Tôi là người sáng tạo. Nghĩa là, thường xuyên nghi
vấn, dù những thứ đó đã hiện diện ngàn năm, và thường xuyên tưởng tượng để giải
quyết sự nghi vấn, như vậy, càng nghi ngờ sâu đậm hơn.
Nghi là không tin. Ngờ là chưa chắc đó là sự
thật.
TÔI VÀ ANH HÙNG
Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn nghi ngờ hai chữ “anh
hùng”. Từ thơ ấu, ý nghĩa “anh hùng” đối với tôi, to tác nhưng mơ hồ. Rồi già
theo tuổi, ý nghĩa này nhỏ dần, càng nhỏ càng rõ ràng. Sống đến 70 tuổi, chắc
chắn đã gặp gỡ, chuyện trò, chứng kiến nhiều loại anh hùng, nhưng hầu hết, khả
năng nghi ngờ của tôi khá đúng. Lần lượt các anh hùng lộ dần ra bản chất tiểu
nhân (không có nghĩa người xấu, chỉ kém hơn bình thường.) Tôi dùng chữ “anh
hùng” bao gồm nam nữ, trẻ già, vì tránh khỏi phải viết: chị hùng, bé hùng, cụ
hùng. (Tôi đã thấy cụ hùng chống gậy ra giữa quân thù chiếm đóng làng xóm và chửi
rủa thậm tệ, xem cái chết nhẹ như lông gà. Thấy chị hùng đưa dao bén lên cổ tay
và thề sẽ cắt đứt mạch máu nếu chồng đi theo vợ bé. Thấy bé hùng dám đánh nhau
với những đứa lớn hơn. Nhưng rồi, từ từ, họ hết hùng. Hoặc buồn thê thảm, hoặc
khóc tỉ tê, hoặc đưa tay đầu hàng sau trận đòn túi bụi. Có lẽ, anh hùng chỉ xuất
hiện trong giây phút hoặc giai đoạn ngắn, sau đó anh hùng bỏ thân xác ra đi, chỉ
còn lại người thường?)
Mãi về sau, tôi mới hiểu ra (nhờ đọc sách),
phân biệt được: hành động anh hùng và thực chất anh hùng (nhờ kinh nghiệm sau
cuộc chạy loạn 1975 và lưu vong xứ lạ.) Tất cả sự đời thành hoặc bại, hay hoặc
dở, đều liên quan đến khả năng can đảm. Khả năng này là chủ lực tạo ra anh
hùng.
Can đảm: có can đảm bốc đồng và can đảm suy
tính. Tạo ra anh hùng bốc đồng và anh hùng ý thức.
Sự hiểu biết của tri thức thường chỉ để trưng
bày trong các cuộc chuyện trò hoặc viết lách; phải có duyên phận mới “ngộ” được
thâm trầm. Sáng hôm nay, uống chưa hết ly cà phê nóng, đã gặp cơ duyên: gặp anh
hùng thứ thiệt.
Tôi nghĩ bất kỳ một người nào, ít nhất trong đời,
đã có lần muốn làm anh hùng. Tôi cũng vậy. Có lẽ, còn hơn rất nhiều người, vì
tôi thường xuyên tưởng tượng mình là anh hùng, đủ loại anh hùng. Tôi có hai cơ
hội để làm anh hùng nhưng lại bỏ qua. Từ đó, lúc nào cũng cảm thấy mình hèn. Ý
nghĩa và hình ảnh của anh hùng ám ảnh tôi âm thầm và hiu hắt. Giờ đây, già rồi,
làm gì còn cơ hội để anh hùng? Lúc trẻ, sợ chết, không đủ can đảm làm anh hùng.
Về già, đàng nào cũng chết, sợ gì nữa, thừa can đảm nhưng cơ hội không tìm đến
mình, biết làm sao?
ANH HÙNG LÀ AI?
Là con heo đen.
Thật vậy, sáng nay, 26 tháng 3, trong lúc mùi
cà phê còn tản mạn, tôi gặp chàng heo đen vì bảo vệ nàng heo trắng, đã chiến đấu
với một con gấu, lớn ít nhất gấp ba lần nó. Bà chủ nuôi hai con heo bên hông
nhà, trong một khu hàng rào cao khoảng đến bụng. Bà cho biết, chàng heo đen là
nòi giống heo Việt, (Có người gọi là heo mọi, nhưng tôi biết heo mọi nhỏ hơn và
rất dữ.)
Bà chủ kể lại, chàng heo Việt thường khi nhút
nhát, nằm trong lều chuồng và sợ hãi tiếng động. Sáng hôm đó, máy quay hình bảo
vệ an ninh quanh nhà thâu được một khúc phim, chạy trên báo CNN. Một con gấu
đen tìm đến khu rào, thấy nàng heo trắng béo mỡ đang ăn sáng. Gấu trèo vào, tấn
công heo trắng. Heo trắng chống trả, kêu la. Từ trong lều chuồng, chàng heo đen
xông ra, xông tới, ủi mạnh vào bụng gấu, miệng kêu hồng hộc. Gấu bị phục kích bất
ngờ, tháo lui. Heo đen xông tới lần nữa, không tỏ vẻ sợ hãi hung thần, như người
dân Ukraine xông vào đoàn quân Nga. (Chẳng phải con gấu tượng trưng cho Nga hay
sao? Gấu trắng tượng trưng cho nước Nga. Gấu đen tượng trưng cho Putin và những
kẻ dã tâm đen thui?) Gấu một lần nữa, bất ngờ, lùi vào một góc (hình như ngẩn
ngơ). Heo đen tiếp tục hồng hộc tiến lên nhưng chỉ nhá tới rồi thụt lùi (quả là
cao kỳ, đuổi địch không nên đuổi đến đường cùng.) Quả nhiên, gấu trèo ra khỏi
rào, bỏ chạy. Heo đen đúng là anh hùng. (Không chừng, đây là điềm báo trước
quân Nga sẽ rút lui trước lòng can đảm chiến đầu của toàn dân Ukraine.)
Bạn đọc đừng tưởng tôi hư cấu hoặc đùa chơi.
Hãy bấm vài link dưới đây.
Đúng là anh hùng cứu mỹ nhân, phải
không? Vật cũng vậy, người cũng vậy. Xưa nay biết bao nhiêu anh hùng liều thân
cứu người đẹp. Nhưng tôi lại bỏ lỡ cơ hội. Đó là lần đầu tiên, thiếu can đảm, tôi
mất làm anh hùng.
CƠ HỘI ĐÃ QUA
KHÔNG TRỞ LẠI
Năm đó, tôi còn là học sinh lớp 12, trường Cường
Để Qui Nhơn. Vào Tuy Hòa thăm người yêu với mức độ tình ái cao nhất là nắm tay.
Một đêm, sau khi ngồi quán cà phê, chúng tôi ra về, đi dọc theo hè phố. Phố Tuy
Hòa nhỏ. Về đêm vắng vẻ, buồn như thiếu phụ chờ chồng. Đang lúc băng qua đường
về nhà nàng, một chiếc xe honda chở hai đàn ông, chạy ngang, vỗ vào mông người
tôi yêu, nơi tôi chưa hề dám chạm đến. Cơn giận nổi lên, chiếc honda phóng chạy
vang tiếng cười, tôi chửi rủa và la lớn tiếng, “Đ.M. có ngon thì quay lại đây.”
Ngon thiệt. Honda quay lại. Không phải hai, mà
ba người lính rằn ri, ngực đeo lựu đạn, súng đeo bên hông. Hai người bước xuống
xe, tiến đến tôi. Người yêu sợ hãi đứng sát vào lề, can đảm không bỏ chạy. Biết
phải làm gì? Hoàn toàn tỉnh táo nhưng đầu óc trống không. Tôi im lặng và chờ đợi.
May mà hai con gấu không tấn công phụ nữ, chỉ quan sát chàng heo đen tuy cao mà
ốm, ngây thơ như em út của họ. Rồi hai con gấu bỏ đi, trèo lên honda, để lại
ánh mắt xem thường. Không khinh bỉ mới đúng. Người yêu tôi mừng rỡ. Tôi xấu hổ.
May sao, cuối cùng nàng heo trắng cũng về chuồng với chàng heo đen, 47 năm rồi.
47 năm, nghĩ lại vẫn xấu hổ. Giá như tôi xông tới hồng hộc ủi vào như heo đen.
Cùng lắm là tím mặt, chảy máu, rụng răng. Sao lại hèn quá.
Mỗi tháng Tư, nỗi hèn khác lại trở về. Cắn. Một
lần nữa, tôi đánh mất cơ hội làm anh hùng. Giặc tới, bỏ chạy. Trèo lên ghe,
tuôn ra biển, đi luôn về xứ lạ, lâu rồi thành quen. Lắm chuyện xảy ra, đôi khi
thành công, tưởng mình là anh hùng. Nghĩ lại. Giật mình. Anh hùng đâu phải như
vậy? Anh hùng là gì? Anh hùng là ai?
Sợ chết, sợ tù, sợ khổ, sợ quân thù … nói
chung, là sợ. Sợ thì không thể làm anh hùng. Nhưng con heo đen bình thường vẫn
sợ tiếng động. Nhát như vậy sao lại dám chạy ra đương đầu với gấu? Có lẽ, khi
có động cơ tâm lý can đảm, anh hùng sẽ xuất hiện, đạp qua nỗi sợ, làm nên những
chuyện, thường khi không dám làm. Không hiểu động cơ can đảm đó tìm ở đâu? Nước
mất nhà tan là lý do chính đáng, mà không có động cơ? Mỗi tháng tư, mỗi nghĩ ngợi,
rồi lần mò hiểu ra: lòng yêu nước quá kém.
Lúc đó, tôi chưa có ý thức anh hùng, cũng
không có hành động anh hùng bốc đồng, chỉ nghĩ đến chuyện yên thân. Nếu không
phải hèn thì gọi là gì? Quốc gia lâm nguy, thất phu đào tẩu, cho dù vì bất kỳ
lý do gì, cũng là kẻ tham sống sợ chết. Sao còn dám huênh hoang với người khác,
ngụy trang lịch sử? Tôi nghĩ, bản thân mình thua cả con heo đen. Kể từ năm nay
trở đi, mỗi tháng tư, lại có thêm con heo đen kêu hồng hộc, ủi kẻ hèn vào một
góc đời.
ANH HÙNG THẾ GIỚI.
Hầu hết dân trên thế giới chứng kiến quân Nga
xâm lăng Ukraine từ tháng ba năm 2022, đều khâm phục lòng can đảm, dũng cảm,
chiến đấu không sợ chết của dân quân Ukraine. Đương đầu với một lực lượng quân
đội đông đảo, trang bị đầy vũ khí tối tân, mạnh hơn gấp mười lần, mà người
Ukraine vẫn chống trả ngày này qua ngày kia, hơn một tháng rồi, chưa mất thủ
đô. Họ chết la liệt. Bị thương không được chữa trị. Ông già, bà già, thanh
niên, thiếu nữ, vẫn bắn, bắn, bắn, và chết, chết, chết, không chạy, không bỏ nước,
không cầu yên thân. Lòng yêu quê hương của họ trở thành kỳ quan trong lịch sử.
Một đất nước có quá nhiều anh hùng, dẫn đầu bởi
Volodymyr Zelenskyy, vị tổng thống anh hùng, người đã viết vào trí nhớ nhân loại: “The
fight is here. I need ammubition, not a ride.” (Trận chiến xảy ra ở đây. Tôi cần
súng đạn, không cần giúp trốn thoát). Tôi nhớ lại hôm ở trại tị nạn,
chứa cả ngàn ngàn người, khi cơ quan đại diện cứu trợ hỏi chúng tôi, muốn đi
đâu? Không ai bàn với ai, vậy mà, chúng tôi đồng loạt hô lên: đi Mỹ. Không nghe
một ai xin súng đạn. Lòng kém yêu nước thì dân ít anh hùng.
Ông Zelenskyy chẳng những từ chối sự an toàn
cho bản thân, ông từ chối luôn sự an toàn cho gia đình. Ông trở thành thần tượng
trong lịch sử và là nỗi ám ảnh cho những ai đã bỏ nước trốn chạy, khi quê nhà
đang hấp hối.
Không hẳn như vậy. Dân quân Ukraine dám đóng
chốt chiến đấu với chấp nhận cái chết, vì họ có vị lãnh đạo sẵn sàng chết tại
thủ đô. Nước còn ta còn, nước mất ta mất. Họ đồng lòng, không gạt gẫm nhau,
không đổ trách nhiệm cho nhau. Còn chúng ta, hôm qua, tổng thống tuyên bố từ chức
để làm chiến sĩ cầm súng bảo vệ quê hương, hôm sau lên máy bay tẩu thoát. Rồi
phó tổng thống, tham mưu trưởng, một số tướng tá, một số chỉ huy, cũng đào tẩu
bỏ lại trách nhiệm bay phất phới như mảnh vải rách dính trên kẽm gai. Quân dân
ta dẫu muốn ở lại chiến đấu, chiến đấu với ai? Có cả ngàn lý do để bào chữa cho
sự kiện mất miền Nam Việt Nam, nhưng không có lý do nào biện hộ cho các vị
lãnh đạo này.
ANH HÙNG LÀ AI?
Sách viết: Anh hùng là những cá nhân thể hiện
lòng dũng cảm và lòng vị tha đối với những điều cao cả và nhân đức cao quí của
con người khi họ gặp hiểm nguy. Anh hùng cũng là người có thể hy sinh sự sống
cá nhân cho mọi người.
Họ có thể rất khác nhau, nhưng có chung một số
đặc tính. Ở đây, chúng ta đang nói về bản chất anh hùng. Trong thực tế, mọi người
sinh ra, ai cũng có chất anh hùng và chất tiểu nhân. Khi người ta lớn lên, trưởng
thành, tùy vào chất anh hùng hay chất tiểu nhân, chất nào phát triển nhiều hơn,
họ nghiêng về hướng loại người đó. Bẩm sinh trong huyết mạch và môi trường sống
xây dựng bản tính anh hùng.
Có ba đặc tính căn bản tạo ra anh hùng:
1- Giá trị và phẩm chất đời
sống của người đó.
2- Niềm tin vào bản thân và
hành động của mình.
3- Lòng can đảm có thể đối đầu
với bất kỳ chuyện gì xảy đến.
Có những anh hùng nổi bật như Mahata Gandhi,
Martin Luther King,… nhưng hầu hết anh hùng là những người bình thường đến từ
gia đình, bạn bè, hàng xóm, cộng đồng… Đặc điểm chung của họ là tôn trọng mạng
sống và quyền sống của con người. Họ sẵn sàng đấu tranh để mang lại đời sống xứng
đáng cho người khác, những người nghèo khó, cô thế, không có khả năng để hưởng
nhân quyền. Tóm gọn, anh hùng là người chịu hy sinh đời sống riêng để làm đời sống
chung tốt đẹp hơn.
Đem định nghĩa này so sánh với những ai tự cho
mình là anh hùng hoặc tôn vinh ai khác làm anh hùng, thì chúng ta sẽ thấy rõ.
Muốn làm anh hùng thật sự, không phải dễ.
Người ta khẳng định, hành động anh hùng trước
hết phát xuất từ tâm hồn. Ý thức về anh hùng tồn trữ tại tâm trí. Nhưng tôi
khám phá thêm một điều nữa, phải có sức khoẻ, đôi khi, cần sức mạnh mới có thể
làm anh hùng.
Câu chuyện như thế này: Tôi đã mất hai cơ hội
để chứng tỏ với bản thân, tôi là anh hùng. Hai tuần trước, lại có thêm một cơ hội,
có lẽ là cơ hội cuối cùng.
Một vài người bạn trẻ hơn tôi rất nhiều, đã
quen nhau khi tôi còn đi dạy về Thị trường Hối đoái. Chúng tôi đã cùng nhau đi
nhiều tiểu bang và ra các quốc gia Á châu để dạy học, do đó, tạo ra thân tình.
Họ tìm đến tôi và đề nghị gia nhập vào đoàn tình nguyện về Ukraine chiến đấu. Họ
là những cựu quân nhân của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Tôi ngần ngừ vì lớn tuổi.
Họ nói, anh còn trẻ hơn mấy bà ngoại bà nội bắn AK 47 ở Kyiv. Được, như vậy
mình phải tập dượt chút đỉnh để gia tăng sức lực. Tuần trước, ra sân vận động,
hai chàng heo trắng, một chàng heo đen, mang ba lô, chạy thử đôi vòng.
Chạy chưa hết một vòng, mồ hôi tôi túa ra như
tắm mưa, hơi thở lộn ngược xuống bụng, mắt mờ, cảm giác xây xẩm, cảm giác mất
đôi chân … đành phải nằm lăn ra sân cỏ. Tưởng chừng đứt hơi. Nếu đứng tim, tắt
thở, mà chưa làm gì cho ai khác tốt đẹp hơn, thì chưa kịp làm anh hùng.
Đó các bạn đọc thấy không? Muốn làm anh hùng
không phải dễ. Vậy mà hàng ngày, sao lại có quá nhiều người tự nhận là anh
hùng?
No comments:
Post a Comment