The Economist
Đỗ
Đặng Nhật Huy, biên dịch
07/04/2022
https://nghiencuuquocte.org/2022/04/07/the-gioi-hom-nay-07-04-2022/
Hàng nghìn
người đang tháo chạy khỏi khu vực Donbas, miền đông Ukraine, khi quân
Nga dồn lực tấn công vùng này. Giới chức Ukraine cho biết họ đang cố gắng thiết
lập hành lang nhân đạo “khi điều kiện vẫn cho phép.” Ngoài ra Ukraine cũng
tuyên bố 400 người từ ở Hostomel, gần thủ đô Kyiv, được xác định mất tích. Trước
đó vào hôm thứ Ba, tổng thống Volodymyr Zelensky nói trước Hội đồng Bảo an Liên
Hợp Quốc rằng tội ác chiến tranh của Nga ở Bucha, trong đó Nga sát hại 300 dân
thường, đang được lặp lại ở những vùng khác của đất nước.
Hungary
đi ngược lại Liên minh châu Âu khi tuyên bố vào vào thứ Tư là họ sẽ trả tiền
cho khí đốt Nga bằng đồng rúp nếu Điện Kremlin yêu cầu. EU muốn giữ nguyên hợp đồng hiện tại,
tức thanh toán bằng đô la và euro. Được biết thủ tướng Hungary Viktor Orban,
người vừa tái đắc cử hôm Chủ nhật, có mối quan hệ lâu dài với tổng thống Nga
Vladimir Putin. Trong khi đó, các đại sứ EU đang nhóm họp về các biện pháp cấm
vận kinh tế mới đối với Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than. Mỹ đã công bố trừng
phạt đối với một số nhân vật tinh hoa Nga, bao gồm cả các con gái của Tổng thống
Vladimir Putin.
Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết
nước này sẽ tẩy chay mọi cuộc họp G20 vào cuối năm nay ở Bali nếu Nga được
mời tham dự. Tháng trước,
Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi trục xuất Nga khỏi G20, song đại sứ Nga tại
Indonesia lại nói Vladimir Putin sẽ đến dự họp. Mỹ cũng tuyên bố cung cấp thêm
100 triệu USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine để tăng cường sức mạnh chống thiết
giáp của quân đội nước này. Kể từ đầu cuộc chiến, Washington đã cam kết viện trợ
1,7 tỷ USD khí tài quân sự cho Ukraine.
Đại sứ Trung
Quốc tại Liên Hợp Quốc nói các báo cáo và hình ảnh về vụ thảm sát ở Bucha
là “rất đáng lo ngại,” tuyên bố cứng rắn nhất từ trước đến nay của nước này.
Song ông cũng nói mọi cáo buộc phải dựa trên sự thật, dường như ám chỉ quan điểm
của Nga rằng các cáo buộc chỉ là vu khống. Đặc phái viên của Ấn Độ tại LHQ cũng
lên án các vụ giết người và kêu gọi điều tra độc lập.
Theo Bộ Quốc
phòng Anh, tình hình nhân đạo ở thành phố Mariupol đang “trở nên tồi tệ.”
Giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn và các lực lượng Nga đã ngăn cản các nỗ lực
nhân đạo — gần đây họ thậm chí ngăn nhân viên của Hội Chữ thập đỏ tiếp cận — có
thể là “để gây áp lực buộc những người trong thành phố phải đầu hàng,” bộ này
cho biết. Hầu hết 160.000 cư dân của thành phố đang không có hệ thống sưởi,
không có điện, thực phẩm và nước.
Các nghị sĩ Cộng hòa ở Oklahoma đã bỏ phiếu
thông qua một dự luật cấm gần như hoàn toàn phá thai. Phụ nữ sẽ chỉ được phép kết thúc thai
kỳ trong trường hợp nguy hiểm tính mạng. Thống đốc bang Kevin Stitt dự kiến sẽ ký nó thành luật • Tổng thống Sri Lanka
Gotabaya Rajapaksa bãi bỏ tình trạng khẩn cấp do ông ban hành hôm 1 tháng 4,
sau khi liên minh cầm quyền của ông mất đa số trong quốc hội. Các nhà lập pháp
đã rời bỏ ông vì bất bình với cách chính phủ ứng phó khủng hoảng kinh tế, cũng
như chiến dịch trấn áp biểu tình sau đó.
Biên bản
cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào tháng 3 cho thấy các quan chức
“nhìn chung đồng ý” về việc thu hẹp bảng cân đối kế toán 9 nghìn tỷ đô hiện tại
của Fed với tốc độ 95 tỷ USD một tháng. Chính sách mới sẽ được tiến hành theo từng
giai đoạn trong ít nhất ba tháng • Cổ phiếu của Kintor Pharmaceutical
tăng hơn 200% tại Hồng Kông sau khi nhà sản xuất thuốc Trung Quốc thông báo rằng
loại thuốc của họ, proxalutamide, làm giảm đáng kể nguy cơ nhập viện hoặc tử
vong do Covid-19. Trung Quốc vẫn chưa sản xuất thành công thuốc kháng virus • JetBlue
Airways, hãng hàng không chở khách lớn thứ sáu của Mỹ, cho biết đã ra đề nghị
3,6 tỷ đô la để mua lại hãng hàng không giá rẻ Spirit Airlines.
Con số
trong ngày: 9,2%, là
tổng cổ phần của Elon Musk trong Twitter, qua đó đưa ông trở thành cổ đông cá
nhân lớn nhất.
TIÊU ĐIỂM
Thổ Nhĩ Kỳ sắp chuyển giao phiên toà
Khashoggi cho Ả Rập Saudi
Phiên toà
vụ giết Jamal Khashoggi có thể sẽ chỉ kéo dài được hết phiên xét xử tiếp theo.
Trong gần hai năm qua, một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã xét xử 26 người Ả Rập Saudi vì
vai trò trong vụ giết nhà báo này ở Istanbul hồi năm 2018. Nó chỉ mang tính biểu
tượng khi hầu hết các nghi phạm đều bị truy tố vắng mặt. Song tổng thống Recep
Tayyip Erdogan lại cam kết làm cho ra nhẽ. Ông thậm chí tuyên bố vụ sát hại
Khashoggi là sự kiện “có ảnh hưởng” nhất ở đất nước ông trong thế kỷ 21 sau vụ
11/9.
Giờ đây mọi
sự đã khác đi. Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý chuyển phiên tòa sang Ả Rập
Saudi, đồng nghĩa nó sẽ chìm vào quên lãng. Thứ Năm này toà chắc chắn sẽ chấp
nhận chuyển giao vụ kiện, qua đó tạo ra một bước tiến lớn trong quan hệ song
phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập Saudi. Ông Erdogan tin rằng hợp tác với người Ả
Rập sẽ giúp ích cho nền kinh tế đang khủng hoảng của Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là khi đồng
lira mất giá tới 61%, cao nhất trong 20 năm qua. Công lý, như mọi khi ở Trung
Đông, không thể so với địa chính trị.
Taliban lại đàn áp phụ nữ
Taliban
đang dần dần trở về mô hình cai trị trước đây trong giai đoạn nắm quyền 1996 đến
2001. Luật của họ khi ấy quy định người phạm tội ngoại tình bị ném đá đến chết
trong khi phụ nữ không che kín toàn thân sẽ bị đánh đập. Song hai thập niên qua
Afghanistan đã thay đổi nhiều. Giờ đây nhiều phụ nữ có bằng cấp, với gần 30%
công chức là nữ tại thời điểm trước khi Taliban nắm chính quyền vào tháng 8 năm
ngoái.
Tháng trước,
Taliban đã đảo ngược quyết định cho phép nữ giới học trung học, đúng vào ngày đầu
tiên trở lại trường. Ngoài ra phụ nữ còn bị cấm đi đường dài mà không có nam giới
đi kèm, bên cạnh một loạt những quy định cấm đoán khác.
Việc các
chính sách được công bố một cách vô trật tự cho thấy có sự chia rẽ giữa phe cứng
rắn và phe thực dụng trong Taliban. Hy vọng duy nhất của phụ nữ Afghanistan là
các lệnh cấm hà khắc sẽ được bãi bỏ nhanh như cách chúng được công bố.
Còn ba ngày nữa đến bầu cử tổng thống Pháp
Khi còn ba
ngày nữa là bước vào vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Pháp ngày 10
tháng 4, thăm dò dư luận đang cho thấy một cuộc đua sít sao. Mô hình dự báo của
The Economist vẫn đặt người đương nhiệm Emmanuel Macron ở vị trí dẫn đầu, với tỉ lệ cơ hội bốn trên năm.
Nhưng xác suất này đã giảm đáng kể trong hai tuần qua. Một phần năm cơ hội còn
lại, theo mô hình của The Economist, thuộc về nhân vật dân tuý-dân tộc
chủ nghĩa Marine Le Pen.
Pháp sẽ tổ
chức vòng hai giữa hai ứng viên cao điểm nhất vòng một vào ngày 24 tháng 4.
Chính trị gia cực tả Jean-Luc Mélenchon
là ứng cử viên duy nhất còn lại có cơ hội lọt vào vòng trong, mặc dù ông chỉ
đang đứng thứ ba. Trong tuần này ông Mélenchon đã tổ chức mít tinh đồng thời ở
12 thành phố, bằng việc phát trực tiếp hình ảnh ba chiều lên sân khấu. Nhưng thời
gian không đứng về phía ông. Vào nửa đêm ngày 9 tháng 4, Pháp sẽ bắt đầu cấm mọi
hoạt động thăm dò dư luận và vận động tranh cử. Mục đích là để cho cử tri có thời
gian suy nghĩ về lựa chọn của họ mà không bị làm phiền.
No comments:
Post a Comment