Saturday, April 2, 2022

TẠI SAO NHIỀU TƯỚNG NGA TỬ TRẬN TẠI UKRAINE? (The Economist)

 



Tại sao nhiều tướng Nga tử trận tại Ukraine?

The Economist   31/03/2022.

Trần Hùng, biên dịch

02/04/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/04/02/tai-sao-nhieu-tuong-nga-tu-tran-tai-ukraine/

 

Hình : https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2022/04/Rezantsev-768x431.jpg

 

“Chiến tranh sắp sửa kết thúc”, Yakov Rezantsev (trong hình) đảm bảo với binh sĩ của mình như vậy bốn ngày sau khi Nga xâm lược Ukraine. Đó là cách đây một tháng. Vào ngày 25 tháng 3, vị trung tướng, chỉ huy Quân đoàn Vũ trang Hỗn hợp số 49 của Nga, được cho là đã chết, bị giết trong một cuộc tấn công gần thành phố Kherson. Các quan chức Ukraine nói rằng ông là vị tướng Nga thứ bảy thiệt mạng trên chiến trường ở Ukraine. Các quan chức phương Tây đồng ý với thông tin này. Phía Nga chưa xác nhận, và tổng số tướng Nga tử trận cũng chưa được xác minh độc lập. Nhưng rõ ràng là các tướng lĩnh hàng đầu của Nga đang có tỉ lệ tử trận cao bất thường. Tại sao lại như vậy?

 

Các sĩ quan cấp tướng – trong hầu hết các quân đội là những người có hàm cao hơn đại tá – thường chỉ huy các đội hình lớn, như sư đoàn và quân đoàn. Những đội hình đó cần phải được điều khiển từ các sở chỉ huy lớn, có xu hướng nằm ngoài tầm bắn của pháo binh và rocket, và do đó thường nằm cách xa tiền tuyến. Vì vậy các vị tướng thường có vị trí an toàn hơn.

 

Mỹ đã mất 9 tướng khi chiến đấu trong Chiến tranh Việt Nam, dù khoảng thời gian đó là hơn 20 năm chứ không phải một vài tuần, và hầu hết đều chết khi trực thăng của họ bị bắn rơi. Trong hai thập niên chiến tranh ở Afghanistan và Iraq vừa qua, chỉ một viên tướng Mỹ bị chết – và ông ta bị bắn bởi một người lính Afghanistan. Ngay cả trong thời kỳ chiếm đóng đẫm máu Afghanistan giai đoạn 1979-1989, Liên Xô được cho là mất không quá 6 tướng trong 6 tháng đầu của cuộc chiến.

 

Chúng ta phải quay ngược lại 80 năm để tìm thấy mức độ tử trận cao tương tự của các sĩ quan cấp cao. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, khoảng 235 tướng lĩnh Liên Xô đã thiệt mạng trong chiến đấu, theo cuốn “Những vị tướng Xô-viết hi sinh”, một cuốn sách của Aleksander Maslov (hơn 200 vị tướng khác đã chết theo những cách khác). Ngay cả lúc đó, trong giai đoạn tồi tệ nhất – từ tháng 6 năm 1941, khi Đức xâm lược Liên Xô, cho đến tháng 11 năm 1942, khi Hồng quân bao vây quân Đức tại Stalingrad – trung bình chỉ có chưa tới 6 vị tướng bị giết mỗi tháng, tương đương với mức tổn thất hiện tại của Nga.

 

Một lý do giải thích cho tỷ lệ tử vong cao ngày nay là do Nga đã tiến hành các cuộc tấn công của mình không thành công, đặc biệt là ở miền bắc Ukraine. Nhiều đơn vị của Nga đã cho thấy họ không có khả năng tác chiến trong điều kiện vũ khí phối hợp hiện đại, khi các xe tăng đã liều lĩnh tiến lên phía trước mà không có sự yểm trợ của pháo binh. Tinh thần xuống thấp, hậu cần kém và thương vong cao. Và điều đó dường như đã buộc các vị tướng phải trực tiếp xuống thực địa chiến trường. Trong hầu hết các quân đội chuyên nghiệp, một đội ngũ binh sĩ (enlisted personnel) phục vụ lâu năm được gọi là hạ sĩ quan (non-commissioned officer) thường giám sát các binh sĩ và nắm quyền lãnh đạo các đơn vị nhỏ hơn trong chiến đấu. Một trong những quan chức của NATO cho biết các hạ sĩ quan như vậy là “xương sống” của liên minh này. Quân đội Nga thiếu một lớp lãnh đạo như vậy. Điều đó có thể đã buộc nhiều sĩ quan cấp cao hơn phải tiến lên, để tự mình xem xét tình hình và có thể điều khiển các chỉ huy cấp dưới.

 

Điều đó vốn dĩ không tệ — bởi một chỉ huy giỏi cần phải nắm chắc tình hình thực tế chiến trường. Vấn đề lớn hơn có thể là những vị tướng này có chế độ bảo mật thấp. Các lực lượng Nga có radio mã hóa Azart hiện đại, nhưng số lượng dường như quá ít – có thể do tham nhũng – theo báo cáo của Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, một tổ chức tư vấn chính sách. Vì vậy, lính Nga phải sử dụng radio không mã hóa và điện thoại di động thông thường.

 

Những liên lạc như vậy không chỉ có thể bị nghe lén mà còn có thể bị truy vết xác định nguồn gốc bằng các phương tiện chiến tranh điện tử hoặc công cụ mạng. Nga đã sử dụng kỹ thuật đó để chống lại lực lượng Ukraine ở Donbas sau năm 2014; và bây giờ Ukraine đang dùng nó để chống lại người Nga, sử dụng lính bắn tỉa để tiêu diệt các sĩ quan cấp cao hoặc dùng pháo binh để oanh tạc vị trí của họ.

 

Một số người trong cuộc cho rằng các cơ quan tình báo và lực lượng vũ trang phương Tây có thể đang giúp Ukraine xác định vị trí của quân đội Nga (mặc dù các quan chức phương Tây từ chối đề cập đến chủ đề này). Các cựu quan chức tình báo Mỹ nói với trang Yahoo News rằng CIA đã dành nhiều năm để huấn luyện lính bán quân sự Ukraine, bao gồm cả lính bắn tỉa: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang chứng kiến tác động lớn từ các tay súng bắn tỉa… việc huấn luyện thực sự đã mang lại kết quả.”

 

Việc mất quá nhiều tướng theo cách này khiến quân đội Nga bối rối, là biểu hiện của những thất bại chiến thuật trong tháng đầu tiên của cuộc chiến. Một số chỉ huy đã bị cách chức. Tuy nhiên, cái chết của các sĩ quan cấp cao ngực đeo đầy mề-đay có thể chưa phải là điều tồi tệ nhất.

 

Vào ngày 29 tháng 3, Ukraine tuyên bố đã tiêu diệt Đại tá Denis Kurilo, chỉ huy của Lữ đoàn Súng trường Cơ giới Riêng biệt số 200, bên ngoài thành phố Kharkiv, miền đông nước này. Những sĩ quan như vậy là những bánh răng thậm chí còn quan trọng hơn trong bộ máy quân sự của Nga, bởi vì họ biết thông tin chi tiết về các đơn vị chiến đấu của mình. “Tôi nghĩ rằng tổn thất nặng nề trong số các chỉ huy cấp tiểu đoàn, trung đoàn và lữ đoàn của Nga có thể là vấn đề còn lớn hơn việc tổn thất các tướng lĩnh,” Rob Lee đến từ trường Đại học King’s College London nhận xét. “Rất khó để thay thế những mất mát này.”





No comments: