“Lược sử tôn giáo”: Cuộc du hành xuyên không
trở về cội nguồn của các tôn giáo
THÁI
THANH - Luật Khoa
05/04/2022
Một cuốn sách đáng
đọc, bất kể bạn có theo tôn giáo nào hay không.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/04/Av-1024x536.jpg
Ảnh nền: Canva. Bìa sách: Shopify
Dù đã mua cuốn sách “Lược sử tôn giáo” (A
little history of religion) của Richard Holloway từ khá lâu, bấy lâu nay nó vẫn
ở yên trên giá sách nhà tôi. Cho đến tuần trước, khi cần giải thích cho một người
bạn về lịch sử của một tôn giáo, tôi mới mở sách ra. Ngay khi đọc xong chương đầu
tiên, tôi biết rằng nên giới thiệu quyển sách này cho mọi người.
Tôn giáo là gì? Tôn giáo có gì hấp dẫn nhân loại?
Vì sao các tôn giáo liên tục sinh ra? Cuốn sách sẽ trả lời những câu hỏi đó bằng
cách đưa bạn xuyên không trở về hàng nghìn năm quá khứ, nơi các tôn giáo đồng
hành cùng nhân loại vượt qua cả một giai đoạn lịch sử. Bạn không cần phải chuẩn
bị hành trang nào cả, chỉ cần một chỗ ngồi êm ái, rót đầy một cốc nước và mở cuốn
sách này ra.
“Lược sử tôn giáo” của Richard Holloway không
phải là một cuốn sách phức tạp như cách người ta hay nghĩ về tôn giáo. Tác giả
đã chọn lọc để đưa bạn đến với những vấn đề gốc rễ đáng quan tâm nhất một cách
đầy hấp dẫn.
Xuất thân của tác giả cũng là một câu chuyện
thú vị. Richard Holloway sinh năm 1933, từng là giám mục giáo phận Edinburgh,
và là giám mục Giáo hội Tân Giáo Scotland (Scottish Episcopal Church) từ năm
1992. Tuy nhiên, đến năm 2000, ông từ chức do không còn niềm tin vào Chúa. Ông
trở thành một diễn giả truyền hình và nhà văn nổi tiếng.
“Lược sử tôn giáo” có thể khiến bạn đọc một mạch
từ đầu đến cuối, sau đó đọc lại để tìm câu trả lời cho các vấn đề liên quan đến
tôn giáo mà bạn tình cờ gặp phải, với nhiều khoảnh khắc “à, ra là vậy”.
Cuốn sách có đến 40 chương, nhưng mỗi chương
chỉ gói gọn trong vài trang và vẫn truyền tải đầy đủ nội dung. Bạn có thể nhâm
nhi một tách cà phê sáng để theo các thương nhân người Ấn mang đạo Phật băng
qua con đường tơ lụa đến Trung Quốc, hay ngược về Jerusalem chứng kiến các ngôi
đền bị phá hủy và những cuộc đày đọa triền miên mà người Do Thái phải gánh chịu.
Cuốn sách không chỉ đơn thuần nói về việc các
tôn giáo được sinh ra như thế nào. Nó sẽ đi sâu hơn vào mối quan hệ giữa các
tôn giáo trong những bối cảnh chính trị, xã hội khác nhau. Vì sao dân Do Thái
chịu đau khổ xuyên suốt trong lịch sử của họ? Các tôn giáo đã kế thừa nhau ra
sao? Vì sao có các cuộc thánh chiến? Vì sao các nhà tiên tri thường có kết cục
thê thảm?
Không chỉ có các tôn giáo cổ đại, Richard
Holloway cũng giới thiệu một cách đầy lôi cuốn về các tôn giáo mới mà bạn có thể
thấy lạ tai nhưng không biết rằng họ đã có mặt tại Việt Nam. Đó có thể là những
tín đồ Mặc Môn được nhà nước cấp giấy đăng ký hoạt động vào năm 2019. [1] Đó có thể
là những tín đồ Baha’i từng bị giải tán sau năm 1975 nhưng bây giờ đã được phép
hoạt động. Đó có thể là các tín đồ Nhân Chứng Giê-hô-va vẫn đang bị chính quyền
Việt Nam cấm cản. [2]
Đọc cuốn sách
trong bối cảnh Việt Nam
Là độc giả Việt Nam, bạn chắc chắn sẽ có nhiều
lợi thế khi đọc cuốn sách này, khi phần lớn các tôn giáo mà Richard Holloway đề
cập đều nằm ngay trong tầm mắt của bạn.
Mỗi ngày trên đường đi làm hay trở về nhà, có
lẽ bạn đều có dịp tiếp xúc với tôn giáo; hoặc đi ngang qua một ngôi chùa, hoặc
bước ngang qua một nhà thờ Tin Lành giản đơn, hoặc đưa mắt nhìn đến những nhà
thờ Công giáo lộng lẫy, hay thấy cảnh người dân cúng cô hồn bên vệ đường, hoặc
trầm trồ trước những thánh thất Cao Đài đầy màu sắc.
Thánh thất Cao Đài tại Tây Ninh. Ảnh: Wikimedia.
Sau năm 1975, các tôn giáo ở Việt Nam đã trải
qua nhiều giai đoạn cấm cản khác nhau của chính quyền. Tình hình tôn giáo chỉ mới
cải thiện trong khoảng 20 năm trở lại đây. Chính quyền vẫn nghiêm cấm các nhóm
tôn giáo mới, thành phần sẽ đóng góp vào bức tranh đa dạng tôn giáo của Việt
Nam.
Ở miền núi phía Bắc, ông Dương
Văn Mình, người sáng lập ra đạo Dương Văn Mình, đã trải qua một cuộc đời đầy
biến động. [3] Ngay cả sau khi chết, xác của ông cũng bị chính quyền mang đi. [4] Khi sáng lập đạo, ông nói với các tín đồ là
mình đã nhận được yêu cầu từ Thiên Chúa là phải đưa người H’mong thoát khỏi tục
ma chay tốn kém. Chính quyền trong khi đó cho rằng ông thu hút quần chúng chống
nhà nước, làm xói mòn văn hóa của người H’mong.
Xét ở một góc độ nào đó, ông Dương Văn Mình
cũng không khác gì các nhà tiên tri như Abraham, người đã nghe được lời Thiên
Chúa rằng việc thờ cúng ảnh tượng là dối trá, mê tín, là hành vi trục lợi tâm
linh của các nhà buôn. Abraham đã phải lang thang cùng gia đình để tránh khỏi
việc bị truy bức và trở thành vị tổ phụ của Do Thái Giáo, Kitô giáo, Hồi giáo.
Rất nhiều nhóm tôn giáo vẫn bị cấm hoạt động tại
Việt Nam như Pháp Luân Công, Thanh Hải Vô Thượng Sư, các nhóm Tin Lành tự phát ở
Tây Nguyên hay du nhập từ nước ngoài như Hội thánh Đức Chúa Trời, Nhân chứng
Giê-hô-va, v.v. Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, Việt Nam đang có 85 nhóm như vậy,
được gọi là các “đạo
lạ”. [5]
Chính quyền Việt Nam thường cáo buộc các “đạo
lạ” vay mượn giáo lý từ các tôn giáo khác, cho rằng đây là hành vi lợi dụng để
lập ra giáo phái của mình. Tuy nhiên, đây là việc rất đỗi bình thường giữa các
tôn giáo. Các tôn giáo luôn có tính chất học hỏi, kế thừa lẫn nhau. Ví dụ như
thuyết luân hồi trong Phật giáo hay thuyết bất bạo động có nguồn gốc từ Hindu
giáo và Kỳ-na giáo (Jainism).
Kỳ-na giáo được sáng lập trước Phật giáo tại Ấn
Độ. Tôn giáo này có một học thuyết rất đáng chú ý về sự tôn trọng, và nó được
thể hiện qua một câu chuyện không xa lạ gì với người Việt Nam. Đó là chuyện sáu
người mù được mời đến để tả một con voi. Bạn đã biết kết cục của câu chuyện như
thế nào rồi. Các thầy tu của Kỳ-na giải thích rằng sáu người mô tả đều đúng cả,
nhưng thứ họ tả chỉ là những bộ phận, không phải là cái toàn thể.
Dù mù hay không, người ta chỉ có thể nhìn nhận
vấn đề ở một góc độ nào đó mà thôi. Mọi thứ vẫn sẽ bình yên nếu người ta không
cho rằng góc nhìn của họ là toàn diện, hoàn hảo, và ép người khác cũng phải
nhìn nhận như vậy.
“Lược sử tôn giáo” của Richard Holloway đã được dịch
sang tiếng Việt. Bản tiếng Anh của cuốn sách có thể được mua trên Amazon tại đây.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang,
đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang,
rất mong chờ bài viết của bạn.
Đọc thêm:
Tôn
giáo Baha’i: Ký ức nhọc nhằn trên đất Việt
Lịch
sử thăng trầm và đầy bi kịch của Phật giáo Hòa Hảo
Nguồn
gốc đạo Cao Đài giữa đất Nam Kỳ
Cuộc
phiêu lưu của ông Đạo Dừa giữa lằn ranh tôn giáo và chính trị
------------------
Chú thích
1. Đại Đoàn Kết. (2019, December
7). Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô: Lan tỏa đức
tin từ một đời sống lành mạnh.
2. Báo Lao Động. (2018, May 6). TAN
CỬA NÁT NHÀ VÌ HỘI THÁNH TỰ XƯNG (*): Mối nguy tà đạo biến thể.
3. Luật Khoa. (2021b, October 14). Ai
đang nói dối bạn về đạo Dương Văn Mình: Bộ đội hay công an?
https://www.luatkhoa.org/2021/10/ai-dang-noi-doi-ban-ve-dao-duong-van-minh-bo-doi-hay-cong-an/
4. RFA. (2021, December 27). Hàng
trăm công an bố ráp đám tang của người sáng lập đạo Dương Văn Mình.
5. Luật Khoa. (2021b, July 7). Thế
nào là “tà đạo”? 4 vấn đề về các tôn giáo mới chính quyền không muốn bạn biết.
No comments:
Post a Comment