Saturday, April 2, 2022

HOA KỲ và CHÂU ÂU ĐỐI PHÓ THẾ NÀO VỚI LÀN SÓNG NGƯỜI TỊ NẠN UKRAINE? (Người Việt)

 



 

Mỹ và Âu Châu đối phó thế nào với làn sóng tị nạn Ukraine?

Người Việt

March 31, 2022

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/my-va-au-chau-doi-pho-the-nao-voi-lan-song-ti-nan-ukraine/

 

Hôm 24 Tháng Ba, chính quyền của Tổng Thống Joe Biden loan báo Hoa Kỳ sẽ nhận khoảng 100,000 dân tị nạn Ukraine chạy trốn cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào đất nước họ giữa lúc Âu Châu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn lao chưa từng thấy kể từ Thế Chiến 2 đến nay. 

 

1-Bối cảnh cuộc khủng hoảng dân tị nạn Ukraine

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/03/TS-My-Au-Chau-Doi-Pho-Ti-Nan-1068x736.jpg

Một phụ nữ Ukraine và hai con trên đường đến Ba Lan tị nạn. (Hình minh họa: Peter Lazar/AFP via Getty Images)

 

Hồi cuối tháng trước, ngay sau khi Nga khởi sự cuộc tấn công dữ dội vào thủ đô Kiev và nhiều thành phố khác tại Ukraine, làn sóng người tị nạn Ukraine đổ về vùng biên giới với Ba Lan khiến một số các quốc gia Âu Châu phải lập kế hoach đón nhận những nạn nhân chiến cuộc này. Theo các ước tính của Liên Hiệp Quốc, cuộc xung đột võ trang giữa Nga và Ukraine làm cho hàng trăm ngàn người Ukraine mất nhà cửa và hàng triệu người khác phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn tại các quốc gia Âu Châu.

 

Hậu quả tàn khốc của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine hiện nay khiến cho Âu Châu và Hoa Kỳ không thể nào từ chối sứ mạng giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo do cuộc chiến gây ra, trong đó việc định cư người tị nạn Ukraine là nhu cầu cấp bách nhất.

 

Về phần mình, Liên Hiệp Quốc cùng với Hoa Kỳ đẩy mạnh các cuộc vận động ngoại giao để hối thúc các nước láng giềng của Ukraine và các quốc gia Âu Châu khác gia tăng nỗ lực cứu trợ nhân đạo, đồng thời mở cửa đón nhận dân tị nạn từ Ukraine chạy qua.

 

Có điều, không giống như dân tị nạn từ các nước khác đến Âu Châu trước đây, như người Syria, Iraq và Afghanistan, đa số người Ukraine chạy loạn rất có thể sẽ quay về cố hương sau khi chiến tranh chấm dứt trên quê hương của họ.

 

Theo nhật báo The New York Times, ngay sau khi chiến sự bùng nổ tại Ukraine, Liên Hiệp Quốc tuyên bố sẽ chi ra $20 triệu từ các quỹ cứu trợ khẩn cấp để kịp thời trợ giúp cho dân tị nạn Ukraine. Ông Filippo Grandi, người đứng đầu Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), ngỏ lời cảm ơn các quốc gia đang mở cửa biên giới đón dân tị nạn Ukraine.

 

Cho tới nay, các ước tính đều cho thấy hằng triệu người sẽ rời bỏ Ukraine để đi tị nạn tại các nước khác nếu cuộc chiến tại quốc gia này vẫn còn kéo dài. Bà Linda Thomas-Greenfield, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, nói rằng chiến cuộc có thể sẽ làm cho khoảng 5 triệu người phải rời khỏi Ukraine để đi lánh nạn tại các quốc gia khác trên thế giới.

 

Câu hỏi được đặt ra ở đây là Hoa Kỳ và Âu Châu đối phó thế nào với làn sóng dân tị nạn chiến tranh Ukraine? 

 

2-Chính sách tị nạn của các nước Âu Châu

 

Từ nhiều năm qua, một số các nước Âu Châu đã mở cửa đón nhận những nạn nhân chiến tranh từ Syria, Iraq, và Afghanistan đến tị nạn, và hiện nay họ vẫn tiếp tục các chính sách nhân đạo đó đối với dân Ukraine.

 

Theo các ước tính, hằng trăm ngàn người tị nạn Ukraine hiện đã đến gõ cửa các quốc gia Âu Châu, người đi bằng xe hơi, người đi bằng xe lửa, và có người còn đi bộ nữa, trong tiến trình vượt qua biên giới các quốc gia mà tìm đến những miền đất an toàn.

 

Tại Ba Lan, chính quyền cho thiết lập các trạm tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine tới. Bộ Trưởng Nội Vụ Mariusz Kaminski nói với báo chí rằng bất cứ ai chạy trốn khỏi bom đạn đều có thể trông cậy vào sự ủng hộ của quốc gia này.

 

Điều đáng mừng là Ba Lan đang làm thế mặc dù, trong quá khứ, nước này chi hằng trăm triệu đô la để dựng nên những bức tường biên giới nhằm ngăn chặn bớt số lượng người tị nạn từ các quốc gia Trung Đông xâm nhập vào lãnh thổ của họ, khiến đa số những người này phải chuyển hướng qua Belarus.

 

Tại Hungary, từ nhiều năm qua, chính quyền cũng có chính sách ngăn chặn bớt dân tị nạn từ các nước Bắc Phi và Trung Đông sang, vì coi họ là mối đe dọa an ninh quốc gia. Tuy nhiên, nay họ lại mở cửa đón nhân dân tị nạn Ukraine.

 

Tại Áo, Thủ Tướng Karl Nehammer quả quyết rằng nước ông sẽ dang tay đón nhận dân tị nạn Ukraine xét vì mức độ tàn khốc của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine hiện nay. Trong khi đó, lúc còn là bộ trưởng Nội Vụ, ông Nehammer tìm cách ngăn chặn dân tị nạn Afghanistan đến Áo để chạy trốn chế độ Taliban hà khắc sau khi Kabul sụp đổ hồi Tháng Tám Tám, 2021.

 

3-Mỹ đối phó ra sao với cuộc khủng hoảng tị nạn Ukraine

 

Tại Hoa Kỳ, chính quyền Biden đang đối mặt với những lời kêu gọi phải gia tăng việc thu nhận dân tị nạn chiến tranh từ Ukraine, sau khi Mỹ đón nhận khoảng 75,000 người tị nạn Afghanistan.

 

Mặc dù, trong tài khóa năm nay, số dân tị nạn được nhận vào Hoa Kỷ không thể vượt quá 125,000 người, trong đó có khoảng 10,000 người từ Âu Châu và Trung Á, chính quyền Biden cũng vẫn sẵn sàng nhận vào tới 100,000 dân tị nạn Ukraine, gồm thành phần được cấp quy chế tị nạn và thành phần hưởng quy chế tạm dung, với hy vọng đa số những người này chỉ muốn đến các nước Âu Châu để cho gần nhà, phòng khi cuộc chiến tranh sớm chấm dứt thì họ có thể mau chóng quay trở lại quê hương.

 

Sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra, Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) gởi các chuyên viên về thảm họa chiến tranh tới Ba Lan để lượng định nhu cầu trợ giúp vật chất cho các nạn nhân chiến tranh Ukraine, như nước uống, thực phẩm, chỗ ở, thuốc men, và các nhu cầu khác.

 

Theo lời bà Pen Psaki, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, cho tới nay, Hoa Kỳ đã cung cấp $52 triệu viện trợ nhân đạo cho Ukraine để trợ giúp các nạn nhân chiến tranh từ vùng Donbas – khi xảy ra cuộc chiến tranh ly khai của vùng này khỏi phần còn lại của Ukraine hồi năm 2014 – và từ các thành phố khác tại Ukraine trong cuộc chiến hiện nay. 

 

4-Vì sao dân tị nạn Ukraine có vẻ được ưu đãi?

 

Sự thể Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu có vẻ như đang dành nhiều ưu đãi hơn cho người tị nạn chiến tranh từ Ukraine so với các dân tị nạn từ các nước khác bắt nguồn từ một số nguyên nhân.

 

Thứ nhất, các quốc gia này muốn nói lên tiếng nói mạnh mẽ lên án cuộc xâm lược vô cớ của Nga chống lại một quốc gia độc lập, có chủ quyền, và là một thành viên của Liên Hiệp Quốc như Ukraine.

 

Thứ nhì, cuộc khủng hoảng tị nạn tại Ukraine không phải là hậu quả của một cuộc nội chiến hay tranh giành quyền lực giữa các phe phái khác nhau trong nước mà là một cuộc chiến tranh xâm lược từ một quốc gia khác, là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

 

Thứ ba, dẫu sao, dân tị nạn Ukraine cũng có các yếu tố văn hóa, chủng tộc và tôn giáo gần gũi với Âu Châu hơn so với người tị nạn khác từ Trung Đông và Bắc Phi, mà phần lớn là theo Hồi Giáo.

 

Các quan sát viên quốc tế, trong đó có các phóng viên tờ báo mạng Deutsch Welle của Đức, nhận định rằng cuộc chiến tranh Nga-Ukraine hiện nay buộc các quốc gia Âu Châu phải đảo ngược các chính sách tị nạn của họ đã có từ hai thập niên qua. 

 

Mỹ và Âu Châu chung sức giải quyết vấn đề dân tị nạn

 

Điều đáng khích lệ là, trước thảm cảnh mà dân chúng Ukraine đang phải hứng chịu vì cuộc xâm lược của Nga, Hoa Kỳ và Âu Châu đang cùng nhau chung sức giải quyết vấn đề gây ra, do hàng triệu dân lành Ukraine phải từ bỏ quê hương để chạy đi lánh nạn tại các nước khác.

Ngoài Hoa Kỳ, được mệnh danh là quốc gia của di dân và người tị nạn khắp thế giới, các nước Âu Châu cũng từng trải qua nhiều kinh nghiệm của cả người đi tị nạn lẫn người dang tay ra đón nhận dân tị nạn.

 

Cuộc xâm lăng Liên Xô vào Hungary hồi năm 1956 trong thế kỷ trước khiến 200,000 người Hungary phải chạy sang các quốc gia tự do, dân chủ ở Âu Châu, đặc biệt là Áo, để tị nạn.

Cuộc xâm lược của Liên Xô và khối Warsaw vào Tiệp Khắc hồi năm 1968 nhằm đàn áp cuộc nổi dậy đòi tự do, dân chủ của dân chúng Tiệp Khắc thuộc phong trào Mùa Xuân Prague khiến cho gần 100,000 người dân bỏ nước ra đi, nạn tại các quốc gia Tây phương, đặc biệt là tại các nước Âu Châu.

 

Trong cả hai trường hợp kể trên, Hoa Kỳ đều ra tay trợ giúp các nước Âu Châu trong nỗ lực nhanh chóng định cư những người tị nạn Hungary và Tiệp Khắc lúc đó cần đến sự cứu trợ nhân đạo của quốc tế. (Vann Phan) [đ.d.]

 




No comments: