Giải pháp nào trước tình
trạng trẻ vị thành niên tự tử?
PSG
TS Nguyễn Phương Mai
Gửi bài tới BBC News Tiếng Việt từ Amsterdam
3 tháng 4, 2022
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-60930745
Tôi có thói quen viết nhật ký từ năm 14 tuổi. Cho đến
bây giờ, tôi vẫn giữ lại những quyển sổ chi chít chữ từ thuở thơ bé.
Trong một lần về thăm nhà, tôi thử đọc lại một
phần ký ức tuổi thơ. Tôi bàng hoàng vì nó khác hẳn những gì mình vẫn nhớ tới
trong đầu, như thể tôi đang đi qua một quãng đời không phải của mình.
Đó là câu chuyện của một đứa trẻ con cấp hai
vui vẻ, nghịch ngợm, nhưng trong vòng một năm đã vài lần nghĩ đến tự tử.
Bé lớp 6 nhảy lầu ở Hà Nội:
Áp lực học tập và trách nhiệm người lớn?
25 tuổi vẫn trẻ
con
Ý nghĩ về cái chết xảy ra ở hầu như tất cả các
độ tuổi, nhưng đặc biệt cao ở nhóm thanh thiếu niên.
Theo số liệu của UNICEF, trung mỗi ngày có
3000 trẻ vị thành niên tự sát. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do đặc
trưng lứa tuổi đang định hình nhân cách, dễ bị tổn thương và ảnh hưởng bởi môi
trường xung quanh.
Ở trẻ mới lớn, bộ não của các em thường đã
phát triển hoàn chỉnh ở những vùng có chức năng "nhận biết và thể hiện"
cảm xúc.
Tuy nhiên, phần thùy não trước với chức năng
"quản lý" cảm xúc thì vẫn còn đang được xây dựng dang dở.
Đáng chú ý là phần não trước này chỉ phát triển
hoàn thiện khi chúng ta bước sang tuổi 24-25. Việc coi trẻ em là người lớn ở mốc
18 tuổi chỉ có ý nghĩa xã hội. Tuy nhiên, về mặt thần kinh học, 18 tuổi chưa phải
là tuổi trưởng thành của não bộ.
Chính vì vậy, tuổi mới lớn thường bị gọi là tuổi
"dở dở ương ương", là lứa tuổi luôn đi kèm cùng nhiều thách thức. Khi
gặp khúc mắc trong cuộc sống, tự tử có thể được coi là một giải pháp mà không hề
được suy nghĩ thấu đáo tại sao.
Trẻ con nghĩ gì
khi nghĩ về tự tử?
Trong nhật ký của tôi tuổi 14, tôi nhớ nhung
thầm một bạn trai ngồi bàn sau. Tôi viết thơ cho bạn ấy. Tôi ước chi chỉ cần bạn
ấy thơm lên má mình một cái thôi, mình sẽ trở thành cô bé hạnh phúc nhất đời.
Thế rồi bão tố xảy ra. Mẹ và chị gái tôi -
cũng là một giáo viên rất có uy tín - tóm được cuốn nhật ký. Họ mang ra mổ xẻ.
Đọc đến đoạn về nụ hôn, chị gái tôi trìu mến giải thích: "Bé như em chưa
biết thế nào là yêu đâu. Muốn thơm à? Đây, chị thơm cho em luôn một cái".
Khi chị chạm môi vào má tôi, ý nghĩ đầu tiên của tôi là muốn chết.
Như đã nói ở trên, với trẻ vị thành niên, khả
năng xúc cảm có thể được đẩy đến volume cao nhất, nhưng khả năng quản lý xúc cảm
vẫn chỉ là một bộ máy sơ sài. Thế nên trẻ con đôi khi nghĩ đến cái chết một
cách nhanh chóng và ngốc nghếch. Đằng sau những suy nghĩ về cái chết là ba cách
nhìn của các em về vai trò của chúng trong cuộc sống.
Thứ nhất, các em cho rằng mình "đáng bị
như thế" (The punished self). Bé tí mà yêu thì là xấu, là có lỗi. Thế nên
việc mình bị phạt, hoặc mình tự làm đau mình (self-harm), hoặc mình chết đi… là
những hình phạt mình phải chịu. Vì lỗi là của mình, nên mình không thể giận giữ,
trách móc kẻ khác. Kẻ bị phạt chỉ là riêng bản thân mình mà thôi. Mục đích của
hình phạt là để bản thân không còn là gánh nặng cho người khác.
Con cái định hình cuộc
sống cha mẹ như thế nào
Vì sao nam chết vì tự tử
nhiều hơn nữ
Thứ hai, nỗi đau và cái chết là cách các em muốn
được "giải thoát" khỏi sự hoang mang mất tự chủ (The unknown self). Bị
đọc nhật ký, tình cảm với bạn khác giới bị coi nhẹ, sự tin tưởng bị phá vỡ… là
những cảm xúc mang tính khủng hoảng trong cái thế giới bé nhỏ của bộ não trẻ
con.
Tương tự, những cảm xúc có tính phá hủy khác
là áp lực sống, áp lực học học hành, mâu thuẫn gia đình, bị bắt nạt, bị quấy rối,
hay những biến cố đau thương bất ngờ trong cuộc đời.
Tự làm mình đau đớn như cắt tay đến chảy máu,
hoặc tự sát là những nỗi đau có thể tự điều khiển được. Nó trung hòa và thiết lập
lại trạng thái cân bằng với những nỗi đau không dưng ập đến ngoài tầm kiểm
soát, ngoài tầm hiểu biết của các em.
Từ góc nhìn tiến hóa, chỉ loài người mới có khả
năng nhìn nhận và đánh giá nỗi đau của mình, rồi dùng bộ não để lập kế hoạch tự
hủy diệt nhằm chấm dứt nỗi đau ấy. Nó thể hiện tính triết học về quyền tự quyết.
Ta đã không được chọn sinh ra, nhưng ta có thể quyết định mình sẽ chết đi như
thế nào.
Cuối cùng, nỗi đau và cái chết là cách các em
muốn "cảnh báo" về tình trạng của mình. Như một lời kêu cứu, vì hình
như không ai lắng nghe. Trẻ con đôi khi biến mình thành nạn nhân một cách vô thức
vì các em cho rằng nếu mình ốm yếu hoặc gặp nạn, hẳn những người xung quanh sẽ
quan tâm đến mình hơn.
Từ khía cạnh sinh học tiến hóa, hành vi tự tử
là kết quả cuối cùng của một chuỗi những tín hiệu cảnh báo mà không được để ý.
Giả thuyết này cho rằng những người gặp vấn đề
đã vô thức tìm đến việc phát đi tín hiệu cứu giúp ở mức độ cao nhất, và cái chết
chỉ là một hệ quả không hề mong muốn của tín hiệu đường cùng đó.
Như vậy, trẻ em khi tìm đến đau đớn và tự tử,
các em thường chỉ muốn giải thoát cho gia đình, giải thoát cho chính mình, hoặc
coi đó là một lời kêu cứu.
Giải pháp mang
tính tổng thể
Những câu chuyện về tự tử có lẽ sẽ ngày càng
diễn ra nhiều hơn. Theo báo cáo của UNICEF, tại Việt Nam, việc sống chung với
gia đình và áp lực của môi trường sống chung khiến thanh thiếu niên tự tử nhiều
hơn.
Nhưng giải pháp không thể chỉ là việc hối thúc
cha mẹ phải lắng nghe con cái. Một cách tiếp cận tổng thể hơn đòi hỏi tất cả
chúng ta phải chung tay.
Tầng
cá nhân
Ở tầng cá nhân, mỗi chúng ta cần tầm soát bản
thân và những người thân yêu để vẽ nên một bức tranh cụ thể về các yếu tố có thể
góp phần vào việc khiến bản thân ta hoặc một người trong gia đình có khả năng tự
sát.
Đó là tiền sử bệnh tâm lý hoặc các vấn đề tâm
lý như chứng biếng ăn, trầm cảm, rối loạn nhân cách. Đó là tiền sử có các suy
nghĩ hành động liên quan đến tự sát, nhất là nếu điều đó đã từng xảy ra với người
trong gia đình, khiến câu chuyện tự sát bị bình thường hóa. Đó cũng là những yếu
tố tính cách như lối suy nghĩ trắng đen rõ ràng, khả năng giải quyết vấn đề
kém, trí nhớ hạn chế, thiếu tự tin và nóng nảy.
Tầng
quan hệ xã hội
Ở tầng quan hệ xã hội, giải pháp nằm trong tay
các chủ thể xã hội nhỏ trong quan hệ đôi lứa, gia đình, bạn bè, và đồng nghiệp.
Đó là khi ta tầm soát xem mình và những người quanh có ai phải chịu đựng bạo lực
tinh thần, bạo lực thể xác, bạo lực tài chính không? Có ai thiếu thốn sự giúp đỡ
và lắng nghe? Có ai căng thẳng và áp lực? Có ai buồn nản và muốn buông xuôi? Có
ai bị bắt nạt, bị trêu đùa, bị xa lánh?
Tầng
cộng đồng
Ở tầng cộng đồng, trách nhiệm được đặt vào tay
các nhà làm chính sách. Bức tranh tầm soát được nâng lên với việc nhận biết sự
sẵn có của các thiết chế trợ giúp như chuyên gia tâm lý, đường dây nóng, các hội
nhóm tương trợ, các nhà tình thương, các khóa học chữa lành, các chính sách đào
tạo cho giáo viên về kỹ năng tâm lý, các khóa đào tạo cho học sinh về khả năng
quản lý cảm xúc, các khóa đào tạo cho ba mẹ về khả năng tương tác với con, các
tài liệu học lồng ghép vào chương trình chính khóa …vv.
Câu hỏi cho các nhà làm chính sách là:
"Việt Nam đang ở đâu trong sự sẵn sàng của những thiết chế ấy?" Hay cụ
thể hơn, ở những ngôi trường nơi có học sinh tự tử, ban giám hiệu đã nói gì,
làm gì, hoạch định những gì sau khi sự việc xảy ra… hay họ chỉ im lặng chờ mọi
việc như một con sóng xô qua?
Ở mức cao hơn, Bộ Giáo dục đã làm gì để giải
quyết áp lực học hành, áp lực điểm số, áp lực thi đua, sự bất cập của hệ thống
trường chuyên lớp chọn, sự vô lý của 100% học sinh giỏi khi tốt nghiệp nhưng tỷ
lệ thất nghiệp, làm trái nghề và chất lượng lao động vẫn kém so với các nước
láng giềng?
Bức tranh tầm soát lớn cũng chỉ ra những cá
nhân và nhóm người có nguy cơ cao như thanh thiếu niên, người có mức sống thấp,
người nhập cư từ nông thôn ra thành phố, người không có bảo hiểm y tế xã hội… Bức
tranh lớn cho ta thấy vấn nạn tự tử gắn liền với những bất công xã hội như phân
biệt vùng miền, giới tính, sắc tộc, tôn giáo và khả năng tài chính. Ví dụ, cuộc
khủng hoảng nhà ở tại Mỹ năm 2005 khiến số người tự tử tăng lên gấp hai, hay nâng
mức lương tối thiểu theo giờ lên chỉ 1$ có thể giúp cứu sống 27.000 sinh mạng.
Tương tự, tỷ lệ tử tự ở những sắc dân dễ bị tổn thương thường cao hơn số liệu
trung bình trong một quốc gia.
Tầng
nhận thức xã hội
Cuối cùng, bức tranh tầm soát ở mức cao nhất
trong tầng nhận thức xã hội. Đó là nhiệm vụ của chính phủ, các nhà khoa học, giới
truyền thông và hệ thống giáo dục. Chúng ta nhận ra sự yếu kém ở tầng này khi
nhìn vào phản ứng của xã hội với người tự tử. Đó là khi trầm cảm và các chứng bệnh
tâm lý bị coi là "làm màu" hay "bị điên".
Đó là khi em sinh viên đeo đá nhảy sông tự tử
thì ngoài những xót xa còn có không ít kẻ mắng mỏ người đã khuất là một đứa con
ích kỷ, bất hiếu. Thậm chí có người kể rằng ở quê họ, chiếc roi mây được quất
vào quan tài để trừng phạt kẻ bỏ lại cha mẹ già mà tự giải thoát cho bản thân.
Nguy hiểm hơn, đó là khi truyền thông hồn
nhiên đăng ảnh người đã khuất, thư tuyệt mệnh và clip nhảy lầu mà không hề có sự
cho phép của gia đình.
Sự nhận thức ở tầng xã hội thấp đến mức nhiều cơ
quan báo chí không hiểu, hoặc chưa hiểu được rằng loan tin về tự tử như một câu
câu chuyện gay cấn thực ra lại khiến những người đang có ý định tự tử quyết liệt
hơn với hành động của mình.
Đó là vì tự tử có tính lây lan. Thanh thiếu
niên học theo những gì người khác làm, nhất là khi một người nổi tiếng tự tử.
Ví dụ, cái chết của Marilyn Monroe dẫn đến khoảng 200 vụ tự tử diễn ra chỉ
trong vòng một tháng sau đó.
Như vậy, sau mỗi sự việc đau lòng, thật khó có
thể quy trách nhiệm cho ai vì sự nhạy cảm và phức tạp của mỗi phận người. Tuy
nhiên, một giải pháp tổng thể, có tính chiến lược, bao quát và bao hàm phải được
chỉ ra và thực hiện. Nếu không, những mạng người sẽ chỉ như những drama nhất thời,
đến rồi đi.
Cuộc sống là đáng quý
Ở Sydney có một bờ vực đá cao chót vót, nhìn
xuống thăm thẳm là một bãi đá mênh mang, nằm gọn trong vòng tay ôm của những
con sóng lớn bạc trắng đầu. Gần đây, người ta phải nhìn The Gap bằng cách kiễng
chân ngó qua những cái hàng rào có treo biển cảnh báo người tự tử và đường dây
nóng để họ thấy rằng, lúc nào cũng có một người sẵn sàng lắng nghe.
Hôm ấy quay lại The Gap, tôi nhìn thấy một tấm
biển đề "cuộc sống là đáng quý". Cúi nhìn, tôi nhận ra một hàng chữ
nhỏ hơn ai đó đã viết thêm ở mé bên: "nhưng đáng quý hơn là được sống hạnh
phúc và ý nghĩa".
Câu viết ấy đi theo tôi mãi, nhắc nhở tôi rằng
được sinh ra chưa chắc đã là một ân huệ. Được sống trong yêu thương mới là ân sủng
trong cõi đời này.
--------------------------
PGS.TS Nguyễn Phương Mai làm việc tại ĐH Khoa học Ứng
dụng Amsterdam, Hà Lan, với chuyên môn quản trị đa văn hoá kết hợp cùng kiến thức
thần kinh não bộ (neuroscience). Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
TIN LIÊN QUAN
19 tháng 2 năm 2022
Bé lớp 6 nhảy lầu ở Hà Nội:
Áp lực học tập và trách nhiệm người lớn?
18 tháng 12 năm 2021
Con cái định hình cuộc
sống cha mẹ như thế nào
25 tháng 3 năm 2022
Vì sao nam chết vì tự tử
nhiều hơn nữ
10 tháng 4 năm 2019
No comments:
Post a Comment