Wednesday, September 22, 2021

VACCINE COVID-19 VIỆT NAM : NANOCOVAX CHƯA ĐỦ DỮ LIỆU CHỨNG MINH HIỆU QUẢ LÂM SÀNG (Huỳnh Wynn Trần)

 


Vaccine Covid-19 Việt Nam: Nanocovax chưa đủ dữ liệu chứng minh hiệu quả lâm sàng

Huỳnh Wynn Trần

22/09/2021

https://baotiengdan.com/2021/09/22/vaccine-covid-19-viet-nam-nanocovax-chua-du-du-lieu-chung-minh-hieu-qua-lam-sang/

 

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/09/H11-1024x812.jpg

Hình 1 . Nguồn : Internet

 

Nhiều quý vị hỏi tôi về Vaccine Covid-19 của Việt Nam sản xuất như thế nào. Vài hôm trước, có thông tin là vaccine này có “hiệu quả với chủng Delta và Alpha (đăng trên báo TTO) (1), trong khi đó, bộ Y Tế VN thì nói là chưa đủ dữ liệu để đánh giá (2).

 

Bài viết này phân tích các dữ liệu đã được công bố về Nanocovax, giải thích những điểm quan trọng trong nghiên cứu thử nghiệm vaccine như tính sinh hiệu (tạo ra kháng thể đặc hiệu, Immunogenicity), hiệu quả lâm sàng (Efficacy), và hiệu quả bảo vệ thật sự (Effectiveness) của vaccine Covid-19.

 

Vaccine Nanocovax của Việt Nam là vaccine gì?

 

– Đây là vaccine dùng công nghệ tạo subunit protein (protein cầu gai) tương tự như trên bề mặt virus Sars-cov-2. Đây là một công nghệ sản xuất vaccine ổn định, đã có từ lâu, và được dùng để sản xuất nhiều loại vaccine trước kia như vaccine viêm gan siêu vi B.

 

– Công nghệ sản xuất vaccine Nanocovax tại Việt Nam được xem là giống như vaccine Novavax của hãng Hoa Kỳ. Tại đây, các nhà nghiên cứu cấy một đoạn gene mã protein cầu gai của virus Sars-cov-2 vào một loai virus là Baculovrius, sau đó dùng virus Baculovirus làm nhiễm sâu bướm (Moth) Spodoptera frugiperda khiến loài sâu bướm này sản sinh ra các cầu gai protein y như của virus Sars-cov-2. Các cầu gai protein từ bướm này sẽ được tinh lọc sau đó đưa vào các vỏ protein cực nhỏ, rồi bao bọc bằng màng polysorbate 80 (Nanoparticle Protein), giữ lạnh, sau đó sẽ chích vào người.

 

– Sau khi chích vaccine Novavax (hay Nanocovax) vào, các tế bào miễn dịch sẽ tấn công vào các protein này, tạo ra các kháng thể đặc hiệu, Anti S IgG, nhớ rõ cấu trúc cầu gai của protein Sars-Cov-2 nên lần sau khi có virus thật xuất hiện thì cơ thể sẽ có kháng thể hữu hiệu (hình 2).

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/09/H12-1024x668.jpg

Hình 2- Nguồn: internet

 

– Đa số các vaccine dùng công nghệ này thường chích kèm theo chất phụ gia (adjuvant) để kích thích hệ miễn dịch, tạo ra nhiều kháng thể hơn (3).

 

Công bố dữ liệu giai đoạn 1 và 2 của Nanocovax chỉ ra tính an toàn và tạo kháng thể đặc hiệu (4) (hình 1).

 

– Việt Nam đã sản xuất Vaccine Nanocovax và thử nghiệm giai đoạn 1 và 2, cho thấy làm chủ công nghệ này là một bước tiến của ngành y sinh học Việt Nam. Hồi tháng 7, Nanogen đã công bố dữ liệu nghiên cứu giai đoạn 1 trên 60 người và giai đoạn 2 trên 560 người. Dữ liệu cho thấy vaccine Nanocovax an toàn, không có những phản ứng phụ nguy hiểm, và có thể tạo kháng thể đặc hiệu nhắm vào protein cầu gai (AntiS IgG) ở ngày thứ 42 sau khi bắt đầu chích vaccine (xem hình) với biến thể gốc virus Vũ Hán và biến thể Alpha B.1.1.7.

 

– Ngay sau khi công bố bài nghiên cứu chưa bình duyệt trên MedRxiv, nhiều tranh luận đã xảy ra, chủ yếu bàn về tính ổn định của kháng thể Anti S IgG sau 3 tháng hay so sánh sVNT (Surrogate Virus Neutralization Test) của vaccine Nanocovax thấp hơn so với vaccine AstraZeneca cũng trên các bệnh nhân tại Việt Nam (5).

– Tôi sẽ không bàn về góc cạnh tạo ra kháng thể đặc hiệu của vaccine hay so sánh sVNT của Nanocovax vì đây không phải là thước đo quan trọng nhất trong phân tích hiệu quả vaccine.

 

– Tuy nhiên, tôi muốn chỉ ra cách phân tích sinh miễn dịch ở vaccine AstraZeneca của nhóm tác giả từ Việt Nam rất thú vị với hình ảnh và chú thích rõ ràng (hình 3), quý vị có thể đọc thêm để tham khảo.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/09/H13-1024x581.jpg

Hình 3- Nguồn: internet

 

 

Tạo kháng thể đặc hiệu với virus Sars-cov-2 không có nghĩa là bảo vệ được bệnh Covid-19 (có hiệu quả lâm sàng)

 

– Hệ miễn dịch chúng ta là một bộ máy phức tạp. Các kháng thể làm việc chặt chẽ với tế bào T cell, B cell, nhiều tế bào APC, và hàng ngàn tế bào miễn dịch khác. Như một bộ quốc phòng của một quốc gia, gồm nhiều binh chủng và lực lượng khác nhau, từ địa phương đến trung ương. Vì vậy, khi chúng ta thấy có kháng thể đặc hiệu trong nghiên cứu vaccine, điều đó chưa hẳn là vaccine có thể bảo vệ được bệnh. Cũng như chúng ta có một binh chủng giỏi chống ngoại xâm, không có nghĩa là đất nước đó có thể chống ngoại xâm.

 

– Tiêu chuẩn vàng (primary outcome) của bất kỳ vaccine Covid-19 nào là khả năng bảo vệ bệnh nhân chống lại bệnh Covid-19. Vì vậy, trong các nghiên cứu nhóm đối chứng của Pfizer, Moderna, Astrazeneca, hay Sputnik, thì thước đo cuối cùng và quan trọng nhất là có bao nhiêu bệnh nhân bị nhiễm bệnh khi không chích và có chích vaccine.

 

– Ví dụ với vaccine Pfizer (6), thử nghiệm trên 43,448 người ở 2 nhóm đối chứng thì có 8 người nhiễm Covid-19 trong số 21,720 người chích vaccine trong khi có 162 người nhiễm Covid-19 ở 21,728 người không chích vaccine.

 

 

Một vaccine thành công có đủ tạo kháng thể (immunogenicity), hiệu quả lâm sàng (efficacy), và hiệu quả thực tế (effectiveness)

 

– Tạo kháng thể thường là bước đầu tiên thành công trong thử nghiệm vaccine. Sau đó, các nghiên cứu đối chứng lâm sàng chỉ ra hiệu quả lâm sàng là vaccine có thể bảo vệ bao nhiêu người không mắc bệnh trong các nhóm. Cuối cùng, chích vaccine ra ngoài thực tế (như các vaccine đang được dùng) thì hiệu quả thực tế chỉ ra vaccine đã có thể bảo vệ bao nhiêu người dân khỏi mắc bệnh.

 

– Hiệu quả vaccine có thể tính bằng công thức đơn giản là VE = 1 – (ca nhiễm/chích vaccine)/(ca nhiễm/không chích vaccine). Với Pfizer thì VE = 1 – (8/21,720)/162/(21,728) = 0.9506 hay 95%.

 

 

Phân tích nghiên cứu giai đoạn 3 của Nanocovax vẫn chưa có dữ liệu về hiệu quả lâm sàng với Covid-19

 

– Các công bố gần đây nhất của vaccine Nanocovax vẫn chưa thấy các dữ liệu về các ca nhiễm bệnh và không nhiễm bệnh trong các nhóm đối chứng. Đây là dữ liệu quan trọng nhất để có tính hiệu quả bảo vệ của vaccine. Không có các dữ liệu này thì vẫn chưa nói được gì về hiệu quả thật sự của vaccine.

 

– Theo công bố của Nanogen trên clinicaltrias.gov (7) thì giai đoạn 3 thử nghiệm sẽ có 13,000 người, chia làm 2 nhóm tỉ lệ 2:1, 8667 bệnh nhân chích vaccine Nanocovax và 4333 người sẽ không chích vaccine.

 

– Chỉ cần biết bao nhiêu người nhiễm hay không nhiễm bệnh, như vaccine Pfizer ở trên, thì chúng ta sẽ ước tính được hiệu quả lâm sàng của vaccine Nanocovax. Cho đến nay, ngày 9/21/2021, các con số nhiễm bệnh Covid-19 ở 2 nhóm đối chứng vẫn chưa được công bố.

 

Tóm lại:

 

– Vaccine Nanocovax của Việt nam chưa có đủ dữ liệu chứng minh hiệu quả lâm sàng trong việc ngừa bệnh Covid-19.

 

– Tôi đồng ý với nhận định của bộ y tế Việt Nam là vẫn chưa đủ dữ liệu để rút ra kết luận vaccine Nanocovax có hiệu quả bảo vệ bệnh Covid-19 và biến thể Delta.

 

– Khi có thêm các dữ liệu, tôi sẽ phân tích hầu chuyện quý vị.

 

-------------------

 

Tham khảo:

 

1. https://tuoitre.vn/hoi-dong-dao-duc-nano-covax-co-tac-dung-voi-chung-delta-alpha-20210919110655965.htm

 

2. https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/can-tiep-tuc-anh-gia-hieu-luc-bao-ve-cua-vaccine-nanocovax

 

3. https://www.gavi.org/vaccineswork/what-are-protein-subunit-vaccines-and-how-could-they-be-used-against-covid-19

 

4. https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2021.07.22.21260942v1.full.pdf

 

5. https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2021.07.08.21260162v2.full.pdf

 

6. https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/nejmoa2034577

 

7. https://clinicaltrials.gov/ct2/show/NCT04922788


.

 


 

164 BÌNH LUẬN

.

.

.



No comments: