Từ
AUKUS đến Bộ Tứ : Gọng kềm Mỹ đang siết lại với Trung Quốc ở Thái Bình Dương
Thụy
My -
RFI
Đăng ngày: 24/09/2021 - 17:16
Với AUKUS, các quốc gia châu Á và Thái Bình Dương
nay phải chọn phe giữa Washington và Bắc Kinh. Bộ Tứ trước đây bị Bắc Kinh coi
thường, nay là một trong những thách thức lớn nhất cho tham vọng Trung Quốc những
năm tới.
https://s.rfi.fr/media/display/81e13b6e-1d47-11ec-9787-005056a90284/w:900/p:16x9/02-2483.webp
Hàng không mẫu hạm
Anh HMS Queen Elizabeth cùng với các tàu hộ tống và hai chiến hạm JS Izumo, JS
Ise của Nhật Bản, chiến hạm HMCS Winnipeg của Canada cùng tuần tra tại Thái
Bình Dương. Ảnh của bộ Quốc Phòng Anh ngày 23/09/2021. AP - Jay Allen
Châu Á trong chiếc
bẫy zero Covid
Tại châu Á trên lãnh vực dịch tễ, Le
Figaro nhận thấy châu lục này đang bị dính vào chiếc bẫy của chiến lược
zero Covid. Trừ Trung Quốc, các nước còn lại chậm trễ trong việc tiêm chủng,
đang vất vả trước sự lây lan của biến thể Delta.
Năm năm tù giam :
Lê Văn Trí
phải trả giá đắt cho việc đi xe gắn máy từ Sài Gòn về quê nhà Cà Mau, giấu diếm
việc khai báo đi lại trong 21 ngày qua, rốt cuộc làm cho 8 người bị lây nhiễm
Covid. Một bản án nặng nề của chế độ đang tự hào trước thành công chống dịch,
nhưng giờ đây bị biến thể Delta khiến đất nước phải phong tỏa chưa từng thấy.
« Ông anh » Trung Quốc thậm chí còn
buộc những hành khách hiếm hoi từ Bồ Đào Nha hay Bahrein đến phải cách ly ba tuần
trước đó, và khi đến Bắc Kinh lại thêm ba tuần cách ly nữa. Trung Quốc không muốn
mở cửa Vạn lý Trường thành y tế trước cuối năm 2022, và một đại hội đảng quan
trọng cho tương lai của Tập Cận Bình.
Các quốc gia xuất khẩu ở châu Á với chiến lược
zero Covid nay khó thể ra khỏi khủng hoảng, có nguy cơ làm ảnh hưởng đến
việc phục hồi kinh tế của thế giới. Với hơn 2 tỉ liều đã được tiêm, Trung Quốc
có vẻ khả quan hơn nhưng hiệu quả vac-xin thấp đã làm u ám đi thành tích, và
khiến Bắc Kinh thêm lo lắng vì quản lý đại dịch làm nên tính chính danh của đảng.
AUKUS : Châu
Á-Thái Bình Dương sẽ phải chọn phe
Liên minh AUKUS giữa Mỹ-Anh-Úc, cuộc họp Bộ Tứ
(Quad), thủ tướng Đức Angela Merkel chuẩn bị rời chính trường sau cuộc bầu cử,
là những chủ đề chính trên báo chí Pháp hôm nay. Về AUKUS, theo Le
Figaro, các quốc gia châu Á và Thái Bình Dương nay buộc phải chọn phe giữa
Washington và Bắc Kinh. Sau loan báo bất ngờ của Joe Biden, Tập Cận Bình kêu gọi
« chống đế quốc », trong buổi khai mạc cuộc họp thượng đỉnh Tổ chức Hợp
tác Thượng Hải tại Tadjikistan.
Việc
này cho thấy AUKUS khiến Bắc Kinh lo sợ bị bao vây, đánh dấu một ngưỡng mới
trong việc ngăn chận Trung Quốc. Khi lần đầu tiên chấp nhận
chia sẻ công nghệ nguyên tử kể từ thời chiến tranh lạnh, Biden tạo niềm tin về
quyết tâm của Mỹ, trấn an những đồng minh châu Á đang thất vọng vì sự dè dặt của
Obama trước sự bành trướng trên Biển Đông của Tập Cận Bình.
Các đồng minh đang bị Bắc Kinh đe dọa như Nhật
Bản, Đài Loan lập tức hoan nghênh, Philippines cũng có phản ứng tích cực dù tổng
thống Duterte không ưa Mỹ. Hàn Quốc, đang có 28.000 quân Mỹ trú đóng, không muốn
khiêu khích Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, nhưng hài lòng vì AUKUS tăng cường khả
năng răn đe trên Biển Đông.
Chuyên gia Collin Koh ở Singapore nhận xét,
trước mắt « AUKUS không thay đổi cơ bản ván cờ an ninh khu vực,
vì dường như không phải là khúc dạo đầu cho một NATO Ấn Độ-Thái Bình
Dương ». Mỹ và Úc biết rằng nhiều nước ngần ngại trước ý định
này, đặc biệt là Đông Nam Á.
Indonesia, Malaysia lo ngại trở thành nạn nhân
liên đới trong một cuộc chiến tại Biển Đông, tuy nhiên theo ông Koh, các nước
Đông Nam Á vẫn sẽ tiếp đón các tàu ngầm Úc ghé cảng trong tương lai. Singapore ủng
hộ Mỹ tái cam kết tại Biển Đông, nhưng e ngại leo thang. Sự nhập nhằng này cũng
nhìn thấy tại Việt Nam : chính quyền hoan nghênh Hải quân Mỹ gia tăng hiện
diện ở Trường Sa, nhưng không muốn đối đầu trực diện với người láng giềng khổng
lồ Trung Quốc. Sự đi dây này mở ra cánh cửa cho các cường quốc xuất khẩu vũ khí
như Nga và cả Pháp.
Bộ Tứ được nâng tầm
do Trung Quốc xung đột với cả bốn thành viên
Le Figaro nhận
định « Với Quad, Biden tăng cường liên minh ở Thái Bình
Dương ». Thở ra nhẹ nhõm nhờ Pháp đã hòa dịu lại sau cuộc điện
đàm với Emmanuel Macron, hôm nay tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên tiếp đón
các nhà lãnh đạo của nhóm Bộ Tứ (Mỹ, Úc, Ấn, Nhật) tại Nhà Trắng. Sự kiện chính
của tuần này như vậy diễn ra tại Washington chứ không còn ở New York, nơi Pháp
đã lên tiếng, còn Trung Quốc lặng lẽ một cách đáng ngạc nhiên về AUKUS trên diễn
đàn Liên Hiệp Quốc.
Bộ Tứ được thành lập năm 2007 bên lề hội nghị
thượng đỉnh ASEAN ở Philippines, rồi bị quên lãng trong suốt 10 năm, rồi lại được
nhắc đến từ 2017. Hồi đó Vương Nghị coi thường liên minh này, nhưng nay theo cựu
thủ tướng Úc Kevin Rudd, nay « Bắc Kinh coi Bộ Tứ là một trong những
thách thức lớn nhất đối với tham vọng Trung Quốc trong những năm tới ».
Quad được ông Biden hôm thứ Ba 21/09 tại Liên
Hiệp Quốc xếp là ưu tiên thứ ba trong các liên minh, sau NATO và EU, là
« chiến mã » mới của Mỹ. Cho dù chưa có cơ cấu chính thức, bộ chỉ huy
quân sự thậm chí một hiệp ước hỗ tương, diễn đàn này là cần thiết trước sự bành
trướng của Trung Quốc. Dù ai cũng thận trọng không nêu đích danh Bắc Kinh,
nhưng ý đồ kiểm soát Biển Đông và xâm chiếm Đài Loan gây lo ngại một cuộc chiến
tranh thế giới lần thứ ba. Nhà nghiên cứu Michael Kugelman thuộc Wilson Center
khẳng định, không phải là tình cờ mà Bộ Tứ được quan tâm như vậy sau một thời
gian dài do dự : quan hệ giữa các thành viên với Trung Quốc chưa bao giờ tệ
hại đến thế.
Một công thức « Quad Plus » đưa ra từ
tháng Ba bổ sung thêm ba nước Việt Nam, New Zealand và Hàn Quốc. Pháp bị đứng
ngoài, nhưng thời gian tới có thể xích lại gần một « Quad » mở rộng
được đặt tên lại, trong trường hợp căng thẳng trầm trọng với Trung Quốc trên biển.
Tuy vậy, trục Pháp-Ấn có thể gây xích mích với Mỹ khi New Delhi muốn mua tàu ngầm
nguyên tử Suffren-Barracuda của Pháp.
Pháp-Mỹ có nhiều lợi
ích chung tại Ấn Độ-Thái Bình Dương
Nước Pháp liệu có thắng lợi sau cuộc khủng hoảng
ngoại giao với Hoa Kỳ ? Trả lời câu hỏi này của La Croix, giáo
sư Frédéric Charillon cho rằng đôi bên đều tìm cách xuống thang, để có được lối
thoát đúng mực, không bao giờ có việc Pháp giận dữ rút khỏi NATO, hay ngả về
phía Nga, Trung Quốc.
Trong vòng một tháng, chính quyền Biden đã gây
choáng váng với việc rút quân khỏi Afghanistan gợi nhớ đến hình ảnh Sài Gòn năm
1975, và gây khủng hoảng với một đồng minh lâu đời, từng căng thẳng về cuộc chiến
Irak năm 2003. Tuy nhiên, hai cường quốc này có nhiều lợi ích chung tại Ấn
Độ-Thái Bình Dương. Washington cần đến tất cả các đồng minh trong cuộc đối đầu
với Bắc Kinh. Là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, có lãnh hải rộng lớn với
7.000 quân nhân đồn trú và hai triệu dân, Pháp có vai trò tại Ấn Độ-Thái Bình
Dương. Paris cũng cần đến Mỹ để kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế mênh mông
tại khu vực.
Việc Hoa Kỳ nhìn nhận « tầm quan
trọng của quốc phòng châu Âu », « bổ sung cho NATO » chứng
tỏ ý định hòa giải, nhưng còn nhiều việc phải làm. Trở ngại không hẳn từ phía Mỹ,
mà quả bóng đang ở trên phần sân châu Âu. Hai mươi bảy nước EU chia rẽ về thứ tự
các mối đe dọa Nga hay Trung Quốc, về quan niệm quốc phòng chung châu Âu,
một số nước chịu ảnh hưởng nặng từ Matxcơva, số khác từ Bắc Kinh.
Úc chọn Washington
vì Bắc Kinh hà hiếp : Vụ Kabul không làm yếu đi sức mạnh Mỹ
Tác giả Alain Frachon trên Le Monde rút
ra ba bài học trong vụ tàu ngầm. Thứ nhất, « thất bại Kabul » không
làm yếu đi uy tín chiến lược của Hoa Kỳ. Sự ra đi vội vã không mấy vinh quang của
quân đội Mỹ ở Afghanistan và sự quay lại của Taliban vẫn không gây ấn tượng nhiều
nơi Úc. Trước một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến tại Thái Bình Dương, Canberra
đã chọn lựa đặt dưới sự bảo vệ của Mỹ, chứ không phải Pháp. Úc quyết định mua 8
tầu ngầm nguyên tử của Mỹ-Anh từ nay đến 2040, thay vì mua 12 chiếc Shortfin
Barracuda từ nay đến 2030.
Ngay cả trên thị trường vũ khí mà mọi chiêu
trò đều có thể được sử dụng, Canberra đã xử sự rất tệ với Pháp. Nhưng sự thô bạo
này không thể làm mờ đi ý nghĩa chiều sâu của vụ này. Đó không phải là vấn đề
chất lượng tàu ngầm, mà là một bước tiến dài trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung.
Sau Kabul, liên minh AUKUS khẳng định ưu tiên
chiến lược của Hoa Kỳ, đó là Trung Quốc. Úc vốn là đồng minh lâu đời, nay trở
thành đối tác thân cận của Mỹ. Một nhân tố tiền phương tại Châu Á-Thái Bình
Dương để chống lại ý đồ thống trị của Bắc Kinh trong khu vực, bất chấp nguy cơ
hạt nhân.
Bắc Kinh đã làm đủ mọi trò khiến Canberra phải
vội vã ngã vào vòng tay Washington. Trung Quốc liên tục quân sự hóa các đảo nhỏ
đã chiếm được bằng vũ lực ở Biển Đông, không ngừng dọ thám và gây ảnh hưởng lên
chính trường Úc. Để trả thù việc Úc dám đòi mở điều tra quốc tế về nguyên nhân
xảy ra đại dịch Covid, Trung Quốc tung ra một cuộc chiến tranh thương mại không
thương tiếc nhắm vào Úc. Sự
kiện đầy ý nghĩa : AUKUS được hoan nghênh khắp nơi ở châu Á, tại Tokyo,
New Delhi, Đài Bắc.
Bị Mỹ thờ ơ, châu
Âu cần một chính sách quốc phòng chung
Bài học thứ hai : Barack Obama, tổng thống
của « xoay trục » sang châu Á, vốn đã tương đối thờ ơ với châu Âu.
Donald Trump tỏ ra đối nghịch với châu Âu và ngờ vực sự hữu ích của NATO. Joe
Biden nói lời ngọt ngào với đồng minh, nhưng cách đối xử đáng ngờ, như vậy chủ
thuyết của Biden đối với châu Âu là « thô bạo », theo tác giả.
Hồi tháng Sáu, Biden buộc NATO, mà khu vực hoạt
động là Bắc Đại Tây Dương, phải đưa Trung Quốc vào trong số các quan ngại về an
ninh. Châu Âu ưng thuận, Đức, Pháp càu nhàu. Từ đó trở đi, lẽ ra Washington phải
thông báo cho NATO về dự án AUKUS, nhưng không, kế hoạch trong đó hai thành
viên NATO là Mỹ và Anh tham gia lại được tiến hành trong bí mật,
« đâm sau lưng » đồng minh Pháp. Có thể Luân Đôn vừa có ưu thế cùng
ngôn ngữ Anh, và lại từ chối Hoa Vi (Huawei), trong khi châu Âu không muốn đối
đầu trực diện.
Bài học thứ ba : AUKUS cho thấy chủ
trương quốc phòng châu Âu của tổng thống Emmanuel Macron là đúng đắn. Liên Hiệp
Châu Âu (EU) cần tự chủ tối thiểu về chiến lược, có phương tiện để đối phó với
các thủ đoạn của Putin, và hiện hữu trong một thế giới đã chia thành các khối.
Rút khỏi Việt Nam
và Afghanistan, không có nghĩa siêu cường Mỹ suy tàn
Tương tự, nhà sử học Anh Paul Kennedy khi trả
lời phỏng vấn của Le Figaro không đồng ý với nhận định của một
số nhà phân tích là siêu cường Mỹ đang suy tàn. Quyết định rút khỏi Afghanistan
của Joe Biden có thể coi là khôn ngoan, nếu nhờ đó mà Hoa Kỳ có thể tập trung
vào các khu vực quan trọng hơn, và củng cố các liên minh để đối phó với Trung
Quốc. Quân đội Mỹ có thể giảm bớt lục quân, để hiện đại hóa hải quân, không
quân và điều khiển học.
Bốn thập niên thế giới lưỡng cực khiến người
ta quen với việc đôi khi một cuộc gọi giữa Matxcơva và Washington có thể giải
quyết được vấn đề. Trong thế giới đa cực ngày nay, ngoại giao cần tinh tế hơn,
Hoa Kỳ phải quan tâm đến các thế lực khác như EU, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ hoặc
Nhật Bản.
Theo Paul Kennedy, thất bại ở những khu rừng
miền Nam Việt Nam hay trên những ngọn núi Afghanistan chỉ là thua trong những
cuộc phiêu lưu quân sự, không có nghĩa là mất đi vị trí siêu cường. Hoa Kỳ có
những nguồn lực khổng lồ, chưa kể vị trí địa lý vô cùng ưu đãi. Trung Quốc có
khoảng 11, 12 láng giềng, trong đó nhiều nước không mấy thuận thảo ; Nga
có 13 ông hàng xóm luôn nhìn mình bằng cặp mắt nghi ngờ ; còn Mỹ chỉ có
Canada và Mêhicô bên cạnh.
No comments:
Post a Comment