Nhà tư vấn phát triển cộng đồng
Thứ ba, 21/9/2021, 22:25 (GMT+7)
https://vnexpress.net/sao-ke-tu-thien-4359986.html
Tôi đã rất đau tim cho các nghệ sĩ khi thấy họ
ôm mấy trăm triệu tiền mặt đi từ xã này đến xã khác với lực lượng khá mỏng.
Hình ảnh làm tôi nhớ tới những đồng nghiệp từng
không được duyệt tham gia cứu trợ vì chưa qua các lớp tập huấn chuyên biệt cho
hoạt động cứu trợ nhân đạo theo tiêu chuẩn quốc tế.
Quy tắc đặt ra là, việc phát tiền mặt cần bao
gồm sự giám sát chặt chẽ trước, trong và sau chương trình cấp phát; quy trình
bình xét hộ hưởng lợi phải đảm bảo công khai, minh bạch và có sự tham gia của
người dân; có đủ yếu tố nhằm đảm bảo an toàn cho cả đoàn cứu trợ lẫn người được
nhận.
Làm việc lâu năm trong lĩnh vực phát triển cộng
đồng, tôi rất quan tâm về hiệu quả và tác động xã hội của hiện tượng kêu gọi từ
thiện mà nhiều nghệ sĩ đã thực hiện. Không thể phủ nhận giá trị khổng lồ của
các nguồn lực họ đã huy động được. Nhưng cũng vì thế, tôi đặc biệt băn khoăn về
cách phân phối và sự minh bạch thu chi.
Chúng tôi phải tuân thủ nhiều quy định để đảm
bảo tính minh bạch trong hoạt động cứu trợ, từ thiện và phát triển cộng đồng.
Các cơ quan cấp tỉnh vài lần từ chối nhận tài trợ vì cho rằng chúng tôi yêu cầu
quá nhiều thủ tục tài chính. Nhiều đơn vị trong nước nhận dự án tài trợ từ
chúng tôi nhưng vẫn chia sẻ, để giám sát vài trăm triệu đồng sao mà phức tạp và
tốn công sức cán bộ thế, có khi hơn cả yêu cầu tài chính của nhà nước.
Những người thuộc các tổ chức phi lợi nhuận
(NPO) và phi chính phủ (NGO) như chúng tôi cũng phải động viên nhau ráng tuân
thủ các quy trình kiểm soát nội bộ cũng phức tạp và chặt chẽ. Một số trường hợp,
thời gian để làm công tác chuyên môn là triển khai và kiểm soát chất lượng
chương trình còn ít hơn thời gian kiểm soát và theo dõi ngân sách. Đau khổ nhất
là những anh chị mới chuyển từ lĩnh vực dịch vụ hay kinh doanh sang phát triển
cộng đồng hoặc các em trẻ vừa bắt đầu công việc, họ phải rất vất vả để làm quen
với các loại biểu mẫu, quy trình và hệ thống theo dõi nguồn tài trợ.
Phải như vậy vì chúng tôi có trách nhiệm giải
trình với nhà tài trợ, cơ quan quản lý, đối tác và cả người thụ hưởng từ các dự
án tại cộng đồng về cách mà mình chi tiêu tiền tài trợ.
Năm 2015, tổ chức của tôi đã từ chối một nhà
tài trợ rất lớn tại Pháp vì họ vướng vào các cuộc điều tra ở nhiều quốc gia
liên quan đến hối lộ và tham nhũng. Dù rất tiếc khoản tài trợ, chúng tôi đã chấp
nhận để giữ được cam kết về chống tham nhũng, gian lận, hối lộ và rửa tiền. Điều
đó làm nên uy tín và sự chuyên nghiệp của một tổ chức xã hội, không chỉ minh bạch
các khoản chi mà cả nguồn gốc số tiền nhận được.
Việt Nam có gần 450 tổ chức NGO và gần 500 tổ
chức NPO đang hoạt động hợp pháp. Lĩnh vực hoạt động của họ đa dạng, từ cứu trợ
khẩn cấp đến phát triển bền vững về y tế, giáo dục, môi trường, bảo tồn rừng
hay động vật hoang dã, phát triển về sinh kế cho đến quyền của những nhóm yếu
thế trong xã hội.
Các tổ chức hầu hết có đội ngũ quản lý và nhân
viên được đào tạo về chuyên môn trong lĩnh vực họ cam kết phục vụ. Nếu như hoạt
động từ thiện của các cá nhân, đoàn thể tự phát được xem là tùy tâm, thì đối với
các tổ chức chuyên nghiệp, đó là công việc được trả lương để làm. Để được cấp
phép làm dự án ở từng địa phương, họ phải chuẩn bị chi tiết về kế hoạch hoạt động,
nguồn ngân sách phân bổ, khung đo lường và kiểm soát chất lượng rất cụ thể bằng
các bộ hồ sơ dày cộm.
Những tranh luận về bảng sao kê tiền quyên góp
của giới nghệ sĩ vừa qua chỉ mới phản ánh được phần nào sự lăn tăn về nguồn thu
đầu vào của các hoạt động thiện nguyện cá nhân chứ chưa trả lời được câu hỏi rằng
hiệu quả và tính đúng mục đích như kêu gọi tài trợ ban đầu hay chưa.
Nghị định 64/2008 của chính phủ đã quy định về
việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ
trợ nhân dân. Tuy nhiên, việc giám sát những hoạt động này chưa được chặt chẽ
khiến nhiều nghệ sĩ có phần coi nhẹ minh bạch thu chi hoặc chỉ thực hiện sơ sài
khi được yêu cầu.
Trong ba tầng của công tác phát triển cộng đồng,
tầng đầu tiên là các hoạt động cứu trợ, từ thiện; tầng hai là hướng đến xây dựng
nội lực cho cộng đồng để từng bước vượt qua vấn đề của chính họ; tầng ba là vận
động để chính phủ ban hành quy định nhằm tạo nền tảng chính sách hỗ trợ thực
thi các giải pháp cộng đồng đã được kiểm chứng.
Chúng tôi hay gọi tầng một là cho con cá, tầng
hai là cho cần câu. Nguồn tiền các nghệ sĩ huy động được hầu hết đã phân bổ vào
tầng một của quy trình phát triển đó. Trong khi nếu được sử dụng hiệu quả vào tầng
hai và tầng ba, chúng có thể đem lại kết quả tích cực lâu dài.
Tôi chia sẻ điều này không phải để nhà hảo tâm
hay nghệ sĩ phải chùn bước trước khi làm từ thiện vì phức tạp quá. Tôi cũng đề
xuất các anh chị nghệ sĩ, những người thực sự có tâm với cộng đồng vẫn nên tiếp
tục thế mạnh gây quỹ của mình. Văn hóa Việt Nam vốn duy tình. Hãy để người dân
được tự do chọn nơi trao gửi niềm tin, miễn là họ không bị phụ.
Nghệ sĩ có thể cân nhắc kết hợp ngay từ đầu với
các tổ chức chuyên nghiệp, trở thành đại sứ cho những chiến dịch cứu trợ, giúp
tăng cường khả năng huy động nguồn lực. Hoặc họ tự kêu gọi, nhưng sau đó tham
khảo hướng dẫn từ các tổ chức chuyên nghiệp để triển khai hoạt động cứu trợ
nhân đạo, dự án phục hồi bền vững và tuân thủ minh bạch tài chính.
Niềm tin của tôi là ai làm tốt việc gì hãy để
họ được làm công việc đó. Đây cũng chính là cách phát triển cộng đồng dựa vào sự
phối hợp hiệu quả giữa các nguồn lực xã hội.
Nguyễn Hoàng Khánh Tiên
No comments:
Post a Comment