Liên minh AUKUS và chiến lược Thái Bình Dương mới của Mỹ
Hiếu
Chân/Người Việt
September 17, 2021
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/lien-minh-aukus-va-chien-luoc-thai-binh-duong-moi-cua-my/
Tổng Thống Joe Biden vừa đi thêm một bước dài
trong việc thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và
Tây Thái Bình Dương, làm cho Bắc Kinh hết sức tức giận; nhưng đồng thời cũng
gây bất hòa với một số đồng minh của Mỹ.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/09/A1-Lien-minh-AUKUS-1-1068x792.jpg
Tàu ngầm nguyên tử
lớp Astute của Hải Quân Anh. (Hình: BAE Systems via Getty Images)
Hôm Thứ Tư, 15 Tháng Chín, ông Biden cùng với
Thủ Tướng Anh Boris Johnson và Thủ Tướng Úc Scott Morrison chính thức công bố
thành lập một liên minh quân sự giữa Mỹ, Anh và Úc, gọi tắt là AUKUS, kết nối nền
tảng quốc phòng của ba nước ở ba châu lục nhưng cùng sử dụng tiếng Anh làm ngôn
ngữ chính và đa số dân chúng có gốc gác là người Anglo-Saxon từ Châu Âu.
Về mặt lịch sử, AUKUS sẽ là liên minh quân sự
đa phương đầu tiên ở khu vực Đông Á kể từ năm 1977, sau khi khối Liên Phòng
Đông Nam Á (Southeast Asia Treaty Organization – SEATO) giải tán vào Tháng Sáu
năm đó. Nếu như SEATO, thành lập năm 1954, là một liên minh quốc phòng theo mô
hình Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có nhiệm vụ ngăn chặn làn sóng đỏ từ
Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á thì AUKUS hiện nay cũng sẽ có nhiệm vụ tương tự,
dù trong tuyên bố thành lập liên minh, cả ba nhà lãnh đạo đều không nhắc tới
Trung Quốc.
Mục tiêu ngắn hạn của liên minh AUKUS là hỗ trợ
công nghệ trong vòng 18 tháng tới để giúp Úc đóng tàu ngầm tấn công hạt nhân –
một loại bệ phóng vũ khí tàng hình, hoạt động dưới đáy biển vào thời điểm các
tàu chiến nổi trên mặt nước ngày càng dễ bị Trung Quốc tấn công bằng hỏa tiễn
chống hạm. Một giới chức chính quyền Mỹ cho biết Úc có thể xây dựng tới một chục
tàu ngầm như vậy trong vòng hai thập niên tới.
So với tàu ngầm chạy bằng dầu diesel hoặc điện
năng thông thường, tàu ngầm nguyên tử có thời gian hoạt động gần như không giới
hạn, tầm hoạt động xa hơn và quan trọng nhất là rất khó bị phát hiện. Hiện trên
thế giới chỉ có sáu quốc gia có đội tàu ngầm nguyên tử mà Trung Quốc là một. Hải
Quân Hoa Kỳ đã phải bố trí ba tàu ngầm nguyên tử mạnh nhất của mình ở Guam để
canh phòng hoạt động của đội tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc. Các tàu ngầm chạy bằng
năng lượng nguyên tử mà Úc sẽ chế tạo theo công nghệ tối mật của Mỹ sẽ không được
trang bị vũ khí nguyên tử, nhưng như vậy cũng đủ làm thay đổi cán cân sức mạnh
Hải Quân của khu vực. Đội tàu ngầm nguyên tử mới sẽ giúp Canberra tự tin hơn
khi tham gia các chiến dịch bảo vệ tự do hải hành ở Biển Đông – nơi phần lớn
hàng hóa xuất nhập cảng của Úc đi qua và Trung Quốc đòi chủ quyền một cách phi
pháp.
Về lâu dài, ngoài dự án tàu ngầm nguyên tử, hợp
tác quốc phòng của ba nước AUKUS sẽ được mở rộng để bao gồm một loạt các công
nghệ quân sự mới, bao gồm trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, hỏa tiễn siêu
thanh, vũ khí mạng và các hệ thống ngầm dưới biển mới.
Tại sao AUKUS?
Trong ba nước AUKUS, Úc là nước có tiềm lực
quân sự yếu nhất và cũng là nước đang bị Trung Quốc chèn ép nặng nề. Vì thế, một
số chiến lược gia của Úc đánh giá liên minh AUKUS là một chuyển biến quan trọng.
Giáo Sư Hugh White, cựu giới chức quốc phòng và hiện giảng dạy tại Đại Học Quốc
Gia Úc, nhận định: “Quyết định của Úc đi theo hướng này không chỉ là quyết định
sắm tàu ngầm nguyên tử. Đây là quyết định làm sâu sắc và củng cố mối liên minh
chiến lược với Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc. Nó làm sâu sắc thêm nhận thức rằng
chúng ta đang có một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới ở Châu Á và Úc đánh cược rằng
trong cuộc Chiến Tranh Lạnh mới này, Hoa Kỳ sẽ là người chiến thắng.”
Nước Anh sau khi rời khỏi Liên Minh Châu Âu,
đã bắt đầu tìm lại vị thế toàn cầu của mình trong chương trình Global Britain,
trong đó Châu Á-Thái Bình Dương là một tâm điểm chú ý. Đội tác chiến hàng không
mẫu hạm mới của Anh, HMS Queen Elizabeth cùng các chiến hạm tháp tùng, đang có
mặt tại Tây Thái Bình Dương là biểu hiện cho sự “xoay trục” của Anh sang Đông
Á.
Với Hoa Kỳ, liên minh AUKUS là một minh chứng
cho đường lối đối ngoại của chính quyền Biden: hợp tác với đồng minh để đối phó
với Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ
và có phương tiện để buộc Trung Quốc phải trả giá nếu tiếp tục đe dọa và chèn
ép các nước nhỏ một cách độc đoán và phi pháp.
Về liên minh AUKUS, Tổng Thống Biden nói: “Đây
là đầu tư vào các liên minh – nguồn sức mạnh lớn nhất của chúng ta; và nâng cấp
cho họ để đối phó tốt hơn các mối đe dọa của hôm nay và ngày mai… Đây là kết nối
các đồng minh và đối tác hiện có của Mỹ theo những cách thức mới.”
Chính vì thế, Trung Quốc ngay lập tức cảm thấy
bị “chạm nọc.” Trong buổi họp báo thường kỳ hôm Thứ Năm, 16 Tháng Chín, tại Bắc
Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói
rằng hiệp định tàu ngầm sẽ “phá hủy trầm trọng hòa bình và ổn định của khu vực,
thúc đẩy chạy đua vũ trang và gây nguy hại cho các thỏa thuận quốc tế không phổ
biến vũ khí nguyên tử.” Ông Triệu cảnh báo ba nước AUKUS “hãy từ bỏ não trạng
Chiến Tranh Lạnh và lối suy nghĩ được ăn cả ngã về không. Đây là một hành vi
hoàn toàn vô trách nhiệm,” theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc.
Nhưng các đồng minh và đối tác của Mỹ không
nghĩ như vậy. Nhật về căn bản ủng hộ liên minh AUKUS. “Chúng tôi muốn làm việc
chặt chẽ với các đồng minh và các nước bạn bè nhằm hiện thực hóa tầm nhìn Ấn Độ-Thái
Bình Dương tự do và rộng mở,” ông Katsunobu Kato, chánh văn phòng Nội Các Nhật,
nói với báo chí tại Tokyo được Nikkei Asia dẫn lại.
Đài Loan lên tiếng hoan nghênh liên minh
AUKUS. Bà Joanne Ou, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan, nói trong cuộc họp
báo rằng Đài Loan chia sẻ những lợi ích chung với Mỹ, Úc và Anh, vì hòa bình và
ổn định ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Từ AUKUS tới QUAD
Tuy nhiên, động tác thành lập liên minh AUKUS
chỉ là bước mới nhất trong chiến lược của Mỹ ngăn chặn sự bành trướng của Trung
Quốc trong lĩnh vực kinh tế, quân sự và công nghệ. Trong tám tháng qua, chính
quyền Biden đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn cản Trung Quốc thâu tóm các công nghệ
chủ chốt, kể cả vật liệu và thiết bị trong ngành công nghiệp bán dẫn; vận động
các quốc gia tẩy chay tập đoàn Huawei; cung cấp vũ khí tân tiến cho Đài Loan và
lên án cuộc đàn áp của Trung Quốc ở Hồng Kông.
Trong tuần tới, Tổng Thống Biden sẽ đón tiếp
các nguyên thủ quốc gia trong nhóm “Bộ Tứ” (Quad) – một liên minh không chính
thức giữa Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ – tại Tòa Bạch Ốc, cho một hội nghị thượng đỉnh
trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo, bàn về một sách lược chung đối phó với
Trung Quốc.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/09/A1-Lien-minh-AUKUS-2-1068x712.jpg
Thủ Tướng Úc Scott
Morrison (trái) và Tổng Thống Mỹ Joe Biden trong lễ công bố AUKUS hôm 15 Tháng
Chín. (Hình: Brendan Smialowski/AFP via Getty Images)
Pháp tức giận vì mất
hợp đồng
Nhưng việc Hoa Kỳ tập trung vào các đồng minh ở
Châu Á qua liên minh AUKUS và cơ chế Quad cũng đang làm cho bạn bè và đối tác ở
Châu Âu không vừa lòng; đặc biệt là Pháp.
Hôm Thứ Năm, Pháp đã phản ứng giận dữ với
thông báo Mỹ và Anh giúp Úc chế tạo tàu ngầm nguyên tử, gọi đó là “một quyết định
đơn phương, tàn bạo và không đoán trước được.” Ngoại Trưởng Pháp Jean-Yves Le
Drian và Bộ Trưởng Các Lực Lượng Vũ Trang Pháp Florence Parly ra một thông cáo
chung, gọi “lựa chọn của Mỹ gạt sang bên một đồng minh Châu Âu, một đối tác như
Pháp… là một quyết định đáng tiếc, thể hiện sự thiếu nhất quán.” Thậm chí, ông
Le Drian còn lên án hành động của Hoa Kỳ và Úc như là “một nhát dao đâm sau
lưng đồng đội! Đó là việc không được làm giữa các đồng minh!”
Nỗi tức giận của ông Le Drian bắt nguồn từ
chuyện Pháp đã có một thỏa thuận cung cấp tàu ngầm chạy bằng dầu diesel thông
thường cho Úc trị giá $66 tỷ, ký kết năm 2016 dưới thời Thủ Tướng Malcolm
Turnbull. Thực tế, vì nhiều lý do, thỏa thuận tàu ngầm Pháp-Úc đã ngừng thực
thi dưới thời Thủ Tướng Morrison; hai bên chỉ còn tiếp tục giải quyết những vấn
đề pháp lý và thanh toán các khoản tồn đọng.
Nếu cho rằng, việc Úc tham gia liên minh AUKUS
và nhận hỗ trợ của Anh và Mỹ để chế tạo tàu ngầm nguyên tử là một hành động “phản
bội” Pháp thì không thật hợp lý. Trong cuộc họp báo chung với ông Biden và ông
Johnson, Thủ Tướng Morrison thậm chí còn không đề cập tới thỏa thuận cũ với
Pháp.
EU và con đường thứ
ba
Nhìn rộng ra toàn Châu Âu (EU) hiện đang có mối
bất đồng với Mỹ chung quanh cuộc rút quân khỏi Afghanistan. Các chính trị gia
EU trách người Mỹ đã không bàn bạc với họ về kế hoạch rút ra khỏi Afghanistan,
cũng như không phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức di tản kiều dân. Từ đó, nhiều
chính trị gia EU cho rằng châu lục này quá phụ thuộc vào sự bảo vệ an ninh của
Mỹ, luôn làm theo sự chỉ huy của người Mỹ một cách thụ động và bị Washington
coi thường. Đã có nhiều quan chức lên tiếng kêu gọi EU thiết lập cơ chế quốc
phòng riêng ngoài NATO, xây dựng lực lượng quân sự phản ứng nhanh riêng để tự
giải quyết những nhu cầu an ninh của chính mình.
Tuy vậy, trong quan hệ với Trung Quốc, EU – mà
cụ thể là hai nước lớn Pháp và Đức – đi theo con đường thỏa hiệp, cố gắng quan
hệ hữu hảo với Bắc Kinh để duy trì việc làm ăn thương mại với thị trường này
cũng như để thu hút nguồn vốn đầu tư của các công ty nhà nước Trung Quốc. Chính
sách đó của EU đã đôi lần xung đột với quan điểm của Hoa Kỳ, dẫn tới những vướng
mắc trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương. Việc EU không quyết liệt ngăn cản
tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc hoặc ký kết Hiệp Ước Đầu Tư Toàn Diện
với Bắc Kinh vào ngày cuối năm ngoái bất chấp yêu cầu đình hoãn của chính quyền
Biden lúc chuẩn bị nhậm chức đã để lại một ấn tượng không thoải mái ở
Washington.
Một ngày sau khi liên minh AUKUS được công bố,
hôm 16 Tháng Chín, Liên Minh Châu Âu đưa ra một thông cáo dài, gọi là “Chiến lược
của EU về hợp tác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương,” nói rằng EU sẽ theo đuổi “sự gắn bó
nhiều mặt với Trung Quốc,” sẽ hợp tác “trong những vấn đề lợi ích chung” đồng
thời chống lại “ở nơi nào có những bất đồng căn bản với Trung Quốc, chẳng hạn vấn
đề nhân quyền.” Lời lẽ của thông cáo phản ánh quan điểm của Tổng Thống Pháp
Emmanuel Macron, theo đó Pháp sẽ dẫn dắt Châu Âu đi vào “con đường thứ ba” giữa
hai đại cường, chứng tỏ một “Châu Âu độc lập về chiến lược,” hoạt động “bên cạnh
Mỹ và Trung Quốc.”
Thông cáo của EU không đề cập tới liên minh
AUKUS vừa được công bố, nhưng nếu như thỏa thuận liên minh này có một “phản ứng
phụ” thì đó là thúc đẩy EU tự thoát ra khỏi cái bóng của Mỹ để hành động như một
trụ cột trong trật tự thế giới tân tiến.
Ông Josep Borrell Fontelles, ủy viên về đối
ngoại của EU, nói rằng liên minh AUKUS củng cố nhu cầu của khối EU phải độc lập
hơn về chiến lược. “Tôi cho rằng một thỏa thuận như vậy [giữa Anh, Úc và Mỹ] chắc
chắn không được chuẩn bị trong một vài ngày; dù vậy, chúng ta vẫn không được
thông báo,” ông Borrell than phiền. Và đó là một bằng chứng nữa cho thấy EU cần
“tồn tại cho chính chúng ta, bởi vì người khác đã sống cho chính họ,” ông nói.
Gia tăng hợp tác quân sự ở Châu Á và kích
thích sự trưởng thành và độc lập của Châu Âu biết đâu cũng là một ý đồ chiến lược
của chính quyền Biden để chia sẻ bớt gánh nặng của Mỹ trong cuộc đối đầu với
các thể chế chuyên chế Nga và Trung Quốc. [qd]
No comments:
Post a Comment