Tuesday, September 14, 2021

“CHƯA THẤY QUAN TÀI CHƯA ĐỔ LỆ” (Mai Quang Hiền)

 


“CHƯA THẤY QUAN TÀI CHƯA ĐỔ LỆ”   

Mai Quang Hiền

11/09/2021  lúc 03:44 

https://www.facebook.com/hienmq.mai/posts/4580240991994746

 

Đó là thành ngữ chỉ tâm lý chủ quan của ai đó, đồng thời nó cũng chỉ ra vai trò của cái gọi là “trực quan sinh động”. Tâm lý chung của con người thường là khi nào “tận mắt nhìn thấy” mới biết sợ, còn chưa thấy thì chưa sao.

 

Phóng sự “Ranh Giới” đã vận dụng tốt thủ pháp này, kết quả nó đã gây một hiệu ứng rất mạnh. Đối với người làm nghề truyền thông, thì đó là một sự thành công. Nhưng trên bình diện xã hội thì rất cần phải đặt thêm các góc quay khác.

 

Ở góc máy riêng tôi, nói kiểu tếu táo thì: nhờ có bộ phim này thì nhiều người mới hiểu được sự tàn khốc của Covid. Có nghĩa là, những con số hàng triệu người chết trên thế giới, hàng nghìn người chết ở Việt Nam, hàng đoàn xe chở xác chờ thiêu, những container chứa xác đông lạnh… vẫn chưa “xi nhê” gì. Phải chờ khi có phim “Ranh Giới”, phải chờ xem rõ hình ảnh trên ti vi, thì người ta mới thấy nó tàn khốc, thì mới ào ào lên rằng đã hiểu ra cái này cái kia...

 

Câu hỏi đặt ra, nếu không có bộ phim ấy, thì chúng ta vẫn vô tư như chưa hề có cuộc chia ly?

 

Rõ ràng hiệu ứng của bộ phim đã mang lại cảm giác buồn, cảm giác thất bại (về mặt xã hội) nhiều hơn là những ý nghĩa của thông điệp. Buồn vì chúng ta đã quá thụ động trước truyền thông. Nếu người dân chỉ biết đến những gì mà truyền thông muốn cho mình biết, thì rõ ràng là một sự thất bại, ẩn chứa những rủi ro không hề nhỏ.

 

Một câu hỏi mở rộng, vậy thì những thứ mà chúng ta chưa được thấy, thì sao? Trong dịch bệnh này, có nhiều thứ mà ti vi quên không nói, nếu vì thế mà ta cũng không biết… thì đó là một điều đáng tiếc. Những người quá phụ thuộc vào “trực quan sinh động”, kiểu như cứ phải nhìn thấy, sờ thấy mới biết… thì thường là những người sống cảm tính, thiếu logic. Trên thực tế, không nhất thiết cứ phải trải qua rồi mới biết. Chỉ cần biết xâu chuỗi, suy luận thì cũng có thể nhận ra rất nhiều vấn đề để mà phòng bị. Chẳng hạn:

 

- Chưa cần phải đợi dịch về đến Việt Nam thì cũng có thể hiểu được dịch nó nguy hiểm thế nào, hệ thống y tế chúng ta đang thế nào, thiếu cái gì, cần chuẩn bị cái gì?…

 

- Chưa cần phải ở nhà trọ, cũng có thể suy ra được những khu nhà trọ, những khu ổ chuột... sẽ là nơi lây nhiễm rất mạnh. Thực tế đã chứng minh, người dân bị cấm ra đường mấy tháng rồi nhưng con số lây nhiễm vẫn không có xu hướng giảm.

 

- Chưa cần đi tiêm vaccin thì cũng đoán được rằng nếu không tổ chức tốt thì sẽ trở thành nơi phát tán covid.

 

- Chưa cần trải qua cuộc soát xét nào, thì cũng đoán biết rằng việc lập chốt kiểm tra giấy đi đường sẽ gây ùn ứ, gây nguy cơ lây nhiễm cao hơn.

 

- Chưa cần phải đi xin cấp giấy đi đường, cũng có thể đoán ra được sự rối loạn mà quy trình cấp giấy gây ra.

 

- Chưa cần kinh nghiệm bán tạp hóa, thì cũng có thể suy ra được rằng nếu cấm đi chợ vào ngày hôm sau, thì người dân sẽ đổ xô đi mua hàng vào ngày hôm trước.

 

- Chưa cần phải kinh doanh chuỗi, thì cũng đoán được hậu quả khi xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng.

 

- Chưa cần là shipper thì cũng phải hiểu được tầm quan trọng của việc lưu thông hàng hóa và sự phức tạp của logistic.

 

- Chưa cần là chuyên gia dịch tễ, cũng hiểu được nguy cơ lây nhiễm của người nông dân khi đi làm đồng là nhiều hay ít, có nên cấm hay không?

 

- Chưa cần phải là bác sĩ thì cũng nhận diện được nhóm lợi ích trong y tế nằm ở đâu.

 

- Chưa cần đi lĩnh trợ cấp thì cũng có thể đoán được bác tổ dân phố thể nào cũng đưa người nhà vào danh sách trợ cấp.

 

- Chưa cần kinh nghiệm đi phát hàng cứu trợ, thì cũng đoán được người ta sẽ kê khai khống kiểu gì.

 

- Chưa cần có kinh nghiệm kiểm toán thì cũng đoán được rằng cứu trợ bằng hàng hóa dễ ăn hơn là phát bằng tiền mặt.

 

....

 

Đấy, tóm lại, có rất nhiều thứ có thể suy ra được mà không cần phải đợi ti vi nói. Là người dân phải chủ động tư duy, phản biện, để tránh bị truyền thông dẫn dắt. Là lãnh đạo thì lại càng cần phải tư duy logic để ra quyết định, tránh phụ thuộc vào báo cáo của cấp dưới, và đừng đợi hậu quả xảy ra rồi mới rút kinh nghiệm. Lãnh đạo càng thông minh thì càng hạn chế các quyết sách cảm tính, tào lao...

 

Chứ nói như kiểu Tru Tổng Đốc, rằng “việc cấp giấy đi đường chưa có tiền lệ” để biện minh cho cái sự rối loạn… thì còn trông chờ gì nữa!

 

41 BÌNH LUẬN  




No comments: